Bất động sản DPV bán hơn 12% vốn, không còn là cổ đông tại FIT
Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản DPV vừa thông báo đã bán 30.979.732 triệu cổ phiếu FIT, tương ứng tỷ lệ 12,16% vốn và không còn là cổ đông tại đây.
Bất động sản DPV đã thoái sạch vốn tại FIT.
Giao dịch được thực hiện từ ngày 23/8 đến 17/9 theo phương thức thỏa thuận. Phiên giao dịch ngày 17/9, thị trường ghi nhận giao dịch thỏa thuận 30.979.732 cổ phiếu FIT, đúng bằng số lượng mà DPV bán ra, giá trị giao dịch là 105,33 tỷ đồng (3.000 đồng/cổ phiếu).
Trước giao dịch, DPV là cổ đông lớn thứ 2 tại FIT, sau Công ty Cổ phần Đầu tư Dũng Tâm đang sở hữu 129,9 triệu cổ phiếu FIT, tương ứng tỷ lệ 51% vốn.
FIT hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, tư vấn đầu tư và dịch vụ tài chính, được thành lập tháng 3/2007. Ngày 26/7/2013, FIT niêm yết trên HNX và chuyển sàn HoSE vào ngày 19/8/2015.
DPV Property được thành lập vào tháng 12/2014 với vốn điều lệ 868 tỷ đồng, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản và được điều hành bởi các lãnh đạo trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư và tài chính ngân hàng.
Video đang HOT
DPV đã đầu tư vào FIT gần 292 tỷ đồng thông qua 2 đợt mua vào. Lần thứ nhất là tháng 8/2017, DPV mua vào hơn 15 triệu cổ phiếu FIT, tại vùng giá gần 12.000 đồng/cổ phiếu. Lần thứ hai là ngày 27/3/2018, DPV tiếp tục gom thêm gần 16 triệu cổ phiếu FIT tại vùng giá 7.000 đồng/cổ phiếu, nâng sở hữu tại FIT lên 12,16% vốn.
Suốt từ đầu tháng 9 tới nay, thị giá của FIT chỉ quanh vùng giá 3.000 – 3.500 đồng/cổ phiếu. Chiếu theo mức giá trên, ước tính, DPV đã lỗ hơn 190 tỷ đồng chỉ trong 2 năm đầu tư vào FIT.
Cẩm Thư
Theo Vietnamfinance.vn
Cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư có vui?
Cổ tức luôn là nội dung được cổ đông quan tâm trong mỗi mùa đại hội đồng cổ đông. Tùy vào thị trường và doanh nghiệp, cổ đông có những kỳ vọng khác nhau vào phương thức trả cổ tức mà ban lãnh đạo doanh nghiệp đề ra.
Trước đây, nhiều cổ đông phản ứng với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, song hiện tại đã thay đổi quan điểm khi chứng kiến giá cổ phiếu trên sàn ngày càng tăng, mang lại lợi ích nhiều hơn.
Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết nhận xét, trả cổ tức bằng cổ phiếu đang là xu hướng chung của các doanh nghiệp nhằm giữ lại nguồn tiền mặt cho việc phát triển các dự án, giúp gia tăng quy mô và mang lại giá trị dài hạn cho các cổ đông.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Công ty Chứng khoán MB (MBS), cổ đông đã thông qua kế hoạch cổ tức 10% bằng cổ phiếu, trong khi năm ngoái, Công ty trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5%.
Trả lời chất vấn của cổ đông về vấn đề này trước khi đại hội biểu quyết thông qua, lãnh đạo MBS cho biết, đây là phương án nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn hoạt động của Công ty. Hiện MBS đang có nhu cầu huy động nguồn vốn mở rộng các hoạt động kinh doanh, đầu tư. Do đó, ngoài trả cổ tức bằng cổ phiếu, Công ty còn lên kế hoạch tăng vốn điều lệ để đáp ứng nhu cầu này. Việc sử dụng nguồn vốn tự có sẽ đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả một phần nhu cầu vốn.
