Bầu Đức dạy cầu thủ U19 như thế nào
Vị Phó chủ tịch VFF dặn những thành viên U19 Việt Nam tuân thủ triết lý cứ cho đi rồi sẽ nhận lại rất nhiều.
Bầu Đức hay “ba Đức” theo cách gọi của cầu thủ học viện HAGL hiện khoác áo U19 Việt Nam là người dành nhiều tình cảm cho bóng đá. “Anh Đức không giống một ông chủ tịch, một ông chủ mà có cảm giác anh như một người bố nghiêm khắc nhưng rất tình cảm với cầu thủ”, một thành viên của HAGL cho biết.
Bầu Đức luôn theo sát đội U19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ của học viện HAGL. Ảnh:TTVH.
Chặt bỏ hàng chục ha cao su đang chuẩn bị cho thu hoạch, chi hàng triệu USD để đào tạo cầu thủ, đưa đi nước ngoài tập huấn dài ngày… chưa hẳn nói lên hết tâm huyết, niềm say mê của ông bầu này với bóng đá, đặc biệt lứa cầu thủ U19 hiện nay.
Mấy năm gần đây, bầu Đức rất bận việc kinh doanh do chiến lược mở rộng sang thị trường Lào, Capuchia, Myanmar. Vì vậy, ở các trận đấu của đội một HAGL hiếm khi nào thấy ông xuất hiện. Mọi công tác quản lý, điều hành ở đội bóng ông gần như “khoán” hết cho trợ lý số một là ông Tấn Anh.
Tuy nhiên, với các thành viên học viện, ông “đối xử” có phần hơi khác. Bầu Đức liên tục nắm thông tin về ăn, ở, sinh hoạt, tập luyện, chuyên môn của đội rất sát sao. Khi có chút thời gian, ông về thẳng trung tâm Hàm Rồng thăm thầy trò Guillaume Graechen và chứng kiến những trận đấu giao hữu của đội rồi quây quần, dặn dò cầu thủ như trong gia đình. Có lẽ ở Việt Nam, hiếm có ông bầu nào lại đi xem một trận giao hữu của đội trẻ như bầu Đức. Nhưng cũng không khó hiểu bởi đây là lứa cầu thủ bầu Đức đặt trọn niềm tin.
Ông bầu nổi tiếng rất thương những “đứa con nhỏ” và quan tâm đến cả gia đình của chúng. Không phải tại giải đấu này bầu Đức mới “bao” toàn bộ chi phí ăn ở cho người thân của cầu thủ về xem các trận đấu của U19 Việt Nam. Cách đây 7 tháng, tại giải đấu trên sân Thống Nhất, TP HCM, bầu Đức cũng áp dụng chính sách này bởi ông hiểu đây là việc cần làm giúp phụ huynh trực tiếp chứng kiến sự trưởng thành của con cái, còn các em thêm động lực thi đấu.
Ở Hàm Rồng, việc học luôn là nhiệm vụ bắt buộc, thậm chí còn quan trọng hơn bóng đá. Bầu Đức đặt mục tiêu các cầu thủ phải có văn hóa (văn hóa ứng xử và bằng cấp) khi ra trường. Các thành viên U19 HAGL không chỉ đá bóng giỏi mà còn hoàn thành 12 năm phổ thông, bước còn giảng đường đại học. “Ở HAGL, chúng em được học văn hóa rất tốt nên có thể tránh sa ngã, hiểu mình cần làm gì”, Công Phượng – người vừa giúp đỡ gia đình xây lại căn nhà mới từ tiền đi đá bóng – nói trước giải đấu.
Tuy nhiên, “như một ông bố nghiêm khắc”, bầu Đức luôn “chỉnh” cầu thủ của mình để mong các em đi đúng hướng. Ông nói rất nhiều về thứ bóng đá xấu xí, triệt hạ đối phương. Các cầu thủ U19 Việt Nam hiểu rõ: nếu đá láo, đá xấu xí thì chuẩn bị tâm lý rời khỏi đội. Kết thúc giải giao hữu quốc tế trên sân Thống Nhất, từng có một cầu thủ bị loại khỏi đội vì phạm lỗi khiến cầu thủ đội bạn chấn thương nặng.
Theo dõi một trận đấu, ông Đức không chỉ xem những pha bóng, tình huống xử lý mà còn xem thái độ các cầu thủ trên sân. Sau trận đấu gặp U19 Australia, bầu Đức liên hệ ngay với ban huấn luyện để nhắc nhở rất nhiều, trong đó có nói đến tình huống Quang Hải “ nóng máu” với thủ môn đội bạn.
Phó chủ tịch VFF lo lắng cầu thủ có thể mất tập trung trên chặng đường dài nên ông cũng hạn chế cho họ trả lời phỏng vấn. Ngay sau trận thắng U19 Australia 1-0, ông “lệnh” ngay cho ban huấn luyện là ngoài HLV trưởng, không ai trả lời báo chí.
Ngoài ra, trong cuộc họp ngắn 30 phút với đội mới đây, ông nói đến việc các cầu thủ cần xác định thi đấu vì màu cờ, sắc áo và loại bỏ ngay tư tưởng “tiền thưởng nóng” trong đầu. Ông dặn họ tuân thủ triết lý cứ cho đi rồi sẽ nhận lại rất nhiều. Hình ảnh đội U19 Việt Nam hiện nay phản ánh phần nào đó về bầu Đức – người rất say mê và mong mỏi một ngày nào đó bóng đá Việt Nam thoát “vùng trũng”.
Theo Ngoisao