Bầu cử Singapore: Cuộc sát hạch chính trị
Với kết quả cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi, Singapore đã trải nghiệm cuộc sát hạch chính trị quan trọng đầu tiên thời kỳ hậu Lý Quang Diệu.
Thủ tướng Lý Hiển Long chụp ảnh với các cử tri sau cuộc tuần hành tại khu trung tâm thương mại của Singapore ngày 8/9.
Đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) thắng đậm, giành được 69,86% tỷ lệ phiếu bầu, tăng gần 10% so với mức 60,1% của cuộc bầu cử bốn năm trước (tháng 3/2011) và 83/89 ghế tại Quốc hội. Họ tiếp tục khẳng định vị thế đảng duy nhất lãnh đạo Singapore liên tục 56 năm qua.
Không phải lúc thay đổi
Ngay trước thềm bầu cử, năm đảng phái đối lập gồm Quyền lực Nhân dân (PPP), Liên minh Dân chủ Singapore (SDA), Người Singapore Trước tiên (SingFirst), Cải cách (RP) và Tiến bộ Dân chủ (DPP) đã bắt tay liên kết với nhau dưới một khẩu hiệu chung “Bỏ phiếu cho sự thay đổi” với mục tiêu giành được 20 ghế tại Quốc hội khóa mới.
Tuy nhiên, việc đề cao sự “thay đổi” vào thời điểm nước Cộng hòa tưng bừng kỷ niệm các thành tựu huy hoàng của 50 năm lập quốc rất có thể là một sai lầm. Thêm vào đó, nền kinh tế Singapore bước vào giai đoạn khó khăn dưới tác động từ các “cơn địa chấn” kinh tế mang tên Trung Quốc. Khá nhiều người đã tham gia các cuộc tuần hành của đảng đối lập ngay trước cuộc bầu cử ngày 11/9, nhưng đa số thầm lặng muốn có sự ổn định, quan ngại trước viễn cảnh về sự bất ổn an ninh và kinh tế trong khu vực.
Cử tri Singapore, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, cần một lựa chọn an toàn và họ đặt niềm tin vào PAP, vốn đã kinh qua thử thách mà vẫn nhạy bén với cái mới.
Sau kết quả đáng thất vọng trong cuộc bầu cử năm 2011, với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục là 60%, PAP đã lắng nghe người dân nhiều hơn. 1.000 tỷ USD đã được cấp cho chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, giúp hạ nhiệt thị trường bất động sản, hỗ trợ 1.800 gia đình thu nhập thấp mua được căn hộ hai phòng với giá ưu đãi so với thị trường. Chính phủ cũng đã kiềm chế dòng chảy lao động nước ngoài và quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề nóng của thế hệ trẻ…
Video đang HOT
Về phía phe đối lập, những bê bối liên quan đến việc vận hành các hội đồng thành phố Aljunied-Hougang-Punggol East của Đảng Công nhân (WP) đã làm yếu đi những cáo buộc mà đảng này đưa ra để phê phán PAP “độc đoán” và “chính trị hóa” các hội đồng thành phố… WP bị giảm sút sự ủng hộ ngay tại Hougang SMC và Aljunied GRC, mặc dù vẫn kiểm soát được hai thành trì này.
Việc Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử trước thời hạn là một chiến thuật khôn ngoan. Nếu sự kiện được tổ chức như dự kiến vào tháng 1/2017, nền kinh tế lúc đó có thể đã “ngấm đòn” khó khăn do kinh tế Trung Quốc bước vào “thường thái mới” tăng trưởng thấp, nhập khẩu yếu, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường xuất khẩu của Singapore. PAP cũng được lợi từ làn sóng yêu nước dâng cao sau sự ra đi của người sáng lập PAP và nhà lập quốc Lý Quang Diệu.
Thách thức khi ở đỉnh cao
Singapore đã phát triển trở thành một trong các xã hội giàu có nhất thế giới với năng lực tổ chức cao, tỷ lệ tội phạm thấp và GDP đầu người vượt mức 50.000 USD. Chính phủ bị chỉ trích vì các vụ trấn áp người biểu tình, bắt giam các nhân vật bất đồng chính kiến, kiểm soát truyền thông và đẩy các nhân vật đối lập chính trị tới bờ phá sản thông qua các vụ kiện tai tiếng…
Tuy nhiên, tự do chính trị không phải là một chủ đề nóng trong tuyển cử mà chủ yếu tập trung vào giá sinh hoạt cao, dịch vụ công hạn chế, nhu cầu của người nghèo và người cao tuổi trong xã hội già hóa nhanh này. Nhập cư là vấn đề nổi cộm.
Vừa qua, Chính phủ Singapore đã áp dụng chính sách hạn chế người lao động nước ngoài, dẫn đến việc thị trường lao động bị thắt chặt. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy việc hạn chế lao động nước ngoài đã ảnh hưởng xấu đến hiệu suất kinh tế của nền kinh tế Singapore. Một số dự báo tăng trưởng kinh tế của Singapore trong cả năm 2015 sẽ giảm xuống 1,8%, thấp hơn dự báo chính thức từ 2-2,5%.
Từ năm 2010, nền kinh tế của đảo quốc này đã trở nên khá phụ thuộc vào nguồn cung nhân công nước ngoài ở mọi trình độ. Việc duy trì chính sách nhập cư thắt chặt làm cho tiền lương chi trả tăng lên do thiếu hụt nhân công, cùng với việc chính phủ đang hy vọng tăng lương cho các công nhân Singapore có thu nhập thấp, sẽ tác động đến tính cạnh tranh của nền kinh tế. Giải pháp cho vấn đề này không hề dễ dàng.
