Bất nhất thông tin về thủy điện Sông Tranh 2
Kể từ khi bị phát hiện thấm nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 (tháng 5-2012) đến nay, thông tin về sự an toàn của đập thủy điện này đã nhiều lần được công bố. Tuy nhiên, thông cáo mới nhất của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN lại có một số chi tiết khiến dư luận ngạc nhiên.
Trong thông cáo báo chí gửi báo giới về cuộc họp báo ngày 28-9 diễn ra tại Quảng Nam, EVN cho biết, đến ngày 24-8, công tác xử lý thấm đã kết thúc. Đối với 10 khe nhiệt thấm lớn, tổng lưu lượng thấm trước khi xử lý đo được là 26,2 lít/giây sau khi xử lý, lưu lượng thấm chỉ còn 0,02 lít/giây, giảm 99,9%. Với 20 khe nhiệt còn lại lưu lượng thấm là nhỏ (0,015 lít/giây). EVN kết luận, kết quả xử lý chống thấm đạt hiệu quả đặt ra tại phương án xử lý thấm đã được phê duyệt. Tuy nhiên, với cách đưa tin “có trọng tâm trọng điểm”, một con số ít được nhấn mạnh hơn là riêng đối với nền đập, lưu lượng thấm đo được trước khi xử lý là 4,2 lít/giây và sau xử lý là 3,19 lít/giây. Lượng thấm này mới giảm 24%!
Bên cạnh đó, bản thông cáo mới nhất của EVN cũng khẳng định, “về tổng thể chất lượng bê tông thường và bê tông đầm lăn của đập đã được thi công đạt yêu cầu thiết kế, đập đã được tích nước theo 2 giai đoạn để kiểm tra trạng thái ứng suất, biến dạng và kiểm tra thấm qua thân đập. Tuy nhiên, chất lượng thi công xây dựng các khe nhiệt chưa được bảo đảm, chưa tổ chức kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ. Thiết bị quan trắc chưa được lắp đặt đầy đủ trong quá trình thi công xây dựng, một số thiết bị bị hư hỏng chưa được kịp thời khắc phục. Việc này ngoài trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng còn có trách nhiệm của tổ chức giám sát”. Trong khi đó, nhiều thông tin khoa học cho rằng, khe nhiệt thì phải thẳng đứng, thủy điện Sông Tranh 2 có khe bị xiên, có hình chữ Z, là lỗi của thi công. Mỗi lớp rải và đầm bê tông dầy khoảng 30 cm, vị trí khe nhiệt đầu tiên thì đúng, nhưng do kiểm tra không chặt chẽ sự xô lệch của tấm bố ngăn cách nên sau mỗi lớp đầm, khe bị lệch dần, đến khi phát hiện ra bị lệch nhiều quá thì không thể nào sửa được nữa.
EVN thừa nhận, các trận động đất kích thích xảy ra tại địa bàn huyện Bắc Trà My gần đây có liên quan đến việc tích nước của hồ thủy điện Sông Tranh 2. Để làm rõ các thông tin này, nội dung cuộc họp báo ngày 28-9 từ các phương tiện thông tin đại chúng còn cho hay, Công ty Tư vấn điện 1 thừa nhận không lường trước được động đất kích thích này. Ngoài ra, công trình còn chưa được nghiệm thu chính thức. Hoạt động thời gian qua chỉ là tích nước thử tải. Chỉ riêng sự “không lường trước” được này của EVN cũng như việc công trình chưa được nghiệm thu chính thức đã đủ gây hoang mang cho người dân. Phải chăng, vì sợ tác động lớn đến tư tưởng của người dân nên EVN chưa công bố thông tin này trong bản thông cáo, để hàng loạt các cơ quan báo chí đồng loạt đăng tải tin tức theo văn bản tập đoàn này gửi đến?
