Bất cập thuế Tiêu thụ đặc biệt: Doanh nghiệp kêu, Nhà nước có nghe tiếng?
Nhiều tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đã lên tiếng về Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 195/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành vênh với Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.
Liên quan đến những diễn biến gần đây đang được dư luận quan tâm về việc Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 195/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành vênh với Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam VBA, Phòng thương mại công nghiệp Việt nam VCCI, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VBF cùng các tổ chức nước ngoài như AmCham, EuroCham… đã đồng loạt lên tiếng trình bày những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành viên trước việc thực hiện những quy định này của Bộ Tài chính.
Trong các cuộc trao đổi tọa đàm giữa các bên hữu quan với Bộ Tài Chính ngày 27/1/2016 và 16/3/2016 cũng như cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Tài chính và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt nam VBF ngày 18/3/2016 tại trụ sở Bộ Tài chính, lãnh đạo Bộ Tài Chính đã thừa nhận những khó khăn, bất cập của doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị định 108 và Thông tư 195 khi hai văn bản này được ban hành quá gấp đối với ngành đồ uống và được ban hành khi vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng, khó thực thi và tạo thêm vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB trong việc tuân thủ.
Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội cũng hiểu rằng mục đích của những thay đổi gần đây trong quy định về Thuế TTĐB là nhằm nâng cao hơn nữa tính minh bạch trong hoạt động kê khai và nộp thuế TTĐB, tránh tình trạng một số doanh nghiệp lập ra nhiều cấp độ công ty Thương mại, tiềm ẩn nguy cơ gian lận thuế. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính rất đồng tình với mục đích này của nhà nước song để đảm bảo có thể đưa ra một chính sách thuế cân bằng, khả thi và rõ ràng, nhà nước và các doanh nghiệp cần phải cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc, từ đó góp phần tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch tạo niềm tin cho doanh nghiệp đã đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Trên cơ sở đảm bảo nguồn thu ổn định, phát triển bền vững cho nhà nước và ngành công nghiệp phát triển lành mạnh, không bị xáo trộn đột ngột, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đề xuất Luật thuế TTĐB cùng các văn bản hướng dẫn dưới luật cần quy định giá tính thuế TTĐB là giá bán ra của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng trong chuỗi lưu thông có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất đó.
Như được biết, theo các quy định cũ, việc kê khai và đóng thuế của các doanh nghiệp có nhiều tầng Công ty thương mại đang được thực hiện như sơ đồ sau:
Video đang HOT
Nếu theo phương án đề xuất của Hiệp hội, việc kê khai và nộp thuế của các công ty này như sau:
Như vậy, có thể thấy rằng, với đề xuất của Hiệp hội, dù doanh nghiệp có thành lập nhiều tầng, lớp Công ty Thương mại với mục đích phục vụ kinh doanh hay bất cứ mục đích không minh bạch nào khác trong hoạt động kê khai thuế TTĐB, thì cách giải quyết như được đề xuất vẫn đảm bảo mục tiêu chống chuyển giá, cũng như đảm bảo tính khả thi và minh bạch cho cả doanh nghiệp trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi đồng thời không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư và tính ổn định pháp lý.
Mặt khác, các doanh nghiệp khẩn thiết đề nghị hoãn thi hành Nghị định 108 và Thông tư 195 đến 1/1/2017 để Bộ Tài chính có thời gian xem xét và cân nhắc đưa ra giải pháp cân bằng hơn ngõ hầu có thể đảm bảo duy trì nguồn thu ổn định, phát triển bền vững cho nhà nước và giữ cho ngành công nghiệp phát triển lành mạnh, không bị xáo trộn đột ngột trong bối cảnh hội nhập quốc tế cận kề.
Các doanh nghiệp luôn tin tưởng rằng Nhà nước và Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng một môi trường tài chính lành mạnh để hỗ trợ cho sự phát triển của một ngành công nghiệp luôn nỗ lực đóng góp cho nguồn thu của đất nước. Động thái này chắc chắn sẽ tạo dựng và củng cố niềm tin cho những doanh nghiệp đã đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Theo Infonet
"Nhà đầu tư đi trên thảm nhung vẫn nhức nhối vì hàng đinh phía dưới"
Nhận xét của Đại biểu Quốc hội khi nói về chính sách thu hút đầu tư của nước ta còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.
Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2016, Đại biểu Lê Như Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho rằng, mặc dù Việt Nam đang có chủ trương và tha thiết tạo lập môi trường cho các nhà đầu tư, nhưng chính sách tốt đẹp này đã bị cách hành xử xấu xí làm rào cản, vô hiệu hóa.
"Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện cắt nước, dựng rào chắn cổng. Một số người thi hành công vụ đã vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm cho doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng", Đại biểu cho hay.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) chỉ rõ những rào cản trong thu hút đầu tư tại Việt Nam.
Đại biểu Lê Như Tiến cũng dẫn lại hình ảnh so sánh "đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết chim" để bình luận về mặt hạn chế của môi trường đầu tư kinh doanh nước ta hiện nay.
"Chúng ta đang tích cực kêu gọi đầu tư nhưng vẫn còn tình trạng kêu gọi đầu tư theo kiểu "trên trải thảm, dưới dải đinh", khiến cho các nhà đầu tư đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới", ông Tiến nói.
Nhận xét về môi trường sống, Đại biểu Lê Như Tiến cho biết, cử tri hết sức lo lắng tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người hàng ngày thay vì bổ sung dinh dưỡng thì phải bổ sung độc tố cho chính cơ thể mình. Ở một số đô thị, môi trường an ninh trật tự xã hội là mối lo thường nhật của người dân.
"Có nơi người dân ra đường nơm nớp nỗi lo xâm hại. Một nữ du khách nước ngoài nước mắt lưng tròng vì bị giật túi xách ngay giữa đô thị, trong đó là toàn bộ tiền bạc, giấy tờ, tiền, hộ chiếu... mặc dù lực lượng công an đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa chặn đứng được tình trạng táo tợn, cướp giữa ban ngày. Khách du lịch thăm một số danh lam thắng cảnh bị chèo kéo, chặt chém, ép buộc, cưỡng bức làm cho du khách "một đi không trở lại", Đại biểu bức xúc.
Đại biểu nhận định, trong môi trường hội nhập, Việt Nam đang hòa mình vào môi trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hiệp định song phương và đa phương đã được ký kết và đang dần được hiện thực hóa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đang bơi trong một "biển" các điều khoản, các hiệp định, do đó rất lúng túng và chưa xác định được đâu là điểm xuất phát, đâu là đích đến. Do đó Chính phủ cần tạo lập môi trường hội nhập để các doanh nghiệp trong nước không bị chìm trước biển hội nhập mênh mông.
"Tạo lập môi trường sạch cho phát triển kinh tế - xã hội là nền tảng để Việt Nam cất cánh trong tương lai, đó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề mà nhân dân trao gửi cho Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ tới", Đại biểu Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Cũng tại phiên thảo luận, sau khi tán thành với 8 nhóm giải pháp đã được Chính phủ nêu trong báo cáo, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP HCM) nhấn mạnh đến 3 giải pháp trọng tâm. Trong đó, Chính phủ cần tiếp tục mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
"Việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn nữa. Trong điều hành Chính phủ cần tiếp tục phối hợp đồng bộ và thống nhất trong hành động cung cấp thông tin ra ngoài xã hội. Cần thận trọng trong việc điều chỉnh thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành, điều chỉnh dồn dập sẽ gây lạm phát tâm lý", Đại biểu chỉ rõ.
Vị đại biểu này cũng cho rằng, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài cần tiếp tục giám sát thận trọng, kết hợp với chính sách tài khóa. Cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các khoản vay ODA chúng ta chỉ ưu tiên cho các dự án cấp thiết chứ không phải là cần thiết. Tiếp tục cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Riêng đối với tiến trình tạo lập môi trường tốt cho các nhà đầu tư, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, công bằng. Bởi lẽ, hiện nay tính chất hội nhập ngày càng sâu rộng sẽ dẫn đến cạnh tranh giữa các quốc gia vô cùng khốc liệt. Trong khi các quốc gia đang cùng tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng tốt nhất, thì việc thăng hạng ở nước ta là hết sức khó khăn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân mong muốn, Chính phủ cần chú ý giải pháp tăng năng suất lao động, bên cạnh yếu tố môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức sản xuất, quản trị nhân lực thì yếu tố đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại là rất quan trọng. Những doanh nghiệp nước ta đầu tư cho khoa học công nghệ vẫn còn hạn chế vì vậy Chính phủ trong thời gian tới cần có gói hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn này.
Theo_VOV
"Trên trải thảm, dưới rải đinh", doanh nghiệp vừa đi vừa sợ Thảo luận về kinh tế xã hội sáng nay (1-4), nhiều ĐBQH đề cập đến môi trường đầu tư kinh doanh, chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư và cho rằng đây là vấn đề còn rất nhiều tồn tại. Đại biểu (ĐB) Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) dẫn lại hình ảnh so sánh "đất lành chim đậu, nhưng chim chưa...