Bất hạnh của vợ chồng thanh niên xung phong
Ông Tăng Văn Bầm và bà Nguyễn Thị Thanh (Thanh Hóa) nên duyên vợ chồng từ ngày đi thanh niên xung phong, cùng vào sinh ra tử bảo vệ cung đường Trường Sơn. Ông bà sinh được 6 con thì 5 người ra đi vì di chứng chất da cam.
Người dân thôn Phú Hòa, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) quen gọi ông bà là đôi vợ chồng thanh niên xung phong. Xã ven biển, nhà nào cũng đông con cháu. Riêng ông bà có 6 con nhưng cuối cùng chỉ hai thân già lủi thủi chăm nhau.
Căn nhà nhỏ ông bà đang ở được xây dựng năm 2009 với sự đóng góp của bộ đội biên phòng và cựu thanh niên xung phong. Gạch hoa lát tươm tất, không có bàn ghế, chỉ có hai chiếc giường đặt cạnh nhau, một chiếc để nằm, một chiếc ngồi uống nước. Ông Bầm năm nay 71 tuổi, chỉ còn da bọc xương ngồi trên giường ho sù sụ. Bà Thanh vội rót nước cho chồng rồi giục ông uống thuốc.
Sinh được 6 người con thì mất 5 đứa, chỉ còn hai ông bà nương dựa vào nhau. Ảnh: Hoàng Phương.
Bần thần nhìn ra cửa, ông Bầm nhẩm tính: “Nhà có hai vợ chồng với 6 đứa con, nhưng chúng đi cả rồi, 5 đứa mất, còn một đứa ngẩn ngơ lấy chồng nhưng lâu lắm chưa thấy về thăm”. Bà Thanh ngồi lặng lẽ dựa vào mép giường nghe chồng nói. Nắng gió miền biển cùng những lần mang nặng đẻ đau không làm phai tàn hết nét duyên nơi cựu thanh niên xung phong đã 70 tuổi.
Họ vốn là đồng đội, cùng nhập ngũ năm 1968 ở đơn vị C218, N15, Ban xây dựng 67. Cả hai nhận nhiệm vụ đảm bảo thông suốt cho cung đường 20 Quyết Thắng (Bố Trạch, Quảng Bình) từ cây số 0 đến km 68. Ngày đó, cô gái miền biển tên Thanh tóc dài, da trắng là một trong những bông hoa nổi bật của đơn vị. Hai người bén duyên từ những lần cùng nhau mở đường, tải thương và hẹn ngày không xa sẽ thành vợ chồng.
Năm 1972, ông bà cùng xuất ngũ rồi làm đám cưới ngay sau đó. Chồng theo thuyền đi biển, vợ ở nhà chạy chợ, cuộc sống khó khăn nhưng hạnh phúc. Năm 1973, cậu bé Tăng Văn Xuân chào đời hoàn toàn khỏe mạnh cho đến năm ba tuổi. Một buổi tối, vợ chồng hốt hoảng khi thấy con bỗng tím tái, khó thở rồi luôn miệng kêu rét. Vào viện được hai ngày thì Xuân qua đời vì liệt não. Con trai ra đi nhanh chóng đến nỗi hai vợ chồng ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra.
Quệt nước mắt trên gò má khô khốc, ông Bầm xót xa “Cuộc sống yên ổn nhất chỉ được ba năm đầu khi thằng Xuân còn sống, nghèo nhưng còn được vui vầy với con cái”. Sau cái chết của đứa con đầu lòng, bà Thanh mang thai thêm 5 lần nữa. Cách vài năm lại có một đứa ra đời nhưng không ở với bố mẹ được lâu. Ông Bầm lần lượt nhắc tên con, nhớ rõ ngày sinh ngày mất, tuổi tác, cả những người con mới thành hình người.
