Bầu Giáo hoàng: Những cú vận động hành lang
Tuy đức giáo hoàng chỉ là vị lãnh đạo tinh thần của các tín hữu công giáo, nhưng giáo hoàng vẫn có những ảnh hưởng đáng kể đến các vấn đề chính trị, xã hội và văn hóa trên thế giới. Bởi vậy ngay từ thời cổ đại, các vua chúa, các gia đình có thế lực luôn muốn nhúng tay vào việc bầu giáo hoàng.
Ít ai được biết những gì diễn ra thật sự trong các mật nghị hồng y tại nhà nguyện Sixtine. Chính thức mà nói trong không gian kín đáo đó, các hồng y chuyên tâm cầu nguyện Chúa Thánh thần soi sáng và tác động lên cuộc bầu cử để có được tân giáo hoàng đủ tài đủ đức.
Nhưng thực tế có thể không phải như những gì người ta được nghe nói đến lâu nay. Trong trả lời phỏng vấn Đài Euronews ngày 4/3, nhà báo Valerio Gigante của hãng thông tấn Ý Adista nhận định về cuộc mật nghị vừa khởi động tại Vatican: “Tôi nghĩ rằng có nhiều bất đồng trong cuộc mật nghị. Có những bất đồng liên quan đến quốc tịch của các đức hồng y – bất đồng này thường có lâu nay rồi – và có những chia rẽ giữa những người bảo thủ và những người cấp tiến. Cũng cần biết rằng những khuynh hướng địa chính trị, kinh tế và tài chính cũng đóng vai trò quan trọng. Thậm chí nó đã đóng vai trò then chốt trong quyết định thoái vị lần này của Đức giáo hoàng Benedict XVI”.
Một người tìm cách gỡ bỏ apphich ủng hộ Đức hồng y Peter Turkson của Ghana làm giáo hoàng tại Rome (ảnh chụp ngày 1/3) – Ảnh: Reuters
Lần lại lịch sử có nhiều câu chuyện khiến giáo hội đã phải đưa ra những quyết định cấp kỳ nhằm làm giảm các áp lực từ bên ngoài.
Ba lần làm giáo hoàng
Benedict IX là giáo hoàng được liệt kê ở vị trí thứ 145, 147, 150 trong khoảng thời gian từ năm 1032-1048. Ông được bầu làm giáo hoàng ba lần nhưng có hai lần bị ép rời ngôi và một lần thoái vị. Trong thời đại khủng hoảng này có lúc tới ba giáo hoàng là Benedict IX, Silvester III và Gregory VI cùng cầm quyền.
Khi Đức giáo hoàng John XIX qua đời (ngày 20/10/1032), Alberic III, một bá tước có thế giá ở Rome dùng thế lực để đưa con trai mình – Theophylactus of Tusculum – lên ghế Giáo hoàng. Ông trở thành người trẻ nhất được làm giáo hoàng, lấy tông hiệu là Benedict IX. Theo sách Catholic Encyclopedia, Benedict IX đứng đầu giáo hội ở lứa tuổi 18-20 nhưng theo một truyền thuyết do Raoul Glaber thuật lại (Histoires, IV, 5), Ngài lên ngôi lần đầu khi mới 12 tuổi và được chịu tất cả các chức thánh chỉ trong một ngày.
Sau đó Ngài bị phế truất (năm 1044) trong một cuộc nổi dậy do dòng tộc Tusculum lãnh đạo rồi đưa lên ngụy giáo hoàng Silvestrer III. Sau đó mấy tháng, Benedict IX chiếm lại được Rome và trở thành giáo hoàng lần hai tháng 4/1045.
Nhưng thương thay, Ngài chỉ là một con chốt trong các áp phe chính trị ở Rome của các gia đình quý tộc. Chỉ 20 ngày sau, Ngài phải thoái vị để cho ngụy giáo hoàng Gregory VI lên thay thế. Đổi lại, Benedict IX nhận được một số tiền lớn dành bồi thường cho dòng họ Tusculum.
