Bất thường việc phát hành cổ phiếu tại DGT
Công ty cổ phần công trình giao thông Đồng Nai (DGT) dự kiến phát hành thêm 4 triệu cổ phiếu (CP) nhưng từ chối bán với giá 20.000 đồng/CP cho nhà đầu tư hiện hữu mà bán với giá 12.000 đồng cho nhà đầu tư mới.
Chỉ định bán giá thấp cho cổ đông mới
DGT tiền thân là Công ty thi công cầu đường, trực thuộc Công ty phát triển KCN Biên Hòa (Sonadezi, nay là Tổng công ty cổ phần Sonadezi có vốn nhà nước chiếm chi phối 94%). Vốn điều lệ của DGT là 24,81 tỉ đồng, trong đó Sonadezi chiếm 10%, Công ty cổ phần siêu thị vật liệu xây dựng Thế giới nhà chiếm 18,63%, các cổ đông khác chiếm 71,3%.
Hội đồng quản trị (HĐQT) DGT vừa đưa ra Nghị quyết tiếp tục thực hiện Nghị quyết 44 ngày 21.7.2018 và Nghị quyết 21 ngày 28.4.2019 về việc đăng ký chào bán CP riêng lẻ với khối lượng 4 triệu CP, giá chào bán 12.000 đồng. Tỷ lệ CP đăng ký chào bán thêm trên tổng số đang lưu hành là 161,22% và thời gian chào bán vào quý 2 và quý 3/2019. Toàn bộ số tiền thu được từ việc chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược dự kiến khoảng 48 tỉ đồng sẽ được sử dụng tái cơ cấu nợ, bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh. Cụ thể, trả nợ thuế và bảo hiểm xã hội 5 tỉ đồng, trả nợ BIDV 38 tỉ đồng, còn lại 5 tỉ đồng bổ sung vốn lưu động.
Tiêu chí mà DGT chọn đối tác chiến lược là không phải cổ đông hiện hữu; có năng lực tài chính và tự nguyện tham gia đợt phát hành… Các nhà đầu tư trong đợt phát hành riêng lẻ lần này không có quan hệ nào với các cổ đông hiện hữu, ban điều hành và thành viên HĐQT công ty. Danh sách nhà đầu tư mua lượng CP phát hành lần này của DGT gồm 7 cá nhân, mỗi người mua 500.000 – 600.000 CP DGT, chiếm tỷ lệ từ 7,71 – 9,26% mỗi người.
Việc phát hành 4 triệu CP của DGT khá bất thường về giá. Căn cứ theo Điều 125 luật Doanh nghiệp, giá giao dịch bình quân 30 phiên liên tiếp của CP công ty trên UpCom trước khi DGT ban hành tờ trình cổ đông phương án phát hành (vào ngày 29.6.2018) là 17.020 đồng/CP. Còn theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, giá trị sổ sách mỗi cổ phần tính đến 31.12.2017 là 13.915 đồng/CP. Thị giá CP DGT trên sàn UpCom ngày 23.5 ở mức 22.000 đồng/CP. Với việc chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu theo giá 12.000 đồng/CP như nói trên, cổ đông hiện hữu bị thiệt hại nghiêm trọng.
Đáng nói là vào năm 2018, khi HĐQT DGT trình phương án phát hành CP tăng vốn với giá 12.000 đồng/CP, một nhóm cổ đông hiện hữu của công ty là Công ty cổ phần siêu thị vật liệu xây dựng Thế giới nhà (nắm tỷ lệ 18,63% vốn điều lệ DGT) và cổ đông Nguyễn Ngọc Phương Trà (nắm tỷ lệ 4,46% vốn điều lệ DGT) có đơn gửi HĐQT đề nghị được mua một phần hay toàn bộ lượng CP trên với giá 12.000 đồng, thậm chí lên 20.000 đồng/CP. Thế nhưng phía DGT không có phản hồi với đề nghị này.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 được tổ chức vào tháng 4 vừa rồi, đại diện Công ty cổ phần siêu thị xây dựng Thế giới nhà cho rằng giá thị trường của CP DGT trong 6 tháng nay lên tới 28.320 đồng/CP, giá tham chiếu ở thời điểm đó là 32.800 đồng/CP. Mức giá chào bán 12.000đồng/CP (chỉ bằng 37% giá thị trường) mang về cho công ty 48 tỉ đồng, trong khi số tiền thu về tính theo giá thị trường là 131 tỉ đồng, chênh lệch 83 tỉ đồng. Nếu bán với giá 20.000 đồng/CP (giá nhóm cổ đông này đề nghị), công ty thu về là 80 tỉ đồng, chênh lệch là 32 tỉ đồng nhưng đề nghị này tiếp tục bị “phớt lờ”. Nhà dầu tư này đặt vấn đề: “Vậy những cổ đông mua 4 triệu CP này là ai mà được hưởng lợi 32 tỉ đồng, khiến công ty phải thất thoát số tiền này”.
