Bất động sản gặp khó, vốn chảy vào đâu?
Bất động sản (BĐS) luôn là kênh đầu tư được giới đầu tư ưu tiên lựa chọn do lợi nhuận cao. Trong bối cảnh thị trường đang trong chiều hướng đi xuống, dòng vốn từ BĐS có xu hướng dịch chuyển sang kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn hơn.
BĐS suy giảm trên diện rộng
Giá đất tăng mạnh trong giai đoạn 2016-2018 ở tất cả phân khúc, đã lôi kéo nhiều người nhảy vào đầu tư với tâm lý “mua là lời”. Thực tế, trong khoảng 20 năm trở lại đây, BĐS đã giúp nhiều người giàu lên nhưng cũng không ít người phá sản vì đất. Lịch sử cách đây 10 năm cho thấy, chỉ những nhà đầu tư mua BĐS năm 2006 và bán ra năm 2008 đạt mức siêu lợi nhuận, trong khi những người mua sau năm 2008 đa phần đều thua lỗ.
Nhà đầu tư không nên nhảy vào BĐS khi giá đang sốt, chỉ nên mua khi tình hình trầm lắng, giá đã rớt hoặc đi ngang từ 1-2 năm. Nếu có nguồn thu nhập ổn định có thể vay thêm tiền ngân hàng để mua được ở những vị trí tốt hơn.
Quan sát tình hình BĐS trong 6 tháng đầu năm có thể dễ dàng nhận thấy, chỉ có thị trường căn hộ và nhà đất giá trị không quá 10 tỷ đồng tại TPHCM vẫn giữ được nhiệt. Nguyên nhân có thể do nguồn cung bị ngưng trệ vì các thủ tục pháp lý. Ngược lại, các phân khúc khác đều có dấu hiệu giảm thanh khoản, nhất là BĐS có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên.
Đặc biệt, nhiều phân khúc tăng giá quá mạnh ở các năm trước như Phú Quốc đã giảm giá 10-30%, nhưng muốn thoát hàng cũng rất khó. Tình trạng này còn xuất hiện ở phân khúc BĐS vùng ven, những địa phương mới xuất hiện động lực tăng trưởng trong năm 2018-2019 cũng bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều do áp lực bán tăng.
Một trong những nguyên nhân kéo giảm thị trường BĐS do chính sách thắt chặt tín dụng vào BĐS của Ngân hàng Nhà nước và mặt bằng lãi suất đang có dấu hiệu tăng trở lại. Hiện nay, ngoại trừ 4 ngân hàng hàng đầu là Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank, các ngân hàng khác vẫn tiếp tục tăng lãi suất huy động lên đến 8%, thậm chí cao hơn.
Song song với tăng lãi suất, việc định giá tài sản BĐS thế chấp cũng bị siết lại theo hướng giảm giá trị. Đây là yếu tố quan trọng tác động đến thị trường và tình hình này đẩy thị trường BĐS năm 2020 đi vào trầm lắng. Với dự báo kênh đầu tư BĐS giảm nhiệt trong năm 2020, nhà đầu tư có thể tạm thời “di trú” qua 3 kênh đầu tư thụ động gửi ngân hàng, USD và vàng.
Video đang HOT
Ngoại tệ không hấp dẫn
Tỷ giá USD/VNĐ tăng mạnh trong quý II đã khiến nhà đầu tư chú ý đến việc gom mua và nắm giữ USD. Tuy nhiên, sau đó tỷ giá bất ngờ giảm mạnh khiến nhu cầu này nhanh chóng hạ nhiệt. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các ngân hàng thương mại cũng không còn mặn mà với việc tìm kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư để hưởng chênh lệch của tỷ giá. Lý do nguồn ngoại tệ hiện khá dồi dào và Ngân hàng Nhà nước hạn chế việc các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay USD.
10 tháng năm 2019, nhà đầu tư nắm giữ USD đang bị thua thiệt với mức giảm 0,06%, trong khi đó vàng trong nước tăng mạnh nhất với mức tăng 14,5%.