Video đang HOT
Điều khiến dư luận ngạc nhiên hơn nữa là mặc cho các nhà khoa học khuyến cáo nên di dân hoặc có biện pháp khắc phục tốt hơn để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ, EVN dường như không đề cập đến trong các văn bản gửi cơ quan truyền thông. Bên cạnh đó, còn có thắc mắc xung quanh việc tài liệu về dự án thủy điện lớn tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng được “xào nấu” từ báo cáo đánh giá tác động môi trường của Tiến sĩ Lê Trần Chấn – nguyên Trưởng phòng Địa lý sinh vật, Viện Địa lý thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia từ năm 1998 khi ông tham gia một hội thảo quốc tế. “Đâu là sự thật về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2″ là điều mà EVN cần có cuộc họp báo công khai với các cơ quan báo chí, thể hiện trách nhiệm với người dân!
Theo ANTD
Tích nước thủy điện Sông Tranh: Quá mạo hiểm?
EVN đã có công văn xin Chính phủ được tích nước, vận hành thủy điện Sông Tranh trở lại. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng tích nước thủy điện Sông Tranh thời điểm này là mạo hiểm.
Sau khi khẳng định chuỗi động đất vừa qua không ảnh hưởng tới đập thủy điện Sông Tranh 2, Bộ Công thương và đại diện EVN đã có công văn trình Chính phủ xin được tích nước, vận hành thủy điện Sông Tranh trở lại. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đều không đồng tình, cho rằng tích nước thủy điện Sông Tranh thời điểm này là quá mạo hiểm...
Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa gửi văn bản đề xuất Chính phủ về giải pháp ứng phó động đất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sinh sống ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Trong văn bản này, các chuyên gia khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa đạt yêu cầu. Do vậy, mùa mưa lũ năm nay, khi cho tích nước cần có quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân ở vùng hạ du. Trong quá trình tích nước phải luôn theo dõi ứng suất thân đập, nếu ứng suất này vượt quá giới hạn thì phải xả bớt nước.
Thủy điện Sông Tranh 2 đang ở mực nước chết.
Theo GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, đập Sông Tranh hiện nay được xếp vào diện không an toàn sau khi xảy ra sự cố rò rỉ thân đập. EVN cho rằng đã xử lí cơ bản sự cố thấm đập nhưng đó mới chỉ là sửa chữa bề mặt, cái quan trọng nhất là thân đập đang bị rỗng, đập đang bị khuyết tật từ bên trong. Hơn thế, mực nước trong hồ đang ở mức cực tiểu nên thân đập khô là lẽ tất nhiên, EVN đánh giá chất lượng đập khi chưa tích nước là không hợp lý. Sông Tranh 2 là số ít các đập có chiều cao rất lớn (100m), vì thế cần lập hội đồng khoa học làm việc khách quan, độc lập, đánh giá về chất lượng đập. Khi có các thông số cơ bản về nền đập, thân đập, khẳng định được an toàn thì cho tích nước. Trong quá trình tích nước cũng phải đo ứng suất thân đập (lực chịu đựng). Nếu EVN vẫn cố tình tích nước cho đập trong khi chưa có đánh giá đầy đủ thì đó là việc làm chủ quan và quá mạo hiểm.
Trước lý luận của EVN rằng đơn vị tư vấn độc lập Colandco (Thụy Sĩ) khẳng định đập an toàn, hơn nữa Quảng Nam đang vào mùa mưa, nếu không tích nước, ngưng vận hành nhà máy thiệt hại kinh tế là rất lớn..., GS Hồng cho rằng: Ý kiến của Colandco chưa đảm bảo tính khách quan bởi đơn vị này cũng do chủ đầu tư (EVN) thuê. "Một bên là lợi ích kinh tế, một bên là tính mạng của hàng ngàn người, EVN phải lựa chọn. Nếu muốn tích nước, EVN phải tính toán giải pháp an toàn cho các hộ dân dưới hạ du"- ông Hồng nhấn mạnh.