"Với giá cổ phiếu của MBS đang trong đà tăng trưởng và có mức giá tốt, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông", lãnh đạo MBS nói.
Một số nhà đầu tư cho rằng, tùy thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán mà doanh nghiệp quyết định trả cổ tức bằng phương thức có lợi hơn cho nhà đầu tư.
"Thị trường tốt, tôi thích được trả cổ tức bằng cổ phiếu, có thêm nhiều cổ phiếu để tiếp tục mua bán, trong khi đó cổ tức tiền mặt lại phải chịu thuế. Tuy nhiên, trong giai đoạn thị trường đi xuống, cầm tiền mặt lại chắc tay hơn", một nhà đầu tư chia sẻ.
Trong khi đó, anh Hoàng Minh, một nhà đầu tư khác cho hay, việc nhận cổ tức tùy thuộc vào thị giá của cổ phiếu.
"Đối với tôi, khi đầu tư vào những mã cổ phiếu có thị giá từ 10.000 - 20.000 đồng/cổ phiếu thì hy vọng nhận được cổ tức tiền mặt, còn thị giá từ 50.000 đồng/cổ phiếu trở lên thì cổ tức bằng cổ phiếu sẽ có lợi hơn, bởi cơ hội tăng giá ở những mã chứng khoán này cao hơn", anh Minh nói.
Tuy nhiên, nhà đầu tư này nhấn mạnh, cổ phiếu trả cổ tức phải là loại cơ bản, chứ không phải là "giấy". Đây là từ mà nhiều nhà đầu tư sử dụng khi nhắc đến những doanh nghiệp liên tục phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, trong khi hoạt động kinh doanh không được cải thiện. Sau mỗi lần chia tách, số cổ phiếu mà cổ đông sở hữu nhiều hơn, nhưng giá lại bị pha loãng. Trả cổ tức bằng cổ phiếu vốn dĩ là một nghiệp vụ kế toán để chia tách cổ phiếu, từ đó tăng vốn điều lệ trên danh nghĩa, phương thức này không tạo thêm dòng tiền cho cổ đông.
Thực tế, nguồn tiền giữ lại nhờ trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp không ít doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phát triển, nhưng nguồn vốn chỉ là một trong nhiều yếu tố hỗ trợ. Khi các yếu tố khác không được duy trì thì doanh nghiệp cũng khó tránh khỏi kết quả kinh doanh sa sút.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (FIT) giai đoạn 2012 - 2015 liên tiếp chia cổ tức bằng cổ phiếu, mà không chi trả thêm một đồng tiền mặt nào. Giai đoạn này, doanh thu, lợi nhuận của FIT liên tục tăng, nhưng sau đó suy giảm, nhất là năm 2018, lợi nhuận chỉ đạt vài trăm triệu đồng so với 106 tỷ đồng năm 2017 hay 245,2 tỷ đồng năm 2015. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu FIT hiện dao động quanh mức 3.400 đồng/cổ phiếu, trong vùng đáy kể từ khi niêm yết tháng 7/2013.
FIT cũng như cổ phiếu của các doanh nghiệp khác liên tục chia cổ tức bằng cổ phiếu trong khi thị giá ở mức thấp được nhiều nhà đầu tư đưa vào danh sách đáng lưu ý. Đối với những cổ phiếu này, nhà đầu tư thường chọn cách "lướt sóng" để tìm kiếm lợi nhuận theo sóng trong thời gian ngắn. Trong khi đó, các doanh nghiệp có cổ phiếu ở vùng giá cao, cổ tức duy trì đều đặn và chủ yếu được chi trả bằng tiền mặt là nơi mà nhà đầu tư lựa chọn đồng hành nhiều năm.
Nguyên Minh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico (TMG): "Nội chiến" vì bất đồng dự án Thu nhập trên mỗi cổ phần năm 2018 đạt 8.225 đồng, song gần 3 quý của năm 2019 đã trôi qua, các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ của Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico (TMC, mã chứng khoán TMG) vẫn phải dài cổ chờ cổ tức. Nghị quyết ại hội đồng thường niên năm 2018...