Singapore vẫn là một xã hội tổ chức chặt chẽ, hiệu quả, với nền chính trị dân chủ một đảng độc tôn. Ở đó, các đảng đối lập có thể gây ảnh hưởng đến chính sách với sự hiện diện mạnh mẽ ở Quốc hội, làm một đối trọng và phản biện lành mạnh.
Kết quả cuộc bầu cử 2015 sẽ tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Singapore. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, ông muốn thôi chức trước năm 2020. Chuyển giao quyền lực ở đỉnh cao là sự khôn ngoan mà ông Lý Quang Diệu từng thực hiện thành công. Nhưng việc duy trì quyền lãnh đạo của đảng từ đỉnh cao ấy cũng là thách thức mà PAP sẽ trải nghiệm trong năm năm tới.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Trường
Thế giới và Việt Nam
Nghị sĩ Nhật ẩu đả vì dự luật cho phép đưa quân ra nước ngoài
Các nghị sĩ Nhật Bản ngày 17.9 đã ẩu đả nhau ngay tại buổi tranh luận về dự luật an ninh cho phép quân đội Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, theo AFP.
Các nghị sĩ Nhật Bản ẩu đả trong phòng họp sáng ngày 17.9 - Ảnh: Reuters
Cảnh tượng hỗn loạn xảy ra tại ủy ban đặc biệt của thượng viện Nhật Bản sáng ngày 17.9 giữa các nghị sĩ đảng cầm quyền và đảng đối lập. Họ la mắng, xô đẩy nhau, chủ tịch ủy ban này thì bị vây kín, chỉ vì bất đồng về dự luật an ninh mới.
Căng thẳng leo thang khi việc bỏ phiếu thông qua dự luật này của ủy ban nói trên liên tiếp bị cản trở từ tối ngày 16.9. Các nghị sĩ đối lập đã chặn cửa ra vào phòng họp và biểu tình ở các hành lang tòa nhà quốc hội.
Không chỉ hỗn loạn trong phòng họp, ở ngoài đường, hàng chục nghìn người tụ tập để biểu tình phản đối dự luật này suốt cả tuần qua. Riêng trong ngày 16.9, khoảng 13.000 người tập trung trước tòa nhà quốc hội và có 13 người bị bắt vì cản trở công vụ. Hàng nghìn người vẫn tiếp tục ra đường phản đối dự luật này vào ngày 17.9, bất chấp trời mưa gió.
Các nghị sĩ đối lập ngăn cản ủy ban đặc biệt của thượng viện Nhật Bản tiến hành bỏ phiếu về dự luật cho phép đưa quân ra nước ngoài - Ảnh: Reuters
Mặc cho những ẩu đả và căng thẳng nêu trên, ủy ban đặc biệt của thượng viện do các nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe dẫn đầu vẫn thông qua được dự luật này, theo Reuters.
Theo dự kiến, dự luật sẽ được thượng viện bỏ phiếu sau khi được ủy ban trên thông qua. Rất có thể dự luật sẽ chính thức trở thành luật trong tuần này. Ông Abe muốn quốc hội thông qua các dự luật trước kỳ nghỉ lễ tuần tới.
Trước đó, dự luật an ninh mới đã được thông qua ở hạ viện. Theo luật pháp Nhật Bản, ngay cả trong trường hợp thượng viện không thông qua, sau 60 ngày, dự luật sẽ được chuyển lại hạ viện và trở thành luật nếu trong lần thứ hai này có ít nhất 2/3 hạ nghị sĩ bỏ phiếu thuận. Hiện liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang chiếm đa số tuyệt đối ở hạ viện, nên dự luật này nhiều khả năng sẽ được thông qua.
Dự luật an ninh mới được coi là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Dự luật cho phép quân đội Nhật Bản mở rộng hoạt động ra ngoài lãnh thổ trong trường hợp an ninh của Nhật bị đe dọa, tham gia các chiến dịch giữ gìn hòa bình hoặc trong trường hợp các nước bạn của Nhật bị tấn công hay bị đe dọa. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản được phép tham chiến ở nước ngoài.
Không chỉ căng thẳng trong phòng họp, hàng chục nghìn người tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội để phản đối dự luật này - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng dự luật này, vốn được Mỹ ủng hộ, là cần thiết để đối phó với các thách thức mới như sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Abe hồi tháng 7 khẳng định: "Tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng khắc nghiệt, dự luật này cần thiết để bảo vệ cuộc sống của người dân Nhật Bản và ngăn ngừa chiến tranh", theo Reuters.
Trong khi đó, những người phản đối cho rằng dự luật sẽ mở đường cho việc quân đội Nhật Bản tham gia vào các cuộc xung đột do Mỹ dẫn đầu trên toàn cầu, và vi phạm Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Chính biến cung đình Úc đang ở trên con đường thẳng nhất hướng tới truyền thống chính trị mà cho tới nay mới chỉ thấy có ở những nước như Nhật Bản, Ý hay Hy Lạp là thay đổi chính phủ và thủ tướng quá thường xuyên. Trong 2 năm qua, ở nước này đã có tới 3 thủ tướng, do tổng tuyển cử và bởi đảo...