Video đang HOT
Ai được mua cổ phiếu giá rẻ?
Câu hỏi “tại sao họ được ưu tiên mua giá rẻ hơn so với giá thị trường?” được cổ đông đặt vấn đề tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của DGT năm 2019.
Theo như tờ trình số 15 tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019, điều kiện trở thành nhà đầu tư chiến lược cho đợt phát hành CP riêng lẻ lần này là không phải là cổ đông hiện hữu. Đi kèm theo tờ trình 16 là danh sách 7 nhà đầu tư chiến lược cá nhân được HĐQT lựa chọn.
Điểm “bất thường” ở đây là HĐQT không giải thích rõ cơ sở và trình tự nào đưa ra sự lựa chọn các nhà đầu tư này, không có thông tin về năng lực của các nhà đầu tư chiến lược cũng như cam kết của họ. Điều này đi ngược lại nghị quyết đã được các cổ đông thông qua trước đó.
Các quy định tại luật Doanh nghiệp và luật Chứng khoán không có điều khoản nào cấm cổ đông hiện hữu mua cổ phần mà ngược lại đây là đối tượng được ưu tiên mua. Cụ thể luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung quy định: “Chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc tổ chức chào bán chứng khoán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet”. Một số nghị định hướng dẫn có đề cập đến việc chào bán riêng lẻ cho các tổ chức, cá nhân, nhóm người có liên quan trong đó gồm các cổ đông hiện hữu có nhu cầu mua tiếp cổ phần phát hành thêm.
Theo Điều 114, luật Doanh nghiệp về quyền của cổ đông phổ thông: “Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty”. Thế nhưng các nhóm cổ đông hiện hữu của DGT không được ưu tiên mua dù đưa ra mức giá cao hơn, DGT chào bán giá 12.000 đồng/CP và nhóm cổ đông này đề nghị mua giá 20.000 đồng/CP.
Theo thanhnien.vn
Điều lệ CTCP Nhựa Đồng Nai có trái luật?
Nhiều cổ đông Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP) cho rằng, Điều lệ Công ty có những quy định trái với Điều lệ mẫu áp dụng cho công ty đại chúng ban hành kèm theo Thông tư 95/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Đại hội đồng cổ đông DNP vừa qua khá "nóng" với những ý kiến thảo luận về Điều lệ Công ty mà Hội đồng quản trị trình đại hội sửa đổi. Nhiều ý kiến cho rằng, Điều lệ Công ty trình đại hội không tuân thủ Điều lệ mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 95/2017/TT-BTC, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của cổ đông.
Cổ đông nêu dẫn chứng về quy định quyền cổ đông. Điểm a, Khoản 2, Điều 11, Điều lệ DNP chỉ quy định cổ đông có quyền tham dự đại hội đồng cổ đông và biểu quyết trực tiếp.
Trong khi đó, Khoản 2, Điều 140, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông trong trường hợp tham dự và biểu quyết trực tiếp; ủy quyền cho người khác, tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác, gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.
Điểm a, Khoản 2, Điều 12, Điều lệ mẫu quy định, cổ đông có các quyền: tham dự và phát biểu trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông hoặc thông qua đại diện được ủy quyền hoặc thực hiện bỏ phiếu từ xa.
Cổ đông cũng lên tiếng về quy định tỷ lệ tối thiểu để đề cử, ứng cử, yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông... Điều lệ DNP quy định tỷ lệ 10%, trong khi Điều lệ mẫu quy định tỷ lệ 5%. Như vậy, quy định của DNP hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông nói chung.
Một số quy định về các thời hạn của Điều lệ DNP khác với Điều lệ mẫu. Chẳng hạn, Điều lệ Công ty quy định, thông báo mời họp đại hội đồng cổ đông, thời hạn gửi phiếu lấy ý kiến bằng văn bản, gửi các tài liệu... ít nhất 10 ngày trước ngày họp, trong khi Điều lệ mẫu quy định là 15 ngày.
