Bắt gặp Triumph Thruxton R TFC trên đường thử với loạt phụ kiện đắt tiền
Đây là phiên bản đặc biệt của dòng xe Triumph Thruxton R TFC và nhiều khả năng xe sẽ được sản xuất với số lượng giới hạn.
Triumph Thruxton TFC là chiếc xe thương mại đầu tiên thuộc TFC – dòng xe độ đặc biệt chính hãng Triumph Factory Custom. Vì vậy, việc có thêm một phiên bản cao cấp hơn của dòng TFC là điều mà rất nhiều fan mong đợi.
So với Triumph Thruxton TFC thường, Thruxton R TFC được “đắp” lên mình hàng loạt các trang bị đắt tiền hơn. Có thể kể tới ngay như bộ vỏ được làm hoàn toàn 100% từ sợi carbon, giúp xe “giảm cân” đáng kể. Hệ thống đèn trên Thruxton R TFC là công nghệ đèn Full-Led.
Tiếp theo, hệ thống treo của Triumph Thruxton R TFC là hệ thống phuộc hàng hiệu Ohlins cho cả trước và sau. Đi kèm với đó là phanh Brembo và lốp Metzeler Racetec RR.
Ngoài ra, cặp pô Vance & Hines cũng góp phần gia tăng công suất của động cơ đến hơn 100 mã lực.
Giá bán và thông số kỹ thuật của Triumph Thruxton R TFC hiện vẫn chưa được hãng xe “xứ sở xương mù” tiết lộ. Chỉ biết, với một loạt options cao cấp trên thì giá bán của Thruxton R TFC sẽ không hề “dễ chịu” chút nào. Phiên bản tiêu chuẩn Triumph Thruxton đang được phân phối chính hãng tại Việt Nam với mức giá 595 triệu đồng.
Hoàng Đạt
Theo tuoitrethudo
Cận cảnh Triumph Thruxton R tại Việt Nam
Sở hữu kiểu dáng của một chiếc cafe racer cổ điển thuần chất, Triumph Thruxton R ẩn chứa bên trong nó cảm giác điều khiển của cả một chiếc sportbike hiện đại.
Có thể nói lịch sử của kiểu dáng xe cafe racer cũng đã gắn liền với hãng xe Anh Quốc Triumph. Những chiếc cafe racer đầu tiên do dân chơi xe độ nên sử dụng nền tảng của Triumph Bonneville, và chính Triumph cũng đã "phổ cập hóa" trào lưu này tới khách hàng với dòng Thruxton vào năm 1965. Được đặt tên theo một trường đua nằm tại Hampshire - Anh Quốc, thế hệ Triumph Thruxton đầu tiên vốn là những chiếc "xe đua đường phố" sản xuất thủ công, nhằm đạt đủ điều kiện để có thể tham gia vào các giải đua sức bền.
Sau đó tới năm 1968, những chiếc Thruxton đã giành 3 vị trí đầu bảng ở giải Thruxton 500 dặm. Với những thành công trên đường đua và số lượng sản xuất ít ỏi chỉ 52 chiếc, Thruxton đã trở thành mơ ước của nhiều biker Anh Quốc vào thập niên 70 và góp phần hình thành "mốt" cafe racer. Phải tới năm 2004, mẫu cafe racer này mới tái xuất hiện trong dòng sản phẩm của Triumph. Không còn có nguồn gốc xe đua như thế hệ đầu tiên, Thruxton II đơn giản chỉ là một chiếc Bonneville mang kiểu dáng cafe racer.
Dù thế hệ thứ 2 vẫn khá thành công về mặt thương mại, tuy nhiên chiếc Thruxton đầu tiên của Thế kỷ 21 chưa đủ "gắt" để thỏa mãn những biker ưa thích cảm giác mạnh như đời đầu tiên - vốn được phát triển với mục đích trở thành xe đua. Ngoài ra, cuộc chạy đua về công nghệ và trào lưu hoài cổ diễn ra mạnh mẽ trong Thế giới mô tô cũng đã buộc Triumph phải thiết kế lại chiếc xe từ đầu. Cùng với Bonneville T120 mới, Triumph Thruxton thế hệ thứ 3 đã chính thức xuất hiện tại triển lãm EICMA 2015.
