Bất động sản nhiều cơ hội sớm phục hồi hậu Covid-19
TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị và sẵn sàng tâm lý cho những ngày hoạt động trở lại sau dịch bệnh Covid-19. Theo đó, bất động sản (BĐS) cũng có những động thái nhanh nhạy và rõ rệt. Dù phải đối diện nhiều thách thức, song thị trường vẫn có những điểm tựa và cơ hội tích cực để sớm phục hồi.
Các chủ đầu tư, đơn vị môi giới và nhà đầu tư cá nhân đều đã có những bước chuẩn bị để nắm bắt cơ hội của thị trường BĐS thời hậu Covid-19.
Đối diện nhiều thách thức
Theo dự báo của bộ phận R&D DKRA Vietnam, đến Quý II/2020 thị trường BĐS Nhà ở TP Hồ Chí Minh sẽ đón nhận thêm khoảng 2.000 – 2.500 căn hộ và khoảng 400 – 500 căn nhà phố/biệt thự. Lũy kế đến cuối năm 2020, nguồn cung căn hộ có thể lên đến 15.000 – 20.000 căn, bằng khoảng 60 – 70% nguồn cung của năm 2019. Với số lượng nguồn cung mới thấp hơn nhiều so với năm ngoái, thị trường khó có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở và đầu tư BĐS vốn luôn rất cao.
Bên cạnh đó, mức giá BĐS cũng khó đoán định trong khi thị trường nghi ngờ có hiện tượng giảm giá, cắt lỗ,… Thực tế, chưa có nhiều giao dịch để ghi nhận việc bán tháo BĐS đang diễn ra. Ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam chia sẻ: Mức giá sơ cấp từ chủ đầu tư trong Quý I/2020 không có nhiều thay đổi so với quý trước. Tuy nhiên, sự hạn chế của nguồn cung trong giai đoạn thị trường bình ổn trở lại sẽ là áp lực gây biến động giá BĐS.
Thách thức tiếp theo của thị trường là sức mua sụt giảm trong bối cảnh mức tăng trưởng kinh tế cũng đang giảm. Các giao dịch sơ cấp và thứ cấp thực tế không nhiều, chủ yếu là giao dịch của những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn, không phụ thuộc vào dòng tiền trong ngắn hạn. Đồng thời, các yếu tố về kinh tế vĩ mô như giá vàng, tỷ giá hối đoái, lãi suất, tín dụng, lạm phát, tăng trưởng GDP,… cũng tác động vừa trực tiếp, vừa gián tiếp đến thị trường BĐS.
Video đang HOT
Điểm tựa thị trường
Cùng với những thách thức, thị trường luôn tồn tại các yếu tố tích cực làm điểm tựa để phục hồi và sôi động trở lại. Trước hết là các dự báo về sức tăng trưởng mạnh của nền kinh tế trong năm 2021 theo nhận định của IMF và World Bank. Qua đó, nửa cuối năm 2020 sẽ là giai đoạn chuẩn bị và đón đầu.
Mặt khác, làn sóng dịch chuyển đầu tư vào nhà máy, công xưởng khi Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư thay thế hàng đầu. Từ đây, dòng FDI sẽ tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam, kéo theo sự hưởng lợi của BĐS công nghiệp, BĐS nhà ở, logistic, du lịch… Các chương trình đầu tư hạ tầng, chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kịp thời thúc đẩy phát triển các lĩnh vực BĐS, tài chính, tiêu dùng,…
Bên cạnh đó, những báo cáo gần đây cũng ghi nhận mức tăng trưởng của tầng lớp thu nhập trung bình (middle income) và người giàu mới ở Việt Nam đang thuộc top đầu Châu Á và thế giới. Thực tế, trong giai đoạn năm 2015 – 2019, khi thị trường phát triển, một bộ phận người có thu nhập tăng cao đã tích lũy sẵn lượng tiền nhàn rỗi. Do đó, thời điểm này họ không bị phụ thuộc vào biến động của thị trường mà có thể chủ động tiếp cận nhiều cơ hội lựa chọn BĐS. Dù nguồn cung chưa thật sự dồi dào, nhưng các chủ đầu tư, đơn vị môi giới và nhà đầu tư cá nhân đều đã có những bước chuẩn bị kế hoạch phát triển để nhanh chóng thích ứng với biến động. Đặc biệt, những chủ đầu tư sẽ tích cực đưa ra nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn khách mua.
