Bất thường: Hạn giữa mùa mưa, nông dân Huế không thể gieo cấy
Cả ngàn hecta ruộng lúa ở Thừa Thiên- Huế đang đứng trước nguy cơ không thể gieo cấy vì tình trạng hạn hán nghiêm trọng giữa mùa mưa.
Ông Đỗ Văn Đính- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên-Huế cho biết, một diện tích lớn ruộng lúa trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ không thể xuống giống vì tình trạng hạn hán bất thường giữa mùa mưa.
Theo ông Đính, thời điểm hiện tại, hệ thống hồ đập do công ty quản lý và khai thác mới đạt khoảng 50% mực nước so với tổng thiết kế hàng năm. Trong đó, nhiều công trình hồ đập mới chỉ tích được 15-20% lượng nước. Tình trạng thiếu nước tập trung ở các khu vực hồ Khe Ngang, Thọ Sơn, Phú Bài và một số vùng của huyện A Lưới.
Hồ chứa ở Thừa Thiên – Huế thiếu nước nghiêm trọng giữa mùa mưa. Ảnh: Hiếu Lê.
“Đây là hiện tượng bất thường trong vòng 20 năm trở lại đây, đang mùa mưa mà lượng mưa sụt rất mạnh, giảm đến trên 30% so với trung bình nhiều năm khiến các hồ chứa thiếu nước nghiêm trọng” – ông Đính nói.
Ông Đính cho hay, hiện công ty đang tính toán lại vấn đề nước tưới để xây dựng kế hoạch gieo cấy vụ đông xuân. Đối với những khu vực đồng ruộng không có nguồn nước, nếu trong thời gian tới không có mưa thì không thể tiến hành xuống giống. Những diện tích này bắt buộc phải chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác.
Video đang HOT
Theo tính toán của lãnh đạo Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên-Huế, nếu thời gian tới tiếp tục không có mưa thì sẽ có khoảng 15-20% diện tích ruộng lúa lấy nguồn nước tưới từ hệ thống hồ đập do công ty quản lý, khai thác phải chuyển sang trồng các loại cây khác. Diện tích phải chuyển đổi có thể lên đến 300-500ha. Nếu tính cả những vùng của các địa phương thì diện tích ruộng toàn tỉnh phải chuyển đổi lên đến cả ngàn ha.
Công trình thủy điện ở Thừa Thiên- Huế hoạt động cầm chừng do lượng mưa sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh: Hiếu Lê.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên- Huế, từ đầu mùa mưa đến nay, lượng mưa tại huyện Nam Đông chỉ đạt 25%, huyện A Lưới và khu vực đồng bằng chỉ đạt 45% so với lượng mưa trung bình nhiều năm. Mực nước và dòng chảy các sông ở hạ lưu vì vậy thấp hơn mức bình quân nhiều năm, trong khi đó các sông ở vùng núi chỉ đạt 30 -38%.
Không chỉ các công trình hồ đập thủy lợi, các công trình thủy điện ở tỉnh cũng thiếu nước nghiêm trọng. Trong đó, hồ thủy điện Hương Điền mực nước hiện tại chỉ khoảng hơn 49m, cao hơn mực nước chết hơn 3m và dưới mực nước bình thường gần 8m. Tại hồ thủy điện Bình Điền, mực nước hiện tại thấp hơn cùng thời kỳ năm 2017 khoảng 14m…
Theo Danviet
Quảng Nam: Khoảng 30 hồ chứa thủy lợi không còn phù hợp với điều kiện mưa, lũ cực đoan
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 93 hồ chứa thủy lợi, thủy điện (trong đó có 73 hồ chứa thủy lợi) đang hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn các hồ thủy lợi vừa và nhỏ của Quảng Nam đã xây dựng từ nhiều năm trước đây, không còn phù hợp với điều kiện mưa, lũ cực đoan.
Quảng Nam yêu cầu các đập thủy điện trên địa bàn, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn trên lưu vực hồ chứa
Mặc dù mùa mưa năm nay, lượng mưa trên lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn ở Quảng nam thấp kỷ lục so với chuỗi thủy văn 45 năm trở lại đây, theo dự đoán thì khó xảy ra tình trạng ngập lụt cho vùng hạ lưu. Tuy nhiên, theo số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế, đặc biệt đa số hồ chứa nhỏ ở Quảng Nam được thi công bằng thủ công, nhiều đập, hồ chứa nước không còn phù hợp với điều kiện mưa, lũ cực đoan đang diễn biến khó lường như hiện nay, nên không thể chủ quan.
Theo kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn đập năm 2018, Quảng Nam hiện có khoảng 30 hồ chứa thủy lợi có hiện tượng bị sụt lún, xói lở mái thượng, hạ lưu đập, lòng hồ bị bồi lấp khá lớn, cầu công tác bị hư hỏng, cửa cống và thiết bị đóng mở xuống cấp rò rỉ, tràn xả lũ bị bong vữa, nứt nẻ hoặc tràn đất tự nhiên có khẩu độ còn nhỏ, khả năng thoát lũ kém, có nguy cơ mất an toàn khi có mưa lũ xảy ra.
Mưa lũ cực đoan tại Quảng Nam được cảnh báo sẽ diễn biến rất khó lường
Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi còn mỏng, không bảo đảm năng lực chuyên môn, nhất là hồ nhỏ thiếu kinh phí tu sửa, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên nhiều hồ đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn và đe dọa tính mạng người dân và tài sản cho vùng hạ du.
Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện và vùng hạ du trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, Quảng Nam đã chủ động cho rà soát, bổ sung, xây dựng kế hoạch theo cấp báo động lũ trên các sông để chủ động ứng phó.
Quảng Nam sẽ xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi
Theo đó, trên cơ sở kiểm tra đánh giá thực tế mức độ an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã lập danh mục các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp để có phương án chủ động ứng phó, đồng thời yêu cầu các đập thủy điện chấp hành nghiêm lệnh vận hành xả lũ của cấp có thẩm quyền, thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa được cấp thẩm quyền phê duyệt; xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; lắp đặt trang bị hệ thống giám sát tự động, hệ thống cảnh báo xả lũ hạ du cho các đập, hồ chứa thủy điện; lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn trên lưu vực hồ chứa và vùng hạ du để nâng cao công tác cảnh báo, dự báo khi lũ về hồ.
Đối với hệ thống Camera đảm bảo phải quan sát được độ mở cửa van (kẻ vạch để dễ giám sát), phía hạ lưu các cửa tràn và quan sát được cột đo mực nước hồ ở thượng lưu; tiếp tục đầu tư xây dựng tháp báo lũ, trạm loa phát thanh phục vụ cho công tác thông tin, truyền tin vận hành, điều tiết khi xảy ra mưa lũ, (đặc biệt là mưa lũ cực đoan) để nhân dân biết chủ động theo dõi, ứng phó.
UBND tinh Quảng Nam sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.
Ngọc Khánh
Theo baotainguyenmoitruong
Nông dân nghèo Thanh Hóa được "trao cần câu" bằng heo giống Ngày 25.9.2018, Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) đã ký thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ sinh kế cho người nghèo tại Việt Nam. Theo đó, với mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp và cải thiện mức sống của nông dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em tại khu vực nông thôn, miền...