Bất động sản phía Nam bất ổn
Trong một báo cáo mới nhất gửi lãnh đạo chính quyền sở tại, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đã phát đi thông điệp về một số yếu tố bất ổn tại đầu thị trường phía Nam sau 6 tháng vừa qua. Điểm nhấn là tổ chức ngành nghề này phân tích sâu về phân khúc nhà ở cao cấp và nút thắt nhà ở xã hội (NƠXH) đang chờ được cởi gỡ.
Thị trường Tp.HCM vẫn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng. So sánh với năm 2015 chứng kiến thị trường tăng trưởng rất mạnh, 6 tháng đầu 2016, địa ốc đã có dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, như: giao dịch chững lại; có dấu hiệu lệch pha sang phân khúc BĐS cao cấp trong khi thiếu sản phẩm căn hộ bình dân quy mô vừa và nhỏ (có 1-2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền).
Chững, lệch pha cung cầu
Cơ sở thống kê cho thấy: 34 dự án được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn với 14.901 căn, tăng 1,8 lần; riêng căn hộ trung – cao cấp tăng đến 16%; căn hộ bình dân giảm 18,9% so cùng kỳ năm trước.
Theo HoREA, xuất hiện hiện tượng một số chủ đầu tư lạm dụng chế định đặt cọc theo điều 328 Bộ Luật Dân sự (trong lúc Luật Kinh doanh BĐS lại không điều chỉnh hành vi này), để huy động vốn trước thông qua các hình thức như hợp đồng đặt cọc, hợp đồng hứa mua hứa bán, hợp đồng vay vốn người mua nhà… – làm tăng rủi ro cho người mua nhà.
Đồng thời, Hiệp hội nhận định về tình hình gia tăng rất lớn các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chủ yếu nhằm mục đích mua đi bán lại) ở phân khúc trung – cao cấp.
Báo cáo của HoREA cho biết, cùng với khu trung tâm thành phố và khu nam (quận 7, phía Bắc huyện Nhà Bè, phía Đông Bắc huyện Bình Chánh), thị trường BĐS cao cấp đang phát triển nóng ở khu vực phía Đông thành phố, từ bờ tây sông Sài Gòn bắt đầu từ quận Bình Thạnh qua quận 1, quận 4 sang quận 2, một phần quận 9 và quận Thủ Đức.
Bất động sản phía Nam bất ổn
Video đang HOT
Ngoài ra, HoREA cũng nhắc tới một số “cú sốc” tại thị trường phía Nam thời gian gần đây như điểm đen của địa ốc. Cụ thể, một số trường hợp chủ đầu tư dự án như các chung cư Harmona, Bảy Hiền, Rubyland, Petrolandmark (đều là những dự án cũ hệ quả của thời kỳ bong bóng BĐS 2006-2007 để lại) thiếu chuyên nghiệp, thiếu năng lực hoặc sử dụng vốn huy động, vốn tín dụng sai mục đích.
Dẫu vậy, thời gian gần đây, nhờ hàng loạt quyết sách của Chính phủ (điển hình như Nghị quyết 16/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP, dự thảo Luật về doanh nghiệp nhỏ và vừa), NHNN (liên quan tới Thông tư 06/2016/TT-NHNN) cũng như nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN đã góp phần ổn định niềm tin của thị trường.Một trong nhiều nội dung được HoREA gửi tới giới chức Tp.HCM, là loạt kiến nghị liên quan đến “điểm nóng” NƠXH.
Loay hoay vốn cho NƠXH
Về thực hiện chính sách NƠXH theo Luật Nhà ở 2014 đang bị “ách tắc” do còn có những ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, HoREA nhận thấy vướng mắc lớn nhất là vấn đề bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách NƠXH.
Hiệp hội kiến nghị: thứ nhất, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để NHNN có căn cứ cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách NƠXH theo Luật Nhà ở 2014.
Thứ hai, Hiệp hội không nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính là “bỏ nội dung quy định Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội”, bởi Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định (Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) thực hiện cho vay ưu đãi NƠXH theo Luật Nhà ở 2014 là phù hợp.
Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng chính sách tiết kiệm nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 5 điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện việc gửi tiết kiệm NƠXH với thời gian tối thiểu 12 tháng) để tạo thêm nguồn vốn thực hiện chương trình NƠXH và đảm bảo công bằng cho các đối tượng thụ hưởng.
Tiếp đến, HoREA không nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính tại “Quy định lại về lãi suất cho vay bằng mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN quyết định áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn; Không cấp bù chênh lệch lãi suất…”; “NHNN thực hiện cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn hiện hành”.
Hiệp hội đề nghị vẫn thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 74 Luật Nhà ở 2014. Cụ thể: “Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài hạn thông qua việc cấp vốn từ ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình mục tiêu về nhà ở và xây dựng NƠXH”, vì quy định này sẽ hỗ trợ rất thiết thực cho người thu nhập thấp đô thị tiếp cận NƠXH.
Hiệp hội đề nghị Chính phủ cho phép NHNN thực hiện cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn ưu đãi để tạo điều kiện cho các DN và hỗ trợ các NHTM tham gia chương trình phát triển NƠXH.
Để không vượt quá khả năng ngân sách, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng cần cân đối kế hoạch phát triển NƠXH hợp lý bố trí trong giai đoạn 2016-2020.