Video đang HOT
Con trai thứ ba Tăng Văn Trường (1978) và con thứ tư Tăng Văn Tâm (1981) lúc đầu sinh ra khỏe mạnh, nhưng lớn lên đau ốm dặt dẹo, sống được đến năm 12 tuổi và 5 tuổi rồi qua đời. Triệu chứng giống y hệt cậu anh đầu Tăng Văn Xuân, tự dưng kêu rét rồi đi rất nhanh vì liệt não. “Trong số mấy đứa, thằng Trường thông minh nhất, nó biết đi bắt con cua, con tép giúp mẹ. Tôi còn định vài năm nữa khi nó lớn lên sẽ cho theo chúng bạn đi biển”, giọng người cha buồn buồn.
Hai đứa con cuối cùng đều thiếu tháng, mất từ lúc còn trong bụng mẹ. Ông Bầm không muốn vợ nhìn thấy hình hài những đứa trẻ ấy nên vội vàng mang đi chôn cất ngay. Nghe bà đỡ kể lại, khi sinh ra, người chúng như con cá khoai, nhưng da hai bên hông lại sần sùi như cá nhám.
May mắn nhất trong số anh chị em, con gái thứ hai là Tăng Thị Hồng (1976) được lớn lên nhưng lại ngẩn ngơ, đầu bị sài, quanh năm lở loét. Năm 20 tuổi, chị đi lấy chồng nhưng ba đứa con sinh ra có biểu hiện giống hệt mẹ.
Niềm vui của họ là chơi với những đứa trẻ hàng xóm. Ảnh: Hoàng Phương.
Sinh ra những đứa con không bình thường, phải chịu lời đồn thổi quái ác khiến bà Thanh không dám bước chân ra khỏi nhà. Ông Bầm ngồi một xó, vò đầu bứt tóc. Rồi ông rờn rợn người khi nhớ lại những ngày ở chiến trường. Ngày đó, đường 20 Quyết Thắng là trọng điểm trên tuyến Trường Sơn huyền thoại. Địch điên cuồng đánh phá ác liệt, bom dội cả ngày đêm không lúc nào ngừng nghỉ. Có lần, ông cùng nhiều đồng đội ngất đi do hít phải khí lạ.
Lúc ấy, ông Bầm mới nghĩ đến việc mình bị nhiễm dioxin. Vợ chồng liền đưa nhau đi khám thì mới chắc ông bị nhiễm chất độc da cam. Họ tắt lịm hy vọng, không dám sinh thêm con. Hàng ngày, ông ốm yếu chỉ loanh quanh trong nhà, bà không dám đi đâu xa vì còn chăm ông. Họ chăm sóc mảnh vườn, nuôi con gà, tằn tiện sống qua ngày.
Không có tiền đi làm giấy tờ giám định để được hưởng trợ cấp, ông đành để vậy. “Giấy tờ lằng nhằng phức tạp lắm, mà tôi già yếu rồi, đâu còn sức để đi”, ông nói. Kiệt quệ vì con cái, người đàn ông ăn sóng nói gió một thời gầy sọp còn chưa đầy 36 kg. Ông tự ví mình như cái cây khô khốc, trụi hết cành lá.
Bà Thanh tiếp lời chồng: “Con cái là của trời cho, giờ hai vợ chồng coi như trắng tay. Số phận chỉ được vậy thì đành phải chịu”. Gặp bạn cũ, người biết chuyện thì tránh hỏi han, người không biết vồn vã hỏi được mấy đứa, xây dựng gia đình cho con cái chưa khiến bà Thanh phải nuốt nước mắt vào trong.
Mấy đứa cháu chả mấy khi về thăm ông bà. Chiều chiều, ông trải chiếu, bà bưng khay nước ra ngoài hiên cùng ngồi nhìn trẻ con hàng xóm chơi đùa. Có khi chúng đuổi nhau chạy vào tận trong sân, ríu rít nói cười, xin uống ngụm nước rồi lại chạy đi.
Niềm an ủi hiếm hoi của tuổi già là khi họ được gặp lại đồng đội cũ, cùng nhau tham gia hoạt động với Hội cựu thanh niên xung phong các xã ven biển Hậu Lộc. “Tôi mong muốn được trở lại chiến trường xưa một lần. Xem trên tivi thấy động Phong Nha, nơi chúng tôi đóng quân ngày trước giờ đẹp lắm”, ông Bầm nói.