Video đang HOT
Vẫn sử dụng chung nền tảng khung và gốc máy với Bonneville, tuy nhiên lần này Thruxton III đã có nhiều điểm khác biệt hơn nữa với những "người anh em" roadster/naked bike cổ điển của mình. Điều này đặc biệt rõ rệt trên phiên bản cao cấp Triumph Thruxton R lần đầu tiên xuất hiện, với danh sách các trang bị tiêu chuẩn như một chiếc superbike hiện đại.
Thiết kế:
Triumph vốn nổi tiếng bởi những thiết kế hoài cổ và với Thruxton R, một lần nữa hãng lại tạo nên một "cú hit". Trong khi Thruxton II vẫn chia sẻ chung thiết kế ốp hông và bình xăng tương tự như Bonneville, lần này Triumph đã cất công tạo dáng cho Thruxton III khác biệt hoàn toàn. Nắm bắt trào lưu hoài cổ đang rất thịnh hành, kiểu dáng của Thruxton R "đặc sệt" phong cách của một chiếc cafe racer thuần chất. Từ bình xăng hẹp, thuôn dài về phía sau tới các tấm ốp hai bên thân xe đục lỗ như muốn giảm từng gram trọng lượng - tất cả đều chịu ảnh hưởng từ những chiếc mô tô thể thao cổ điển trong thập niên 60-70 của Thế kỷ XX.
Những chi tiết nổi bật nhất của Thruxton được xếp thành một trục ngang thân xe: đèn pha "gáo dừa" LED, bình xăng và bộ yên phía sau. Không chỉ có kiểu dáng tổng thể hoài cổ, Triumph đã cầu kỳ "giả cổ" nhiều chi tiết trên bình xăng để khiến chiếc xe mang đậm phong cách cafe racer nhất có thể: đó là nắp xăng bằng nhôm và phần đai chạy dọc theo chiều dài bình.
Trong quá khứ, những chiếc xe đua cafe racer thường có bình xăng gắn với khung bằng đai da hoặc chốt kim loại để đội kỹ thuật có thể dễ dàng tháo rời nó khỏi khung. Tương tự, nắp xăng nhôm cũng để nhằm đóng mở trong thời gian nhanh nhất, nhằm tiết kiệm từng giây nạp nhiên liệu trong một cuộc đua đường dài. Không còn được sử dụng cho các giải đua, những chi tiết này chỉ còn tác dụng trang trí trên Thruxton.
Riêng với nắp xăng, ngoài việc mở nắp bằng nhôm cố định bằng một thì người dùng sẽ phải mở thêm một nắp nhựa có khóa. Chưa hết, nắp nhựa này còn đòi hỏi thêm một lần xoay lẫy an toàn nữa và khi mở nắp, bạn sẽ phải cầm luôn nắp này khi đổ xăng, khá bất tiện và đi ngược lại với mục tiêu đóng mở nhanh của xe đua cổ điển. Lùi về phía đuôi xe, Thruxton có bộ yên solo với gò khí động học đặc trưng cafe racer - hoàn toàn không có vị trí cho người ngồi sau.
Cùng với thiết kế khung và máy đầy thẩm mỹ, Thruxton đạt những tỷ lệ chuẩn mực cho một chiếc cafe racer. Là một mẫu mô tô hoài cổ, Triumph cũng không quên trang bị cho chiếc xe bộ bánh căm với niềng nhôm bóng lộn. Nhôm trần hoặc đánh bóng cũng được sử dụng trên rất nhiều chi tiết của xe - từ dàn để chân, nắp động cơ, moay-ơ, pô tới chảng ba. Không chỉ giúp Thruxton giảm trọng lượng, mà chất lượng hoàn thiện của chúng cũng khiến chiếc xe trông cao cấp hơn hẳn và đúng chất cổ điển.
