Bất thường một vụ công chứng mua bán nhà
Quyết định ngăn chặn của cơ quan thi hành án ghi đúng địa chỉ nhà nhưng không ghi số thửa, sai tên chủ nhà…, vậy văn phòng công chứng có được công chứng hợp đồng mua bán nhà?
Mới đây, chấp hành viên Đỗ Văn Cảnh (Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận 7, TP.HCM) cho biết cơ quan này sẽ gửi văn bản yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét vai trò của một công chứng viên vì công chứng hợp đồng mua bán nhà sau khi đã có quyết định ngăn chặn của Chi cục THA.
Đúng địa chỉ nhà nhưng sai tên chủ sở hữu
Theo một bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận 7, vợ chồng bà BTHT phải trả cho bà Phạm Thị Bé hơn 250 triệu đồng. Phía bà T. kháng cáo nhưng không đến làm việc nên tháng 1-2016, TAND TP đã đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Sau khi bà Bé gửi đơn yêu cầu THA, ngày 1-2-2016, Chi cục THA dân sự quận 7 đã ra quyết định THA và xác minh tài sản của người phải THA.
Chỉ vài ngày sau, bà T. đã bán căn nhà của mình ở phường Tân Thuận Tây (quận 7) cho vợ chồng ông VTH, đến ngày 23-2 thì vợ chồng ông VTH hoàn tất việc cập nhật sang tên. Tuy nhiên, ngày 10-3, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 vẫn thông báo cho Chi cục THA quận 7 rằng căn nhà trên thuộc sở hữu của bà T. (có cung cấp thông tin số thửa, số tờ bản đồ).
Ngày 11-3, Chi cục THA quận 7 ra quyết định ngăn chặn đối với căn nhà (trong quyết định có ghi số nhà, có thêm tên đường Huỳnh Tấn Phát nhưng không ghi rõ số thửa). Dù có quyết định ngăn chặn nhưng cuối tháng 4-2016, vợ chồng ông VTH vẫn bán được căn nhà trên cho bà LTLH. Hợp đồng mua bán nhà này được công chứng tại Văn phòng Công chứng Tân Thuận.
Anh Nguyễn Quang Thiều (con trai, đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Thị Bé) đang trình bày về vụ việc. Ảnh: N.NGA
Video đang HOT
Ngày 6-5, Chi cục THA quận 7 đã ra quyết định cưỡng chế, kê biên căn nhà trên. Nhưng nhiều lần đến đây, chấp hành viên thấy chủ nhà không phải là bà T. nên xác minh lại. Lúc này, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 kiểm tra lại mới hay đã cung cấp thông tin chưa chính xác cho cơ quan THA. Người phải THA là bà T. đã bán nhà cho vợ chồng ông VTH nhưng chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 vẫn có văn bản cung cấp thông tin rằng căn nhà thuộc quyền sở hữu của bà T.
“Công chứng viên làm vụ việc thêm phức tạp”
Trước tình huống này, Chi cục THA quận 7 đã tạm dừng cưỡng chế THA. Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, chấp hành viên Đỗ Văn Cảnh (người thụ lý, giải quyết vụ THA) nói: “Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 có thiếu sót khi cung cấp thông tin không đầy đủ nhưng không ảnh hưởng gì tới quyền lợi của các bên đương sự. Vấn đề là dù chúng tôi đã ra quyết định ngăn chặn căn nhà nhưng không hiểu sao Văn phòng Công chứng Tân Thuận vẫn công chứng cho vợ chồng ông VTH bán nhà cho bà LTLH. Từ đó tôi đã buộc phải tạm dừng cưỡng chế kê biên. Chính công chứng viên đã làm vụ việc thêm khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng tới quá trình THA. Chi cục THA quận 7 sẽ có văn bản yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét vai trò của công chứng viên trong việc này”.