Ông Đào Xuân Đợi, Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong xã Hưng Lộc cho biết, hiện cả xã còn 178 thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có nhiều trường hợp đơn thân, không có chồng con như bà Lê Thị Vén (thôn Đông Hòa), bà Trần Thị Thuyền (thôn Thái Hòa)…
“Riêng vợ chồng ông Bầm, bà Thanh có hoàn cảnh éo le nhất. Hội đã làm hồ sơ cho ông Bầm được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên cho người cô đơn với số tiền 360 nghìn đồng một tháng”, ông Đợi thông tin.
Theo VNE
Ký ức bi hùng về Khe Thui
Ở Khe Thui (xã Hoá Thanh, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) từng có 11 thanh niên xung phong của C758 thương vong trong một buổi chiều định mệnh. Tuy nhiên đến nay, nơi các anh, các chị hy sinh vẫn chưa có một tấm bia tưởng niệm...
Khe Thui thuộc Km 468 đường 15A, cách Ngã ba Khe Ve (điểm khởi đầu của đường 12A ác liệt) chưa đầy 1km về phía Bắc. Nơi đây được coi như "túi bom" mà máy bay Mỹ ngày đêm giội xuống. Bởi trọng điểm này là "yết hầu" của con đường vận chuyển hàng hóa, đạn dược từ Bắc vào Nam theo Quốc lộ 15A và sang nước bạn Lào theo Quốc lộ 12A.
Buổi chiều định mệnh
Ông Đinh Minh Đức - một cựu TNXP của C758 đưa chúng tôi vào thăm Khe Thui. Nếu không được một người lính đã từng chiến đấu ở đây giới thiệu thì những người thuộc thế hệ sau như chúng tôi không thể nào hình dung nổi nơi đây từng là một "toạ độ lửa", là nơi 7 chiến sĩ TNXP đã hy sinh cùng một lúc khi tuổi đời mới mười chín, đôi mươi. Bởi hiện tại, ngay bên con đường Hồ Chí Minh trải nhựa phẳng lì, Khe Thui chỉ là một cái khe cạn, cây dại mọc um tùm. Chứng tích duy nhất là một ngôi mộ đá được những người đồng đội như ông Đức đắp lên để thắp hương tưởng nhớ đồng đội mỗi lần lên thăm.
Danh sách các liệt sĩ hy sinh tại Khe Thui ngày 20/7/1968 Đinh Xuân Đào (SN 1947); Trương Thị Trạch (SN 1948); Trần Thị Huệ (SN 1947) Phạm Văn Ngụ (SN1940); Đinh Thị Khuyên (SN 1947); Đinh Thị Đến (SN 1947); Đinh Thị Liệu (SN 1948); Đinh Xuân Tùng (SN 1948). Các liệt sĩ đều cùng quê ở huyện Minh Hoá.
Buổi trưa hè đứng bóng, ông Đức khó nhọc (bởi ông cũng chỉ còn một cánh tay sau một trận bom) đốt hương tưởng nhớ đồng đội. Phút tĩnh lặng, ông không khỏi nghẹn ngào khi nhớ về những ký ức bi hùng của một thời đạn lửa. Ông Đức kể: "Đêm 19, rạng sáng ngày 20/7/1968, máy bay địch lại đánh phá ác liệt trọng điểm Khe Ve, Khe Thui. Để kịp thời thông đường cho hàng trăm chiếc xe chở lương thực, vũ khí đang mắc kẹt, Đại đội 758 do ông Trương Thanh Hân (ở xã Minh Hóa) làm Đại đội trưởng giao nhiệm vụ cho Tiểu đội 3 gồm 11 đồng chí phải gạt hết số đất đá trên mặt đường. Còn cả đơn vị, trong đó có tôi thì dồn sức mở một đoạn cua làm đường tránh để thông xe.
