Bắt nhóm bác sĩ dởm dụ người già khám bệnh, bán thuốc đông y
Ngày 29/12, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum cùng các đơn vị liên quan vừa triệt phá nhóm đối tượng giả danh bác sĩ để lừa đảo khám chữa bệnh và bán thuốc, thực phẩm chức năng.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp nhận thông tin nhiều nạn nhân trên địa bàn tỉnh bị lừa đảo với số tiền hàng tỉ đồng với hình thức gọi điện thoại mua bán thuốc đông y, thực phẩm chức năng và tham gia các chương trình thăm khám sức khỏe miễn phí. Ngay sau đó, cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra, làm rõ.
Các đối tượng liên quan vụ việc (Ảnh: Công an tỉnh Kon Tum).
Đến ngày 26/12, cơ quan Công an đã triệu tập, làm việc 7 đối tượng liên quan đến vụ việc.
Qua đấu tranh, nhóm đối tượng khai nhận đã thuê 3 căn hộ tại chung cư Ecopark (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), VinHome Ocean Park (quận Gia Lâm, TP Hà Nội), tòa nhà Nam Định Tower (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) để làm nơi ăn ở và thực hiện gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các cuộc gọi lừa đảo thường nhắm đến những người già, thường xuyên ốm đau, bệnh tật, nhẹ dạ, cả tin. Các nạn nhận được chào mời mua bán thuốc đông y và tham gia các chương trình thăm khám sức khỏe không có thật.
Sản phẩm các đối tượng bán cho nạn nhân (Ảnh: Công an tỉnh Kon Tum).
Để nhận được gói hỗ trợ, các nạn nhân phải đóng trước phí làm hồ sơ, phí lót tay phê duyệt hồ sơ. Tin tưởng nghe theo những lời dẫn dụ, các nạn nhân đã nhiều lần chuyển tiền cho đối tượng với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Video đang HOT
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án. Đồng thời, Công an tỉnh Kon Tum kêu gọi ai là bị hại liên quan vụ việc nói trên đến Phòng Cảnh sát hình sự trình báo để làm cơ sở xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định.
Những thủ đoạn giả danh bác sĩ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Lực lượng chức năng đã cảnh báo về vấn nạn giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để lừa đảo khám chữa bệnh, bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng gần đây, tình trạng này vẫn xuất hiện với thủ đoạn tinh vi hơn.
Lừa đảo bằng chiêu trò gọi điện thoại mua bán thuốc Đông y
Một lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, mặc dù vấn nạn mạo danh các bác sĩ bệnh viện lớn để lừa đảo khám chữa bệnh, bán thuốc không nguồn gốc xuất xứ đã được lực lượng chức năng và các bệnh viện cảnh báo nhưng tình trạng này vẫn xuất hiện với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Ngày 22/11, Công an quận Bắc Từ Liêm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cầm đầu nhóm đối tượng là Nguyễn Văn Tâm (SN 1999, ở xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).
Nhóm đối tượng lừa đảo bị cơ quan công an bắt giữ. Ảnh: CACC
Trước đó, Công an quận Bắc Từ Liêm tiếp nhận đơn trình báo của bà Ng. (ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) về việc bị một nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 1,2 tỷ đồng dưới hình thức gọi điện thoại mua bán thuốc Đông y và tham gia các chương trình thăm khám sức khỏe miễn phí.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an xác định Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Quang (SN 2004), Ngô Đức Nghĩa (SN 2001), Trịnh Việt Hoàng (SN 2001, cùng ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là nhóm đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Ng. nên đã tiến hành bắt giữ.
Khoảng cuối tháng 7/2023, Trịnh Việt Hoàng gọi điện thoại cho bà Ng. tự xưng tên "Phan Thanh Hải", là thanh tra của Trung tâm hiệp hội Đông y...
Sau đó, nhóm của Tâm đã dựng lên một kịch bản hoàn hảo, mạo danh cả giám đốc ngân hàng, nhân viên ngân hàng để thuyết phục bị hại chuyển tiền. Tổng số tiền mà bà Ng. đã chuyển cho nhóm Tâm là gần 1,2 tỷ đồng.
Theo cơ quan công an, từ đầu năm 2023, Nguyễn Văn Tâm nảy sinh ý định thuê nhân viên gọi điện thoại giả danh bác sĩ, thanh tra sở y tế.... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người già, người thường xuyên ốm đau, bệnh tật, nhẹ dạ, cả tin bằng hình thức mua bán thuốc Đông y và tham gia các chương trình thăm khám sức khỏe không có thật.
Đầu tháng 10/2023, Tâm đã thuê căn nhà ở phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) để làm nơi ăn ở cho nhóm 12 nhân viên, đồng thời làm địa điểm thực hiện việc gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giả danh bác sĩ lừa bán thuốc cho 8.000 người
Gần đây nhất, vào ngày 11/12, Công an huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã khởi tố 26 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả.
Với thủ đoạn giả danh các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nghi phạm Phạm Viết Trung (SN 1995, ở thôn Xuân Thành, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) cùng 25 đồng phạm đã lừa bán thuốc cho 8.000 người để chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng.
Công an tỉnh Bắc Ninh khám xét văn phòng của nhóm đối tượng. Ảnh: CACC
Nhóm này thành lập Công ty Cổ phần Dược phẩm SPARTA do Phạm Viết Trung làm giám đốc với vốn ban đầu là 100 triệu đồng.
Khi đó, các đối tượng đã lên kịch bản giả danh bác sĩ của các bệnh viện lớn rồi chạy quảng cáo để bán thuốc qua mạng cho người bệnh.
Các đối tượng lập fanpage có tên các bệnh viện 103, 108 rồi đăng tải hình ảnh, logo của các bệnh viện này. Các trang này có tiêu đề, nội dung, hình ảnh có liên quan đến các bệnh viện để thu hút người bệnh có nhu cầu tìm hiểu, chữa bệnh.
Với thủ đoạn trên, từ tháng 5/2022 - 10/2023, Trung và đồng phạm đã bán thành công 12.800 đơn hàng cho hơn 8.000 bị hại ở các tỉnh thành trên cả nước, thu về hơn 30 tỷ đồng.
Công an cảnh báo
Từ những vụ việc nêu trên, Công an TP Hà Nội cảnh cáo, các hành vi lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi và nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng khẳng định việc lợi dụng quảng cáo trên mạng xã hội là hành vi mới phát sinh, gây nhiều hệ quả nghiêm trọng.
Chính vì vậy, người dân khi có bệnh thì cần phải đến các cơ sở y tế đã được cấp phép để chuyên gia y tế khám và hướng dẫn chữa trị.
Cùng với đó, người dân cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin, khám chữa bệnh và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được Nhà nước cấp phép theo đúng quy định, để tránh tình trạng tiền mất, tật mang.
Một lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết thêm, hành vi của các đối tượng lừa đảo, mạo danh nói trên đã làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, uy tín của các bệnh viện, gây hoang mang trong cộng đồng nói chung và người bệnh, người nhà người bệnh nói riêng. Hơn nữa, hành vi của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, khó phát hiện khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Mạo danh bệnh viện tuyến cuối, "móc túi" 50 tỷ đồng của bệnh nhân tiểu đường, huyết áp Các đối tượng mạo danh bác sĩ để mời chào hơn 7.000 bị hại trên toàn quốc, qua đó chiếm đoạt tổng số tiền gần 50 tỷ đồng. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với Công an huyện Tiên Du và các đơn vị nghiệp vụ Công...