Ông Phan Võ Lâm Giang (đại diện chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7) thừa nhận đơn vị này đã cung cấp thiếu thông tin về căn nhà cho Chi cục THA quận, nguyên nhân là thời điểm đó đơn vị bắt đầu sử dụng phần mềm mới. “Vừa qua bà LTLH nộp hồ sơ yêu cầu được cấp giấy chủ quyền căn nhà trên nhưng chúng tôi trả hồ sơ không giải quyết vì nhà đã bị ngăn chặn” – ông Giang cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Chung (Trưởng Văn phòng Công chứng Tân Thuận) lý giải vì sao Chi cục THA quận có quyết định ngăn chặn rồi mà Văn phòng Công chứng Tân Thuận vẫn công chứng hợp đồng mua bán nhà của vợ chồng ông VTH và bà LTLH: “Cơ quan THA ngăn chặn không đúng chủ sở hữu, không có số thửa nên chúng tôi không thấy thông tin ngăn chặn. Khi chúng tôi tra số thửa, số nhà thì chủ sở hữu là ông VTH chứ không phải bà BTHT. THA họ ngăn chặn địa chỉ nhà còn có thêm tên đường Huỳnh Tấn Phát, còn hồ sơ chúng tôi công chứng không có tên đường nên chúng tôi mới công chứng”.
Khi PV cầm hồ sơ trên tới một phòng công chứng ở TP.HCM, vị trưởng phòng (đề nghị không nêu tên) mở phần mềm mạng tra cứu và khẳng định ngay rằng địa chỉ căn nhà trên đã bị ngăn chặn. “Quyết định ngăn chặn không đúng tên chủ sở hữu nhà, không có số thửa nhưng lại đúng địa chỉ nhà. Mặt khác, văn phòng công chứng cho rằng cơ quan THA ngăn chặn có thêm tên đường nhưng giấy chủ quyền nhà của ông VTH không có tên đường nên mới công chứng là không hợp lý. Bởi lẽ nếu có tên đường thì phạm vi kiểm tra thông tin ngăn chặn càng rộng hơn. Lẽ ra nếu thấy nghi ngờ, công chứng viên phải hỏi cơ quan ra quyết định ngăn chặn để xác minh lại thông tin, khi đó công chứng vẫn chưa muộn” – vị trưởng phòng này nhận xét.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
Có thể kiện đòi bồi thường Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 62/2015 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA dân sự), kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải THA chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để THA, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác… Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm THA, biện pháp cưỡng chế THA mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để THA… Vấn đề là Điều 24 Nghị định 62/2015 không nói rõ tài sản của người phải THA đã bị bán mấy lần. Vì thế nếu chấp hành viên tiếp tục kê biên, xử lý tài sản thì rất dễ tiếp tục xảy ra tranh chấp. Theo tôi, cách tốt nhất là Chi cục THA quận 7 áp dụng khoản 2 Điều 75 Luật THA dân sự. Cụ thể, chấp hành viên thông báo cho người được THA để yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu. Hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông báo mà người được THA không yêu cầu thì chấp hành viên yêu cầu tòa tuyên bố giao dịch đó vô hiệu và căn cứ theo phán quyết của tòa để xử lý. Ngoài ra, nếu các đương sự cho rằng chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, công chứng viên làm ảnh hưởng tới quyền lợi của họ thì có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại theo BLDS. TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM
N.HƯNG – N.NGA
Theo PLO
Mở cơ chế để đường sắt thôi trì trệ
Về hướng đi tương lai của ngành đường sắt Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các công ty vận hành đoàn tàu cần đóng vai trò trung tâm thay cho vị trí của doanh nghiệp quản lý hạ tầng như hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng, các công ty vận hành đoàn tàu cần đóng vai trò trung tâm
Kết cấu hạ tầng cũ - hiệu quả thấp
Sau hơn 100 năm xây dựng và đưa vào khai thác, ngành đường sắt đang nắm giữ một khối tài sản khổng lồ và những lợi thế hết sức to lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Nắm trong tay 3.000 km đường, 287 ga, 1.818 cầu lớn nhỏ, 39 hầm, 5.735 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt và các công trình phụ trợ lớn, đặc biệt là quỹ đất thuộc tài sản kết cấu hạ tầng trên 6.000 ha, tuy nhiên số tiền ngành đường sắt thu về lại rất khiêm tốn (chỉ 350 tỷ đồng, trong khi ngân sách phải cấp bù khoảng 1.200 tỷ đồng để bảo trì).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, năng lực vận tải đường sắt hiện nay đạt rất thấp và hệ thống kết cấu hạ tầng trong thời gian qua không được đầu tư phát triển mở rộng. Nguyên nhân do hệ thống pháp luật hiện hành chủ yếu mang tính chất quản lý chuyên ngành, chưa phân định rõ quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu tài sản kết cấu hạ tầng (cơ quan quản lý Nhà nước) với đối tượng được giao quản lý, sử dụng (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam).
