‘Bát canh nước trong rau biếc’
“ Bát canh nước trong rau biếc” là tên một truyện ngắn Trung Quốc, nói về tình cảm của người vợ dành cho chồng thông qua bát canh này. Món canh trong, không hề có váng mỡ, rau cải xanh nổi trên mặt nước với hương vị ngon.
Món canh nước trong tưởng chừng đơn giản ấy lại được nấu bằng một công thức cầu kỳ và sự kiên trì xuất phát từ một tình yêu tận tụy. Nào là sườn ngon, gà cỏ, tôm tươi, măng núi, sò tươi, nấm hương, cua… tất cả đều có nguồn gốc từ những địa danh cung cấp thực phẩm nổi tiếng. Nước canh được ninh hầm nhỏ lửa nhiều giờ, vớt sạch đến cả những vụn bã nhỏ nhất. Lúc gần ăn, người nấu mới thả rau, đậu, để những thực phẩm vẫn nguyên màu sắc và hương vị tươi ngon của chúng.
Mỗi lần nếm một ngụm canh ngon với vị ngọt tươi mới của thực phẩm và nhìn những lá rau xanh nõn, bạn sẽ cảm nhận được cái chân tình của người nấu canh. Vì nấu một bát canh ngon không hề dễ dàng.
Cơm, canh, xào, mặn là 4 món thường thấy trong một bữa cơm của người Việt. Trong đó, canh là một phần quan trọng. Người ta có thể giảm thiểu nhu cầu của mình để bỏ đi món xào hay món mặn, nhưng nếu thiếu canh, bữa cơm trở nên khô khan.
Không chỉ thế, nhiều người còn sở hữu chung những hình ảnh tiêu biểu về một bữa cơm ngon trong ký ức. Với người đến từ miền Bắc, bữa cơm ngon mùa hè là phải có bát canh cua rau đay, mồng tơi xanh thẫm, ăn với những quả cà bát muối xổi trộn đường ớt, hay món canh rau muống đơn giản là nước luộc rau dầm thêm quả sấu đúng mùa, chua chua, thanh thanh mà tốn cơm kỳ lạ. Với người đến từ miền Nam là món canh chua bông điên điển hay cá điêu hồng nấu ngót, ngọt lừ vị cá, vị hoa.
Nếu bạn là một “fan” của đồ ăn Trung Quốc, bạn cũng sẽ thấy trong nền ẩm thực lớn này dành nhiều trang đồ sộ cho những món canh, món tiềm. Người Hoa không có thói quen chan canh vào cơm để ăn như người Việt, mà lại coi món canh, món tiềm là món khai vị.
Video đang HOT
Thực đơn canh trong các món ăn Trung Quốc có lẽ đến người bản xứ cũng không thể nhớ hết. Có những loại canh được nấu như nước mát, công dụng chính là để giải nhiệt, với nguyên liệu chính là rau quả, rong biển. Nhưng bạn cần thử những món canh bổ dưỡng với đủ loại thuốc bắc, dược thảo được ninh hầm công phu với các loại thực phẩm khác.
Món canh nào của người Hoa cũng được hầm công phu, nhằm lấy hết những dưỡng chất tinh túy từ thực phẩm, tạo ra thức nước canh bổ mà chỉ cần húp một ngụm, bạn đã thấy được vị ngon, ngọt của nó.
Ở phương Tây, người ta lại có món tương đương với canh trong ẩm thực châu Á là súp. Với nước hầm thịt, nhiều loại rau củ, kem bơ và sữa tươi, đôi khi là cả trái cây. Người châu Âu cũng có hàng trăm công thức để tạo ra đủ loại súp từ loãng đến sền sệt để dùng làm món khai vị hay thay bữa sáng. Những món súp Tây này thường có vị ngậy và béo, đôi khi người ta còn bỏ cả nhiều loại bột ngũ cốc vào để tạo ra những món súp sền sệt thơm ngon.
Nhiều món súp kiểu này đã du nhập vào Việt Nam nhiều năm trước, và bây giờ, trong một bữa tiệc, bạn dễ gặp cả những phong cách pha trộn, như món súp cua, kem gà khai vị kiểu tây, món cơm kiểu Việt Nam và món canh hầm kiểu Trung Hoa trên cùng một bàn tiệc.
Đồ ăn ngon tất nhiên không dễ nấu, đòi hỏi phải tập trung vào đó nhiều công sức và điều này càng đúng hơn đối với món canh ngon, bởi mỗi món canh lại có một công thức gia giảm nhiệt lượng của bếp, thời gian chính xác cho rau củ vào để củ mềm nhừ mà rau vẫn giữ được màu xanh mướt. Công thức đôi khi đơn giản mà lại đòi hỏi sự cầu kỳ tâm huyết để cho ra một bát canh ngon làm rung động người ta chỉ bằng một muỗng nước.
