Bầu cử Tổng thống Hàn Quốc: Cử tri ở nước ngoài sẽ bỏ phiếu sớm
Ủy ban Bầu cử trung ương Hàn Quốc (NEC) ngày 9/2 thông báo sẽ tổ chức bỏ phiếu bầu tổng thống sớm dành cho đối tượng là cử tri sống ở nước ngoài tại hơn 200 điểm bỏ phiếu trên toàn thế giới bắt đầu từ 8 giờ đến 17 giờ chiều các ngày từ 23-28/2 tới.
Ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc Sim Sang-jeung của đảng Công lý tiến bộ, Lee Jae-myung của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền, Yoon Suk-yeol của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) đối lập chính và Ahn Cheol-soo của đảng Nhân dân (từ trái sang) tại cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, ở Seoul ngày 3/2/2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, NEC đã công bố danh sách điểm bỏ phiếu cho cử tri tại nước ngoài thông qua các Tiểu ban bầu cử tại cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. NEC đến nay đã ghi nhận có 231.314 cử tri đăng ký là “cử tri vắng mặt” và “cử tri sống tại nước ngoài”. Cử tri sống tại nước ngoài là những người trên 18 tuổi, có quyền cư trú vĩnh viễn tại một quốc gia khác, không đăng ký thẻ căn cước ở trong nước. Cử tri vắng mặt là người trên 18 tuổi, có thẻ căn cước trong nước nhưng đang học tập hoặc làm việc tại nước ngoài, không có mặt tại Hàn Quốc trong thời gian diễn ra bầu cử. Trong thời gian bỏ phiếu nói trên, các cử tri đã đăng ký sẽ trực tiếp tới điểm bỏ phiếu gần nhất để tham gia bỏ phiếu. Riêng các thủy thủ sẽ bỏ phiếu ngay trên tàu của họ từ ngày 1 đến ngày 4/3 tới.
Theo Luật bầu cử Hàn Quốc, khi đi bỏ phiếu, cử tri thuộc diện cử tri vắng mặt cần mang theo giấy tờ tùy thân có dán ảnh, cử tri sống tại nước ngoài thì cần mang theo cả bản gốc giấy tờ xác nhận quốc tịch (như thị thực). Riêng những cử tri về nước vào ngày 22/2 (trước thời điểm tiến hành bỏ phiếu tại nước ngoài) thì báo cáo lên Ủy ban bầu cử địa phương nơi cư trú để có thể tham gia bỏ phiếu vào ngày bầu cử chính thức 9/3/2022.
NEC cho biết đang tìm kiếm các giải pháp cho phép những người đã mắc COVID-19 sau thời gian bỏ phiếu sớm có thể được đi bỏ phiếu vào ngày 9/3 tới. Theo các quy định bầu cử hiện tại, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 có thể bỏ phiếu qua đường bưu điện. Đối với những người bị mắc COVID-19 sau ngày 13/2 có thể bỏ phiếu thông qua các điểm bỏ phiếu đặc biệt tại các trung tâm điều trị COVID-19 trong thời gian bỏ phiếu sớm.
NEC cũng đang cố gắng tìm cách giải quyết cho các cử tri có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 bởi theo quy định hiện hành, ngay cả khi đã được tiêm phòng những người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 vẫn phải cách ly trong 7 ngày. Nếu thời gian cách ly không kết thúc trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử (ngày 9/3), những người này sẽ không được phép bỏ phiếu trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu.
Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu đảm bảo quyền bầu cử cho bệnh nhân COVID-19
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 8/2 kêu gọi áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo quyền bỏ phiếu cho bệnh nhân COVID-19 và những người đang phải cách ly trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện lo ngại rằng cuộc khủng hoảng dịch hiện nay khiến hàng trăm nghìn cử tri không thể đi bỏ phiếu.
Theo các quy định hiện hành, những người mắc COVID-19 sau giai đoạn bỏ phiếu sớm ngày 4-5/3 và những người phải cách ly ngay trước ngày bầu cử chính thức 9/3 tới, sẽ khó có thể bỏ lá phiếu của mình. Vì vậy, ông Moon đã yêu cầu các trợ lý tìm cách đảm bảo rằng những người nhiễm virus và người đang cách ly có thể bỏ lá phiếu của mình trong ngày bầu cử 9/3.
Chỉ còn 1 tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc, song chưa có ứng viên nào đạt được tín nhiệm vượt trội. Kết quả các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy cả hai ứng viên của hai đảng lớn nhất là ông Lee Jae-myung của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền và ông Yoon Suk-yeol (ảnh) của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) đối lập chính, vẫn bám đuổi sít sao.
Ông Yoon đang dẫn trước ông Lee với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 37,2% và 35,1%. ứng vị trí thứ ba là ông Ahn Cheol-soo, ứng viên của đảng Nhân dân - một đảng đối lập nhỏ, với 8,4%, tiếp theo là bà Sim Sang-jeung của đảng Công lý tiến bộ, với 2,2%.
Dự kiến, 4 ứng cử viên đạt tỷ lệ tín nhiệm cao nhất theo kết quả các cuộc thăm dò chính thức sẽ tham gia 3 cuộc tranh luận trên truyền hình. Chủ đề các cuộc tranh luận lần lượt là kinh tế (vào ngày 21/2), chính trị (vào ngày 25/2) và các vấn đề xã hội (vào ngày 2/3).
Tổng thống Italy Sergio Mattarella tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai Tổng thống Italy Sergio Mattarella ngày 29/1 đã chính thức tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, khi lãnh đạo các đảng phái đề nghị ông tiếp tục đảm nhiệm cương vị này sau một tuần bỏ phiếu tại Quốc hội để chọn ra người kế nhiệm ông song không đạt được bất kỳ kết quả nào. Tổng thống Italy Sergio Mattarella (phải)...