Cũng với mục đích giảm trọng lượng, nhưng nếu thay thế nhôm bằng sợi carbon như những superbike hiện đại, chắc chắn các chi tiết này rất "lạc tông" trên một chiếc cafe racer như Thruxton!
Trang bị:
Dù có vẻ ngoài mang đậm phong cách cổ điển, tuy nhiên Thruxton III được trang bị khá đầy đủ những công nghệ hỗ trợ người lái của một mẫu mô tô công suất cao hiện đại. Ngoài bướm ga điện tử, chiếc xe còn có hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hệ thống điều khiển lực kéo và 3 chế độ chạy khác nhau. Trong đó, riêng ABS và hệ thống điều khiển lực kéo có thể tắt đi nếu người lái cảm thấy tự tin vào kỹ năng lái xe - hay muốn thực hiện các kỹ năng như powerslide (trượt qua cua), wheelie (bốc đầu) và stoppie (bốc đuôi).
Được bán với 2 phiên bản là thường và thể thao R, những trang bị này đều xuất hiện trên cả hai bản của Thruxton. Tuy nhiên, Thuxton R đã được Triumph trang bị nhiều phụ tùng "hàng hiệu", đưa nó tới gần hơn với hiệu năng điều khiển của một chiếc sportbike hiện đại. Thay vì cặp phuộc trước ống lồng và phuộc sau đều của Kayaba, phiên bản R đã được trang bị phuộc trước Showa Big Piston Fork đường kính ti trong 43mm và phuộc sau Ohlins - tất cả đều có khả năng điều chỉnh độ nhún, nảy và tải trọng linh hoạt.
Chưa dừng lại ở đó, hệ thống phanh trên Thuxton R cũng đạt đẳng cấp superbike với cặp heo dầu 4 piston đối xứng Brembo M4 Monoblock pad bắt dọc radial, kèm theo cặp đĩa lòng sống full floating ở bánh trước. Trong khi đó, phanh trước của Thruxton thường chia sẻ chung với Bonneville T120 với heo Nissin pad ngang và đĩa đặc. Cả 2 phiên bản đều sử dụng chung phanh đĩa sau với heo Nissin 2 piston. Cuối cùng, Thruxton R còn có lốp Pirelli Diablo Rosso Corsa cao cấp thay vì Pirelli Angel GT, sử dụng bản lốp trước/sau lần lượt 120/70/17 và 160/60/17.
Công thái:
Nếu chỉ nhìn lướt qua kiểu dáng cafe racer của Thruxton R, rất nhiều người sẽ nghĩ rằng chiếc xe có tư thế ngồi khá mỏi. Trên thực tế, điều này chỉ đúng một phần nhỏ. Dù được trang bị tay lái clip-on, tuy nhiên chiều cao của tay khá lớn khiến cho tư thế ngồi của chiếc xe không quá "cực đoan" như một chiếc cafe racer hay sportbike thuần túy. Thậm chí nếu không phải do khoảng cách giữa tay lái tới yên và dàn để chân lớn do chiều dài của động cơ xi-lanh đôi, Thruxton R sẽ có tư thế ngồi thoải mái tương tự như những mẫu sportbike cho người mới tập chơi mô tô.
Tuy nhiên nếu người lái ngồi dịch hơn về phía sau đuôi xe, tư thế ngồi của Thruxton R sẽ ngay lập tức trở nên giống với cafe racer thuần. Lúc này, bạn sẽ có cảm giác nhoài về phía trước nhiều hơn, tập trung hơn vào con đường phía trước nhưng bù lại sẽ rất nhanh mỏi. Kiểu ngồi này sẽ phù hợp khi chạy xe ở tốc độ cao thay vì "ôm cua" liên tục trên các cung đường đèo .
