Bầu cử Mỹ vào giai đoạn “nước rút”: Ông Trump và ông Biden tăng tốc
Với hướng tiếp cận hoàn toàn trái ngược nhau, khi bầu cử Mỹ vào giai đoạn “nước rút”, chiến dịch của ông Trump và ông Biden “tăng tốc” để giành lợi thế.
Hướng tiếp cận hoàn toàn khác biệt của ông Trump và ông Biden
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang cạnh tranh nhau từng lợi thế cả trên các nền tảng trực tuyến lẫn trên thực địa khi chỉ còn chưa tới 90 ngày là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra.
Đại dịch Covid-19 đã buộc các đội ngũ tranh cử sáng tạo trong việc tìm kiếm các biện pháp mới để tiếp cận cử tri.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Chiến dịch của Tổng thống Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đang tăng cường gắt gao chiến lược trên thực địa bằng cách cử các nhân viên đeo khẩu trang gõ cửa từng nhà cử tri, trái ngược hẳn với các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội, sóng phát thanh và sóng truyền hình của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Đội ngũ chiến dịch của Tổng thống Trump đang dồn ngân sách cho các nhân viên thực địa và tăng cường việc tiếp xúc trực tiếp với các cử tri. Bất chấp đại dịch Covid-19 hoành hành, các nhân viên này đã gõ cửa hơn 1 triệu nhà cử tri tại 23 bang trong tuần vừa qua.
Đội ngũ của cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ lại có hướng tiếp cận hoàn toàn khác biệt.
Ông Biden sẽ nhận quyết định đề cử từ quê nhà Delaware mà không tới tham dự sự kiện đề cử ứng viên của đảng Dân chủ tại bang Milwaukee. Cựu Phó Tổng thống Mỹ luôn thận trọng trong việc đối phó với dịch Covid-19 vốn là tâm điểm trong chiến dịch tranh cử của ông.
Chiến dịch của ông Biden gần đây đã thông báo về khoản ngân sách dự chi cho quảng cáo lớn nhất trong lịch sử với 280 triệu USD trên truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số, gần gấp đôi khoản dự chi hiện tại trong chiến dịch của Tổng thống Trump.
Các nhân viên trong đội ngũ chiến dịch của ông Biden không gõ cửa từng nhà bởi họ cho rằng việc này không an toàn giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Mỹ. Thay vào đó, chiến dịch này tập trung vào việc đảm bảo các cử tri có thể bỏ phiếu qua thư qua hệ thống điện thoại và các chương trình tiếp cận trực tuyến mà theo thống kê tuần vừa qua đã tiếp cận được hơn 3,5 triệu người.
Hướng tiếp cận khác nhau trên đã làm nổi bật sự khác biệt về chính trị giữa 2 đảng của Mỹ khi đối phó với đại dịch Covid-19 và cách thức thu hút sự ủng hộ của cử tri.
Trump củng cố sức mạnh trên “thực địa”
Tổng thống Trump thúc đẩy nước Mỹ cần quay lại trạng thái bình thường, thậm chí cả khi một số bang mở cửa trở lại nền kinh tế đang trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh mới.
Video đang HOT
Các thành viên đảng Dân chủ thì có hướng tiếp cận cẩn trọng hơn, đồng thời cáo buộc Tổng thống Trump khiến nhiều người gặp nguy hiểm và kéo dài đại dịch do tiến hành mở cửa quá nhanh.
“Việc cử một người đeo khẩu trang tới gõ cửa nhà của một người lạ ngay giữa đại dịch không phải là một cách sử dụng nguồn nhân lực an toàn và hiệu quả”, David Bergstein, giám đốc truyền thông phụ trách các bang dao động của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ cho hay.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa bắt đầu mở cửa trở lại các văn phòng, tổ chức các sự kiện và đào tạo cho các tình nguyện viên vào tháng 6/2020 nhằm tăng cường khả năng tiếp cận cử tri trong tháng 7.