Cuối cùng, Hiệp hội đề nghị NHNN ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi NƠXH (bằng mức 4,8%/năm của Quyết định 1013/QĐ-TTg) áp dụng trong năm 2016 tại các tổ chức tín dụng đã được chỉ định tham gia chương trình NƠXH (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) và cả các ngân hàng khác có dư nợ cho vay NƠXH theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để thực hiện thống nhất.
Theo Thơi bao kinh doanh
Thị trường bất động sản: Đổ dồn phân khúc cao cấp
'Rất có nguy cơ thị trường sẽ quay lại kịch bản khủng hoảng những năm 2010 nếu thị trường vẫn phát triển tự phát và không được định hướng như hiện nay', nguyên Thứ Trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định.
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cho biết, 6 tháng đầu năm 2016 thị trường BĐS đã xuất hiện nhiều tiềm ẩn gây bất ổn. Các giao dịch chững lại, có dấu hiệu lệch pha sang phân khúc BĐS cao cấp trong khi thiếu sản phẩm căn hộ bình dân quy mô vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền, các chuyên gia về BĐS cũng đánh giá là thị trường đang chững lại so với năm 2015 khi lượng căn hộ mở bán mới và lượng giao dịch sụt giảm.
Thị trường BĐS đã xuất hiện nhiều tiềm ẩn gây bất ổn.
Các chuyên gia BĐS cho rằng: Khi nguồn cung căn hộ cao cấp quá cao khiến lượng giao dịch không thể theo kịp với nguồn cung mới mỗi quý. Trong khi đó, người mua chủ yếu đa phần là nhà đầu tư, nhu cầu mua thực để định cư có vẻ đã chững lại. Do đó, các chuyên gia lo ngại về tính bất ổn cho thị trường cũng gia tăng dần.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: "Ở Việt Nam số người có thu nhập tốt, ở nhà cao cửa rộng chỉ chiếm 20%, 80% là những người có thu nhập vừa và thấp. Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang mất cân đối cung cầu, thiếu căn hộ giá rẻ và trung bình, thừa căn hộ cao cấp".
Có thể, nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư lựa chọn phát triển dòng sản phẩm này là lợi nhuận đầu tư vào phân khúc cao cấp cao hơn, hấp dẫn nhà đầu tư hơn. Dù nguồn cung trên thị trường đã rất cao nhưng tâm lý của các chủ đầu tư trên thị trường đều tự tin sản phẩm của mình sẽ bán được. Chính điều này khiến nguồn cung căn hộ cao cấp vẫn tiếp tục tăng mạnh trong khi sức mua của thị trường thì có hạn.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông Nam nhấn mạnh: "Rất có nguy cơ thị trường sẽ quay lại kịch bản khủng hoảng những năm 2010 nếu thị trường vẫn phát triển tự phát và không được định hướng như hiện nay".
"Bài học 2010-2011 khủng hoảng BĐS chúng ta đã thấy rất rõ. Thời điểm đó cả nước có gần 4.000 dự án BĐS, trong đó có rất ít dự án nhà ở xã hội và thu nhập thấp. Chính vì thế gây ra tình trạng tồn đọng hàng hóa, tiền không quay được về ngân hàng, sản phẩm vật tư không đưa vào được sử dụng, các khu đô thị bỏ hoang, lãng phí nguồn lực xã hội", ông Nam cho biết.
Theo báo cáo của tập đoàn quản lý đầu tư và dịch vụ chuyên nghiệp Jones Lang LaSalle (JLL), trong 6 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS toàn cầu có nhiều dấu hiệu không mấy khả quan. Bên cạnh thanh khoản sụt giảm, hoạt động đầu tư bất động sản nhiều khu vực cũng suy yếu trong hai quý đầu năm nay và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong vòng 6 tháng tiếp theo. JLL ước tính khối lượng giao dịch toàn cầu năm 2016 sẽ đạt khoảng 600 tỷ USD, thấp hơn 15% so với mức 704 tỷ USD của năm 2015.
Lượng giao dịch bất động sản tại châu Mỹ giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đã hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý. Giao dịch giảm xuống mức 22 tỷ USD, thấp hơn 28% so với cùng kỳ do sự sa sút ở thị trường Trung Quốc và Nhật với tỷ lệ lao dốc lần lượt là 39% và 20%.
Lượng giao dịch bất động sản tại châu Âu trong quý II lại đi ngược với xu hướng suy giảm toàn cầu. Song, khối lượng giao dịch trong 2 quý đầu năm vẫn rớt 9%, chủ yếu xuất phát từ Anh vì lượng giao dịch bất động sản tại thị trường này giảm 32% so với quý II/2015.
Trước tình hình bất ổn của thị trường BĐS, trong thời gian tới, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ có kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước để có những hành động cụ thể để cảnh báo các khuynh hướng lệch lạc, đồng thời định hướng các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá thấp để làm cho thị trường cân bằng hơn và đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.
Theo_Người Đưa Tin
Dự án Ellipse Tower: Tuyệt vọng ngày chờ giao nhà Dù đã cất nóc từ 2 năm trước nhưng không hiểu lý do gì đến nay người dân tại dự án Ellipse Tower vẫn mòm mỏi chờ nhà trong vô vọng. Quá bức xúc, những người "cơm đóng, gạo góp" vào dự án nhiều lần đến gặp chủ đầu tư để đòi hỏi quyền lợi, tuy nhiên, câu trả lời vẫn im lặng...