GS.TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hội Cơ học thủy khí Việt Nam - cho rằng, thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy nên nước trong hồ sẽ không bao giờ cạn, mà nước không cạn thì không thể khoan vào thân đập để xử lý triệt để vết nứt gây rò rỉ nước. Do đó, việc nhà thầu xử lý sự cố bôi trét phần thượng lưu mới là tạm thời. Hiện nước ở mực thấp nhất, thân đập không ngập trong nước, nếu động đất tiếp tục xảy ra, rung chấn sẽ làm hở các vết trám. Vì vậy, khi tích nước cao 80m, áp lực của hơn 730 triệu m3 sẽ khiến các vết nứt nhỏ bị cắt thành lỗ hổng lớn.
Trước lo ngại đập thủy điện Sông Tranh có đảm bảo an toàn trước các trận động đất có thể mạnh hơn nữa xảy ra trong tương lai, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lí địa cầu) - khẳng định: Thủy điện đã được các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu khuyến nghị thiết kế kháng chấn, có thể chống chọi với động đất gây chấn động cấp 8. Bởi theo khảo sát, địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều đới đứt gãy đang hoạt động, trong đó đáng chú ý là các đới đứt gãy Trà Bồng và Hưng Nhượng - Tà Vi. Tính toán cho thấy, động đất cực đại có thể xảy ra trên các đới đứt gãy là 5,5 độ richter.
Động đất và rung chấn liên tiếp diễn ra tại thủy điện sông Tranh 2.
Ông Phương cũng cho rằng, việc di dân ở vùng hạ lưu nhằm tránh rủi ro là cần thiết. Dù vậy, quá trình này nên nằm trong quy hoạch của chính quyền địa phương chứ không nhất thiết phải tiến hành khẩn cấp, bởi trong thời gian dài nữa, thủy điện Sông Tranh vẫn đảm bảo an toàn khi có động đất xảy ra. Tuy nhiên, ông Phương cũng cảnh báo, nếu thủy điện Sông Tranh 2 tích nước trong thời điểm này sẽ có nhiều khả năng làm gia tăng thêm động đất kích thích trong khu vực, nhất là khi các dấu hiệu động đất vẫn liên tục gia tăng về cường độ và tần suất. Do đó, kể cả khi đập được thiết kế để chống động đất thì việc tích nước thời điểm này sẽ vấp phải sự phản đối từ người dân địa phương do lo sự động đất còn tiếp diễn.
Mới đây nhất, ngày 17/9, UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết: lại có thêm 2 trận động đất xảy ra trên đia bàn huyện. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, tại địa bàn này đã xảy ra trên 10 trận động đất, rung chấn ở khu vực này. Trước đó, ngày 12/9, sau khi nghe các nhà khoa học của các bộ ngành Trung ương báo cáo khảo sát các đợt rung chấn vừa qua tại thủy điện Sông Tranh 2, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vẫn bày tỏ lo ngại và đề nghị nếu chưa đủ an toàn 100% thì Chính phủ chưa nên cho phép thủy điện sông Tranh tích nước.
Đến thời điểm này, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, đã có kế hoạch tổ chức lắp đặt khẩn cấp mạng trạm quan trắc động đất xung quanh khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 muộn nhất vào đầu tháng 10 tới. Cụ thể, nhà trạm sẽ được xây dựng vào cuối tháng 9/2012, và việc lắp đặt sẽ được thực hiện vào đầu tháng 10.
Theo Dantri
Dân thua kiện vụ Sông Tranh 2 tích nước gây ngập Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không phải bồi thường thiệt hại cho người dân do việc tích nước thủy điện Sông Tranh 2. Người dân tại phiên tòa Ngày 20/9, TAND tỉnh Quảng Nam tiến hành phiên tòa phúc thẩm vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa 9 hộ dân huyện Nam Trà My với EVN ....