Đội ngũ này cho biết mọi thứ được thực hiện phù hợp với các chỉ dẫn mở cửa của địa phương và họ luôn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế virus SARS-CoV-2 lây lan thông qua việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Chiến dịch của ông Trump đã chi hơn 100.000 USD cho các thiết bị bảo hộ cá nhân và khử khuẩn văn phòng. Tất cả các nhân viên đều nhận được một tài liệu dài 8 trang nêu chi tiết các chỉ dẫn của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC), cũng như các quy định y tế khác.
“Việc gõ cửa từng nhà là cách hiệu quả và truyền động lực nhất để thu hút cử tri. Hành động này mang tính cá nhân nhiều hơn. Mặc dù việc tiếp cận qua mạng và qua điện thoại cũng quan trọng, đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục làm những điều này, nhưng không gì có thể thay thế được sự giao tiếp trực tiếp khi bạn gõ cửa từng nhà. Chúng tôi đang làm được điều đó và chiến dịch của ông Biden thì không”, Mandi Merritt, thư ký báo chí quốc gia của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đánh giá.
Chiến dịch của Tổng thống Trump đã bổ sung thêm 300 nhân viên trên “thực địa” vào tháng trước, nâng tổng số nhân viên phụ trách công việc này lên 1.500 người. Khoảng 1.000 nhân viên khác sẽ sớm được thuê để tập trung vào việc tới từng nhà vận động cử tri đi bầu cử.
Các nhân viên này được yêu cầu đọc cuốn sách: “Groundbreakers: How Obama’s 2.2 million volunteers transformed campaigning in America” (tạm dịch: Những người phát kiến: 2,2 triệu tình nguyện viên của Obama đã thay đổi chiến dịch vận động tranh cử ở Mỹ như thế nào) để rút ra các bài học từ cách thức tổ chức cộng đồng của Tổng thống Obama.
Chiến dịch của Tổng thống Trump cũng cho biết đội ngũ này sẽ vượt qua thành tích của 2,2 triệu tình nguyện viên của ông Obama và khẳng định rằng, những nỗ lực trên thực địa sẽ làm giảm lợi thế cử tri đăng ký bầu cử của đảng Dân chủ tại các bang chiến địa với cách biệt hàng trăm nghìn phiếu.
Đội ngũ của Tổng thống Trump cũng cho biết họ không chỉ đặt cược vào việc tiếp xúc trực tiếp với cử tri mà còn tiếp cận được hơn 3 triệu người qua điện thoại vào tuần trước. Đội ngũ này khẳng định họ đã tiếp xúc với hơn 70 triệu cử tri, gấp đôi những nỗ lực năm 2016. Chiến dịch của ông Trump còn thông báo sẽ chi 100 triệu USD đặt cược vào nỗ lực vận động tranh cử trên thực địa.
Các giám đốc phụ trách chiến dịch của Tổng thống Trump đã làm việc trên thực địa hơn 2 năm ở một số bang trong khi thời gian gần đây, chiến dịch của ông Biden mới bổ sung những người phụ trách tại các bị trí quan trọng trên các bang chiến địa.
“Chúng tôi có một chiến dịch trên thực địa lớn nhất và hiệu quả nhất. Do sự xuất hiện trong thời gian dài của chúng tôi ở những bang này và hướng tiếp cận dựa trên các dữ liệu thu thập được, chúng tôi đã xây dựng được những mối quan hệ lâu dài với các cử tri trên thực địa, vốn sẽ tăng cường sức mạnh cho chiến thắng của Tổng thống Trump vào tháng 11 tới”, người phát ngôn chiến dịch của Tổng thống Trump – Tim Murtaugh cho hay.
Biden “chi khủng” cho việc tiếp cận cử tri trực tuyến
Chiến dịch của ông Biden thì cho biết đội ngũ của họ đã nhanh chóng chuyển hướng từ tiếp xúc trực tiếp sang việc gọi điện thoại và sử dụng các nền tảng trực tuyến, cũng như tập trung vào việc bỏ phiếu qua thư. Theo đó, chiến lược này sẽ góp phần giúp cựu Phó Tổng thống chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử với vấn đề bao trùm là đại dịch Covid-19.
