Bất thường với dòng tiền kinh doanh âm gần 1.500 tỷ đồng của Vinaconex sau năm đầu tiên An Quý Hưng là cổ đông lớn
Việc sử dụng nguồn vốn, cân đối dòng tiền của Vinaconex đang có những vấn đề bất thường và không loại trừ khả năng sẽ bị cổ đông chất vấn tại kỳ ĐHĐCĐ dự kiến diễn ra vào sáng mai (29/6).
ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã VCG) sẽ được tổ chức vào sáng 29/6 với nhiều nội dung dự kiến được trình cổ đông như kế hoạch kinh doanh năm 2020, phương án tăng vốn điều lệ phát hành hơn 66,2 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phần, phương án chuyển niêm yết cổ phiếu trên HoSE…
Đây là kỳ đại hội thứ 2 Vinaconex hoạt động theo cơ cấu sở hữu mới từ doanh nghiệp nhà nước đến cổ phần nhà nước và sang doanh nghiệp cổ phần tư nhân.
Trong đại hội được tổ chức vào ngày 28/6/2019, các vấn đề rất “ nóng” thời điểm này đã được cổ đông đặt ra cũng như chính Ban lãnh đạo của Vinaconex thông tin liên quan đến các vấn đề như việc sửa đổi Quy chế hoạt động của HĐQT và Quy chế tài chính của Tổng công ty, cổ đông lớn sở hữu hơn 7% vốn điều lệ đặt câu hỏi có hay không “thâu tóm quyền lực vào nhóm cổ đông An Quý Hưng”, vấn đề nguồn tiền An Quý Hưng chi gần 7.400 tỷ đồng, cao hơn 2.000 tỷ so với giá khởi điểm để mua lại 57,7% cổ phần SCIC thoái vốn.
Kinh doanh kết lõi sa sút, dòng tiền kinh doanh âm gần 1.500 tỷ đồng
Báo cáo tài chính năm 2019 của Vinaconex trong năm đầu tiên hoạt động theo cơ cấu sở hữu mới cho thấy, lĩnh vực xây dựng vẫn đóng góp tỷ trọng lớn nhất (gần 55%) trong tổng doanh thu hợp nhất của Tổng công ty với 5.225 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lĩnh vực này chỉ đạt vỏn vẹn 138 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm trước. Biên lãi gộp tương ứng từ mức 4,7% co lại còn 2,6%.
Trong bối cảnh đó, bất động sản được kỳ vọng trở thành cứu cánh của Vinaconex. Tuy nhiên với tình hình triển khai các dự án giá trị trong đó có dự án Cái Giá (Hải Phòng) vẫn “dậm chân tại chỗ” khiến doanh thu lĩnh vực này của Vinaconex cũng chưa có sự đột phá. Năm 2019, bất động sản mang về cho Vinaconex 2.063 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với năm trước nhưng chỉ chiếm gần 22% tổng doanh thu của Tổng công ty.
Ghi nhận trên báo cáo tài chính riêng, khoản lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Vinaconex đạt 726 tỷ đồng chủ yếu đến từ hoạt động tài chính như cổ tức và lãi tiền gửi, cho vay (404 tỷ đồng), thu nhập từ thanh lý các khoản đầu tư (70 tỷ đồng), lãi đánh giá lại tài sản góp vốn (46 tỷ đồng) và hoạt động kinh doanh bất thường như hoàn nhập dự phòng (145 tỷ đồng). Điều này cho thấy các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Vinaconex đang sa sút trong khi hoạt động của các công ty con chưa có hiệu quả.
Video đang HOT
Ngoài ra, Vinaconex còn đang gặp vấn đề với việc cân đối dòng tiền. Chỉ trong vòng 01 năm sau khi An Quý Hưng trở thành cổ đông lớn với hơn 57% cổ phần, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ từ âm 285 tỷ đồng năm 2018 lên âm 1.123 tỷ đồng năm 2019 trên BCTC riêng. Con số này trên báo cáo hợp nhất lên đến âm 1.493 tỷ đồng trong khi năm trước chỉ âm 50 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tăng các khoản phải thu đột biến 2.418 tỷ đồng trong đó các khoản trả trước cho khách hàng và phải thu khác tăng rất mạnh từ 1.481 tỷ đồng lên hơn 3.000 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là sự gia tăng cái tài sản có rủi ro cao này lại được tài trợ một phần bởi việc vay vốn ngân hàng. Ghi nhận trên BCTC hợp nhất, số dư nợ vay cuối năm 2019 đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng lên 4.662 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn. Nợ vay tăng cao kéo theo áp lực lãi vay làm ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế cũng như dòng tiền hoạt động kinh doanh của TCT.
