Bất an xe đưa đón học sinh ở Bình Dương
Hoạt động xe đưa đón học sinh tại Bình Dương vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Sau sự cố tại Trường Gateway (Hà Nội) khiến một học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, các bộ, ngành đều lên tiếng cảnh báo, yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra hoạt động của xe đưa đón học sinh.
Thế nhưng hàng loạt sự cố lại xảy ra liên quan đến xe đưa đón học sinh tại Đồng Nai, Bình Dương khiến nhiều phụ huynh bất an khi giao con cho các nhà xe.
Mỗi nơi làm một kiểu…
Có mặt tại Trường Tiểu học Bình Thuận (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương) vào một buổi sáng sớm đầu tháng 12. Chúng tôi ghi nhận rất nhiều xe với nhiều loại khác nhau đưa các em học sinh đến trường. Theo tìm hiểu, những chiếc xe này đều là của giáo viên trong trường. Sau giờ dạy trên lớp, các giáo viên nhận đưa đón học sinh về nhà mình để quản lý, chăm sóc đến khi phụ huynh đón về.
Bà Hồ Thị Diệp Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thuận, cho biết nhà trường không tổ chức thuê xe đưa đón các em học sinh, cũng không trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm về việc đưa đón này. Tất cả xe đưa đón học sinh đều là của các cơ sở bán trú gần trường và một số giáo viên có nhận học sinh về nhà chăm sóc sau giờ làm.
“Tuy nhiên, nhà trường và các cơ sở này có làm một bản cam kết thống nhất các điều khoản đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình đưa đón từ trường về các cơ sở này” – bà Trinh cho biết. Thế nhưng xem qua bản cam kết này lại không nói rõ bên nào sẽ chịu trách nhiệm nếu không may xảy ra sự việc đáng tiếc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các phụ huynh gửi con ở các cơ sở bán trú hoàn toàn không làm việc trực tiếp và không có bất cứ bản hợp đồng nào với cơ sở bán trú này. Giáo viên của Trường Tiểu học Bình Thuận chỉ đưa cho một tờ giấy bảo phụ huynh ký tên là đồng ý gửi ở cơ sở bán trú.
Còn tại Trường THCS Bình Thắng B (phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, Bình Dương) là một trường bán trú, phía nhà trường đã tổ chức các xe đưa đón học sinh.
Video đang HOT
Theo Hiệu trưởng Tô Chí Thịnh, nhà trường hợp đồng 25 xe, loại 45 chỗ để đưa đón học sinh từ nhà đến trường và ngược lại. Mỗi xe hợp đồng với nhà trường đều có một bộ hồ sơ riêng, gồm đầy đủ các loại giấy tờ, GPLX để nhà trường tiện theo dõi, quản lý.
Còn tại Trường Tiểu học An Phú (phường An Phú, thị xã Thuận An), nơi vừa mới xảy ra sự cố xe chở học sinh bốc khói, thì nhà trường không hề quản lý được việc đưa đón học sinh bằng ô tô. Ông Nguyễn Thành Sơn, Hiệu trưởng, cho biết: “Việc thuê xe đưa đón các em học sinh là thỏa thuận giữa phụ huynh và chủ xe. Nhà trường không thể quản lý được việc này. Phía nhà trường cũng không ủng hộ việc này”.
Tan học, các cơ sở lưu trú đưa xe đến đón các em về cơ sở của mình chăm sóc. Ảnh: LÊ ÁNH
Quản lý lỏng lẻo…
Trao đổi với đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương được biết sở này không quản lý việc xe đưa đón học sinh. Từ sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc quản lý xe đưa rước học sinh, thì Sở GD&ĐT đã ban hành công văn tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô.
Theo văn bản này, ngoài việc nhắc nhở đảm bảo an toàn cho học sinh thì hiệu trưởng của các trường tổ chức ô tô đưa đón học sinh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về sự an toàn của các em.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, số trường tự tổ chức thuê xe đưa đón trên địa bàn tỉnh Bình Dương rất ít. Còn lại là các xe do giáo viên, nhà xe, các cơ sở bán trú và phụ huynh tự thỏa thuận với nhau rất nhiều. Những trường hợp này các cơ quan chức năng không nắm và không quản lý.