Sau đó dòng họ Tusculum lại đưa Ngài lên ngôi giáo hoàng lần thứ 3 vào năm 1047. Rồi Ngài buộc phải từ chức, trốn khỏi Rome năm 1048 vì hoàng đế không công nhận, Đức Damase II được đưa lên thay thế Ngài. Tiếp theo, vì từ chối trả lời những chất vấn cáo buộc Ngài đã buôn bán chức vị, Ngài bị rút phép thông công, nghĩa là loại ra khỏi Giáo hội Công giáo.
Video đang HOT
Ảnh hưởng của các vua chúa đối với các giáo hoàng vẫn tiếp tục cho đến thời Đức giáo hoàng Alexander III. Năm 1179, Ngài đã quyết định kể từ đây, quyền bầu giáo hoàng chỉ dành riêng cho các hồng y, cấm sự can thiệp của các chức sắc khác cũng như của giáo dân.
Ảnh hưởng từ truyền thông
Các hồng y luôn phải đối mặt với rất nhiều sức ép, trên từng cá nhân hoặc cả hồng y đoàn. Những sức ép này nhằm lôi kéo quyết định của các hồng y theo suy nghĩ trần tục, có chiều hướng chính trị nhằm làm cho các hồng y quên đi chiều hướng linh thiêng của cuộc bầu cử người lãnh đạo.
Ngày nay, các thế lực chính trị của các quốc gia không thể công khai tạo các áp lực trên các hồng y nữa, nhưng vẫn có một phương cách khác vô cùng hữu hiệu là… truyền thông. Bằng nhiều ngỏ khác nhau, một số tài liệu liên quan đến đời tư, sự nghiệp của các ứng viên giáo hoàng sẽ đến được với các tòa soạn đang đói tin hấp dẫn và thế là cứ tuồn tuột tung hê ra công luận.
Giới truyền thông còn tổ chức các cuộc thăm dò dư luận, các ý kiến và các bài bình luận của các chuyên gia được đăng đầy rẫy trên các báo và trên mạng. Bên ngoài tòa thánh, không thiếu những cuộc biểu tình, bôi nhọ, chống đối các hồng y, thậm chí có cả những cuộc vận động tranh cử của các “fan” cho một vài hồng y mà họ yêu mến. Bấy nhiêu cũng là nguồn tin quá hấp dẫn cho báo giới.
Như vừa rồi, ngày 21/2, một tuần trước khi Đức giáo hoàng Benedict XVI chính thức ra đi, tờ nhật báo của Ý La Repubblica mập mờ đưa tin về chuyện quan hệ đồng tính trong kết quả cuộc điều tra vụ Vatileaks có liên hệ đến quyết định từ chức của Đức Benedict XVI. Tuy nhiên, ngay hôm sau, linh mục Federico Lombardi, người phát ngôn của Vatican, đã lên tiếng phủ nhận thông tin của tờ La Repubblica và chỉ trích mạnh mẽ: “Bất cứ ai đặt tiền, tình dục và quyền lực đi đầu trong tâm trí đều nhìn thế giới thông qua các tiêu chí này và họ không thể nhìn thấy gì xa hơn, ngay cả khi nhìn vào tòa thánh”.
Cũng nên nhắc lại vụ Vatileaks vào tháng 5/2012 về việc rò rỉ các tài liệu và các thư từ của Đức giáo hoàng. Sau đó, người quản gia, Paolo Gabriele của Ngài đã bị bắt giữ vì đã đánh cắp và tuồn các tài liệu tuyệt mật của Vatican ra ngoài, trong đó mô tả Vatican như một nơi “sôi sục những âm mưu và đấu đá nội bộ”.
Giáo hội Công giáo là một thực thể vừa có tính hữu hình và vô hình, là giáo hội của Chúa được dẫn dắt bởi Chúa Thánh thần, nhưng lại do những con người bằng da bằng thịt trực tiếp lãnh đạo, đó là các linh mục, giám mục, hồng y và giáo hoàng. Các vị này đã tận hiến đời mình cho Chúa, được đào tạo rất bài bản, và mang trọng trách “chăn dắt các đoàn chiên”.
