“Bầu” Kiên tiết lộ thông tin không có trong tài liệu
Hôm nay (10/12), HĐXX Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Trong phần tranh tụng, Nguyễn Đức Kiên yêu cầu được đối chất với các thành viên HĐQT Ngân hàng ACB.
Trong ngày làm việc thứ 9, HĐXX dành nhiều thời gian cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên tự bào chữa. Được sự chấp thuận, Nguyễn Đức Kiên cầm giấy đọc đơn kháng cáo.
Về hành vi “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho hay, hoạt động của Ngân hàng ACB rất minh bạch, công khai. Không ai có quyền điều hành Ngân hàng ACB theo ý kiến chủ quan của cá nhân, hay một ý kiến có thể phủ quyết tất cả các ý kiến khác. Ngân hàng ACB không ai có quyền định hướng cho người khác khi đưa ra các quyết định.
Mặc dù bị cáo có vị trí rất cao ở Ngân hàng ACB, nhưng ở mỗi thời điểm khác nhau thì có vị trí khác nhau. “Với 5 năm làm Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, tôi chỉ là chỗ dựa cho anh em, chứ không tham gia vào quá trình ra các quyết định của Ngân hàng ACB”.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói, bản thân chỉ tham gia vào buổi họp ra nghị quyết cho nhân viên đi ủy thác vào gần cuối buổi, nhưng không đóng góp ý kiến. “Đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kiểm tra lại nội dung quy kết tôi nói có liên quan tới ủy thác tiền gửi. Xin HĐXX cho tôi được đối chất tại tòa với các thành viên HĐQT Ngân hàng ACB về việc, bị cáo có phát biểu, chỉ đạo gì liên quan đến ủy thác tiền gửi”.
Mặc dù vậy, bị cáo Nguyễn Đức Kiên vẫn một mực khẳng định Ngân hàng ACB không “lách” luật. Thời điểm ra quyết định uỷ thác không sai đối với các quy định của pháp luật.
“Khi Luật các Tổ chức Tín dụng 2010 có hiệu lực vào ngày 1/1/2011, Ngân hàng ACB tiếp tục cho ủy thác thì mới là sai. Không phải hôm nay đứng trước vành móng ngựa tôi mới nói các thành viên HĐQT Ngân hàng ACB sai, mà chúng tôi đã họp để bàn luận. Tôi cho rằng, việc tiếp tục ủy thác tiền gửi sau khi có quyết định dừng uỷ thác là sai. Tôi đã yêu cầu phải xem ai là người có trách nhiệm trong việc này”.
Video đang HOT
Nguyễn Đức Kiên khẳng định: “Tôi đã đề nghị kỷ luật kế toán trưởng và phải báo cáo trong đại hội cổ đông của Ngân hàng ACB”.
“Tôi xin tiết lộ thông tin không có trong bất kỳ tài liệu nào. Đó là tôi có đề nghị với anh Lý Xuân Hải rằng, nếu các anh sai, tôi xin dùng tiền cá nhân 718 tỉ để sửa cái sai này đi, đừng để vi phạm pháp luật. Nhưng anh Lý Xuân Hải không đồng ý với vì số tiền ấy quá lớn, muốn Ngân hàng ACB tự giải quyết” – bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, Ngân hàng ACB chưa thiệt hại khoản tiền 718 tỉ giao cho nhân viên đi uỷ thác vì đây là khoản phải thu, phải đòi với nhân viên ACB. 19 nhân viên này đã được khởi kiện tại 5 toà án khác nhau. Mặt khác, bản án lừa đảo chiếm đoạt với Huỳnh Thị Huyền Như vẫn chưa có hiệu lực nên có thể nói chưa mất.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục bào chữa cho mình về tội lừa đảo hơn 20 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát. Bị cáo nói, ngày 21/5/2012, hơn 20 triệu cổ phiếu này nằm ở đâu, có bị thế chấp không? Nó được quản lý ở sổ quản lý cổ đông của Thép Hòa Phát chứ không nằm ở Công ty ACBS. Ngày 21/5/2012, Hòa Phát đã là chủ sở hữu toàn bộ số cổ phiếu này kể cả có hay không có hợp đồng. Tài liệu này được thể hiện bằng chính văn bản trả lời của Hòa Phát.
