Bầu cử ở Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi chiến thắng chỉ là ‘hình thức’?
Dù đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lịch sử hôm 8/11, quân đội Myanmar vẫn nắm giữ không ít vị trí lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị nước này.
Tính tới hôm nay (11/11), 3 ngày sau cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar, kết quả cuối cùng vẫn chưa được công bố nhưng hôm 9/11, đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP) cầm quyền do quân đội hậu thuẫn đã phải thừa nhận thất bại trước đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) nhận định, dù kết quả bầu cử chính thức như thế nào, quân đội Myanmar vẫn nắm giữ một thế lực quan trọng can thiệp vào tình hình chính trị quốc gia. Theo đó, quân đội Myanmar nắm quyền điều hành đất nước sau cuộc đảo chính năm 1962 và từng không ít lần mạnh tay đàn áp các cuộc cách mạng ủng hộ nền dân chủ.
Người dân Myanmar mua đồ lưu niệm in hình bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng NLD.
“Cuộc bầu cử hôm 8/11 vẫn chưa đánh dấu thắng lợi toàn diện của nền dân chủ ở Myanmar”, chuyên gia Ellen Bork tại Viện Chính sách ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Trong những năm qua, rõ ràng, quân đội Mynamar và đảng cầm quyền USDP không hề quan tâm tới việc chuyển đổi sang nền dân chủ bởi nó sẽ khiến họ mất quyền lực”.
Bên cạnh việc đưa các cựu quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền vào nắm giữ những vị trí ở Nội các, quân đội Myanmar còn tự trao cho mình quyền lực hiến pháp để gây ảnh hưởng với chính phủ của bất cứ ai được bầu lên làm Tổng thống.
Thậm chí, trong trường hợp khẩn cấp, một cơ quan chuyên trách do quân đội chỉ huy còn có thể giành lại quyền quản lý đất nước. Hơn nữa, hiến pháp Mynamar hiện thời không cho phép bà Suu Kyi được giữ chức Tổng thống. Lý do là bà đã kết hôn với một người nước ngoài là nhà sử học Oxford quá cố Michael Aris và có hai người con trai mang quốc tịch Anh.
Do đó, trên phương diện không chính thức, đảng NLD của bà Suu Kyi vẫn chưa giành được thắng lợi tuyệt đối trước đảng USDP.
Trong buổi phỏng vấn với BBC, bà Suu Kyi tuyên bố đảng NLD của bà hy vọng giành được 75% số ghế trong tổng số 664 ghế trong Quốc hội Myanmar. Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử hôm 8/11 đang được thông báo một cách chậm chạp. Tính tới hôm nay, theo Uỷ ban bầu cử Myanmar, NLD đã giành 78 trong 88 ghế Hạ viện và 29 trong 33 ghế Thượng viện.
“Chiến thắng vang dội của đảng NLD là bước đi đầu tiên trong tiến trình đàm phán diễn ra trong vài tuần và vài tháng nữa giữa NLD và giới quyền lực quân đội kiểm soát hiến pháp”, phó Giám đốc phụ trách bộ phận châu Á thuộc tổ chức giám sát nhân quyền ở New York, ông Phil Robertson nói.
“Họ xây dựng một cấu trúc chính trị để ngăn bà Aung San Suu Kyi không được giữ quyền Tổng thống và bị đưa vào tầm kiểm soát cũng như ảnh hưởng của họ”, ông Robertson nói thêm.
Theo quy định của hiến pháp Myanmar, ngay cả khi NLD giành một tỷ lệ lớn trong tổng số 664 ghế trong Quốc hội, đảng USDP do quân đội hậu thuận vẫn sẽ tự động giữ 25% số ghế. Điều quan trọng là, dù có thua trong cuộc bầu cử, quân đội vẫn sẽ giữ lại các vị trí bộ trưởng quan trọng gồm quốc phòng, nội vụ và biên phòng. Theo hiến pháp, quân đội có thể kiểm soát tổng thể chính phủ, bao gồm cả quản lý kinh tế nếu họ thấy cần thiết.
“Dù có ai hậu thuẫn, bà Aung San Suu Kyi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn nếu như đối đầu với quân đội. Hành động này không khác gì như việc đâm đầu vào tường”, chuyên gia Robertson chia sẻ.
Còn theo nhà phân tích chính trị độc lập ở Myanmar, Toe Kyaw Hlaing, do quân đội nước này vẫn đang nắm quyền đưa ra những quyết định chính trị quan trọng, đảng NLD và nhiều đảng phái chính trị khác không còn đường nào khác là hợp tác với quân đội.
