Bắt “siêu trộm” chuyên đục mái nhà, đột nhập trộm cắp tài sản
Đối tượng mang theo “đồ nghề” rồi đột nhập vào các gia đình, công ty bằng cách trèo lên mái nhà, đục một lỗ hổng lớn, dùng dây dù trèo xuống bên dưới trộm cắp tài sản.
Ngày 16-6, Cơ quan CSĐT – CAH Gia Lâm, Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Vũ Đình Minh (SN 1985, trú tại xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, Bắc Giang) về hành vi Trộm cắp tài sản.
Trước đó, CAH Gia Lâm nhận được tin báo của anh Nguyễn Văn Lợi, là Phó Giám đốc Công ty TA, có địa chỉ ở thị trấn Trâu Qùy, huyện Gia Lâm về việc công ty bị trộm đột nhập lấy nhiều tài sản giá trị.
Hình ảnh đối tượng trộm cắp tài sản bị camera ghi lại
Tiếp nhận tin báo, Đội Cảnh sát hình sự CAH Gia Lâm đã tổ chức điều tra, truy xét, dựng các đối tượng nghi vấn. Chỉ sau một ngày điều tra, CAH Gia Lâm đã phối hợp với Công an xã Kiêu Kỵ xác định được nghi phạm là Vũ Đình Minh. Tiến hành kiểm tra nơi ở của Minh, lực lượng công an thu giữ nhiều tang vật là tài sản của Công ty TA.
Đối tượng Vũ Đình Minh
Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Theo đó, đối tượng chuẩn bị 1 chiếc balo, bên trong có kìm, kéo, máy cắt, dây dù, bao tay… để đi trộm cắp tài sản.
Minh đi xe máy từ nhà trọ đến gầm cầu vượt Phú Thụy, gửi xe máy, sau đó đi nhờ một người lạ đến khu vực thị trấn Trâu Qùy. Vì trước đây từng là nhân viên cũ của công ty TA nên Minh nắm rõ quy luật bảo vệ, cũng như đường đi lối vào. Minh trèo từ ô thoáng trên mái xưởng xuống dưới, rồi đột nhập lấy đi máy tính và nhiều thiết bị khác của công ty. Sau khi lấy được tài sản, đối tượng thoát ra ngoài bằng đường cũ rồi tẩu thoát.
Video đang HOT
“Đồ nghề” Minh chuẩn bị để đi trộm cắp tài sản
Tiến hành điều tra mở rộng, Minh khai từ tháng 1-2019 đến khi bị bắt, đối tượng đã gây ra 4 vụ trộm cắp tài sản tại các gia đình, cửa hàng, công ty trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Theo tài liệu điều tra của cơ quan công an, đối tượng Minh thường đi xe máy từ nhà trọ đến gần khu vực gây án, rồi gửi xe và đi bộ tìm gia đình, cơ quan, cửa hàng nào sơ hở để gây án.
Thời gian gây án từ 22h đến 4h sáng hàng ngày. Những “con mồi” đối tượng nhắm vào là ngôi nhà có mái tôn, mái ngói xi măng. Minh trèo lên mái, dùng các thiết bị chuẩn bị sẵn để đục phá mái, rồi dùng dây dù buộc thành các nút như bậc thang leo xuống dưới trộm cắp tài sản.
Theo ANTD
Dân bất an từ vụ kẻ trộm xe cởi áo 'khoe' mình là cảnh sát
Theo Nghị định 59 ngày 12-6-2006 của Chính phủ thì quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an) là hàng hóa cấm kinh doanh.
"Riết rồi giờ ra đường không biết đâu là thật đâu là giả, thằng này nó bẻ khóa trộm xe nên còn biết nó là giả... Chứ tầm 2-3 giờ sáng mà nó đứng ngoài đường chặn xe làm luật thì đố ai biết nó là giả".
Đó là bình luận của bạn đọc Hoàng Thiên Vương dưới bài viết: "Người trộm xe rồi cởi áo 'khoe' mình là cảnh sát khai gì?". Đây cũng là lo lắng của rất nhiều người dân trước nạn mua bán quân trang, quân dụng vô tội vạ như hiện nay.
Bảo bị phát hiện là kẻ giả mạo công an đi trộm cắp tài sản.
Thực tế đã có nhiều vụ tội phạm gây án đã sử dụng quân trang, quân dụng thậm chí trang bị cả thẻ ngành giả để thực hiện hành vi phạm tội: Trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc làm này không chỉ gây hoang mang trong dư luận, mà còn gây hiểu nhầm, làm xấu hình ảnh Công an nhân dân.
