“Bầu” Kiên có gánh tội thay ai?
Việc bà Đặng Thị Ngọc Lan – vợ và bà Nguyễn Thúy Hương – em gái ruột của “bầu” Kiên thoát vòng lao lý, có nhiều nghi ngại rằng: Là do Kiên đã nhận hết, gánh hết tội.
Bầu Kiên sắp bị đưa ra xét xử như một trong những đại án lớn nhất của năm nay. Việc bà Đặng Thị Ngọc Lan – vợ và bà Nguyễn Thúy Hương – em gái ruột của “bầu” Kiên thoát vòng lao lý, có nhiều nghi ngại rằng: Là do Kiên đã nhận hết, gánh hết tội. 2 người phụ nữ này có “dấu chân” trong các phi vụ buôn bán vàng trái phép – một trong những tội trạng lớn nhất của Nguyễn Đức Kiên.
Vợ “bầu” Kiên, bà Đặng Ngọc Lan vốn là Tổng giám đốc Công ty B&B – nơi mà Nguyễn Đức Kiên đã dùng để thực hiện một loạt các hoạt động kinh doanh trái pháp luật của mình. Đặng Ngọc Lan đại diện Công ty B&B ký hợp đồng số 01-VGSHĐUT.08 ủy thác đầu tư kinh doanh vàng với Ngân hàng ACB với nội dung: Công ty B&B ủy thác cho Ngân hàng ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam theo chỉ thị bằng văn bản của Công ty B&B.
Công ty B&B thu được tổng số tiền lãi hơn 100 tỉ đồng từ việc thực hiện hợp đồng kinh doanh vàng với Ngân hàng ACB, theo chỉ đạo của Kiên, Đặng Ngọc Lan với tư cách là đại diện Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 010109/UTĐT với Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) và cùng với Kiên ký Phụ lục hợp đồng số 010109/UTĐT-PL 01 để chuyển cho Hương lần thứ nhất là hơn 78 tỉ đồng.
Sau đó Công ty B&B và Hương chỉ ký xác nhận khoản lợi nhuận với nhau là hơn 31 tỉ đồng. Thông qua việc ký hợp đồng này, Đặng Ngọc Lan đã giúp cho Nguyễn Đức Kiên chuyển số tiền lợi nhuận doanh nghiệp thu được là hơn 100 tỉ đồng sang cho cá nhân Nguyễn Thúy Hương. Qua đó đã giúp Kiên thực hiện hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền là 25 tỉ đồng.
Trong quá trình làm việc với cơ quan công an, bà Đặng Ngọc Lan khai: Lan có ký các hợp đồng ủy thác và phân chia lợi nhuận giữa Công ty B&B với Nguyễn Thúy Hương nhưng trong thời điểm ký hợp đồng này Lan đang chuẩn bị sinh con nên không biết gì về việc kinh doanh vàng của công ty B&B. Mọi việc kinh doanh của Công ty B&B đều do bầu Kiên chỉ đạo và trực tiếp thực hiện.
Việc bà Lan giúp Nguyễn Đức Kiên trốn 25 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tại công tyB&B của Đặng Ngọc Lan đã đủ yếu tố cấu thành tội Trốn thuế, quy định tại Điều 161 Bộ Luật hình sự, với vai trò đồng phạm giúp sức.
Thế nhưng, trong thời điểm ký hợp đồng này bà Lan đang nghỉ chuẩn bị sinh con nhỏ, không biết và không tham gia gì vào việc chỉ đạo hoạt động kinh doanh của công ty.
Cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng: Để đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật, cơ quan này đã quyết định không xử lý hình sự đối với Đặng Ngọc Lan.
Với bà Nguyễn Thúy Hương, em ruột của Nguyễn Đức Kiên cũng là cổ đông sáng lập Công ty B&B. Cá nhân Hương không được cấp phép kinh doanh vàng, đầu tư tài chính nhưng theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Thúy Hương đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, ký xác nhận khoản lợi nhuận.