Video đang HOT
Ngoài ra, Hội đồng Quốc phòng và An ninh của quân đội còn có cơ chế mạnh mẽ hơn cả Quốc hội cũng như được hiến pháp hậu thuẫn. Do đó, chính phủ NLD sẽ khó có tiếng nói lớn. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lực thực sự có thể vẫn nằm trong tay quân đội bất chấp thành công của NLD.
Vào năm 1990, sau khi đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử, các tướng lĩnh quân đội đứng đầu Myanmar đã bác bỏ kết quả, ra lệnh quản thúc bà và bỏ tù hàng nghìn người ủng hộ bà.
Người dân Myanmar vui mừng chào đón chiến thắng của đảng NLD. (Ảnh minh họa)
Theo dự đoán trong cuộc bầu cử hôm 8/11, đảng NLD đã giành được thắng lợi tương đương với kết quả bầu cử năm 1990. Chia sẻ với AP, một đồng minh của bà Suu Kyi, ông Tin Oo cho rằng đảng NLD đã giành được gần 81% số phiếu ủng hộ của cử tri.
Tuy nhiên, phát ngôn viên dảng NLD Win Htein cho rằng việc Ủy ban bầu cử chậm chạp công bố kết quả kiểm phiếu chính thức là có ý đồ riêng. “Uỷ ban Bầu cử đang cố trì hoãn vì họ muốn thực hiện mưu mẹo hay một điều gì đó”, ông Htein nói.
Khi chia sẻ với BBC, bà Suu Kyi nhấn mạnh bà hy vọng quân đội Myanmar không bác bỏ kết quả chiến thắng bầu cử của đảng NLD như năm 1990. “Họ nhiều lần khẳng định sẽ tôn trọng suy nghĩ của người dân và thực thi kết quả của cuộc bầu cử”, bà Suu Kyi nói.
Nếu như NLD giành được 2/3 số ghế trong Quốc hội Mynamar, đảng của bà Suu Kyi sẽ giành quyền kiểm soát nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị ở quốc gia này. Theo bà Suu Kyi, dù không được chính thức nắm quyền Tổng thống, bà vẫn sẽ lãnh đạo đất nước bằng cách đặt vị trí của mình là “trên cả Tổng thống”.
Trong thời gian tới, quân đội và các đảng phái chính trị quyền lực nhất ở Thượng viện và Hạ viện sẽ đề cử ứng viên cho vị trí Tổng thống. Theo đó, sau ngày 31/1/2016, toàn bộ 664 nghị sĩ sẽ bỏ phiếu và bầu ra một Tổng thống và hai người khác nắm chức phó Tổng thống.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.
MINH THU (lược dịch)
Theo Infonet
Thắng lợi của bà Suu Kyi mở đường cho một nền dân chủ ở Myanmar
Người dân Myanmar kỳ vọng, thắng lợi của bà Aung San Suu Kyi sẽ mở ra cơ hội thiết lập một nền dân chủ thực sự tại quốc gia Đông Nam Á này.
Đảng USDP cầm quyền thừa nhận thất bại
Đảng đoàn kết và Phát triển Myanmar (USDP) cầm quyền ngày 9/11 đã lên tiếng thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử trước Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.
"Chúng tôi đã thất bại", quyền Chủ tịch USDP Htay Oo tuyên bố.
Trước đó, Ủy ban Bầu cử Myanmar đã công bố kết quả ban đầu của cuộc Tổng tuyển cử ngày 8/11. Theo đó, trong tổng số 54 ghế đã được kiểm trong tổng số 330 ghế tại Hạ viện, NLD giành được tới 49 ghế.
Trong khi đó, NLD cho biết, theo kết quả sơ bộ mà họ tính toán tại các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, NLD đã giành được 70% số ghế trong Quốc hội, vượt quá mức 2/3 cần thiết để NLD có thể tự chỉ định một Tổng thống.
Bà Aung San Suu Kyi gặp gỡ các cử tri Myanmar sau cuộc Tổng tuyển cử. Ảnh Reuters
"Họ (USDP) phải thừa nhận kết quả này dù hoàn toàn không muốn", người phát ngôn NLD Win Htein nói và cho biết, tại những khu vực đông dân cư ở trung tâm các thành phố lớn, NLD thậm chí có thể giành tới 90% số ghế.
Trong khi đó, các cuộc kiểm phiếu ban đầu cho thấy, nhiều chính trị gia quyền lực của USDP đã mất ghế trong Quốc hội, trong đó đáng kể nhất là Chủ tịch USDP Htay Oo, người tuyên bố cực kỳ ngạc nhiên về thất bại của mình.
Dù các cuộc bỏ phiếu diễn ra khá suôn sẻ, NLD vẫn lên tiếng bày tỏ không hài lòng về việc một số cử tri được thực hiện quyền bầu cử sớm. Theo NLD, điều này có thể tăng cơ hội trúng cử cho các thành viên của USDP.