Với tư thế ngồi tương đối thoải mái, việc "nài" Thruxton R trên đường phố đông đúc không quá khó khăn. Dù có trọng lượng khô 203kg, tuy nhiên chiếc xe không tạo cảm giác quá mệt mỏi khi đi trong các con phố đông người. Có chiều cao yên 810mm, Thruxton R cũng không quá ngoài tầm với của "cánh mày râu" Việt. Nếu cao hơn 1m70, bạn có thể dễ dàng chống hoàn toàn 1 chân trên chiếc xe. Bộ yên của Thruxton R được bọc chất liệu mịn khá giống nhung trên lớp đệm với độ cứng vừa đủ, không gây mỏi khi chạy xe nhiều giờ nhưng không quá mềm để ảnh hưởng tới tư thế "nài" xe.
Động cơ:
Dù chia sẻ chung nền tảng máy 1.200cc SOHC 8 van, 2 xi-lanh thẳng hàng với người anh em roadster Bonneville T120 thế hệ mới, tuy nhiên động cơ của Thruxton III đã được Triumph cân chỉnh khác biệt để đem tới cảm giác thể thao và công suất cao hơn. Với trục khuỷu quán tính thấp, nắp quy-lát mới để đạt tỷ số nén cao và ECU sử dụng map mới, chiếc xe có công suất lên tới 96 mã lực tại 6.750rpm và mô-men xoắn lên tới 112Nm tại 4.950rpm.
Trong khi đó, những con số này trên Bonneville chỉ là 79 mã lực/105Nm. Nếu so với thế hệ trước, Thruxton mới có công suất cùng mô-men xoắn lớn hơn lần lượt tới 68 và 11%. Đặc biệt, từ dải tua máy 2.500 tới 6.500rpm, chiếc xe có thể dễ dàng đạt được mô-men xoắn hơn 90Nm.
Động cơ này được điều khiển thông qua bướm ga điện tử cùng hộp số 6 cấp và hệ thống lái với 3 chế độ khác nhau là Rain (đường ướt), Road (bình thường) và Sport (thể thao). Khi mới vặn chìa khóa khởi động, Thruxton R sẽ luôn được đặt mặc định ở chế độ Road, tuy nhiên người lái có thể điều chỉnh sang 2 chế độ còn lại khi đang chạy xe bằng cách bấm nút chuyển và vặn nhẹ tay ga. Các chế độ này chủ yếu can thiệp vào độ nhạy ga của chiếc xe và tua máy.
Nhờ có mô-men xoắn lớn đạt được ở dải tua máy rộng và hộp số 6 cấp mượt mà, bạn có thể điều khiển Thruxton một cách nhàn nhã ở mọi cấp số như một chiếc cruiser. Ở trong thành phố, chiếc xe có thể duy trì tốc độ thấp chỉ với tua máy khoảng 800-900 vòng/phút ở cấp số 2 hay 3 - thậm chí là 4 một cách nhẹ nhàng. Tay ga nhạy theo đúng truyền thống của Triumph nhưng đồng thời rất "nuột", không có cảm giác "sốc ga".
Trong khi đó khi ra ngoài xa lộ ở dải tốc độ khoảng 60-80km/h, mô-men xoắn cao nằm trong dải vòng tua rộng khiến Thruxton vẫn có thể "băm băm" tiến về phía trước khi người lái cố tình bơm thêm ga. Dù không có gia tốc mạnh mẽ như ở các cấp số thấp, nhưng nó tăng tốc một cách chắc chắn, đem tới cảm giác như một đầu kéo xe lửa - đặc biệt khi cặp pô kép phát ra những tiếng xình xịch trầm ấm.
Nếu xoắn mạnh ga ở cấp số thấp, "tay nài" sẽ được tận hưởng cảm giác tăng tốc cực kỳ mạnh mẽ phấn khích với Thruxton R. Ở số 1 và 2, nếu như ga một cách "bạo lực", chiếc xe đem tới gia tốc mạnh như thể nó đang muốn tách rời với người ngồi ở phía trên. Bạn sẽ dễ đàng nhận ra mông mình trôi về phía sau đuôi xe, trước khi được phần "gò" đặc trưng cafe racer giữ lại. Ngay cả khi hệ thống điều khiển lực kéo được kích hoạt, nó cũng phải làm việc "hết mình" để ngăn những bánh trước nhấc khỏi mặt đường. Nếu như tắt hệ thống này, chiếc xe có thể dễ dàng "lên đầu" .