Cùng với các dấu hiệu tích cực của thị trường chứng khoán, BĐS cũng cho thấy nhiều tín hiệu khả quan bởi sự tác động lẫn nhau giữa 2 thị trường này. Ngoài ra, kinh tế 4.0 cũng được thể hiện rõ rệt trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua với sự đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động kinh tế và đời sống.
Bất động sản nhà ở khó giảm giá sâu
Theo nhiều chuyên gia địa ốc, bất động sản nhà ở giảm giá sâu lúc này là khó xảy ra bởi nguồn cung đang hạn chế, nhưng hiện tượng xả hàng, giảm giá cục bộ ở những trường hợp cần bán là có.
Vì thế, nhiều người mua hiện nay ở trạng thái là mong giá BĐS giảm sâu để mua vào. Tuy nhiên, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cho rằng, sự khó khăn của thị trường BĐS đã được dự đoán trước.
Người mua đừng hi vọng BĐS giá quá sâu để mua và cũng không nên kì vọng là thị trường BĐS sẽ trở lại nhanh. Với tình hình như hiện nay thì điều cần thiết là có kế hoạch chuẩn bị để thị trường có thể phục hồi trở lại. Với người mua khi cảm thấy giá hợp lý với kì vọng của mình là có thể mua vào chứ không nên chờ đợi việc giảm giá sâu mới mua.
Cũng theo ông Quang, hiện nay với những nhà đầu tư (NĐT) có năng lực tài chính yếu có thể xả hàng. Nguồn hàng xả là căn hộ trên 3 tỉ, đất nền trên 5 tỉ, nhà phố trên 10 tỉ... những sản phẩm này đa số là vay ngân hàng để sở hữu vì thế khả năng xả hàng sẽ cao. Giá bán ra có thể giảm 2-3% chứ không giảm nhiều.
Thậm chí, theo vị chuyên gia này, sau dịch Covid-19 giá BĐS có thể tăng ở mức 3-5%. Tuy nhiên việc tăng này là để chiết khấu, hỗ trợ cho khách hàng thêm các ưu đãi chứ không phải tăng theo giá cả thị trường. Do đó, thị trường BĐS sau dịch theo ông Quang, khó có hiện tượng giảm giá sâu nhưng người mua được hưởng lợi ở chỗ là nhận được nhiều ưu đãi từ phía chủ đầu tư.
Thậm chí khi giao dịch mua bán, một số chủ đầu tư sẽ cam kết mua lại sản phẩm từ khách hàng, vì sau thời điểm dịch bệnh các chủ đầu tư không mong muốn bán sản phẩm 100% mà chỉ muốn ổn định lâu dài, được khách hàng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu R&D DKRA Vietnam, nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân khiến giá BĐS nói chung không giảm như kỳ vọng. Kể từ cuối năm 2018 - 2019, dù thị trường có suy giảm so với trước đó, nhưng thực tế mức giá không hề giảm mà còn tăng lên một mặt bằng mới do áp lực từ nguồn cung bị giới hạn.
Bước sang quý 1/2020, do tình hình dịch bệnh, chưa có nhiều dự án mở bán để ghi nhận giao dịch nên mức giá chủ yếu vẫn duy trì như ở quý 4/2019, chưa thể xác định là giảm nên rất khó nói giá BĐS đã xuống đáy hay chưa ở giai đoạn này.
Theo các chuyên gia BĐS, hiện nay cả các nhà đầu tư hướng đến BĐS có khả năng khai thác dòng tiền cho thuê tốt. Còn với nhu cầu ở, khách hàng sẽ ít cân nhắc về thời điểm hơn mà tập trung vào chất lượng sản phẩm, giá cả, pháp lý và đặc biệt là yếu tố quy hoạch, không gian sống cùng với cam kết triển khai xây dựng và phát triển dự án của các chủ đầu tư.
Xu hướng của người mua vẫn hướng đến các sản phẩm được đầu tư bài bản và mang lại giá trị bền vững, đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng. Vì thế, có lẽ yếu tố giảm giá chưa hoàn toàn là yếu tố duy nhất để người mua quyết định "xuống tiền".
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thời gian tới nguồn cung mới từ các dự án BĐS đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn cũng không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.
Thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và Tp.HCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều, phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao.
Giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng không nhiều. Giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm (cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch bệnh) buộc chủ đầu tư phải giảm giá để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, mức giá cũng không giảm sâu.
Hạ Vy
Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (THG): Doanh thu quý I/2020 tăng trưởng tới gần 70% CTCP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (Mã chứng khoán THG - sàn HOSE) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 với doanh thu 342,3 tỷ đồng, lợi nhuận 23,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 68,4% và 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tăng trưởng về doanh thu, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp lại...