Bất chấp bố mẹ phản đối, tôi bật khóc trong lễ thành hôn khi nhận được 1 cuộc điện thoại
Sau cùng, những điều bố mẹ làm đều là muốn con cái mình có được một tình yêu đẹp, một cuộc sống tốt.
Không nghe lời bố mẹ, cô gái bị lừa gạt đến tận ngày kết hôn. (Ảnh minh họa)
Tôi sẽ kể cho bạn nghe về cuộc tình đầy oan trái của mình, bất chấp lời khuyên ngăn của bố mẹ, tôi yêu điên cuồng và muốn kết hôn với một người. Thế nhưng, sau tất cả, mọi thứ đều là sự dối lừa. Câu chuyện của tôi là một lời cảnh tỉnh mà tôi muốn mọi người đừng đi vào vết xe đổ này.
Tôi tên là Thạch Vân. Trước đây, vào cái tuổi mới lớn tôi cũng tập tành yêu. Khi yêu, tôi không dám nói cho bố mẹ biết, họ rất nghiêm khắc vì lúc đó tôi còn đang học cấp 3. Vào một ngày, sau khi đi ăn tối cùng với bạn trai, bố mẹ tôi đã biết chuyện. Tất nhiên, họ cấm tôi yêu đương như bao phụ huynh khác vì sợ rằng sẽ ảnh hưởng tới việc học. Sau tất cả, tôi chẳng thèm nghe lấy một lời.
Yêu vào là ngu người ra, chân lý này mãi sau này tôi mới rút ra được. Lúc yêu, tôi khao khát sự tự do vô bờ bến, chỉ mong có thể đậu đại học ở một nơi khác và có thể sống riêng. Thế nhưng, lúc điền vào đơn đăng ký, bố mẹ tôi đã ép tôi phải học một trường đại học bình thường gần nhà, họ sợ tôi sẽ hư hỏng. Tình yêu đầu đời của tôi cứ như vậy bị bố mẹ “bóp nghẹt” cho chết dần chết mòn.
Những năm tháng sau đó, tôi cũng chẳng thiết tha có bạn trai vì sợ bố mẹ can thiệp quá sâu vào chuyện tình cảm của mình. Thậm chí vào năm tôi 26 tuổi, trong khi bạn bè xung quanh ai cũng con cái đề huề, họ vẫn thản nhiên nói: “Con đẹp như vậy không cần phải lo lắng mình ế đâu. Ngay cả khi không kết hôn, bố mẹ có thể nuôi con cả đời cũng được”. Đến nước này, tôi thấy bố mẹ đã quá ích kỷ khi nghĩ về hạnh phúc của con gái mình. Chán nản, tôi lại vào ứng dụng hẹn hò và tìm người nói chuyện.
Người bạn trai này đối xử với tôi rất tốt. Dù tôi đang gặp khó khăn trong công việc hay cuộc sống, anh ấy cũng đều đưa ra những lời khuyên rất chân thành. Dạ dày của tôi không tốt, anh ấy thường chủ động nấu những món ăn đặc biệt cho tôi. Tình yêu của chúng tôi cứ thế trôi qua 3 năm êm đềm.
Anh ấy lớn hơn tôi 1 tuổi, năm nay cũng đã 30. Bố mẹ anh cứ thúc giục cả 2 kết hôn, nhưng tôi cứ chần chừ vì hiểu rõ tính của bố mẹ mình. Gia đình tôi sống ở miền nam, gia đình anh ấy là người gốc bắc. Biết được hoàn cảnh gia đình của bạn trai tôi, bố mẹ đã kịch liệt phản đối và nói rằng nếu tôi cứ khăng khăng kết hôn thì họ sẽ cắt đứt quan hệ.
Đứng giữa 2 lựa chọn, bố mẹ và bạn trai, tôi không muốn phải từ bỏ ai cả. Bạn trai tôi nói rằng: “Nếu em thực sự muốn chia tay, anh sẽ không phản đối. Nhưng nếu em yêu anh thật lòng, chúng ta sẽ bất chấp mà kết hôn. Chúng ta có thể tổ chức lễ cưới trước và sau đó mới đi đăng ký kết hôn”.
Ban đầu tôi cũng nghi ngờ những gì anh nói, nhưng vào ngày dự định tổ chức hôn lễ thì tôi mới hoàn toàn tin đó là sự thật. Vào hôm đó, bỗng dưng tôi nhận được cuộc điện thoại của bố.
Bố tôi lo lắng nói: “Con có thực sự muốn cưới người đó không? Con không bận tâm người đó từng ly hôn sao? Con cũng không quan tâm người đó đã có con cái rồi ư”.
Quá sốc trước những gì mình nghe được, tôi hỏi lại: “Bố đang nói cái gì thế”.