Chiến dịch của ông Biden đã thành lập các tổ chức trên thực địa chuyên gọi điện thoại cho các cử tri để vận động tranh cử và hỗ trợ giải đáp những vướng mắc của họ liên quan đến việc bỏ phiếu qua thư.
Đảng Dân chủ cho hay, những nỗ lực của họ đang được đền đáp khi việc này giúp họ có lợi thế với khoảng 500.000 cử tri đăng ký bỏ phiếu qua thư tại cả Florida và Bắc Carolina. Đảng Dân chủ cũng yêu cầu tiến hành bỏ phiếu qua thư ở tỷ lệ cao hơn hẳn so với đảng Cộng hòa ở Pennsylvania.
“Không giống như đảng Cộng hòa, chiến dịch của ông Biden và đảng Dân chủ đã thành công trong việc chuyển đổi chiến thuật vận động tranh cử trên thực địa cách đây nhiều tháng, chẳng như việc bỏ phiếu qua thư tại các bang chiến địa”, ông Bergstein thuộc Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ cho hay.
Chiến dịch của ông Biden cũng đang nhanh chóng bổ sung thêm nhân viên và họ sẽ có khoảng hơn 2.000 nhân viên trên thực địa vào cuối tháng này, một con số tương xứng với chiến dịch của ông Trump.
Họ cho biết tỷ lệ phản hồi các cuộc điện thoại và trả lời tin nhắn của cử tri đang rất cao bởi nhiều người phải làm việc ở nhà trong đại dịch.
Một kế hoạch cuối tuần gần đây của đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Biden đã thực hiện hơn 500.000 cuộc điện thoại cho cử tri ở bang Michigan và hơn 1 triệu tin nhắn được gửi tới các cử tri ở Georgia, Pennsylvania và Florida nhằm hối thúc họ bỏ phiếu qua thư.
Đảng Dân chủ cho biết họ đang chứng kiến thành quả từ chiến lược này khi những nỗ lực thời gian qua được đền đáp qua các cuộc bỏ phiếu sơ bộ.
Gần 600.000 thành viên đảng Dân chủ bang Arizona đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ gần đây, phá kỷ lục được thiết lập năm 2016 với hơn 100.000 người.
Đảng Dân chủ cũng chứng kiến tỷ lệ có mặt kỷ lục trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại Georgia, vượt mốc 1 triệu người.
“Phó Tổng thống Biden đang thực hiện chiến dịch của ông ấy tương tự như cách ông ấy dẫn dắt chúng ta qua cuộc khủng hoảng này như một Tổng thống, qua việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế, lắng nghe khoa học, bảo vệ sức khỏe người dân Mỹ, thậm chí cả khi các nhân viên và tình nguyện viên liên lạc với hàng triệu cử tri tại các bang chiến địa bằng cách sử dụng các chiến thuật tổ chức truyền thống và hiện đại”, Michael Gwin, người phát ngôn chiến dịch của ông Biden cho hay./.
Bầu cử Mỹ: Sự thật đằng sau những cuộc khảo sát Biden dẫn trước Trump
Các cuộc khảo sát cho thấy Biden đang dẫn trước Trump nhưng liệu điều đó có phản ánh chính xác bức tranh bầu cử Mỹ và lựa chọn thực sự của cử tri?
Trong các cuộc khảo sát gần đây, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump đã sụt giảm đáng kể. Nhà lãnh đạo Mỹ bị ứng viên tranh cử Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước 10 điểm về tỷ lệ các cử tri đã đăng ký trên toàn quốc và tại hầu hết các bang chiến địa.