Cảm giác tăng tốc sẽ còn mãnh liệt hơn nữa ở chế độ Sport khi tay ga nhạy hết mức có thể, nhưng chiếc xe vẫn có thể gây bất ngờ với những tay lái non ngay cả ở chế độ Rain "hiền hòa" nhất. Tuy nhiên khác với những mẫu superbike hiện đại, bạn sẽ phải chuyển số sớm hơn trên Thruxton R nếu không muốn trải nghiệm cảm giác rung gằn khá khó chịu. Điều này xảy ra do tua máy cực đại của chiếc xe chỉ là 8.000 vòng/phút - trong khi giới hạn này trên đa số các dòng mô tô thể thao hiện đại lên tới khoảng 12.000-15.000.
Với góc lệch trục khuỷu 270 độ và được thiết kế lại toàn diện, động cơ mới này vẫn đem tới âm thanh đặc trưng của các dòng Triumph cổ điển, trong khi có độ rung rất thấp (trừ phi chiếc xe bị ép ở tua máy cực đại). Do được làm mát bằng chất lỏng, nên nhiệt lượng mà cỗ máy này tỏa ra cũng thấp hơn hẳn so với máy làm mát bằng không khí của Bonneville/Thruxton cũ. cũng Theo Triumph, Thruxton cũng tiết kiệm nhiên liệu hơn đời cũ 11%. Tuy nhiên với dung tích máy lên tới 1.2l, mức tiêu thụ trung bình của xe sẽ dao động khoảng hơn 6l/100km, dao động tùy vào độ "mát ga" của người lái và chế độ chạy của xe.
Cảm giác lái:
Sở hữu động cơ "mượt như lụa", chiều rộng hẹp cùng tay lái khá cao và góc lái rộng (xét theo tiêu chuẩn của một chiếc cafe racer), việc điều khiển Thruxton R trong thành phố khá dễ dàng - thậm chí có thể nói là nhàn nhã nếu bỏ qua tư thế ngồi thể thao của chiếc xe. Dù là một mẫu mô tô phân khối lớn với trọng lượng ướt lên tới gần 220kg, tuy nhiên bạn có thể dễ dàng "xào, chẻ" chiếc xe một cách linh hoạt trên những đường phố đông đúc. Lái Thruxton R trong điều kiện này, bạn sẽ chỉ cảm giác chiếc xe sẽ nặng hơn một chút so với các dòng mô tô 2 xi-lanh khoảng 300cc.
Giá trị thực sự của Thruxton R nằm ở cảm giác điều khiển qua các góc cua. Nhờ có động cơ sức kéo lớn với dải vòng tua linh hoạt, tay nài có thể giữ chiếc xe ở cấp số cao và vào cua một cách cầm chừng mà không sợ bị "khựng" máy - hoặc chuyển về cấp số thấp để có thể bứt phá dễ dàng lúc ra cua. Nhờ có hệ thống phuộc cao cấp và lốp chất lượng tốt, Thruxton R đem tới cảm giác cực kỳ tự tin khi "úp cua". Nó cho phép người lái có thể thoát an toàn một số chướng ngại vật bất ngờ bên trong góc cua - chẳng hạn như sỏi nhỏ hay bề mặt đường lồi lõm.
Ngay từ khi dắt ra khỏi showroom, hệ thống phuộc của Thruxton R được cân chỉnh đều - đủ mềm để dập tắt đa số những chướng ngại bình thường trên đường, nhưng đủ cứng để bạn có thể cảm nhận được mặt đường một cách chính xác và giữ chiếc xe ổn định khi ra vào cua. Nếu có nhu cầu cần chỉnh mềm hoặc cứng hơn, người dùng cũng có thể thao tác dễ dàng bằng cách dùng tuốc-nơ-vít vặn ốc trên đỉnh cùng chân phuộc trước, hoặc núm vặn trên phuộc sau theo sách hướng dẫn.