Bố tôi trả lời tiếp: “Con hãy đi hỏi người con đang sắp cưới đi. Nếu không có trục trặc gì thì tại sao không đi đăng ký kết hôn với con trước?”
Tôi nghĩ bố mình chắc chỉ muốn phá hỏng đám cưới này, nhưng ông bảo rằng hãy đưa điện thoại để ông trực tiếp hỏi: “Con đã kết hôn bao giờ chưa? Có con chưa?”
Video đang HOT
Bạn trai tôi sững người lại một lúc, sau đó thú nhận với tôi rằng đã từng kết hôn và có một đứa con ở quê. Anh ta còn nói rằng ngoại trừ chuyện đó mọi thứ anh đối xử với tôi đều là thật. Tôi nghe sao thấy chua chát trong lòng, không biết phải làm gì. Lúc này, bố tôi tiếp tục nói qua điện thoại: “Con gái, quay lại đi. Nhà mình luôn chào đón con quay trở về”.
Tôi khóc lóc thảm thiết và quyết định hủy bỏ đám cưới này. Mặc dù bố mẹ rất nghiêm khắc với tôi, thậm chí có những lúc họ đưa ra một số quyết định sai lầm. Thế nhưng, tôi không phủ nhận rằng những gì mà bố mẹ làm đều mong muốn tốt cho con gái mình. Và một lần nữa, tình yêu của tôi lại thất bại vì đã không nghe lời bố mẹ khuyên.
Đám cưới đặc biệt như phim của cô dâu "nhà nghề" ở Đà Lạt: Chỉ có 50 khách mời, không chụp trước hình cưới và thật nhiều nước mắt
Nhìn những tấm hình trong bộ ảnh, dân mạng như được cùng khóc, cùng cười và cảm nhận chung niềm hạnh phúc của những nhân vật chính.
Đám cưới luôn luôn là dịp khiến người ta muốn tạo dấu ấn cá nhân. Cả đời chỉ có duy nhất một cái đám cưới đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt khác của mỗi người. Bởi vậy ai cũng muốn nó được chỉn chu, đẹp đẽ và gây ấn tượng sâu sắc nhất.
Mới đây, bộ ảnh chụp trong đám cưới tại Đà Lạt của một cô dâu Sài Gòn gây chú ý mạng xã hội.
Không phải là lễ thành hôn tổ chức ở nhà hay khách sạn như chúng ta vẫn quen thuộc. Ở đây, cô dâu Thanh Xuân đã chọn một khu rừng thông ở Đà Lạt để tổ chức hôn lễ.
Bộ ảnh cưới đang được chú ý của Thanh Xuân.
Bộ ảnh với 57 bức ghi lại từng diễn biến của đám cưới đã khiến nhiều người xuýt xoa, khen ngợi. Mọi thứ thật đặc biệt, được chuẩn bị tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất.
Cô dâu "nhà nghề" và hôn lễ của chính mình
Cặp đôi dâu rể trong câu chuyện đó là Xuân và Hiếu. Xuân làm công việc lên kế hoạch và tổ chức các đám cưới. Đã từng chứng kiến và "nhúng tay" vào hàng loạt hôn lễ trước đó nên với Xuân, làm thế nào để ngày vui của mình được đặc biệt nhất cũng là cả một vấn đề.
Xuân kể: "Khi bắt đầu tìm hiểu về ngành cưới và chứng kiến nhiều đám cưới diễn ra, mình đã luôn mơ ước được làm đám cưới trong một khu rừng, chỉ có gia đình và bạn bè thân thiết tham dự. Qua nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng bọn mình chọn Đà Lạt để tổ chức - cũng là nơi anh Hiếu cầu hôn mình. Tính cả cô dâu chú rể thì chỉ có 50 người tham dự, đó đều là gia đình và bạn bè thân thiết".
Cô dâu khoác tay bố bước vào hôn trường.
Những hình ảnh tuyệt đẹp trong đám cưới.
Vợ chồng Xuân đã mất 8 tháng chuẩn bị mọi thứ. Cô chọn loại hình Destination Wedding (đám cưới kết hợp du lịch nghỉ dưỡng) nên trước tiên phải chốt được địa điểm. Sau đó cặp dâu rể mới lên ý tưởng về lễ cưới, in ấn thiệp và các hoạt động quan trọng khác như sắp xếp đặt vé máy bay, khách sạn cho khách mời.
Cũng vì sự "nhà nghề" mà Xuân biết rõ công việc nào nên chuẩn bị trước, nhà cung cấp nào sẽ phù hợp và cách khiến các khách mời tới dự thấy thoải mái, vui vẻ nhất. Thế nhưng cô dâu cũng nhận rằng vì sự cầu toàn của mình mà nhiều lúc gặp căng thẳng, stress.