Ngoài ra, Điều lệ mẫu quy định, công ty đại chúng tiến hành tất cả các khoản thanh toán và giao dịch kế toán thông qua các tài khoản mà công ty mở tại ngân hàng. Vậy nhưng, Điều lệ DNP quy định, Công ty có thể thực hiện các phương thức thanh toán và giao dịch khác theo quyết định của Hội đồng quản trị và/hoặc Tổng giám đốc.
Về giao dịch với bên liên quan, Điều lệ mẫu quy định tỷ lệ nhỏ hơn hoặc bằng 20% tổng giá trị tài sản trong báo cáo tài chính gần nhất, các giao dịch trên 20% phải tuân thủ thêm một số điều kiện khác, nhưng Điều lệ DNP quy định tỷ lệ 35%.
Một số cổ đông cho rằng, DNP là công ty đại chúng thì ngoài Luật Doanh nghiệp cần phải tuân thủ thêm quy định của luật chuyên ngành, trong trường hợp này là các quy định của ngành chứng khoán, trong đó có Thông tư 95, áp dụng cho các công ty đại chúng.
Đại diện DNP giải thích, các nội dung cổ đông nêu đều đã nằm trong Điều lệ cũ của Công ty được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018 và không sửa đổi, bổ sung thêm. Bản điều lệ sửa đổi trình đại hội năm nay chỉ sửa đổi, bổ sung nội dung về mô hình quản trị, sửa đổi số lượng thành viên Hội đồng quản trị, sửa đổi các nội dung liên quan đến việc bỏ mô hình Ban kiểm soát (được biết, DNP trình đại hội thông qua việc thay đổi mô hình quản trị, áp dụng mô hình Ban kiểm toán nội bộ, thay vì Ban kiểm soát như trước).
Theo đại diện DNP, Điều lệ Công ty thông qua năm 2018 đã tuân thủ đúng các quy định của Luật và các văn bản liên quan. Thông tư 95 quy định các công ty đại chúng tham chiếu, áp dụng Điều lệ mẫu được ban hành kèm theo. Như vậy, Điều lệ mẫu là văn bản để các công ty đại chúng tham chiếu. Việc tham chiếu các văn bản này được thực hiện theo quy định Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Nghị định 71/2017/NĐ-CP và các văn bản liên quan.
"Việc tham chiếu là không bắt buộc, chúng tôi thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, luật "mẹ" của các luật còn lại", đại diện DNP nói và cho rằng, quy định về tỷ lệ giao dịch với bên liên quan được quy định trong Điều lệ mẫu là khuyến nghị, tham chiếu, không phải là bắt buộc.
Cuối cùng, Đại hội đồng cổ đông DNP đã thông qua bản Điều lệ sửa đổi, bổ sung, với tỷ lệ hơn 92% đồng ý. Khi kết thúc đại hội, ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch Hội đồng quản trị DNP ghi nhận thiện chí đóng góp của các cổ đông và cho biết sẽ nghiên cứu các ý kiến cổ đông về Điều lệ Công ty, sớm trả lời cổ đông.
Được biết, Đại hội đồng cổ đông DNP vừa qua đã chốt không trả cổ tức cho cổ đông, dù kế hoạch trước đó là trả 15%.
Tham chiếu Điều lệ mẫu là gì?
Liên quan đến Điều lệ mẫu, Điểm 3, Thông tư 95/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 71/2017/NĐ-CP quy định: "Công ty đại chúng tham chiếu Điều lệ mẫu tại Phụ lục số 01 Thông tư này để xây dựng Điều lệ công ty, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP và quy định pháp luật hiện hành".
ĐIều 4, Thông tư 95 quy định: "Công ty đại chúng tham chiếu mẫu Quy chế nội bộ về quản trị công ty tại Phụ lục số 02 Thông tư này để xây dựng Quy chế nội bộ về quản trị công ty, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP" .
Với quy định như trên, việc doanh nghiệp chỉ tham khảo Điều lệ mẫu mà không áp dụng đúng những quy định tại Điều lệ mẫu, liệu có gọi là vi phạm? Đầu tư Chứng khoán sẽ tìm hiểu và phản ánh trong số báo tới.
Bùi Trang
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Tập đoàn Đại Dương (OGC): Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời Ngày 10/5/2019, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) đã có đơn gửi tới Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội yêu cầu hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Quyết định số 146/2018/QĐ-BPKCTT ngày 18/10/2018 của Tòa án Nhân dân quận Ba Đình để tổ chức Đại hội đồng cổ đông theo đúng Luật Doanh nghiệp và Luật...