Video đang HOT
Lợi nhuận này Hương không cho hạch toán vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2009 mà hạch toán vào năm 2010. Việc làm của Hương đã giúp Nguyễn Đức Kiên trốn hơn 25 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp tại công ty B&B.
Nguyễn Thúy Hương đã khai rõ với cơ quan công an: Hương không có kinh doanh gì nhưng theo chỉ đạo của Kiên, Hương có ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính và phụ lục hợp đồng với công ty B&B để chuyển lợi nhuận từ công ty B&B và Ngân hàng ACB do Kiên thực hiện.
Số tiền lợi nhuận thu được sau đó Hương đã chuyển lại cho Kiên sử dụng. Hành vi của Nguyễn Thúy Hương đã đủ yếu tố cấu thành tội Trốn thuế, quy định tại Điều 161 Bộ luật hình sự, với vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, Nguyễn Thúy Hương là em gái Kiên, là người ký hợp đồng theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, không biết và không tham gia gì vào việc kinh doanh, hưởng lợi cá nhân. Vì vậy, để đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật, cơ quan công an đã không đề nghị xử lý hình sự đối với Nguyễn Thúy Hương.
Có nhiều người vẫn nghi ngại rằng, chính “bầu” Kiên đã gánh tội thay vợ, thay em nhưng kỳ thực – nếu cơ quan công an không xem xét đến tính nhân đạo thì chắc chắn, vợ và em gái của Nguyễn Đức Kiên cũng khó có thể thoát khỏi vòng lao lý – kể cả là khi “bầu” Kiên nhận hết vào mình.
Theo H.C.T
Petrotimes
Bầu Kiên bị cáo buộc thao túng ngân hàng ACB như thế nào
Không chỉ bị chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng khi đem gửi ngân hàng khác, ACB còn thiệt hại gần 688 tỷ đồng trong thương vụ đầu tư cổ phiếu do ông Nguyễn Đức Kiên đạo diễn.
Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, 49 tuổi) là cổ đông của Ngân hàng ACB từ năm 1993. Ông cùng người thân sở hữu gần 938 triệu cổ phần, chiếm 9,03% vốn điều lệ, trong đó riêng ông là gần 3,8%.
Trong 9 năm (2003 - 2012), ông Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ACB và giữ chức Phó chủ tịch HĐQT trong 14 năm (1994 - 2008). Sau khi không tham gia HĐQT, ông lập Hội đồng sáng lập và làm phó chủ tịch. Hội đồng sáng lập có chức năng tư vấn cho HĐQT; thành viên Hội đồng sáng lập được tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT, được cung cấp đầy đủ tài liệu về hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Theo truy tố của VKSND Tối cao, với vai trò trên, bầu Kiên đã thao túng, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng ACB, làm thất thoát cả nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT triệu tập cuộc họp bàn phương án giảm tồn lượng tiền huy động từ dân cư để tránh thiệt hại cho ngân hàng, có sự tham gia Chủ tịch Hội đồng sáng lập là ông Nguyễn Mộng Hùng và bầu Kiên.
Tại cuộc họp, ông Hùng đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi để giảm áp lực bị lỗ khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được. Bầu Kiên không đồng ý với cách này, cho rằng không được làm giảm tổng tài sản của ACB.
Tổng giám đốc ACB là ông Lý Xuân Hải đề xuất phương án uỷ thác cho nhân viên mang tiền của ACB đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng thêm "hoa hồng" khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng nhận tiền gửi. Bầu Kiên ủng hộ phương án này.
Sau đó, các thành viên thường trực HĐQT gồm các ông Trần Xuân Giá (chủ tịch HĐQT), Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ (ba phó chủ tịch HĐQT), Lý Xuân Hải thống nhất cùng ký tên vào biên bản cuộc họp với nội dung: "Đồng ý uỷ thác cho các cá nhân để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng. Giao tổng giám đốc kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng... Uỷ quyền cho kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng uỷ thác".
