Bất lực trước nạn trông xe quá giá ,Thu tiền đậu xe hơi: Ai muốn thu cũng được!
Người lái xe hơi ở TPHCM không chỉ than phiền vì thiếu bãi đậu xe mà còn bị thu tiền trái phép mỗi khi vào trung tâm thành phố. Vẫn chưa có cách hạn chế tình trạng này.
Chỉ có duy nhất lực lượng TTXD được phép thu tiền đậu xe trên những tuyến đường cho phép dừng, đậu. Ảnh: Trần Phan
Trục lợi từ lòng lề đường
Lòng lề đường tuy là của công nhưng ở nhiều tuyến đường trung tâm TPHCM có những người đang “sống khỏe” bằng lòng lề đường. “Tôi đã phải trả 50.000 đồng cho một lần đậu xe trên đường Lê Thánh Tôn. Người thu tiền không phải là nhân viên nhà nước, anh ta chỉ mặc đồng phục bảo vệ của một tòa cao ốc” – chị Hải – ngụ tại Q.Bình Thạnh – kể với phóng viên Lao Động.
Một bạn đọc khác của báo Lao Động phản ánh, ngay trước chợ Bến Thành, Q.1, là điểm đậu xe có thu phí do lực lượng TTXD đảm nhận nhưng sau giờ hành chính lập tức có những thanh niên xuất hiện thu tiền các chủ xe. Khi được hỏi, các thanh niên này tuyên bố chắc nịch “mấy anh TTXD bàn giao lại cho tụi tôi thu tiền sau giờ làm việc”. Người thanh niên này tự ra giá 30.000 đồng cho một lần đậu xe ở khu vực đã được kẻ sơn. Trừ các tài xế taxi, những chủ xe tư nhân khi đậu xe ở khu vực này đều phải cắn răng trả tiền.
Trên tuyến đường Trần Cao Vân từ Hai Bà Trưng đến hồ Con Rùa, dù có bảng cấm đậu xe nhưng nếu dừng xe thì lập tức sẽ có người xuất hiện để thu tiền chủ xe với lời hứa “lo cho công an khỏi phạt”.
Người lái xe hơi tại TPHCM mỗi khi tham gia giao thông không chỉ phải đối phó với sự hỗn loạn của dòng xe gắn máy mà còn có cảm giác mình đang bị xem là “bò sữa” bởi bất kỳ ai cũng có thể đến thu tiền. Khó lòng mà từ chối trả tiền bởi họ lo lắng chiếc xe của mình bị phá hoại, tháo phụ tùng… khi vừa rời khỏi.
Chưa có giải pháp hữu hiệu
Hiện nay, trên địa bàn thành phố, hiện chỉ có lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) được giao thu tiền đậu xe tại những tuyến đường được giao với mức giá 5.000 đồng/lượt. Đây chỉ là phí đậu, đỗ xe chứ không phải phí trông xe nên lực lượng này không chịu trách nhiệm với mọi mất mát tài sản.
Ông Lại Tiến Dũng – Phó Chánh TTXD Q.1 – thừa nhận có nhiều đối tượng đang lợi dụng lòng lề đường để trục lợi từ những người đậu xe nhưng cũng khẳng định “không bao giờ có chuyện bàn giao cho người khác thu tiền”. Theo ông Dũng, người lái xe không thể tin vào bất kỳ lời hứa nào của những kẻ thu tiền trái phép này, nếu đậu xe vào những tuyến đường cấm thì sẽ bị phạt mà không ai có thể “lo” được.
Video đang HOT
Kể từ đầu năm nay, UBND TPHCM đã quyết tâm dẹp bỏ các bãi đậu xe có thu phí trái phép trên toàn thành phố. Tuy vậy, những người xuất hiện thu tiền trái phép này luôn “thoắt ẩn, thoắt hiện”, thấy xe đậu thì họ xuất hiện thu tiền nhưng vừa thấy bóng nhân viên chức năng là họ… biến mất.
Thậm chí, có trường hợp người thu tiền là những người bán thuốc lá bên đường, xe ôm, sửa xe máy… bất kỳ ai cũng có thể thu tiền với lý do “trông xe để khỏi bị công an phạt, khỏi bị bẻ kiếng”, hoặc đơn giản hơn là bởi “xe của anh đậu trước cửa hàng nhà em”. Phản ánh từ nhiều bạn đọc của Lao Động, giá thu được “mặc định” không bao giờ dưới 20.000 đồng.
Hiện nay trên toàn địa bàn Q.1 có 24 tuyến đường được giao cho lực lượng TTXD thu phí đậu xe, nhưng theo ông Dũng, số bãi đậu xe này không đủ đáp ứng nhu cầu đậu xe trong khu vực trung tâm thành phố. Đây là một lý do khiến việc thu tiền đậu xe trái phép nở rộ trong khu vực trung tâm.
Cách đối phó duy nhất hiện nay đó là chủ xe phải tự gọi điện cho cơ quan công an, nhưng hầu như không ai làm như vậy vì ngại gây hiềm khích với những người đứng ra thu tiền.