Tuy nhiên như chúng ta thấy, bởi vì sống giữa thế gian cho nên cũng có khi các ngài phần nào bị tác động bởi những cú vận động hành lang chính trị, phe phái bè nhóm. Bởi thế cho nên làm một linh mục tốt đã là khó, làm giáo hoàng còn khó khăn gấp bội phần…
Sức mạnh của quyền phủ quyết
Cho đến thời hiện đại thì ảnh hưởng của thế quyền lên các cuộc bầu giáo hoàng cũng vẫn còn rõ nét. Các nước lớn ở châu Âu đã không thể can thiệp trực tiếp vào mật nghị nhưng họ lại sử dụng quyền phủ quyết (veto) để loại bỏ những ứng viên mà họ cho là bất lợi. Quyền này đã được Giáo hội Công giáo chấp nhận cho các vua của các nước Pháp, Đức, Áo và Tây Ban Nha, kể từ thế kỷ 16, được quyền phủ quyết để loại bỏ các ứng viên giáo hoàng nếu họ không thích. Và rất nhiều ứng viên giáo hoàng có thế giá đã bị loại trừ khỏi mật nghị.
Quyền này được áp dụng lần cuối vào năm 1903, khi đó 62 vị hông y họp để bầu ra người kế vị Đức Leo XIII. Đây là cuộc bầu giáo hoàng cuối cùng có thế quyền ảnh hưởng vào. Vua nước Áo đã dùng quyền veto này loại trừ một ứng cử viên rất vượt trôi là hồng y Mariano Rampolla. Sau này người ta không biết rõ ràng hông y Rampolla có phải là người mà các vị hông y khác chọn làm giáo hoàng hay không. Thế nhưng trong cuộc bầu này, hông y Giuseppe Sarto đã trở thành giáo hoàng Pius X. Thời gian mật nghị họp bâu là bốn ngày. Sau khi lên ngôi giáo hoàng, việc đầu tiên vị giáo hoàng này làm là viết một sắc lệnh hủy bỏ đặc quyền “veto” của các vua.
Theo 24h
Giáo hoàng được bầu chọn như thế nào?
Trong tuần lễ thứ nhất đầu tháng 3 này, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, 79 tuổi, tổng giám mục Giáo phận TP.HCM, sẽ lên đường sang Roma để tham dự Mật nghị Hồng y. Năm 2005, Đức Hồng y Mẫn từng tham gia bỏ phiếu để bầu ra Giáo hoàng Benedict XVI vừa từ nhiệm.
Theo thông tin chính thức cho đến hôm nay, Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn sẽ là một trong 115 Hồng y bước vào Mật nghị. Lá phiếu của các vị này sẽ bầu lên vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo. Trên lý thuyết, tất cả những người Công giáo là nam giới, còn độc thân và không bị ngăn trở bởi Giáo luật đều có thể được bầu chọn làm Giáo hoàng, nhưng trong thực tế chỉ các Hồng y mới có cơ hội để trở thành Giáo hoàng.
Cuộc bầu chọn kín
Từ Cardinalis trong tiếng Latin có nghĩa là "yếu tố then chốt, thuộc bản chất" được dịch ra tiếng Việt thành Hồng y (người mặc áo đỏ, vì phẩm phục của các Hồng y có màu đỏ) để chỉ những vị giáo sĩ cao cấp nhất trong Giáo hội Công giáo, "trội vượt về đạo lý, tác phong, đạo đức và khôn ngoan", chỉ đứng sau Đức Giáo hoàng, được chính Đức Giáo hoàng vinh thăng và là cố vấn thân cận của Ngài. Các Hồng y còn được gọi là hoàng tử của Giáo hội, vì theo truyền thống La Mã, chính các hoàng tử sẽ bầu chọn vị thủ lĩnh của mình là Hoàng đế La Mã.
Tổng số các Hồng y hiện nay là 183 vị thuộc 66 quốc gia trên thế giới, có 117 vị dưới 80 tuổi nhưng chỉ có 115 vị sẽ tham dự Mật nghị để bầu Giáo hoàng, chia ra như sau: 57 vị ở châu Âu, 21 vị ở châu Mỹ Latin, 14 vị ở Bắc Mỹ, 11 vị ở châu Phi, 10 vị ở châu Á và 2 vị ở châu Úc.
Các cuộc bầu chọn Giáo hoàng chỉ được gọi là Mật nghị (conclave, nguyên ngữ Latin có nghĩa là "với chìa khóa") bắt đầu từ năm 1274, thời Đức Giáo hoàng Gregory X. Nguyên nhân là trước đó, vào năm 1268 tại thành Viterbo, đã diễn ra cuộc bầu Giáo hoàng kéo dài gần ba năm.
