Bầu cử Bosnia – Herzegovina: Chủ nghĩa dân tộc thắng thế
Theo kết quả của 77% số phiếu được kiểm, các ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử Hội đồng Tổng thống BosniaHerzegovina.
Cử tri Bosnia – Herzegovina ngày 12/10 đi bỏ phiếu tổng tuyển cử trong bối cảnh người dân thất vọng với tình hình kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao, nạn tham nhũng tràn lan, đặc biệt là chia rẽ sắc tộc, một trong những nguyên nhân chính cản trở tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của nước này trong nhiều năm qua. Trước giờ đóng cửa các điểm bỏ phiếu, chỉ có hơn 54% trong tổng số 3,3 triệu cử tri hợp lệ đã hoàn thành quyền và nghĩa vụ công dân của họ.
Những tấm áp phích bầu cử trên đường phố Bosnia – Herzegovina. (Ảnh: AP)
Theo kết quả của 77% số phiếu đã được kiểm, các ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử Hội đồng Tổng thống, gồm ba đại diện của ba cộng đồng sắc tộc sinh sống tại Bosnia – Herzegovina là người Bersia, người Hồi giáo Bosnia và người Croatia.
Video đang HOT
Ông Bakir Izetbegovic, lãnh đạo đảng “Hành động dân chủ” (SDA) người Hồi giáo đang dẫn đầu với 33% phiếu ủng hộ, nhiều hơn ứng viên đang ở vị trí thứ hai khoảng cách khá an toàn là 8% số phiếu. Ông Izetbegovic đã sớm tuyên bố thắng cử nhưng cho biết vẫn còn quá sớm để thảo luận về một liên minh cầm quyền. Mặc dù vậy, ông bày tỏ sẵn lòng hợp tác với bất cứ đảng phái và lãnh đạo người Croatia hay Bersia nào được bầu có chung quyết tâm giải quyết những thách thức mà Bosnia – Herzegovina đang phải đối mặt.
Ông Bakir Izetbegovic nói: “Không nên vội vã bàn đến một liên minh. Trong bất cứ trường hợp nào, ai sẵn sàng có một chương trình đồng nhất về các vấn đề cấp thiết nhất như đưa Bosnia – Herzegovina ra khỏi bế tắc trong cải cách, giúp nước này hội nhập với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chống tham nhũng, tội phạm và phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm. Tôi chúc mừng bất cứ ai trúng cử vào Hội đồng Tổng thống và sẽ hợp tác với bất cứ ai được bầu theo ý nguyện của người dân”.
Cùng với ông Izetbegovic, ứng viên Dragan Covic, Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Croatia (HDZ) và bà Zeljka Cvijanovic của đảng Liên minh dân chủ xã hội độc lập (SNSD) cũng đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử Hội đồng Tổng thống. Tuy nhiên, trong khi chiến dịch tranh cử của ông Izetbegovic tập trung vào việc xây dựng một đất nước đoàn kết thì ông Covic xoay quanh việc thành lập một thể chế tự trị cho người Croatia còn đảng người Bersia Liên minh dân chủ xã hội độc lập của bà Cvijanovic chủ trương chia rẽ Bosnia – Herzegovina.
Mặc dù vậy, đại diện người Croatia ông Covic vẫn tỏ ra sẵn sàng hợp tác vì một đất nước Bosnia – Herzegovina “không thể chia cắt”: “Tôi tin là cuối cùng chúng ta cũng phải hiểu rằng chúng ta sống cạnh nhau và Bosnia – Herzegovina không thể chia cắt. Tôi chắc chắn rằng Hội đồng Tổng thống tương lai cũng sẽ nghĩ như vậy”.
Ngoài việc bầu Hội đồng Tổng thống, cử tri Bosnia – Herzegovina cũng bỏ phiếu bầu Quốc hội Trung ương và các hội đồng lập pháp địa phương. Một cử tri bày tỏ: “Tôi mong rằng một vài người trẻ tuổi sẽ được nắm quyền để họ có thể đấu tranh cho tầng lớp thanh niên cũng như những người hưởng trợ cấp. Họ mong muốn có nhiều tiền trợ cấp hơn như đã được hứa hẹn nhiều năm qua. Còn thanh niên chúng tôi thì muốn có việc làm phù hợp với khả năng của mình”.
Cuộc bầu cử trước thời hạn này là hệ quả của làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng qua ở nước này nhằm phản đối việc chính phủ để tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục 44% và khoảng cách giàu nghèo tại quốc gia Nam Âu ngày này càng gia tăng. Mặc dù nền kinh tế đạt được sự phục hồi mong manh 1% trong năm ngoái sau khi giảm 0,5% trong năm 2012, nhưng thu nhập của người dân nước này vào loại thấp nhất châu Âu với mức trung bình 420 euro/tháng.
Cùng với một nền kinh tế kiệt quệ, Bosnia – Herzegovina phải đối mặt với một hệ thống chính trị bị chia rẽ sâu sắc. Thỏa thuận chấm dứt cuộc nội chiến 1992-1995 do Mỹ làm trung gian đã khiến bộ máy chính trị của nước này phân tán quyền lực và làm chính phủ trung ương yếu thế trong khi đất nước bị chia cắt thành hai thực thể tự trị, trong đó có một nửa tiếp tục bị chia nhỏ giữa cộng đồng người Bosnia và Liên đoàn Croatia.
Giới quan sát cho rằng, vì không có ứng cử viên nào nổi bật hay những gương mặt mới nên số phiếu có thể phân chia đều cho các ứng cử viên, nghĩa là tiến trình thành lập chính phủ sẽ gặp nhiều gian nan./.
Theo_VOV
Ông Putin nói vẫn đau ê ẩm sau cuộc leo núi mừng sinh nhật
Mừng sinh nhật lần thứ 62 của mình, hôm 7/10, Tổng thống Nga Putin đã nghỉ phép đến một khu rừng taiga ở Siberia cách xa khu dân cư.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đón sinh nhật lần thứ 62 vào hôm thứ Ba trong rừng taiga ở Siberia đã có chặng leo núi dài gần chín cây số.
Khác với truyền thống mọi năm, sinh nhật lần này Tổng thống Nga quyết định nghỉ phép để đến với vùng rừng taiga cách xa khu vực dân cư.
Khai mạc cuộc họp Hội đồng Tổng thống về thể thao hôm thứ Năm, ông nhắc là cả thế giới đang kỷ niệm Ngày đi bộ. "Hôm kia tôi đã có một ngày đi bộ. Tôi leo núi gần 9 cây số. Đến giờ người vẫn đau ê ẩm,.." - Tổng thống cho biết.
Theo Tiếng nói nước Nga