Ngoài số tiền trên, từ ngày 26/1/2011 đến ngày 22/9/2011, ngân hàng ACB còn uỷ thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng với tổng số tiền hơn 28.300 tỷ đồng, trong đó lãi vượt trần hơn 243 tỷ đồng. Số tiền gửi đã thu lãi hơn 1.100 tỷ đồng và hơn 1,2 triệu USD. Tuy nhiên, hành vi này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do VKS xác định số tiền lãi vượt trần thu được ngân hàng đã hạch toán, trích nộp thuế theo quy định và nguồn tiền không bị thiệt hại.
Theo cáo buộc, từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011, Tổng giám đốc Hải chỉ đạo và uỷ quyền cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hoà uỷ thác gần 719 tỷ đồng cho 19 nhân viên để gửi tiết kiệm vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP HCM, thời hạn 3 đến 6 tháng với lãi suất ghi trong hợp đồng 14/%/năm, lãi suất thoả thuận ngoài hợp đồng từ 3,7% đến 13%/năm.
Tuy nhiên sau đó, gần 669 tỷ đồng do 17 nhân viên ACB gửi tại Vietinbank chi nhánh TP HCM và 50 tỷ đồng tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP HCM) sử dụng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt. Hành vi của Huyền Như hiện được tách riêng trong một vụ án khác.
Theo VKSND Tối cao, việc Thường trực HĐQT ACB ra Nghị quyết về việc uỷ thác gửi tiền tiết kiệm là vi phạm Điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 vì Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ uỷ thác.
Biệt thự của bầu Kiên ở phường Quảng An, quận Tây Hồ.
Ngoài hành vi trên, ngày 5/11/2009, thường trực HĐQT ACB ra thông báo với nội dung: "Giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lợi, Thường trực HĐQT chấp thuận cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho hội đồng đầu tư để mua một số ít cổ phiếu có giá trị tốt và tính thanh khoản cao. Thường trực HĐQT uỷ quyền cho ông Kiên chỉ đạo trực tiếp".
Thực hiện thông báo trên, bầu Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS (công ty chứng khoán do ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ) đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB và một số mã chứng khoán khác. Do có quy định công ty chứng khoán không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc góp vốn của công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ nên bầu Kiên chỉ đạo ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần đầu tư Á Châu - ACI (ông Kiên làm chủ tịch HĐQT) để mua cổ phiếu ACB.
Ngày 1/12/2009, Hội đồng đầu tư ACBS ký nghị quyết cho phép ACBS hợp tác với ACI để đầu tư cổ phiếu với trị giá tối thiểu là 2.000 tỷ đồng. Bầu Kiên đã ký phê duyệt với tư cách Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB. Tiếp đó, Hội đồng trên còn ký Nghị quyết cho phép ACBS ký hợp tác với Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội - ACI HN (cũng do ông Kiên làm Chủ tịch HĐQT) đầu tư cổ phiếu trị giá tối đa 700 tỷ đồng.
Để công ty ACBS có tiền mua cổ phiếu, theo chỉ đạo của "bầu" Kiên, ngân hàng ACB đã cho KienLongbank vay liên ngân hàng 1.000 tỷ đồng và cho Vietbank vay liên ngân hàng 500 tỷ đồng. Sau đó, KienLongbank và Vietbank cho công ty ACBS vay lại 1.500 tỷ đồng thông qua hình thức mua trái phiếu. Đến hạn thanh toán, công ty ACBS trả cho hai ngân hàng trên hơn 539 tỷ đồng. Sau đó, KienLongbank và Vietbank trả lãi cho ACB hơn 479 tỷ đồng. Theo cáo buộc của VKS, trong thương vụ trên, Ngân hàng ACB bị thiệt hại hơn 60 tỷ đồng.
