Bất động sản trông chờ ‘điểm sáng’
Thị trường bất động sản trong năm 2020 được dự báo gặp nhiều khó khăn và tiếp tục suy giảm so với những năm trước đây cả về lượng giao dịch lẫn nguồn cung sản phẩm. Thêm vào đó, thị trường cũng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhân định, tuy phải nỗ lực vượt qua những khó khăn chung nhưng thị trường bất động sản vẫn có “điểm sáng” để kỳ vọng sự phục hồi.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ 2014 đến 2018) thì trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản có xu hướng chững lại. Điều này thể hiện qua một số chỉ tiêu như lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018, nguồn cung dự án bất động sản giảm 10% so với năm 2018.
Nhiều căn hộ giá bình dân tại dự án nhà chung cư K35 Tân Mai (Công ty 98, Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư) đã được đăng ký mua. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Nguyên nhân cơ bản được chỉ ra là do ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô, ách tắc trong việc cấp phép mới dự án do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất, tín dụng bất động sản bị siết chặt và sự suy giảm của các ngành dịch vụ – du lịch do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh cho biết, để tháo gỡ các khó khăn cho thị trường bất động sản, ngoài các giải pháp về hoàn thiện thể chế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Mới đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền có những cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như hoãn hoặc giãn thời gian đóng thuế, đóng bảo hiểm xã hội, giảm lãi suất vay ngân hàng,… nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.
Để tìm lối thoát cho các doanh nghiệp ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam cho rằng, giai đoạn này, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng mới để duy trì hoạt động và gia tăng thêm tích lũy.
Theo ông Nam, đây cũng chính là lúc Nhà nước nên thúc đẩy mạnh mẽ hơn khu vực đầu tư công – vốn luôn là điểm nghẽn do chậm hoặc khó giải ngân nguồn lực ngân sách; đồng thời cũng là nơi có khả năng tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nhất là ở thời điểm này.
Video đang HOT
Hiện vẫn còn thiếu nhiều công trình xây dựng đường sá, cầu cống, đê điều thủy lợi dân sinh hay trường học, bệnh viện… Khi các dự án được triển khai sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia, kéo theo nhiều nhà thầu và người lao động bị thất nghiệp có việc làm trở lại. Như vậy, hạ tầng được phát triển và an sinh xã hội cũng được đảm bảo – ông Nam phân tích.
Mới đây, tại cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, bất động sản để lấy ý kiến, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thúc đẩy lĩnh vực nhà ở – bất động sản tăng trưởng ổn định, bền vững, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, việc chọn phát triển nhà ở xã hội là trọng tâm. Đây được coi là giải pháp tạo đà, “kích thích” sự phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn này.
Hiện Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội. Như vậy, gói tín dụng lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, thì đây là vốn mới được kỳ vọng sẽ tiếp sức để phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Ninh nhận xét, Nghị quyết đã có nhưng vẫn phải chờ quyết định của Thủ tướng phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực kinh tế; trong đó nhà ở xã hội là một phần nhỏ. Gói 2.000 tỷ đồng theo Nghị Quyết là cấp bù lãi suất. Ngân hàng thương mại cho vay 8%, nhà nước cấp bù lãi suất 3%, còn 5% người dân trả cho ngân hàng. Để có nguồn vốn lớn như vậy, các ngân hàng cũng cần phải lên kế hoạch.
Sắp tới, Bộ Xây dựng cũng xác định quy chuẩn, tiêu chuẩn đối tượng được vay. Trước đây, gói 30.000 tỷ đồng là tái cấp vốn và cho cả nhà ở thương mại giá rẻ dưới 15 triệu đồng/m2 nhưng gói mới lần này chỉ dành riêng cho nhà ở xã hội. Vì vậy đối tượng thu hưởng sẽ khác nhau. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đang sửa đổi Nghị định 100 về nhà ở xã hội vì có nhiều về trình tự thủ tục, đất chưa hợp lý.
Bên cạnh các giải pháp giúp thị trường và doanh nghiệp bất động sản sớm phục hồi và hướng tới sự phát triển bền vững, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ niềm tin về những điểm sáng.
Phó Chủ tịch VNREA Đoàn Văn Bình cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 nhưng bất động sản vẫn là ngành hứa hẹn sẽ phục hồi sớm sau dịch. Một trong các yếu tố được ông Bình dẫn chứng là việc Chính phủ đã ban hành một loạt công cụ tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho người dân và các doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công để kích cầu, tạo việc làm, tăng sức mua; giảm, hoãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT…; giảm lãi suất ngân hàng, giãn thời gian trả nợ, cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn giảm lãi vay… Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có những tác động mạnh đến thị trường bất động sản.
Theo ông Bình, Việt Nam vẫn còn không ít yếu tố hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài bởi việc cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh vẫn được thúc đẩy một cách nhất quán; thị trường Việt Nam vẫn có một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do quan trọng…
Đặc biệt, Việt Nam đang trong giai đoạn của cơ cấu dân số vàng với tốc độ đô thị hóa thuộc top đầu thế giới, trở thành động lực phát triển của thị trường nhà ở, bất chấp tác động từ dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng dân số mạnh tại các khu vực đô thị đã tạo ra nguồn cầu lớn cho các dự án nhà ở mới.
Hơn cả, những nỗ lực và cách thức Việt Nam chống dịch vừa qua đã “ghi điểm” rất lớn trong mắt cộng đồng quốc tế để trở thành một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. Cùng đó, các chính sách ngày càng cởi mở hơn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam.
Nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch tốt như hiện nay và vượt qua dịch bệnh sẽ là điểm sáng an toàn về dịch tễ lẫn kinh tế, chính trị thu hút kiều bào về nước đầu tư cũng như người nước ngoài đến sinh sống và làm việc…
Thu Hằng
Nhiều kênh đầu tư bấp bênh vì dịch Covid-19
Các kênh đầu tư năm 2020 đang chịu tác động từ dịch Covid-19 và cả những thay đổi về chính sách. Tuy nhiên, giới chuyện gia cho rằng, khả năng kiểm soát dịch bệnh nhanh và hiệu quả sẽ giúp giới đầu tư lạc quan hơn. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các thị trường vận hành hợp lý.
Bất động sản du lịch là phân khúc chịu tác động bất lợi từ dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín cho rằng, dịch bệnh đang diễn ra phần nào làm xáo trộn tâm lý của giới đầu tư. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng và các nhà khoa học đang rất nỗ lực kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhiều khả năng dịch bệnh sẽ suy giảm trong quý II. Vì vậy, có thể hy vọng là hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ hồi phục trở lại từ quý II, từ đó thúc đẩy giới đầu tư kích hoạt các kế hoạch kinh doanh của họ.
Mặt khác, xét về vĩ mô, kinh tế Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện có một số dấu hiệu tích cực. Nhờ đó, tại 2 kỳ họp vừa rồi, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ không giảm lãi suất và tiếp tục kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định quyết tâm kiểm soát dịch bệnh và khôi phục kinh tế. Tại Việt Nam, Chính phủ đang thúc đẩy các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh mạnh mẽ. "Đây là những yếu tố cho thấy nên có cái nhìn lạc quan về kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam trong thời gian tới", ông Tín nói.
Với các kênh đầu tư trên thị trường Việt Nam, theo vị chuyên gia này, thị trường chứng khoán từng trải qua những phiên giao dịch chật vật, song cũng có những phiên khởi sắc. Trên thị trường vàng và ngoại tệ, giá vàng và USD có lúc tăng mạnh do giới đầu tư muốn tìm nơi trú ẩn an toàn, nhưng không phải là biến động quá lớn. "Do đó, cần nhìn nhận các kênh đầu tư một cách cẩn trọng, trong ngắn hạn có biến động như vậy, song về dài hạn có thể kỳ vọng những diễn biến tích cực hơn", ông Tín nhận định.
Về thị trường bất động sản, theo ông Tín, thị trường này đang có một số điểm bất lợi từ việc siết chặt nguồn vốn tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số dự án gặp trở ngại về pháp lý trong năm 2019 chưa chắc đã có thể triển khai trong năm 2020. Do đó, kênh đầu tư bất động sản có thể sẽ gặp khó trong năm nay.
Từ góc độ doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) đồng tình với quan điểm về việc thị trường bất động sản có thể gặp khó khăn do nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt hơn, và việc huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp có thể gặp khó do cơ quan chức năng đang xây dựng nghị định thay thế Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp với những điểm chặt chẽ hơn về điều kiện phát hành.
Theo vị Chủ tịch HOREA, cơ quan làm chính sách nên hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trong việc cải thiện các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn.
"Các đề xuất sửa đổi Nghị định 163 của Bộ Tài chính đang theo hướng siết chặt và gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng các quy định chặt chẽ hơn về khối lượng phát hành, điều kiện phát hành. Theo tôi, nên nghiên cứu và xem xét thận trọng hơn. Có thể tăng cường kiểm soát thị trường bằng việc phát triển các công ty định mức tín nhiệm hoạt động một cách hiệu quả thay vì kiểm soát những yếu tố mang tính hành chính như vậy", ông Châu nhấn mạnh.
Riêng với tác động từ dịch Covid-19, ông Châu cho rằng, trước mắt, bất động sản du lịch có thể chịu tác động, đồng thời, việc tổ chức các sự kiện khai trương dự án, triển lãm bất động sản đều phải tạm dừng.
Tuy nhiên, theo ông Châu, cũng cần nhìn nhận từ góc độ lạc quan với thị trường, khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn thì bất động sản vẫn có thể là một điểm cất giữ tiền an toàn hơn. Mặt khác, trong trường hợp kinh tế Trung Quốc chịu tác động đáng kể từ dịch bệnh này thì dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp, bất động sản văn phòng và nhà ở cho thuê có thể dịch chuyển sang Việt Nam.
"Cần nhớ rằng, Việt Nam đang nổi lên là điểm sáng trong công tác kiểm soát dịch bệnh thời gian qua. Chúng ta đã thể hiện khả năng ứng phó rất tốt với dịch bệnh và khôi phục sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp rất tốt. Đồng thời, Chính phủ đang rất nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút giới đầu tư. Do đó, tôi có niềm tin và lạc quan là chúng ta sẽ có thể thu hút được vốn đầu tư sau dịch bệnh, và bất động sản là kênh đầu tư sẽ được chú ý", ông Châu lý giải.
Xuân Yến
Theo Baodauthau.vn
"Sốt đất" bất thường ở Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) Trên Quốc lộ 56, đoạn đường khoảng 2km từ khu vực chợ mới Bình Ba (xã Bình Ba) đến vòng xoay Suối Nghệ, huyện Châu Đức, tình trạng rao bán đất diễn ra tấp nập. Cò đất "thổi giá" Theo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), gần tuần qua có nhiều người mua...