Theo PetroTimes
Cần bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung
rao đổi với phóng viên sau phiên tòa sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên kết thúc trưa 9/6, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, việc điều tra, truy tố, xét xử, tuyên án đối với Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo trong vụ án cho thấy sự quyết tâm lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt với vụ án kinh tế, chức vụ có tính chất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Mặc dù tại phiên tòa, luật sư và các bị cáo đưa ra nhiều lý lẽ gỡ tội khác nhau song cơ quan bảo vệ pháp luật đã củng cố chứng cứ, lập luận chặt chẽ, đủ sức thuyết phục, do đó các tội danh cáo buộc là khách quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như Nguyễn Đức Kiên cần phải có bản án nghiêm khắc hơn.
Việc tuyên mức án 20 năm tù về tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (lừa đảo 264 tỉ đồng) là còn nhẹ bởi theo Điều 139 - BLHS, hành vi lừa đảo từ 500 triệu đồng trở lên, người phạm tội bị phạt 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Nguyễn Đức Kiên không chỉ gây hậu quả vật chất khi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng nói trên mà với các thủ đoạn tinh vi, gian xảo, bị cáo còn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng lòng tin của khách hàng trong lĩnh vực này.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB) lĩnh mức án cao nhất - tổng cộng 30 năm tù giam cho 4 tội danh truy tố.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định, đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, việc tuyên các bản án không chỉ trừng phạt đối tượng phạm tội mà còn nhằm răn đe, phòng ngừa chung, nhất là củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hết sức cam go, phức tạp.
- Theo dõi vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn gọi "bầu Kiên"), ông có nhận xét gì về tiến trình tố tụng của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án?
Đây là vụ án trọng điểm năm nay. Vụ án Nguyễn Đức Kiên rất nghiêm trọng, hoạt động, hành vi phạm tội tinh vi, liên quan đến chính sách pháp luật quản lý tài chính, tiền tệ, trong đó có nhiều quy định luật và văn bản dưới luật. Khi xem xét, định tội trong xét xử hình sự, đối với loại án kinh tế không chỉ đơn thuần các quy định trong BLHS mà còn liên quan quy định trong các văn bản pháp luật khác nữa. Trong quá trình theo dõi, tôi thấy các luật sư bào chữa cho bị cáo, họ tìm mọi cách gỡ tội, lật lại vấn đề. Nhưng cơ quan tố tụng đã dựa vào bằng chứng xác thực do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đưa ra, đủ cơ sở để buộc tội. Kết quả như đã tuyên, các tội danh truy tố, xét xử là đúng pháp luật. Trong bối cảnh hiện nay, nhân dân cả nước rất quan tâm việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, nếu vụ việc này không được làm rõ, không xử lý nghiêm minh sẽ làm giảm niềm tin trong quần chúng nhân dân về nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
- Quá trình xét xử, các luật sư đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, trong khi Nguyễn Đức Kiên và nhiều bị cáo quanh co không nhận tội. Trong dư luận cũng có những ý kiến trái chiều. Với tính chất phức tạp như vậy, ông đánh giá gì về chứng cứ kết tội của của cơ quan tiến hành tố tụng?
Trong vụ án này dù rất phức tạp, dư luận có những ý kiến khác nhau nhưng cơ quan tiến hành tố tụng đã đưa ra được các căn cứ pháp lý thuyết phục, đó là sự cố gắng lớn của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Tôi thấy rằng, các căn cứ kết tội là rất khách quan. Trong thời gian vừa rồi, có nhiều vụ án phức tạp như vụ Dương Chí Dũng, vụ Huyền Như, vụ Nguyễn Đức Kiên..., thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã thể hiện năng lực, trình độ cũng như bản lĩnh trước các ý kiến, dư luận đa chiều.
- Không ít luật sư phủ nhận cáo buộc của Viện, Tòa, cho rằng bị cáo vô tội?