Theo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TPHCM, về hành vi đối tượng xuất hiện khi đỗ xe ôtô, xin tiền chủ xe, nếu đối tượng có lời lẽ hăm doạ để lấy tiền chủ xe, thì đây là dấu hiệu phạm vào tội “cưỡng đoạt tài sản”, mà người dân quen gọi những đối tượng này là “xin đểu”. Tuy nhiên, trường hợp đối tượng chỉ xin tiền đỗ xe, nhưng không có lời lẽ hăm doạ, hay hành động đe doạ đến tính mạng chủ xe (kể cả trường hợp chủ xe đưa tiền) thì không vi phạm vào tội hình sự. Phùng Bắc
Theo Lao Động
Bất lực trước nạn trông xe quá giá
Bất cập về hạ tầng giao thông cộng thêm sự tùy tiện, lộn xộn, lỏng lẻo trong tổ chức, quản lý việc trông giữ xe máy, ôtô ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã tạo ra cơ hội để một số tổ chức, cá nhân thách thức pháp luật, ngang nhiên "móc túi" người dân bằng cách tự đặt ra mức giá trông giữ quá cao so với trần quy định của Nhà nước.
Mặc dù là tuyến phố cấm trông xe trên vỉa hè lẫn dưới lòng đường, nhưng bãi trông xe sát Bệnh viện Phụ sản T.Ư vẫn hoạt động bình thường.
Bài 1: Lệnh cấm bị vô hiệu
Trông giữ xe quá giá từ lâu đã trở thành "trọng bệnh" của Hà Nội. Các sở, ngành đã đưa ra nhiều cam kết, UBND TP đã ban hành "quyết định cấm"... Tuy nhiên, sau mỗi đợt ra quân mang tính phong trào... tình trạng trông xe quá giá, bãi trông giữ xe không phép lại đâu vào đó...
Phớt lờ quyết định cấm trông giữ xe
Sau một thời gian dài các phương tiện truyền thông, người dân liên tục phản ánh, kêu ca về những bãi trông xe tự phát mọc lên khắp nơi, tổ chức trông giữ xe chiếm hết cả vỉa hè lẫn lòng đường của người tham gia giao thông, đồng thời còn ngang nhiên trông xe quá với mức giá quy định của thành phố...; tháng 2.2012, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành để giảm ùn tắc, mong muốn "đường thông, hè thoáng" cho mọi người.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay thì việc trông giữ xe trên các tuyến phố bị cấm vẫn diễn ra bình thường với mức giá vẫn cao hơn mức quy định. Tại điểm trông giữ xe trên phố Triệu Quốc Đạt - là tuyến phố nằm trong danh mục cấm trông giữ xe đạp, xe máy trên vỉa hè lẫn lòng đường - việc trông giữ xe vẫn diễn ra bình thường. Tại điểm trông xe trước cửa nhà số 2 phố Triệu Quốc Đạt có để tấm biển của Cty cổ phần 901, xe máy vẫn để tràn lan kín hết cả lối đi trên vỉa hè, nếu ai muốn đi bộ qua đoạn này phải bước xuống lòng đường.
Mặc dù trên tấm bảng của Cty có đề khá rõ giá trông xe máy ban ngày là 2.000đ/xe, ban đêm là 3.000đ/xe nhưng nhân viên ở đây vẫn thu 5.000đ/xe máy, nếu ai thắc mắc về giá thì "xin mời" đi chỗ khác vì bãi lúc nào cũng kín xe, không còn chỗ để gửi. Còn tại bãi trông xe đối diện nằm sát tường Bệnh viện Phụ sản Trung ương trên phố Triệu Quốc Đạt, toàn bộ vỉa hè được chăng dây quây kín lại để làm chỗ trông xe, không còn lối cho người đi bộ.
Đặc biệt, bãi trông xe đoạn trước cửa số nhà 28 phố Đoàn Trần Nghiệp thuộc địa bàn phường Bùi Thị Xuân (là tuyến phố cấm trông xe của Hà Nội) đã từ nhiều năm nay trông xe ở mức 10.000đ/xe máy - mặc dù đây cũng chỉ là bãi trông xe tự phát. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà bãi trông xe này vẫn ngang nhiên tồn tại từ 5 - 6 năm nay, thu tiền với mức phí "trên trời" nhưng không hề bị cơ quan chức năng đả động gì tới, vẫn ra sức "chặt chém" người dân từ năm này qua năm khác.
Vé để trông giữ xe tại bãi của Cty CP 910 lại là vé xe của Cty CP đá quý và vàng Hà Nội. Ảnh: P.L
Loạn trông xe quá giá
Có thể nói, việc tìm một bãi gửi xe trông đúng giá quy định ở thủ đô hiện không khác gì việc "mò kim đáy biển" khi đâu đâu cũng diễn ra việc trông xe quá giá. Tại các bãi gửi xe quanh khu vực Vincom Tower, xung quanh hồ Hoàn Kiếm hay các bãi gửi xe khu vực chợ đêm, giá trông xe phổ biến từ nhiều năm nay ở mức 10.000đ/xe máy, còn mức giá trông giữ ôtô thường xuyên cao hơn so với quy định từ 20.000 - 30.000đ/xe.