Cả đơn vị vừa làm vừa tránh máy bay Mỹ ập đến oanh tạc. Khoảng 3 giờ chiều, khi chúng tôi đang mở cua đường tránh cách đó không xa thì điếng người bởi tiếng nổ đinh tai nhức óc ở chỗ 11 đồng chí đang làm nhiệm vụ gạt mặt đường. Cả đơn vị chạy đến thì thấy một hố bom sâu hoắm. Có 4 người bị thương được đưa đi cấp cứu ở Trạm Quân y 14 (thuộc Binh trạm 12) đóng ở xã Hóa Tiến. Còn lại 7 người hy sinh tại chỗ (đều là người ở huyện Minh Hoá) thì tìm thấy 5 nữ xác không còn nguyên vẹn nhưng vẫn nhận dạng được, còn 2 người nam thì không còn xác. Chúng tôi gom nhặt từng mảnh thịt, mớ tóc, manh áo của các anh vương vãi khắp nơi rồi đem đi mai táng".
Ông Đinh Minh Đức - một cựu TNXP C758 thắp hương viếng đồng đội ở ngôi mộ đá mà các ông đắp nên
Xin đừng quên các anh, các chị
Chúng tôi tìm gặp những người đồng đội của 7 chiến sĩ TNXP hy sinh ở Khe Thui ngày 20/7/1968, những chàng trai, cô gái tuổi 20 ngày nào bây giờ đã lên chức ông, chức bà nhưng nhiều năm qua trong lòng họ vẫn đau đáu một nỗi niềm: Ở chỗ đồng đội của họ hy sinh vẫn chưa có một tấm bia tưởng niệm, chưa được công nhận là di tích lịch sử, họ sợ rằng thế hệ sau sẽ không ai biết đến một sự kiện Khe Thui bi hùng như thế.
"Vẫn biết mọi sự so sách đều khập khiễng và sự hy sinh nào cho đất nước cũng lớn lao và đáng được Tổ quốc ghi nhận. Những địa danh và sự kiện lịch sử khác như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang 8 Cô, Đồi Chạ Quang... đều đã được lập bia tưởng niệm, được công nhận là di tích lịch sử. Trong khi đó, Khe Thui rất xứng đáng để được lập bia, được công nhận là di tích lịch sử nhưng đến nay chúng tôi và đồng đội vẫn đang phải chờ. 45 năm đã trôi qua, xin đừng quên đồng đội của chúng tôi"- ông Trương Thanh Hân nghẹn ngào.
Ông Đinh Xuân Bình - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Hoá Thanh cho biết: "Với tư cách là địa phương của "sự kiện" Khe Thui, từ lâu nhiều thế hệ lãnh đạo xã Hoá Thanh rất muốn làm một điều gì đó để tri ân những người đã ngã xuống trên quê hương mình nhưng do điều kiện khó khăn nên chúng tôi đành lực bất tòng tâm. Lãnh đạo xã đã nhiều lần đề xuất lên các cấp có thẩm quyền mong tìm được một sự đồng thuận nhưng cũng chưa thấy gì".
Chúng tôi đem sự việc này trao đổi với ông Đinh Quý Nhân - Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá. Ông Nhân cho biết, UBND huyện vừa tổ chức một cuộc hội thảo gặp mặt các nhân chứng lịch sử baogồm một số cựu TNXP thuộc C758 và thân nhân các liệt sĩ đã hy sinh tại Khe Thui. Đồng thời huyện cũng đang làm hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm công nhận Khe Thui là Di tích lịch sử quốc gia. "Gia đình, thân nhân, đồng đội các liệt sĩ Khe Thui đã đợi lâu lắm rồi. Huyện sẽ làm hết sức mình để tri ân những người ngã xuống, để thế hệ mai sau biết đến một Khe Thui bi hùng như thế...".
Theo Khampha
Quy tập hài cốt thanh niên xung phong, khôi phục đường sắt Trong các ngày 27-28.11, Cty và Công đoàn Cty quản lý đường sắt Yên Lào và ban liên lạc đơn vị truyền thống thanh niên xung phong CT14 đường sắt Hải Phòng tổ chức quy tập hài cốt đồng đội thanh niên xung phong đơn vị CT14. Hài cốt của 6 thanh niên xung phong đơn vị CT14 đường sắt được quy tập...