"May mắn lớn nhất của mình chính là có anh Hiếu và bạn bè ở bên cạnh đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình nên mọi thứ diễn ra thật trơn tru và hoàn hảo", Xuân chia sẻ.
Những tấm ảnh ghi lại cảnh trong hôn lễ.
Trong văn hóa Việt Nam, đám cưới là dịp mời khách. Không chỉ khách khứa của con cái mà còn của ba mẹ nữa. Khi Xuân và Hiếu muốn được tổ chức lễ thành hôn ấm cúng với chỉ 50 người tham gia chắc hẳn ai cũng tò mò về thái độ của "phụ huynh" hai bên.
Xuân thoải mái kể: "May mắn bố mẹ của tụi mình đều khá thoải mái và đồng ý luôn khi hai vợ chồng đề xuất việc tổ chức đám cưới ở Đà Lạt. Dĩ nhiên là sau đám cưới ấy thì bọn mình cũng có một lễ cưới khác mời đầy đủ họ hàng, làng xóm. Tuy vậy, vì đám cưới ở Đà Lạt được tổ chức trước nên tất cả cảm xúc đều được giữ nguyên".
Hôn lễ không ảnh cưới và thật nhiều nước mắt
Có một điều đặc biệt trong đám cưới của Hiếu và Xuân đó chính là việc họ không chụp ảnh cưới trước.
Cô dâu trẻ lý giải rằng bởi khi yêu hai vợ chồng đã cùng đi du lịch nhiều nơi nên có nhiều hình ảnh để lưu giữ. Họ cũng chọn và in thành một cuốn album để ghi lại các kỷ niệm. Tuy vậy, việc không chụp ảnh cưới trước khiến cho khoảnh khắc chú rể lần đầu thấy cô dâu mặc váy cưới thật sự xúc động.
Xuân kể: "Dù đã làm đám cưới cho nhiều người nhưng khi chính mình khoác lên bộ váy cô dây thì mọi cảm xúc thật sự xúc động và vỡ òa. Khi mình từ xa bước vào anh Hiếu đã rơm rớm nước mắt, mình thì hồi hộp lắm. Khi ấy mình thấy anh Hiếu đẹp trai hơn bội phần vì hình ảnh đó khác hẳn anh chàng IT ở bên mình bấy lâu".
Trong đám cưới hôm đó không phải mỗi Hiếu khóc mà bố của Xuân, bản thân Xuân lẫn những bạn bè của cô cũng nhiều lần rưng rưng nước mắt vì xúc động.
" Mình nhớ nhất cảm giác khoác tay bố bước vào rừng thông. Tất cả mọi người đều đổ dồn ánh mắt về hai bố con. Trên nền nhạc live do một người bạn hát bài hát yêu thích của tụi mình, tim mình đập rộn ràng hơn bao giờ hết. Cuối cùng mơ ước làm đám cưới ở một cánh rừng cùng với người mình thương cũng đã thành hiện thực.
Ngày hôm đó bọn mình có rất nhiều khoảnh khắc khóc cười cùng nhau mà mình không kể hết: khách mời khóc khi mình bước vào, khi tụi mình đọc những lời yêu thương dành cho nhau, lúc bạn bè mình lên chia sẻ về cô dâu chú rể trong lúc ăn tiệc...", Xuân tâm sự.
Mỗi một cô gái đều có ước mong về ngày cưới của chính mình. Và với Xuân, cô đã thỏa ước nguyện cùng chú rể tổ chức lễ thành hôn trong rừng thông với khung cảnh đẹp như phim. Đó là hôn lễ đặc biệt và cũng nhiều cảm xúc cho chính cặp dâu rể, họ hàng hai bên và cả bạn bè thân thích.
Sau đám cưới, bố mẹ Xuân hiểu hơn về ngành nghề con gái theo đuổi. Những khách mời cảm thấy lễ thành hôn thực sự thú vị và ý nghĩa. Đặc biệt hơn cả, có hai người bạn của Xuân từ nước Nhật xa xôi cũng sang tham dự lễ cưới. Họ cũng bật khóc lúc cô dâu chú rể đọc vow (lời thề nguyện) trong đám cưới. Tất cả những tình cảm đó khiến Xuân trân trọng và xúc động vô cùng.
Đám cưới có một không hai của cặp bác sĩ trẻ giữa mùa dịch Covid-19 Một lễ cưới đặc biệt đã được tổ chức ngay tại bệnh viện cho 2 bác sĩ vốn phải hoãn lễ thành hôn của mình do dịch Covid-19. Cô dâu Shelsun Tsai trong lễ cưới đặc biệt ngay tại bệnh viện nơi mình làm việc (Ảnh: Luke Gatta) Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đại học Duke, bang Bắc Carolina, Mỹ...