Điều đáng nói là việc trông xe quá giá không chỉ diễn ra đối với những điểm trông xe tự phát mà ngay tại những nơi có phép, được chỉ định thì việc mức phí trông giữ vẫn vượt nhiều lần so với quy định. Tại bãi gửi xe của Bệnh viện Xanh-pôn nằm trên đường Trần Phú, mặc dù trên tấm bảng trước cửa bãi gửi xe có ghi rất rõ giá vé trông xe buổi tối là 3.000đ/xe máy nhưng trước khi vào bãi, nhân viên vẫn thu 5.000đ/xe máy.
Còn tại điểm trông xe ôtô trên phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm) của Cty CP Đồng Xuân, mức phí một lần trông xe là 40.000đ/lượt, trong khi tấm biển đề giá ghi rất rõ là 30.000đ/lượt. Tuy nhiên, nhân viên trông xe ở đây thường xuyên "quên" đưa vé cho khách, chỉ khi nào khách hỏi hay thắc mắc thì họ mới đưa vé cho.
Thậm chí, tại điểm trông xe ở số 2 Triệu Quốc Đạt của Cty CP 901, ngoài việc trông giữ xe quá giá quy định nhiều lần, bãi xe này còn sử dụng vé xe của một doanh nghiệp khác (ở đây là của Cty CP đá quý và vàng Hà Nội) để đưa cho khách hàng, trong khi không hiểu vé xe in theo quy định của doanh nghiệp này thì được sử dụng vào việc gì?
Qua khảo sát, hầu hết tất cả các điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố mà phóng viên Lao Động đã gửi xe đều không sử dụng đúng vé theo quy định của Sở Tài chính mà hầu hết đều sử dụng vé tự in, còn nếu có dùng thì lại dùng vé của doanh nghiệp khác hay sử dụng sai loại vé như những trường hợp đã nêu trên để tìm mọi cách "lách luật" ăn chặn tiền của người dân; đồng thời làm thất thoát không ít tiền của Nhà nước.
Rất nhiều người dân thắc mắc trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý việc trông xe như Sở Tài chính, CATP, Sở Giao thông Vận tải... đến đâu lại để xảy ra tình trạng trên, đặc biệt là sự dung túng của chính quyền địa phương để cho các điểm trông xe này hoành hành, tạo nên sự bất bình trong dư luận. Là những người trực tiếp quản lý, UBND các quận - nhất là các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình... - lại để tình trạng này bùng phát trên diện rộng, khiến người dân không khỏi nghi ngờ "liệu có gì khuất tất khi những bãi trông xe này vẫn tồn tại từ năm này qua năm khác mà không bị xử lý?".
Một bãi đỗ xe trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội). Ảnh: Giang Huy
Hà Nội: Xử lý bãi trông xe theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa"
Tháng 6.2011, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển ký quyết định tăng cường quản lý trông giữ xe trên địa bàn thủ đô. Theo đó, TP yêu cầu Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan và UBND các, quận, huyện, thị xã kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý nhà nước về giá và phí trông giữ xe.
Đối với Sở Y tế, cần tăng cường chỉ đạo và kiểm tra các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc trong việc chấp hành các quy định về trông giữ xe. Có hình thức xử lý nghiêm đối với thủ trưởng cơ quan, cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm nhiều lần về thu phí trông giữ xe trong khuôn viên BV. Sở Y tế cũng có văn bản yêu cầu giám đốc bệnh viện trực thuộc tăng cường quản lý điểm trông giữ xe trong khuôn viên bệnh viện; đặc biệt đối với BV Đa khoa Hà Đông, BV Lao và phổi HN, BV Thanh Nhàn, BV Phụ sản HN, BV Đa khoa Đức Giang, BV Xanh Pôn...
Đối với các bãi xe vi phạm nhiều lần, Sở Giao thông Vận tải phối hợp xử lý, thu hồi giấy phép trông giữ xe theo quy định. Yêu cầu chủ tịch UBND các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông cần tập trung kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức và cá nhân liên quan về việc buông lỏng quản lý các điểm trông giữ xe... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc xử lý trông giữ xe vẫn theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa", việc trông giữ xe quá giá vẫn tái diễn trên diện rộng.
Theo Lao Động
Chư Sê,Gia Lai: Lòng đường QL 14 thành bãi để xe! Cách UBND huyện và CA huyện chỉ vài trăm mét, người dân biến đoạn đường QL 14 trước cổng chợ thành bãi để xe và buôn bán, nhưng hầu như vấn đề an toàn giao thông ở huyện này không được chính quyền hay cơ quan nào để ý... Tại trung tâm thị trấn huyện Chư Sê, phía bên phải điểm giao nhau...