Trước khi chính thức khai mạc Mật nghị, tất cả các Hồng y, kể cả những vị trên 80 tuổi, sẽ có một số ngày gặp gỡ, hội họp trước để nói về tương lai của Giáo hội, bàn bạc với nhau về các ứng viên có tiềm năng cũng như những thách thức mà Giáo hội đang phải đối mặt và ai sẽ là người phù hợp nhất để giải quyết những thách thức đó. Có thể coi những cuộc hội họp này là một cách thức để các Hồng y tìm hiểu kỹ hơn về nhau để có sự lựa chọn tốt nhất.
Giới truyền thông đeo bám hằng ngày ở trước cổng vào Vatican ở Roma. Đức hồng y Manuel Monteiro de Castro của Bồ Đào Nha bị "vây" ngày 4-3 khi về đây dự Mật nghị - Ảnh: Reuters
Các sử gia kể lại, mất khoảng 2 năm 9 tháng mà các Hồng y vẫn chưa thể bầu được Giáo hoàng mới, chính quyền Roma và dân chúng đã khóa kín nơi hội họp của các Hồng y, gỡ bỏ mái tôn của các phòng họp. Sau đó một thời gian nữa vẫn không có kết quả, thế là họ tiếp tục giảm phần ăn, chỉ cung cấp bánh mì và nước lã cho các vị mà thôi. Cuối cùng thì vào tháng 9/1271, Đức Giáo hoàng Gregory X mới được bầu lên.
Rút kinh nghiệm từ sự việc này, sau khi lên ngôi Giáo hoàng, Ngài đã thiết lập Mật nghị, quy định nơi hội họp của các Hồng y phải được đóng kín, theo truyền thống diễn ra tại nhà nguyện Sixtine, và Ngài nhấn mạnh đến việc giữ kín tất cả những gì đã xảy ra cho tới khi bầu được Giáo hoàng mới. Việc đóng kín của Mật nghị còn có một ý nghĩa nữa là tránh được sự can thiệp mang tính chính trị từ bên ngoài, vì thông thường các cường quốc thường hay gây áp lực cách này cách khác để đưa lên vị Giáo hoàng mà họ thích.
Ba thể thức bầu chọn
Lịch sử cho biết trong các cuộc bầu chọn Giáo hoàng, có ba thể thức từng được áp dụng: Thứ nhất là "Tung hô", một vị có thế giá nào đó xướng tên người mà mình muốn chọn, rồi nếu đa số cùng đồng thuận tung hô, coi như vị đó được bầu. Thứ hai là "ủy quyền", các Hồng y ủy quyền cho một ủy ban khoảng 9-15 Hồng y và hứa sẽ tuân phục kết quả do ủy ban này chọn ra. Nhưng cả hai cách này đã không còn được áp dụng kể từ cuối thế kỷ 14.
Thể thức thứ ba, cũng là thể thức duy nhất hiện nay, chính là bỏ phiếu kín. Các vị Hồng y sẽ viết tên người mình muốn bầu vào trong một lá phiếu có in hàng chữ Latin "Eligo in summo Pontifice" (Tôi xin bầu lên chức vị Giáo hoàng), gấp lá phiếu lại làm bốn, giơ cao lên và từng vị đặt trên chén Thánh lớn trên bàn thờ.
Mật nghị sẽ diễn ra giống như tên gọi của nó, tức là đóng kín với bên ngoài. Có hai nơi chính sẽ được niêm phong và canh giữ hết sức nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đó là nhà nghỉ Sainte Marthe, nơi cư trú của các Hồng y tham dự Mật nghị và nhà nguyện Sixtine. Sở dĩ nhà nguyện Sixtine được chọn là nơi diễn ra Mật nghị vì nơi đây được gọi là nơi "ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa"; đồng thời trên bức tường phía sau của bàn thờ là bức bích họa nổi tiếng Sự phán xét cuối cùng của danh họa vĩ đại người Ý Michelangelo. Bức họa miêu tả ngày Chúa Giêsu đến lần thứ hai để phán xét nhân loại, các thánh được vui hưởng thiên đàng, còn những người làm việc ác sẽ phải bị kết án.