Với hệ thống phanh của superbike, Thruxton R cũng đem tới cảm giác tự tin mỗi khi xử lý các tình huống khẩn cấp. Cặp heo Brembo M4 "cắn" những đĩa phanh 310mm phía trước một cách chắc chắn; tay phanh Brembo Radial cũng đem lại cảm giác bóp phanh rất "dẻo" và nhạy. Tuy nhiên, sự "nhạy" của hệ thống phanh trước ở đây không đồng nghĩa với cảm giác bị khựng lại khi bóp phanh giống nhiều mẫu mô tô khác. Thay vào đó, Thruxton R sẽ từ từ chúi về phía trước, trong khi vẫn để cho người lái cảm nhận được hiệu quả của hệ thống phanh. Phối hợp cùng hệ thống ABS, người lái có thể phanh gấp một cách đầy tự tin và an toàn. Cũng giống như hệ thống điều khiển lực kéo, ABS có thể tắt được khi xe dừng lại.
Kết luận:
Với Thruxton thế hệ mới, có thể nói Triumph đã tạo ra một hậu duệ xuất sắc của chiếc Thruxton I trong quá khứ, cũng như đưa giới hạn hiệu năng của toàn bộ dòng sản phẩm phong cách hoài cổ Modern Classics lên một tầm cao mới. Đặc biệt với phiên bản Thruxton R, dù vẫn sở hữu kiểu dáng của một chiếc cafe racer thuần chất nhưng chiếc xe lại có được hiệu năng vận hành ấn tượng của sportbike hiện đại. Ngoài ra, nó cũng đủ thoải mái để chủ nhân có thể sử dụng dưới vai trò là một phương tiện di chuyển hàng ngày đầy phong cách.
Trên thị trường hiện nay, có khá nhiều mẫu mô tô cafe racer hoài cổ cao cấp, tuy nhiên không có một đối thủ nào có thể dung hòa giữa các yếu tố nêu trên một cách hoàn hảo như Thruxton R. Tại Việt Nam, nếu xét chung toàn bộ các mẫu mô tô với vẻ ngoài cổ điển, có lẽ chỉ BMW R nine T Roadster xứng đáng "chung mâm" với Triumph Thruxton R - xét về cả thiết kế, trang bị lẫn hiệu năng.
Tương xứng với những gì mà Thruxton R đem lại, nó cũng có giá bán đắt nhất trong dòng Modern Classic của Triumph. Tuy nhiên với giá bán lên tới 595 triệu đồng tại Việt Nam, có thể nói nó là một mẫu xe khá "kén khách". Cầm số tiền này, những chàng trai trẻ sẽ nghĩ ngay tới các dòng superbike hay naked bike thời thượng, hiện đại. Trong khi đó, độ tuổi trung niên sẽ tỏ ra "ngại" tư thế ngồi thể thao của Thruxton R, thay vào đó lựa chọn Bonneville T120 hay những chiếc roadster thoải mái hơn.
Xét trên những yếu tố này, có thể thấy những người phù hợp nhất với Thruxton R là các quý ông thành đạt trong độ tuổi từ 25-40, đang có nhu cầu tìm kiếm một chiếc mô tô thanh lịch nhưng đồng thời phải đem tới cảm giác lái thú vị.
Theo Nghe nhìn Việt Nam
Cafe racer Triumph Thruxton sắp có bản độ sẵn TFC? Nhiều khả năng sẽ là mẫu xe khởi đầu cho series các bản độ từ nhà máy TFC, Triumph Thruxton TFC sở hữu vỏ carbon và một loạt các phụ tùng cao cấp nhất. Với dòng sản phẩm hoài cổ Modern Classics hiện tại của mình, Triumph đang có hàng trăm các phụ kiện khác nhau để người dùng có thể tự do...