Ứng viên tranh cử Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Những phát ngôn, dòng tweet và hành động của Tổng thống Trump trong đại dịch Covid-19 cũng như vụ biểu tình George Floyd đã khiến ông tổn thất một số lượng phiếu bầu nhất định ở hầu hết các bộ phận cử tri. Sự ủng hộ dành cho Tổng thống ở các cử tri da trắng lao động vùng ngoại ô và người cao tuổi đang sụt giảm. Những cử tri trẻ thường nghiêng về phía ông Biden nhiều hơn trong khi ông Trump không hề "được lòng" các cử tri nữ giới. Ở bộ phận cử tri này, nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí bị ứng viên đảng Dân chủ dẫn trước 25 điểm.
Hiệu ứng Bradley
Trên thực tế, các cuộc khảo sát không thể hiện được toàn bộ bức tranh cử tri. Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 là một minh chứng. Bất chấp việc bà Hillary Clinton - ứng viên tranh cử của đảng Dân chủ được đánh giá cao hơn và dẫn đầu trong các cuộc bỏ phiếu, Donald Trump vẫn trở thành Tổng thống.
Ngoài ra, các nhà khoa học chính trị cho rằng các cuộc khảo sát không phản ánh chính xác quyết định của cử tri, thậm chí còn có cả một cụm từ ám chỉ hiện tượng các cử tri "nói dối" trong các cuộc khảo sát gọi là "Bradley Effect" (tạm dịch là Hiệu ứng Bradley). Hiệu ứng này được đặt tên theo cựu thị trưởng da màu Los Angeles tên là Tom Bradley, người đã thua trong cuộc bầu cử thống đốc bang California trước George Deukmejian năm 1982, một người Mỹ da trắng gốc Armenia mặc dù trong các cuộc khảo sát trước đó, ông Bradley đều dẫn trước đối thủ ở một khoảng cách đáng kể. Điều đó cũng chứng minh cho việc một số cử tri da trắng đã nói dối trong các cuộc khảo sát về người họ sẽ bỏ phiếu khi các ứng viên da màu nằm trong danh sách các ứng viên.
Các cuộc khảo sát gần đây đều cho thấy Tổng thống Trump không nhận được nhiều tín nhiệm về khả năng xử lý các vấn đề về sắc tộc. Tuy nhiên, dường như các cuộc biểu tình đang là một cơ hội để ông xây dựng hình ảnh và truyền tải thông điệp của mình một cách rõ ràng. Tổng thống Trump tuyên bố mình là "Tổng thống của Pháp luật và Trật tự", sẵn sàng thiết lập lại trật tự đất nước nhằm thu hút sự ủng hộ của tầng lớp cử tri "đa số im lặng", những người da trắng chưa tốt nghiệp đại học, sống ở các vùng nông thôn và ngoại ô, bất mãn với hành động của cảnh sát nhưng không đi biểu tình. Donald Trump muốn xây dựng hình ảnh của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, "nói là làm" và có những thông điệp rõ ràng. Tất nhiên có những điều Tổng thống làm tốt và chưa tốt nhưng sự "gây tranh cãi" của ông khiến ông thu hút được những bộ phận cử tri trung thành và nhiệt huyết.
Không phải ngẫu nhiên mà từ cuối năm 2015, khi mà cuộc bầu cử Mỹ còn gần 1 năm nữa mới diễn ra, nhà phân tích Jonathan Capehart đã nhận định rằng bất chấp những chiến dịch và các tuyên bố gây tranh cãi của ông Trump, đảng Dân chủ nên lo lắng về mức độ ủng hộ thực sự của cử tri Mỹ dành cho vị tỷ phú này.
Kyle Dropp - đồng sáng lập và là giám đốc điều hành bộ phận khoa học dữ liệu và khảo sát của Morning Consult nhận định có nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump nhưng họ "ngại" thừa nhận trong các cuộc khảo sát. Dropp giải thích việc này xảy ra "một phần xuất phát từ cái gọi là "thành kiến mong đợi xã hội", tức là xu hướng phản ứng theo cách được xã hội thừa nhận hơn là dựa trên những cảm nhận hay hành vi của người đó.