Trong những ngày diễn ra Mật nghị, các Hồng y đều bị cấm ngặt tất cả các phương tiện truyền thông: tivi, radio, Internet, báo chí, điện thoại, các thiết bị thu âm, truyền thanh truyền hình... nhằm bảo đảm tính bí mật tuyệt đối.
Cuộc hội nghị đầu tiên diễn ra vào lúc 9h30 ngày 4/3, các Hồng y sẽ đặt tay trên quyển Kinh Thánh và thề rằng sẽ tuân thủ các điều quy định về việc bầu cử ghi trong Tông Hiến Universi Dominici Gregis, và khi các Hồng y đã có mặt đông đủ thì Hồng y đoàn sẽ quyết định ngày nào bắt đầu Mật nghị.
Khi đến ngày ấn định, Mật nghị sẽ khai mạc bằng một Thánh lễ cầu nguyện cuộc bầu chọn vào buổi sáng tại đền thờ Thánh Phêrô. Buổi chiều các Hồng y sẽ tụ tập trong nhà nguyện Pauline của Điện Giáo hoàng rồi rước trọng thể vào nhà nguyện Sixtine, sau đó cửa nhà nguyện sẽ bị khóa lại. Và nơi đây một lần nữa các ngài đặt tay lên quyển Kinh Thánh long trọng tuyên thệ tuân theo đúng các chỉ thị của Tông Hiến, tôn trọng kết quả bầu cử, bênh vực và bảo vệ quyền lợi Giáo hội, và đặc biệt "tuyệt đối giữ bí mật về tất cả mọi sự việc liên quan đến cuộc bầu cử Đức Giáo hoàng".
Vòng bỏ phiếu đầu tiên sẽ bắt đầu ngay buổi chiều này. Các Hồng y sẽ viết tên người mà mình muốn bầu lên giấy, rồi lần lượt từng vị tiến lên đọc to lời thề như sau: "Tôi xin Chúa Kitô, Đấng sẽ phán xét tôi, làm chứng là tôi bầu cho người mà, trước mặt Chúa, tôi xét là đáng được bầu". Sau đó đặt phiếu bầu của mình vào chén Thánh đặt trên bàn thờ.
Sau khi tất cả đã bỏ phiếu, một vị giám sát sẽ lắc chén Thánh để trộn lẫn phiếu. Rồi sau đó một vị khác sẽ kiểm từng phiếu một. Từng phiếu bầu được lần lượt mở ra và đọc lớn tên người được ghi trên phiếu bầu để các Hồng y cùng theo dõi kết quả.
Nếu tên vị nào được 2/3 tổng số phiếu bầu thì vị Hồng y niên trưởng sẽ hỏi xem vị đó có chấp thuận làm Giáo hoàng không, nếu vị đó đồng ý thì kể từ giây phút đó Ngài trở thành Giáo hoàng. Rồi vị niên trưởng tiếp tục hỏi tông hiệu mà vị đó chọn (ví dụ vào năm 2005, Đức Hồng y Ratzinger đã chọn tông hiệu cho mình là Benedict XVI). Nếu không đạt được kết quả này thì ngày hôm sau lại tiếp tục bầu lại như thế, sáng hai lần, chiều hai lần.
Khi đã bầu xong tân Giáo hoàng, thì Ngài sẽ vào một căn phòng có tên là "nước mắt" để mặc phẩm phục. Sở dĩ có tên gọi này là vì các vị Giáo hoàng luôn có nhiều xúc động trước biến cố vô cùng lớn lao này. Rồi lần lượt các Hồng y sẽ đến bày tỏ sự tôn kính và vâng phục đối với tân Giáo hoàng
Theo 24h
6 điều về Mật nghị Hồng y bầu tân giáo hoàng Việc thoái vị của Giáo hoàng Benedict XVI đặt Giáo hội Công giáo gồm 1,2 tỉ người vào tình trạng không có người đứng đầu. Một lần tụ hội của các hồng y tại Nhà nguyện Sistine. Dưới đây là 6 điều về những gì xảy ra trong thời gian chuyển tiếp. 1. Trống tòa Khi Giáo hoàng danh dự Benedict rời thành...