Dự báo, tỷ giá ngoại tệ đến cuối năm vẫn ổn định do các nguồn cung ngoại tệ trong nước khá mạnh, như cán cân thương mại thặng dư 7 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp nước ngoài (FII) đổ vào mạnh, lượng kiều hối tăng mạnh những tháng cuối năm. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD, tương tương năm 2018 là 16 tỷ USD.
Vàng khó dự báo
Trong nhiều năm qua, giá vàng thế giới giao dịch tương đối ổn định, khiến người giữ vàng không thu lợi nhiều so với gửi tiền ngân hàng. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, giá vàng thế giới tăng vọt từ mức 1.280USD/oz đầu năm lên 1.453USD/oz vào ngày 8-11 (tương đương tăng 13,5%).
Vàng, USD, BĐS khó định lượng thì gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn.
Theo đó, giá vàng SJC từ 36,6 triệu đồng/lượng lên 41,9 triệu đồng/lượng (tăng 14,7%). Đây là mức tăng rất cao giúp người nắm giữ vàng lãi lớn. Tuy vậy, do giá vàng tăng quá đột ngột và liên tục biến động khiến việc dự báo giá không dễ dàng, nên cũng không có thêm nhiều nhà đầu tư nhảy vào kênh này, trừ những người đã chọn kênh này từ lâu.
Tiết kiệm an toàn
Dự báo khả năng tỷ giá sẽ tăng trong năm 2020 do đồng USD đang rất mạnh, dù Cục Dự trữ liên liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất để bảo đảm kinh tế Mỹ tiếp tục có thêm động lực hỗ trợ tăng trưởng. Do vậy, tỷ giá USD/VNĐ sẽ gặp áp lực tăng giá trong bối cảnh các đồng tiền mạnh khác như EUR, yen Nhật đều yếu để thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, do Chính phủ vẫn áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng, cùng với lạm phát thấp và kinh tế ổn định, mức tăng tỷ giá cao nhất chỉ từ 3-5%.
Trong khi đó, giá vàng thế giới năm 2020 đang có 2 kịch bản dưới 1.400USD/oz và trên 1.500USD/oz. Với tình hình hiện nay, kịch bản dễ xảy ra nhất là giá vàng có khả năng giảm xuống mức dưới 1.400USD/oz. Do vậy, khả năng giá vàng trong nước sẽ khó tăng mạnh như năm 2019.
Từ những phân tích trên, xu thế chung nhiều nhà đầu tư sẽ chọn kênh gửi ngân hàng với mức lãi suất 7-8,5%/năm tùy số tiền và ngân hàng gửi. Mức lợi suất này tương đối hấp dẫn so với kênh đầu tư USD hoặc vàng. Đặc biệt, đây là kênh đầu tư khá an toàn so với BĐS, vàng hay USD.
TS. Đinh Thế Hiển
Theo saigondautu.vn
Giảm trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay ngắn hạn đồng Việt Nam từ hôm nay 19/11
Mức lãi suất tối đa các ngân hàng được áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng sẽ giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm, theo thông cáo vừa được phát đi của Ngân hàng Nhà nước.
Chiều muộn 18/11, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Cụ thể, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, ngân hàng nhà nước đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 19/11.
Trong đó, ngân hàng điều chỉnh lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm. Cùng với đó, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Tương tự, mức lãi suất tối đa của tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô sẽ giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.Với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng trở lên, ngân hàng nhà nước vẫn cho phép các tổ chức tín dụng tự do niêm yết lãi suất tiền gửi trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Về lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ngày 18 tháng 11 năm 2019 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.
Các quyết định trên có hiệu lực kể từ hôm nay, 19/11.
THANH NHUNG
Theo Baodansinh.vn
Cần khung pháp lý đủ mạnh để phát triển trái phiếu doanh nghiệp Trong thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển rất nhanh, phù hợp với định hướng của Nhà nước trong việc phát triển thị trường vốn song song với thị trường tín dụng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển rất nhanh . Ảnh minh họa: TTXVN Tuy nhiên, để thị trường này phát triển lành...