Điển hình như Phòng GD&ĐT Dĩ An, khi được hỏi về số liệu các xe được các trường hợp đồng chuyên đưa đón học sinh thì đại diện phòng cho biết không có báo cáo này, nếu muốn có thì phải đợi kết quả tổng hợp từ các trường…
Phải rà soát lại
Để bảo đảm an toàn, trước mắt tỉnh giao Sở GD&ĐT cùng UBND các huyện, thị xã, TP rà soát lại các cơ sở giáo dục, tăng cường công tác bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh.
Tỉnh đề nghị lực lượng giao thông, CSGT thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, nhất là kiểm soát các phương tiện vận chuyển học sinh nhằm bảo đảm an toàn và quy chuẩn kỹ thuật thật tốt.
Ông ĐẶNG MINH HƯNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
LÊ ÁNH
Theo PLO
Chỉ 8 tỉnh báo cáo Bộ Giáo dục về quản lý xe đưa đón học sinh
Mặc dù Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản yêu cầu rà soát, siết quản lý dịch vụ xe đưa đón học sinh nhưng đến nay mới có 8/63 Sở Giáo dục - Đào tạo các tỉnh, thành gửi báo cáo.
Học sinh bị rơi khỏi chiếc xe 16 chỗ đang chạy tại Đồng Nai - Ảnh cắt từ clip
Liên quan đến 2 vụ học sinh bị mất an toàn vì xe đưa đón tại Đồng Nai và Bình Dương thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo lại phát đi công văn nhắc nhở lần 1 về việc yêu cầu các địa phương báo cáo kết quả triển khai tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô.
Sau vụ việc đau lòng, khi một học sinh lớp 1 ở Trường tiểu học Gateway (Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón học sinh, ngày 16.8, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành công văn yêu cầu giám đốc các Sở Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục - Đào tạo), đến nay, Bộ mới nhận được 8 báo cáo của các Sở Giáo dục - Đào tạo: Ninh Bình, Quảng Nam, Bến Tre, Bắc Giang, Cao Bằng, Gia Lai, Khánh Hòa và Thanh Hóa về kết quả triển khai việc rà soát, thống kê tình hình đưa đón học sinh bằng xe ô tô.
Trong khi đó, chính những địa phương như Hà Nội và Bắc Ninh, nơi xảy ra các vụ việc bỏ quên học sinh trên xe đưa đón, gây phẫn nộ trong dư luận thời gian qua, thì lại chưa có báo cáo, theo yêu cầu của Bộ.
Trước sự chậm trễ này, công văn đôn đốc mà Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa phát đi, yêu cầu: "Để có đầy đủ dữ liệu về thực trạng công tác trên báo cáo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục - Đào tạo (chưa nộp báo cáo) chỉ đạo các các trường phổ thông trên địa bàn kiểm tra, rà soát, báo cáo tổng hợp thực trạng về việc sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô theo các yêu cầu tại công văn đã ban hành ngày 16.8".
Các đơn vị tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải và cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tiếp tục kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy định pháp luật và hợp đồng vận chuyển đối với các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô.
Đồng thời, địa phương cần báo cáo tổng hợp kết quả triển khai của các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện và kiến nghị giải pháp, thống kê các trường sử dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô trên địa bàn.
Trước đó, như Thanh Niên thông tin, cuối tháng 11 vừa qua, tại các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã xảy ra sự cố khi sử dụng xe đưa đón học sinh.
Cụ thể, 2 học sinh của Trường tiểu học Phan Bội Châu (Đồng Nai) bị ngã văng khỏi xe ô tô trên đường đi học. Tại Bình Dương, xe ô tô chở học sinh trên đường đến trường bất ngờ bốc cháy. Hai vụ việc trên không có thiệt hại về người, nhưng đã gây ra tâm lý lo ngại của phụ huynh và cộng đồng xã hội về sự an toàn của việc đưa đón học sinh.
Theo thanhnien
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội lần đầu lên tiếng vụ việc trường Gateway Sáng nay, trả lời các đại biểu HĐND TP Hà Nội, lần đầu tiên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã nhắc đến vụ việc trường Gateway Sáng nay, tại phiên chất vấn HĐND Thành phố Hà Nội, bà Hoàng Thị Tú Anh (Phó Ban Văn xã, HĐND TP) đặt câu hỏi, nguyên nhân thuộc về ai, trách nhiệm của...