Kể cả luật sư, họ có hiểu biết pháp luật nhưng vì họ là người bảo vệ cho thân chủ nên họ tìm mọi lý lẽ để bảo vệ, vì thế nhiều khi lập luận của họ thiếu khách quan, họ tìm cách gỡ tội chứ đâu tìm chứng cứ buộc tội. Trước các lý lẽ gỡ tội của luật sư, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có lập luận của mình, đảm bảo chắc chắn, dựa trên kết luận điều tra, cáo trạng của VKS cũng như quá trình xét xử tại tòa, đảm bảo khách quan.
- Đảm bảo yêu cầu pháp luật là nền tảng trong xét xử các vụ án, đặc biệt với vụ án có ảnh hưởng lớn tới dư luận như vụ Nguyễn Đức Kiên?
Đúng như vậy. Việc xem xét mức án cao nhất hay thấp nhất của khung hình phạt dựa vào nhiều yếu tố nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật, rồi về bối cảnh xã hội, khi loại tội phạm đó được xác định nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng thì khung hình phạt phải càng nghiêm khắc. Yêu cầu mấu chốt là yêu cầu pháp luật, phải đảm bảo chứng lý cụ thể.
- Có ý kiến cho rằng, việc truy tố, xét xử Nguyễn Đức Kiên với 4 tội danh là chặt chẽ về pháp lý nhưng mức án chưa đảm bảo nghiêm khắc. Chẳng hạn, với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỉ đồng và gây ảnh hưởng lớn về an ninh tài chính ngân hàng, cần phải có mức án nghiêm khắc hơn (tòa sơ thẩm chỉ tuyên 20 năm tù về tội danh này)?
Để đánh giá sát thực, như với số tiền chiếm đoạt đặc biệt nghiêm trọng thì phải cân nhắc để xử lý mức hình phạt cao, không những đảm bảo tính nghiêm khắc trong vụ án đó mà còn nhằm phòng ngừa, răn đe tội phạm nói chung. Sau này, khi mà Luật Tổ chức tòa án sửa đổi có hiệu lực theo tinh thần Hiến pháp mới, có vấn đề tổng kết kinh nghiệm xét xử với án lệ thì những hành vi, loại tội như thế này sẽ là mẫu, tiền lệ để cho các vụ án sau áp dụng khi có đủ cơ sở.
- Trong trường hợp này, VKSND tối cao có thể kháng nghị xét xử nghiêm minh hơn theo trình tự phúc thẩm?
Đúng rồi, đó là thẩm quyền của Viện Kiểm sát. VKS khi thấy mức án chưa thỏa đáng thì VKS có quyền kháng nghị tăng nặng hình phạt.
- Cùng việc điều tra, khám phá các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây, ông có đánh giá gì về vai trò cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương?
Theo quan sát của tôi, chúng ta đang tập trung xử lý các vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế, liên quan chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng đã có sự nỗ lực rất lớn. Khi pháp luật chúng ta quy định việc bồi thường Nhà nước, đương nhiên các cơ quan khi thi hành pháp luật đều phải thận trọng. Những vụ án lớn như thế này càng phải đảm bảo tính chặt chẽ về pháp lý, thận trọng, bởi nếu như để xảy ra oan, sai sẽ gây hậu quả lớn, từ trách nhiệm bồi thường Nhà nước đến các hậu quả khác. Cho nên, tôi thấy các vụ án phức tạp, nghiêm trọng như thế này đã được các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, làm rõ, xét xử, đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ cơ sở pháp lý, điều đó thể hiện sự cố gắng, quyết tâm lớn. Chúng ta mong muốn trong thời gian tới tiếp tục làm rõ, xử lý nghiêm ở các vụ án khác, điều đó sẽ củng cố niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
- Cảm ơn Tiến sĩ!
Theo Công An Nhân Dân
Bầu Kiên kêu oan cho đồng phạm để... gỡ tội cho mình Việc bị cáo Kiên kêu oan cho đồng phạm cũng là một cách để biện minh cho hành vi phạm tội của mình. Đồng phạm của Kiên không phạm tội thì sao Kiên có thể phạm tội(?). Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã diễn ra được sáu ngày. Trong số sáu bị cáo làm đơn kháng...