Khi có được 1.500 tỷ đồng, hai công ty của bầu Kiên đứng tên mua gần 52 triệu cổ phiếu của ngân hàng ACB. Tháng 7/2010, Công ty kiểm toán PwC phát hiện việc hợp tác đầu tư cổ phiếu ACB là trái pháp luật nên yêu cầu ACBS phải loại bỏ số cổ phiếu ACB ra khỏi danh mục hợp tác đầu tư. Hai công ty của bầu Kiên phải trả tiền cho ACBS.
Để có tiền trả lại, ACB cho Vietbank vay liên ngân hàng gần 1.700 tỷ đồng với lãi suất từ 9,8% đến 11,7%/năm để ngân hàng này cho hai công ty của bầu Kiên vay lại dưới hình thức mua trái phiếu lãi suất 11,05% - 14,6%/năm. Theo tính toán của cơ quan công tố, việc vay qua lại này khiến ACB thất thoát gần 13 tỷ đồng do chênh lệch lãi suất.
Khi sai phạm bị phát hiện, hai công ty của bầu Kiên còn nợ Vietbank gần 1.200 tỷ đồng, đây cũng là số tiền Vietbank nợ của ACB. Trong khi đó, hai công ty này chỉ còn giữ số cổ phiếu của ACB trị giá hơn 578 tỷ đồng. Vì vậy, ACB chưa thu hồi được hơn 614 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền bị cáo buộc gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB trong thương vụ đầu tư cổ phiếu của ACB nêu trên là gần 688 tỷ đồng. 4 người liên quan trách nhiệm trong việc này là ông Kiên với tư cách Chủ tịch Hội đồng đầu tư của ACB cùng các thành viên của Hội đầu đầu tư Công ty ACBS gồm các ông: Lê Vũ Kỳ, Đỗ Minh Toàn (phó tổng giám đốc ACB, thành viên Hội đồng thành viên Công ty ACBS), Nguyễn Ngọc Chung (quyền tổng giám đốc Công ty TNHH chứng khoán ACB).
VKSND Tối cao còn xác định, việc ban hành chủ trương uỷ thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank của các ông Giá, Quang, Kỳ, Cang và Hải đã gây thiệt hại gần 719 tỷ đồng.
Ngoài việc thao túng ACB và bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Kiên còn bị cáo buộc đã trốn thuế, kinh doanh trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi giữ chức HĐQT của 6 công ty riêng do ông lập ra.
Riêng ông Cang được xác định, tại thời điểm năm 2010 khi Luật các tổ chức tín dụng chưa có hiệu lực thi hành, ông này đã có đơn xin từ nhiệm nên không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ông Toàn và Chung được xác định làm theo chỉ đạo của ông Kiên và Hội đồng đầu tư ACBS, thành khẩn khai báo nên cơ quan điều tra xét thấy chưa cần thiết phải xử lý hình sự, đề nghị HĐQT ACB xử lý hành chính.
Ông Giá, nguyên là cán bộ cao cấp của Nhà nước, có nhiều đóng góp trong công tác, hiện tuổi cao, sức khỏe yếu, VKSND Tối cao đề nghị tòa xem xét khi lượng hình.
VKSND Tối cao truy tố bầu Kiên về 4 tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định nhà nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép. Khung hình phạt truy tố cao nhất lên tới tù chung thân. Ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Lý Xuân Hải bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 4 ông Giá, Kỳ, Quang và Hải đều phải đối mặt với khung hình phạt truy tố cáo nhất lên tới 20 năm tù. Ông Trần Ngọc Thanh (giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Thanh và bà Yến đối diện khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Theo VNE
Bầu Kiên dùng thủ thuật "nuốt chửng" 25 tỷ đồng tiền thuế Sau khi công B&B do Kiên điều hành kinh doanh vàng trạng thái thu lãi trên 100 tỉ đồng, Kiên và các đồng phạm đã "diễn trò" kí hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính nhằm trốn thuế hơn 25 tỉ đồng. Nắm bắt được Nghị quyết, bầu Kiên chỉ đạo trốn thuế Theo tài liệu điều tra, ngày 8/1/2008, Nguyễn Đức...