Bầu cử Chủ tịch đảng cầm quyền tại Nhật Bản: Kỳ vọng cải thiện bất bình đẳng giới
Mặc dù chưa chính thức chốt danh sách các ứng cử viên tham gia bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản nhưng dự kiến số lượng các ứng cử viên nữ có thể sẽ đông nhất từ trước đến nay.
Điều này đặt ra kỳ vọng lớn đối với việc cải thiện tình trạng bình đẳng giới ở Nhật Bản đang ở mức thấp nhất trong số các nước phát triển.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa phát biểu tại một sự kiện ở Tokyo ngày 23/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, hiện có 3 nữ chính trị gia bày tỏ ý định tham gia tranh cử vị trí lãnh đạo cao nhất của LDP dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9 tới, gồm cựu Bộ trưởng Nội vụ và truyền thông Seiko Noda (sinh năm 1960), Bộ trưởng An ninh Kinh tế Sanae Takaichi (sinh năm 1961) và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa (sinh năm 1953). Trong đó, bà Takaichi được cho là đã nhận đủ sự ủng hộ cần thiết của các thành viên trong đảng để trở thành ứng cử viên và sẽ chính thức công bố quyết định tranh cử vào ngày 9/9.
Về phần bà Kamikawa, trong cuộc họp báo ngày 25/8, chính trị gia này tuyên bố đã nhận được trên 20 phiếu ủng hộ của các thành viên LDP. Bà cho biết đang cân nhắc thời điểm đưa ra quyết định cuối cùng trong bối cảnh Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi, người cùng phe với bà Kamikawa trong LDP trước đây do Thủ tướng Fumio Kishida lãnh đạo, cũng đang bỏ ngỏ khả năng tranh cử.
Video đang HOT
Trong khi đó, bà Noda được cho đã có cuộc gặp riêng với cựu Tổng Thư ký LDP Toshihiro Nikai hôm 22/8 để tìm kiếm sự ủng hộ trong nội bộ đảng nhằm đạt được điều kiện cần để được công nhận là ứng cử viên chính thức tham gia tranh cử.
Theo kết quả nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 3 năm nay, Nhật Bản chỉ xếp thứ 73/190 quốc gia về bình đẳng giới và là quốc gia có sự phân biệt giới tính rõ rệt nhất trong số 34 quốc gia có thu nhập cao thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Vào năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Shinzo Abe đã tuyên bố rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ giúp phụ nữ “tỏa sáng” ở cả nơi làm việc và xã hội khi đặt mục tiêu tăng tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm các vị trí quản lý từ 9,2% vào năm 2014 lên 15% vào năm 2020; tỷ lệ phụ nữ giữ các vai trò cấp cao trong các cơ quan chính phủ từ 3,5% vào năm 2015 lên 7% vào năm 2020, nhưng đến nay không có mục tiêu nào đạt được. Tuy vậy, tỷ lệ nữ giới tham gia các cuộc bầu cử tại cơ quan lập pháp nước này đang có chiều hướng được cải thiện tích cực. Sách Trắng bình đẳng giới của Nhật Bản năm 2024 chỉ rõ tỷ lệ nữ giới tham gia ứng cử tại bầu cử Hạ viện tháng 10/2021 là 17,7%, trong đó 9,7% trúng cử, còn tại cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2022, tỷ lệ này lần lượt là 33,2% và 27,4%.
Nữ chính trị gia đầu tiên tham gia tranh cử Chủ tịch LDP là bà Yuriko Koike, hiện là Thống đốc Tokyo, trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2008. Tuy nhiên sau đó đã không có nữ ứng cử viên nào được ghi nhận cho đến cuộc bầu Chủ tịch LDP năm 2021 với sự xuất hiện của bà Noda và bà Takaichi tham gia cuộc đua vào vị trí cao nhất của LDP, cạnh tranh với ông Fumio Kishida và ông Taro Kono.
Trong cuộc họp gần đây của “Hội vì sự tiến bộ của nữ nghị sĩ”, gồm các nữ nghị sĩ trong LDP, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, người đang giữ vị trí chủ tịch bày tỏ kỳ vọng sẽ có nhiều ứng cử viên nữ tham gia vào sự kiện lớn là bầu cử Chủ tịch đảng. Điều này phản ánh sự ghi nhận đối với vai trò ngày càng gia tăng của phụ nữ Nhật Bản trong các hoạt động chính trị-xã hội.
Hiện nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng bà Kamikawa đang nổi lên là một trong những ứng cử viên hàng đầu để trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản kể từ khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng hồi tháng 9/2023.
Nhóm Bộ tứ (Quad) tái khẳng định cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Ngày 29/7, các Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ (Quad) - gồm Australia, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản - đã nhóm họp tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
Đây là cuộc họp đầu tiên của các ngoại trưởng nhóm này sau 4 năm.
(Từ trái sang) Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa, Ngoại trưởng Australia Penny Wong và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ (Quad) ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 29/7/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa chủ trì cuộc họp năm nay, với sự tham dự của những người đồng cấp Antony Blinken (Mỹ), Subrahmanyam Jaishankar (Ấn Độ) và Penny Wong (Australia). Tại cuộc họp, các Ngoại trưởng đã tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nêu rõ các Ngoại trưởng nhất trí cung cấp nhiều "sản phẩm chung của khu vực" trên các lĩnh vực nhằm hiện thực hóa một cộng đồng quốc tế cùng tồn tại và cùng thịnh vượng. Các bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế đối với duy trì trật tự hàng hải, trong đó có khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc gây áp lực.
Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng cũng đề cập việc Triều Tiên tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo, theo đó kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ tất cả nghĩa vụ được nêu trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Về hợp tác trong khu vực, các bên tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc vai trò trung tâm và tính thống nhất của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP); cam kết hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược 2050 của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF). Ngoài ra, các quan chức ngoại giao hàng đầu của 4 nước cũng nhất trí thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực cụ thể và hiện thực hóa các sáng kiến liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh hàng hải, chương trình phụ nữ, an ninh và hòa bình của Liên hợp quốc (WPS), công nghệ quan trọng và mới nổi, an ninh mạng, chống khủng bố, cứu trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa thiên tai... Các bên cũng nhắc lại cam kết tôn trọng Hiến chương LHQ, thúc đẩy cải cách LHQ, trong đó có cải tổ Hội đồng bảo an LHQ, cũng như thảo luận tình hình Ukraine và tình hình Trung Đông.
Trong khuôn khổ hội nghị, Ngoại trưởng Australia Penny Wong công bố việc thành lập Trung tâm Kết nối và Phục hồi cáp nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho mạng lưới cáp viễn thông dưới biển của các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo Ngoại trưởng Penny Wong, Australia sẽ đầu tư hơn 18 triệu AUD (11,8 triệu USD) trong 4 năm tới để xây dựng Trung tâm Kết nối và Phục hồi Cáp, như một phần trong nỗ lực hợp tác với Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ nhằm tăng cường hệ thống cáp khu vực.
Ngoại trưởng Australia khẳng định đây là một phần không thể thiếu đối với sự thịnh vượng và an ninh của khu vực. Theo đó, Australia sẽ tận dụng chuyên môn của mình về cáp viễn thông dưới biển, từ đó cung cấp đào tạo kỹ thuật và tạo điều kiện chia sẻ thông tin và đối thoại giữa các chính quyền khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc gặp riêng rẽ người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc Ngày 26/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nhật Bản Yoko Kamikawa đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 57 (AMM-57) và các hội nghị liên quan đang diễn ra tại Lào. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải)...