Báo động nạn "giả công an" gây án
Mới đây vụ việc một người đàn ông đi trộm cắp tài sản, khi bị bắt quả tang thì cởi phanh áo khoe mình là cảnh sát hình sự... đang làm nhiệm vụ khiến dư luận dậy sóng.
Đội Hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) phối hợp cùng công an phường 15 quận 10 và công an quận 10 tóm gọn người đàn ông này và xác định nghi can là Trương Nguyễn Gia Bảo (40 tuổi, quận 11), là đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp.
Thời điểm bị phát hiện đang bẻ khoá trộm xe tại khu vực siêu thị trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), Bảo cởi áo khoác để lộ sắc phục cấp hàm thượng úy và tự nhận mình là hình sự đang làm nhiệm vụ. Trinh sát đặc nhiệm nhanh chóng xác định đây là kẻ giả mạo công an.
Bảo khai nhận đã thực hiện ba vụ trộm cắp tài sản trước đó. Cụ thể là một vụ trộm xe Airblade ở phường 4 quận 5, hai vụ còn lại là cạy cốp xe trong siêu thị ở quận 6, quận Tân Bình.
Bảo cùng phương tiện, tang vật thu giữ tại cơ quan điều tra.
Trong vụ trộm ở siêu thị, Bảo khai đi taxi tới rồi lảng vảng ở khu vực để xe trước cổng siêu thị, thấy xe nào để lâu không người trông coi mới dùng đoản bẻ khoá. Những vụ trộm cắp trước đó, người này mặc đồ bình thường. Lần này, mua được bộ quần áo cảnh sát trên mạng, Bảo mặc vào đi gây án nhằm tạo vỏ bọc bên ngoài khiến người dân mất cảnh giác.
Trước đó, vào năm 2016, Đội 3 phối hợp cùng Đội Cảnh sát hình sự công an quận 1 truy bắt thành công nghi phạm Đặng Tuấn Thanh (còn gọi Thanh Mập, SN 1995, quê Tây Ninh) cũng với thủ đoạn tương tự. Thanh thừa nhận đã thực hiện thành công bảy vụ cưỡng đoạt tài sản của du khách nước ngoài bằng cách làm thẻ công an "dỏm", sử dụng ngoại ngữ để hù dọa con mồi nhằm chiếm đoạt tài sản.
Khám xét tại nhà, cơ quan công an thu giữ chiếc xe máy Thanh thường sử dụng khi gây án, chín giỏ xách các loại, sáu bộ game phi tiêu, hai gậy chụp ảnh, hai đồng hồ đeo tay, ba gói hàng đá, một máy tính xách tay, một số ba lô du lịch, một thẻ công an "dỏm" ghi dòng chữ tiếng Anh "Certificate Police Office On Drug Crime".
Luật cấm việc mua bán quân trang quân dụng
Thực tế chứng minh nếu không thể ngăn chặn được tình trạng mua bán quân phục, quân trang dùng cho ngành công an, quân đội như hiện nay thì rất khó dẹp được vấn nạn giả danh công an, sĩ quan để lừa đảo, trộm cắp cướp giật tài sản.
Lên mạng gõ từ khóa: "Mua đồ công an" không khó để tìm thấy những mặt hàng từ quần áo, giày đến cả ấm chén, thắt lưng... từ cấp úy đến cấp tá.
Việc sử dụng trang phục ngành công an quân đội đi phạm tội không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh dự của lực lượng ngành.
Đặng Tuấn Thanh làm thẻ công an "dỏm" để lấy sạch tài sản của người nước ngoài.
Theo danh mục hàng hóa cấm kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định số 59 ngày 12-6-2006 của Chính phủ thì quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an) là hàng hóa cấm kinh doanh.
Hành vi mua bán phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an sẽ bị xử lý. Cụ thể, Điều 10 Nghị định số 185/2013 quy định hành vi buôn bán hàng cấm sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 100 triệu đồng tùy giá trị hàng hóa vi phạm.
Đối với những người mua quân trang của công an, bộ đội để sử dụng vào mục đích chiếm đoạt tài sản thì tùy thuộc vào hành vi cụ thể mà có thể xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản...
NGUYỄN TRÀ
Theo PLO
CLIP : "Đạo chích" bẻ khóa cuỗm xe SH trong chớp mắt Tên trộm bẻ khóa xe SH đang dựng bên đường trong 2 giây rồi tẩu thoát nhanh chóng cùng đồng bọn. Theo Tú Anh Nguyễn (Zing)