Trong tuyên bố chính thức của mình, NLD khẳng định, sẽ rất phi lý khi mà USDP có thể giành tới 90% số phiếu bầu của những người đi bầu cử sớm vì không có điều kiện đi bầu đúng ngày, nhất là tại thị trấn Lashio nơi có sự hiện diện của quân đội nước này.
NLD bày tỏ quan ngại rằng, các quan sát viên đã không được tham gia giám sát quá trình bỏ phiếu tại các đơn vị quân đội tại đây.
Điều này khiến nhiều người nhớ lại cuộc bầu cử năm 2010 ở nước này khi NLD tẩy chay kết quả của cuộc bầu cử mà USDP giành thắng lợi chủ yếu nhờ những phiếu được bỏ trước thời hạn.
Người dân Myanmar phấn khích
Vào cuối giờ chiều cùng ngày, nhiều cửa hàng bên ngoài trụ sở NLD tại Yagon đã bắt đầu rao bán áo phông màu đỏ có in mặt bà Suu Kyi cùng dòng chữ "Chúng tôi chiến thắng".
Người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi tụ tập bên ngoài trụ sở NLD ăn mừng thắng lợi. Ảnh AP
Giao thông tại khu vực này cũng chậm dần lại khi đám đông tụ tập bên ngoài trụ sở NLD. Hàng trăm người mặc áo màu đỏ có logo hình con công của NLD đã vẫy cờ và hò reo ăn mừng khi kết quả ban đầu được công bố trên một màn hình lớn treo phía ngoài tòa nhà.
"Tôi rất hạnh phúc với kết quả này", ông Hnin Si, 60 tuổi, một thương nhân tại Yangon chia sẻ: "Tôi tin rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước".
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ quan ngại về việc bà Suu Kyi sẽ chia sẻ quyền lực như thế nào với lực lượng quân đội hiện vẫn đang nắm nhiều quyền hành tại nước này.
Hiến pháp do lực lượng quân đội soạn thảo đảm bảo cho họ có 1/4 số ghế trong Quốc hội mà không phải qua bầu cử. Ngoài ra, Tổng tư lệnh Quân đội Myanmar có quyền chỉ định Bộ trưởng của 3 Bộ quan trọng là Nội vụ, Quốc phòng và An ninh Biên giới.
Ngoài ra, Hiến pháp cũng cho phép các lực lượng vũ trang nước này lật đổ Chính phủ trong một số trường hợp nhất định.
Ngay cả khi NLD giành được đa số ghế trong Quốc hội để có quyền tự lựa chọn Tổng thống, bà Suu Kyi cũng sẽ không được lên nắm quyền theo quy định của Hiến pháp, (do có chồng và con mang quốc tịch nước ngoài- ND).
Mỹ hoan nghênh cuộc bầu cử tại Myanmar
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, cuộc bầu cử là một dấu hiệu đáng khích lệ tại Myanmar. Tuy nhiên, ông cũng thận trọng cho rằng, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống chính trị tại nước này và khẳng định, vẫn còn quá sớm để bàn về những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Myanmar.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hoan nghênh một cách thận trọng cuộc bầu cử tại Myanmar. Ảnh AP
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Daniel Russel tuyên bố: "Cuộc bầu cử này là một bước tiến lớn trong tiến trình dân chủ tại Myanmar". Mặc dù vậy, ông Russel cảnh báo: "Phần khó khăn nhất mới chỉ bắt đầu".
Theo ông Russel, để Mỹ và cộng đồng quốc tế hỗ trợ những gì mà Myanmar cần, Myanmar cần phải đảm bảo rằng, tiến trình cải cách dân chủ tại nước này "cần phải thực sự khiến các nước thấy đáng tin cậy".
Đây là cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên tại Myanmar kể từ khi quân đội chịu chuyển giao quyền lực cho Tổng thống Thein Sein vào năm 2011. Cuộc tổng tuyển cử này mở ra một giai đoạn cải cách và mở cửa của nước này nhằm thu hút đầu tư từ nước ngoài./.
Trần Khánh
Theo_VOV
Bầu cử lịch sử Myanmar: Bà Suu Kyi khẳng định quyền lực Theo công bố của Ủy ban bầu cử liên bang (UEC) Myanmar, đảng đối lập của bà Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo trong Quốc hội. Theo đó, ngày 10/11, UEC đã công bố thêm 179 ghế nghị sỹ ở 3 cấp gồm Thượng viện, Hạ viện và nghị viện vùng hoặc bang. Trong tổng số 33 ghế Thượng viện đầu tiên...