Thông thường người ta có những loại canh và súp khác nhau tùy theo mùa và tùy theo thổ nhưỡng của khu vực. Những vùng nhiệt đới hoặc vào mùa hè, người ta thường hay ăn canh rau hoặc uống nước rau luộc. Ở miền Bắc, món canh sấu dầm vừa thanh mát vừa giải nhiệt. Còn những nước ôn đới, hàn đới hoặc vào những mùa lạnh, người ta thường hay ăn những thức nóng, và “nặng” hơn để có thêm năng lượng và giúp giữ ấm cơ thể. Người phương Tây hay có món súp kem, vừa nóng lâu lại vừa cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng và chất béo giúp chống chọi với cái lạnh.
Anh Nguyễn
Theo VNE
Quán mỳ vằn thắn ngon ở Hà Nội
Mỳ vằn thắn có xuất xứ từ Quảng Đông, được du nhập qua những người Hoa tới Việt Nam.
Ban đầu món mỳ không được nhiều người ưa chuộng do sự khác biệt về khẩu vị. Thế rồi dưới bàn tay pha chế của người đầu bếp, món mỳ được thay đổi để hợp với khẩu vị người Việt và có nét đậm đà riêng.
Ở Hà Nội ngày trước, người ta vẫn thường đặt mỳ trong các gánh hàng rong, dùng que tre hoặc que nứa gõ vào nhau để rao hàng, len lỏi tới từng ngõ phố. Bây giờ ngồi ăn trong các quán hàng hoặc vỉa hè, không còn được nghe tiếng rao như trước, nhưng bát mỳ vằn thắn cũng rực rỡ, đầy đủ và ngon mắt hơn.
Một bát mỳ đầy đủ gồm có mỳ, vằn thắn (hay còn gọi là sủi cảo). Sợi mỳ được làm từ bột và trứng, sau đó cán mỏng nên sợi vừa dai vừa giòn, lại giữ được màu vàng ươm bắt mắt. Vằn thắn có nhân là tôm tươi giã nhỏ, nấm hương và thịt, được gói trong một lớp bột mỳ cán mỏng.
Ngoài ra, đầu bếp cho thêm thịt xá xíu, nấm hương, một miếng trứng luộc, miếng bóng, rau cải, hẹ và tôm tươi đã bóc vỏ. Nước dùng được ninh từ xương gà, xương lợn, cá tầm khô, một số vị thuốc bắc và vỏ tôm. Nước dùng không được cho mỳ chính và được thêm muối thích hợp để không át hương liệu đã có trong nồi nước dùng.
Có lẽ vì khó làm được một nồi nước dùng ngon mà Hà Nội không nhiều quán bán mì vằn thắn. Bạn có thể dẫn người thân hay những người bạn phương xa cùng nếm thử món ăn đậm đà đặc trưng của Hà Nội này nhé.
Bát mỳ ở hàng Bình Tây trên phố Hàng Chiếu.
Một số quán mỳ vằn thắn ngon ở Hà Nội: Số 9 Đinh Liệt, 22 Hàng Phèn, 40 Tuệ Tĩnh, vỉa hè phố Trần Hưng Đạo.
* Mời bạn chia sẻ địa chỉ các quán mỳ vằn thắn ngon ở Hà Nội bằng cách bình luận dưới bài. Các địa chỉ sẽ được bổ sung vào bài viết.
Địa chỉ độc giả gợi ý:
- Quán mỳ ở Cầu Gỗ, chỉ bán buổi tối.
- Hàng mỳ vằn thắn ở Hàng Chiếu, gần Ô Quan Chưởng ăn cũng được, khách đông.
- Quán ở Mai Hắc Đế, khoảng số nhà 110 hay 125 gì đó, ngon, sạch sẽ.
- Hàng mỳ số 8 Nguyễn Biểu, nước ngọt, mỳ ngon, bán hàng hơi lộn xộn.
- Số 10 Hàng Thùng.
- Số 4 Thợ Nhuộm (gần ngã 5 Cửa Nam) chỉ bán tối.
- Hàng mỳ ở Hòa Mã ăn rất ngon, bán từ sáng tới 8h30.
- Quán ở phố Huế, đối diện chợ Hôm.
Theo Ngôi Sao
Vị sầu riêng quyến rũ trong bánh pía Sóc Trăng Bánh pía có vị ngọt thơm của sầu riêng mà bất cứ một loại hương liệu nhân tạo nào cũng không thể thay thế được. Đi dọc đường từ miền Tây về Sài Gòn, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những gian hàng bán bánh pía dọc theo quốc lộ. Bánh pía là một sản phẩm của người Hoa, nhưng từ...