"Điều đó dẫn đến cơ chế hoạt động hiện nay gần như khép kín trong nội bộ Tổng công ty, vai trò của Nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản còn mờ nhạt. Các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường sắt còn thiếu, phân tán, chưa có quy định cụ thể về "cơ chế mở" để thu hút đầu tư, khai thác hạ tầng đường sắt", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí phân tích.
Làm rõ hơn về việc sử dụng nguồn lực kém hiệu quả của ngành đường sắt, bà Nguyễn Thị Thoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) nêu rõ, trong 6.000 ha đất công được giao, quỹ đất công trình hạ tầng đường sắt chiếm tới 90% trong khi quỹ đất sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết để tạo vốn phát triển đường sắt chỉ đạt 0,16%. Không những vậy, với thực tế phân bố và sử dụng quỹ đất chưa đồng đều nên việc áp dụng thu đối với từng loại tài sản hạ tầng rất khó kiểm soát.
Trước thực trạng trên, các nghiên cứu về giải pháp phát triển hạ tầng đường sắt ở Việt Nam đã chỉ rõ, cần phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ mang tính chiến lược. Thứ nhất, phải khẩn trương đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, hiện đại hóa các tuyến giao thông đường sắt. Thứ hai, phải đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng, bảo trì và khai thác hạ tầng đường sắt hiện có nhằm duy trì năng lực phục vụ hiện tại và kéo dài tuổi thọ của các công trình.
Tách bạch quản lý và kinh doanh
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, nhằm tách bạch rõ giữa hoạt động quản lý Nhà nước với kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.
Những điều chỉnh dự thảo nêu ra nhận được sự đồng tình của các chuyên gia kinh tế. Theo ông David Bray, chuyên gia tư vấn quốc tế, các công ty vận hành đoàn tàu thuộc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) cần đóng vai trò trung tâm trong ngành đường sắt, chứ không phải các doanh nghiệp hạ tầng.
Ông David Bray cho rằng: "Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn không nên làm công ty con của VNR và phải sở hữu tất cả các tài sản mà họ cần để cung cấp dịch vụ tàu hỏa; cần xây dựng các công ty cạnh tranh trên toàn quốc hoặc trong khu vực để hỗ trợ ngành đường sắt. Số lượng các công ty con cần giảm mạnh, luôn sử dụng đấu thầu cạnh tranh trừ trường hợp sửa chữa cần thiết".
"Đối với việc quản lý tài sản của VNR, cần triển khai một hệ thống quản lý tài sản chính thức để giảm thiểu chi phí duy trì các tài sản hiện tại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo cơ sở để lập kế hoạch đầu tư trong tương lai, có thể mất 10 năm để hoàn thành nhiệm vụ này", ông David Bray nhận định.
Về việc tách bạch giữa quản lý Nhà nước và quản lý kinh doanh, ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho rằng, cần thực hiện theo lộ trình. Ngoài ra, cần đảm bảo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch trong quản lý chi phí, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan quản lý Nhà nước với VNR.
Theo_An ninh thủ đô
TP Hồ Chí Minh đang bị "trói" nhiều quá Hiện có nhiều "vòng kim cô" về thể chế đang trói chặt TP Hồ Chí Minh khiến thành phố này không thể chủ động phát huy vai trò trung tâm dẫn dắt của mình. TP Hồ Chí Minh cần "cởi trói" để bứt phá. Đó là nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo "TP Hồ Chí Minh...