Điều này dường như tương phản với ông Biden. Mặc dù ứng viên của đảng Dân chủ biết cách làm "hài lòng" mọi người hơn nhưng ông lại chưa xây dựng được một hình ảnh mạnh mẽ và tạo nên một thông điệp rõ ràng.
Frank Luntz, một thành viên đảng Cộng hòa phụ trách các cuộc khảo sát nhận định trên Financial Times rằng các cuộc trưng cầu dân ý "ngày càng gia tăng sự thất vọng của công chúng với Tổng thống về những điều ông ấy nói. Nhưng điều đó không có nghĩa là Joe Biden đang làm tốt. Ông ấy không hề làm tốt. Các cử tri ở những bang dao động vẫn đang quan sát và lắng nghe những gì Tổng thống thể hiện".
"Kẻ tám lạng, người nửa cân"
Ngoài ra, mặc dù Tổng thống Trump đang thực sự đối mặt với thách thức trong việc thu hút sự ủng hộ của khối cử tri quan trọng, bao gồm cử tri độc lập, cử tri da trắng ở vùng ngoại ô và cử tri lớn tuổi thì ông Biden cũng có không ít vấn đề cần vượt qua, vốn không được phản ánh trong những cuộc khảo sát hiện cho thấy ông đang dẫn đầu.
Theo một báo cáo phân tích các cuộc khảo sát gần đây do New York Times công bố tuần này, thời gian gần đây, ứng viên tranh cử Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã không tạo được những hiệu ứng tích cực với các cử tri không phải da trắng. Đây là khối cử tri quan trọng mà đảng Dân chủ cần thu hút sự ủng hộ nếu muốn thành công trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong tháng 11 tới.
Thực tế, phân tích trên cho thấy, ông Biden hiện dẫn trước 46 điểm ở bộ phận cử tri không phải da trắng trong khi bà Hillary Clinton từng giành được lợi thế 50 điểm ở nhóm cử tri này trong các cuộc khảo sát cuối cùng vào năm 2016.
Hơn nữa, bất chấp việc Tổng thống Trump đang "lép vế" ở khối cử tri da trắng vùng ngoại ô, các cử tri độc lập và cử tri cao tuổi, 3 nhóm quan trọng với cả 2 đảng trong năm nay thì ông Biden có lẽ cũng tự đặt mình vào tình thế nan giải khi cố gắng thu hút bộ phận cử tri này.
Nhìn vào các sáng kiến chính sách được một số thành viên đảng Dân chủ ủng hộ trong tuần này như "cắt kinh phí của cảnh sát", ông Biden sẽ gặp khó khăn hơn nhiều để gia tăng cách biệt với ông Trump trong việc tạo những hiệu ứng tích cực với các khối cử tri trên.
Trong nửa đầu năm 2020, nước Mỹ đã trải qua không ít những biến cố lớn lao, từ khủng hoảng y tế, suy thoái kinh tế cho đến những vấn đề xã hội nan giải. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, những sự kiện trên dường như là một cách "thử lửa" để các ứng viên tranh cử Tổng thống chứng minh khả năng của mình, không chỉ dựa trên những tuyên bố hay các lời hứa hùng hồn mà là năng lực thực sự để dẫn dắt đất nước ra khỏi khủng hoảng và củng cố vị thế của một siêu cường trên toàn cầu.
TT Trump: Cuộc bỏ phiếu của phe Dân chủ ở Iowa là 'thảm họa toàn diện' Tổng thống Trump gọi cuộc bỏ phiếu kín của đảng Dân chủ tại Iowa là "thảm họa toàn diện" sau khi đảng này phải hoãn công bố kết quả để kiểm tra tính chính xác của các báo cáo. Theo AFP, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4/2 đã gọi cuộc bỏ phiếu kín lựa chọn ứng viên tổng thống của đảng Dân...