Dù dòng tiền hoạt động kinh doanh bị âm nhưng TCT vẫn thực hiện nhiều giao dịch tạm ứng với số tiền lớn cho các nhân viên, ứng trước cho nhà cung cấp, cho vay, góp vốn hợp tác kinh doanh, thành lập các công ty con mới, góp vốn đầu tư… với giá trị lên đến trên 1.500 tỷ đồng.
Rõ ràng, việc sử dụng nguồn vốn, cân đối dòng tiền của Vinaconex đang có những vấn đề bất thường và không loại trừ khả năng sẽ bị cổ đông chất vấn tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên tới đây.
Trong kỳ đại hội năm ngoái (2019), mặc dù theo thông báo bắt đầu làm việc từ 8h00 sáng tuy nhiên, cho đến 10h00 mới bắt đầu đi vào nội dung báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và phải đến hơn 13h00 cùng ngày đại hội mới kết thúc. Điểm đặc biệt của đại hội còn ở việc sóng điện thoại tại nơi tổ chức là trụ sở Vinaconex tại Láng Hạ (Hà Nội) không thể hoạt động và có rất nhiều nhân viên công ty Bảo vệ có mặt tại đại hội.
Kinh doanh ảm đạm trong quý I/2020
Tại Đại hội, Vinaconex sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu doanh thu đạt 9.530 tỷ đồng, giảm 4% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 820 tỷ đồng, tăng 4% so với kết quả đạt được năm 2019. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 12%.
Kết thúc quý đầy tiên của năm, Vinaconex ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng theo đó giảm 46% so với cùng kỳ xuống 106,6 tỷ đồng, tương đương biên lãi gộp 10,6%
Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp đội lên gần 574 tỷ đồng, cao gấp 7 lần so với cùng kỳ do phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi số tiền 495 tỷ đồng và lãi từ hoạt động liên doanh liên kết rất khiêm tốn trong đó có 4 công ty liên doanh, liên kết báo lỗ quý I.
Nhờ doanh thu từ hoạt động tại chính tăng đột biến lên 678 tỷ đồng, gấp hơn 15 lần cùng kỳ chủ yếu đến lãi từ hoạt động thoái vốn các khoản đầu tư (633 tỷ đồng), Vinaconex vẫn lãi ròng gần 64 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 67 tỷ đồng do cổ đông không kiểm soát chịu lỗ.
Dư âm phiên họp năm 2019 ám ảnh phiên họp thường niên năm 2020 của Vinaconex
Phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Vinaconex sẽ được tổ chức vào ngày 29/6 tiếp tục được cổ đông và giới đầu tư quan tâm không chỉ do dư âm của phiên họp thường niên năm 2019 mà cổ đông và giới đầu tư cũng muốn nhìn thấy thay đổi của Vinaconex sau hơn 1 năm nằm trong sự kiểm soát của nhóm cổ đông mới - An Quý Hưng.
Sau tròn một năm, ngày 29/6/2020, Đại hội đồng cổ đông Vinaconex tiến hành phiên họp thường niên để thông qua các báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty năm 2019 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020.
Cũng giờ này năm trước, tình hình Vinaconex trở nên rất "nóng" bởi những mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông An Quý Hưng với nhóm cổ đông nắm giữ gần 30% vốn điều lệ trong việc điều hành công ty, dẫn đến vụ kiện tại TAND quận Đống Đa và việc Tòa ra lệnh tạm dừng thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông bất thường và dừng hoạt động HĐQT và Ban kiểm soát mới được bầu.
Do những mâu thuẫn trước khi phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên xảy ra nên phiên họp năm 2019 đã diễn ra khá căng thẳng. Ngay từ khâu tổ chức, Ban tổ chức đại hội đồng cổ đông đã gia tăng lực lượng bảo vệ và thực hiện phá sóng điện thoại, một việc làm được cho là không cần thiết nhưng phản ánh đúng tình trạng mâu thuẫn trong các cổ đông và sự lo lắng của lãnh đạo công ty.
Thậm chí, tại phiên họp này, các cổ đông còn chứng kiến màn đấu khẩu giữa lãnh đạo công ty và một số cổ đông tham dự phiên họp dẫn đến việc ông Đào Ngọc Thanh yêu cầu bảo vệ "trục xuất" một nữ cổ đông ra khỏi phòng họp. Việc làm này chưa có tiền lệ, đã tạo nên một hình ảnh không đẹp trong phiên họp thường niên của Đại hội đồng cổ đông VCG.
Sau phiên họp thường niên đầy sóng gió năm 2019, tình hình Vinaconex trở lại bình thường và cổ đông lớn An Quý Hưng vẫn thực hiện kiểm soát công ty trên mọi mặt, từ hoạt động quản trị, điều hành đến hoạt động kiểm soát.
Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Vinaconex, tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2019 của VCG tiếp tục ổn định, tập trung vào 3 mảng kinh doanh chính là xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính.
Báo cáo thường niên của VCG ghi nhận mức doanh thu năm 2019 giảm nhiều so với năm 2018 (giảm gần 200 tỷ đồng), song mức lợi nhuận lại tăng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2019 của VCG là 787 tỷ đồng (năm 2018 là 639 tỷ đồng). So sánh trong 3 năm liên tục thì năm 2017, VCG có mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất và năm 2019, sau khi nhóm cổ đông An Quý Hưng kiểm soát VCG, doanh nghiệp này vẫn chưa đạt được mức doanh thu và lợi nhuận năm 2017.
Theo báo cáo của HĐQT, năm 2019, HĐQT dưới sự kiểm soát gần như tuyệt đối của nhóm cổ đông An Quý Hưng đã tiến hành nhiều biện pháp siết chặt quản lý, thay đổi biện pháp quản trị, nhất là đối với các chi phí đầu vào nên VCG đã đạt được những kết quả khả quan, trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 112% so với kế hoạch và lợi nhuận hợp nhất đạt 106%.
Báo cáo thường niên của VCG cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động của công ty trong năm 2019. Trong đó, HĐQT công ty không quên đổ lỗi cho nhóm cổ đông đã yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, yêu cầu tạm dừng thực hiện nghị quyết dẫn đến việc HĐQT và Ban kiểm soát được bầu theo nghị quyết này phải dừng hoạt động.
Ngoài ra, HĐQT Vinaconex cũng cho rằng, các kết quả đạt được của công ty còn chưa tương xứng với vị thế và năng lực của Vinaconex trên thị trường; còn một số dự án chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến lãng phí nguồn lực của Công ty.
Hiện nay, mã chứng khoán VCG đang được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mức giá giao dịch khoảng 26 nghìn đồng/cổ phần, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Còn nhớ, trong thời gian đầu kiểm soát VCG, HĐQT do nhóm cổ đông An Quý Hưng chi phối đã có nghị quyết về việc đầu tư 714 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ của Vinaconex với giá 28 nghìn đồng/cổ phần. Bằng bài toán đưa ra là sẽ đưa giá cổ phiếu VCG lên trên 40 nghìn đồng/cổ phần, Vinaconex sẽ thu lợi lớn từ hoạt động đầu tư tài chính này. Với giá cổ phiếu VCG hiện nay thì nếu kế hoạch này được thực hiện một năm trước thì khoản đầu tư vào cổ phiếu quỹ có thể đã trở thành cú đầu tư gây lỗ năm đầu tiên khi kiểm soát Vinaconex của nhóm cổ đông An Quý Hưng.
Mặc dù hoạt động kinh doanh của Vinaconex từ năm 2019 trở đi đã tập trung vào 3 mục tiêu chính là xây dựng - bất động sản và đầu tư nhưng qua năm 2019, nhà đầu tư còn nhiều điều phải lo lắng bởi đóng góp chủ yếu vào con số lợi nhuận tăng trưởng cao là các phần lãi từ hoạt động tài chính, đầu tư hoặc thu nhập khác, trong khi đó tăng trưởng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của công ty khá thấp. Đáng chú ý, trong số 138,7 tỷ đồng thu nhập khác mà VCG ghi nhận, có đến 82,3 tỷ đồng (chiếm 60%) là ghi nhận hoàn nhập dự phòng bảo hành các tòa chung cư, tương ứng hạch toán lợi nhuận trên sổ sách, không có dòng tiền thực thu về.
Lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên dòng tiền của VCG không được tích cực như vậy khi báo cáo tài chính cho biết dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm đến 1.493 tỷ đồng với nguyên nhân chủ yếu là các khoản mục phải thu tăng mạnh 2.417,7 tỷ đồng trong năm qua.
Dòng tiền kinh doanh âm trong khi nhu cầu đầu tư còn lớn dẫn đến hệ quả một mặt nguồn tiền dự trữ của VCG đã giảm mạnh. Số dư tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến cuối năm 2019 trên trên báo cáo tài chính hợp nhất giảm gần 631 tỷ đồng so với đầu năm, khiến doanh thu tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi có xu hướng giảm.
VC3 lên kế hoạch phát hành tối đa 1.000 tỷ trái phiếu, đặt mục tiêu lãi ròng tăng trưởng 10,3% trong năm 2020 Năm 2020 là thời điểm mà VC3 bắt tay vào việc triển khai thực hiện đầu tư đối với Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình với diện tích 18,3 ha và tổng mức đầu tư gần 1.082 tỷ đồng. Ngày 3/6, CTCP Xây dựng số 3 (VC3) đã tổ chức thành công Đại hội...