Bất an khu công nhân
8 giờ sáng, quán cháo lòng Ngọc Vỹ trên đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đông nghịt khách. Quán này vừa rẻ vừa ngon, là điểm lui tới của nhiều công nhân.
Có lẽ vì quán nằm không xa KCX Linh Trung 1 (Q.Thủ Đức) và KCN Bình Đường (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Công nhân Phan Minh Tuấn (trái) với những bản giám định chấn thương khi bị vạ lây trong cuộc loạn đả tại công ty – Ảnh: NG.NAM
Trong những khách đến ăn sáng cũng có những bàn cụng ly rôm rả mặc dù vừa mới sáng sớm. Đó thường là những công nhân làm ca đêm vừa từ phân xưởng trở về đi thẳng tới đây nhậu.
Rượu vào, máu ra
Những đợt lĩnh lương, nhóm công nhân đồng hương với Nghĩa (quê Nghệ An, công nhân Công ty Freetrend, KCX Linh Trung 1) sau chầu nhậu thường kéo nhau đi tiếp tăng hai matxa rồi mới về nhà trọ. Tuần trước, cả nhóm sau tăng một kéo đến phòng trọ của một người trong nhóm trên đường Bình Đường (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) làm tiếp tăng hai.
Giữa buổi nhậu có vài công nhân phòng bên cạnh góp ý đừng làm ồn và thế là một cuộc loạn đả xảy ra. Rất may là chủ nhà trọ ở đây thuộc diện “máu mặt” nên đã can ngăn kịp thời, ai về nhà nấy.
Video đang HOT
“Cả ngày giam mình trong công xưởng nên bọn em nóng nảy, ức chế dễ nổi khùng lắm” Trần Văn Tình (công nhân KCN Sóng Thần, TP.HCM)
Theo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Bình Dương, tội phạm từ công nhân chiếm tỉ lệ áp đảo trong các vụ giết người ở tỉnh này và thường phạm tội sau khi uống rượu.
Một trong những công nhân đang bị Công an Bình Dương tạm giam vì hành vi giết người là Nguyễn Văn Lắm (24 tuổi, quê Kiên Giang). Lắm là công nhân một công trình xây dựng ở thị xã Dĩ An. Tối 22-3, một nhóm hơn 10 công nhân đang nhậu trước công trình mời anh vào cuộc rượu. Sau một hồi chén tạc chén thù và nhóm kia cãi cọ, cuối cùng bị đuổi đánh. Lắm đã đâm chết một người và làm bị thương một công nhân khác, sau đó bị đánh ngất xỉu.
Chỉ trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, tại Bình Dương có hàng loạt lao động nhập cư giết người trên bàn nhậu vì những lý do… trời ơi. Điển hình ngày 1-5, Lê Quốc Bang (30 tuổi, quê Nghệ An) đã dùng kéo đâm chết bạn nhậu tại phòng trọ vì người này từ chối rượu mời. Trước đó tối 12-4, tại một quán nhậu, Nguyễn Châu Thanh (22 tuổi, quê Tây Ninh) cũng dùng kéo đâm vào ngực, trán bạn nhậu khiến nạn nhân tử vong. Lý do là đang lúc lâng lâng bạn nhậu dám chê trách việc Thanh đang ngồi bàn lại bỏ ra ngoài nghe điện thoại, không… tôn trọng bạn nhậu.
Trấn lột, tống tiền, bảo kê
Liên quan đến vụ công nhân xây dựng Phạm Đình Tĩnh bị băng nhóm giang hồ do Dũng “tóc dài” (tức Hà Đình Dũng, 25 tuổi, quê Nam Định) cưỡng đoạt tài sản vào tháng 3-2012 tại Bình Dương, thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn, phó trưởng Công an TP Thủ Dầu Một, khẳng định cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Dũng “tóc dài”.
Trước đó vào đầu năm 2012, anh Tĩnh đang ngồi chơi trong nhà bạn thì một đối tượng ăn chơi lêu lổng là Dũng “lùn” bước vào, thản nhiên lấy áo của Tĩnh lau chân. Khi Tĩnh phản ứng thì Dũng “lùn” thách thức rồi hai bên xô xát. Sau đó, Dũng “tóc dài”, đại ca một băng nhóm giang hồ ở Thủ Dầu Một, gọi điện lệnh cho Tĩnh ra quán nhậu dàn xếp. Tại quán nhậu, Tĩnh bị đánh tới tấp, sau đó cả nhóm yêu cầu Tĩnh trả 1 triệu đồng tiền nhậu mới cho ra về. Kế đó, Dũng “tóc dài” yêu cầu anh Tĩnh nộp tiếp 6 triệu đồng, nếu không sẽ có người vào phòng trọ để “xin tiết”.
Anh công nhân tội nghiệp chạy vạy vay mượn khắp nơi mới đủ 6 triệu đồng nhưng nghĩ bụng nếu cứ đưa tiền lần này đến lần khác Dũng “tóc dài” sẽ được nước làm tới nên anh báo công an. Hiện nay anh Tĩnh đang hằng ngày lo sợ đàn em của Dũng “tóc dài” tấn công gia đình mình.
Việc dùng giang hồ để giải quyết xích mích trong phân xưởng cũng liên tiếp xảy ra thời gian qua tại nhiều công ty. Một cán bộ lãnh đạo một công ty lớn trong KCX Linh Trung 1 cho biết khi mới vào đây làm anh cũng bị người lạ mặt gọi điện dằn mặt vì những mối quan hệ công việc với công nhân. Sau đó đám người này kêu anh ra nhậu và trả tiền để “giảng hòa”.
“Nhiều công nhân khác trong công ty khi có mâu thuẫn cũng nhờ giang hồ đứng ra dằn mặt. Chúng lấy tiền bên này rồi ăn nhậu với bên kia”, anh này cho biết. Anh Nguyễn Hoàng Cương, bí thư Đoàn các KCX-KCN TP.HCM, cho hay tình trạng mất an ninh ở một số nơi tại các KCX-KCN anh có nhận được sự phản ảnh của anh em công nhân. Vấn đề này đã được báo lên lãnh đạo của từng khu để phối hợp với công an địa phương xử lý rốt ráo trong thời gian tới.
Nhiều quán nhậu, ít chỗ chơi
Theo trung tá Bùi Phạm Hải, phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Bình Dương, công nhân xa quê, xa gia đình, làm việc quần quật lại thiếu chỗ vui chơi, giải trí nên thường rủ nhau đến bàn nhậu. Nhiều công nhân ít học, rượu vào thiếu kiểm soát, chuyện bé xé to.
“Điều tra hàng loạt vụ giết người do công nhân thực hiện, chúng tôi nhận thấy rất ít công nhân có bản chất côn đồ, phần đông công nhân gây án trong tình trạng có hơi men, lại bị kích động bởi nhiều yếu tố”, trung tá Hải nhận định.
Theo Tuổi Trẻ
"Xe dù" tại bến Nước ngầm: Cò quay hay trấn lột?
"Mới trước đó không lâu họ còn đon đả chào mời, xách hộ đồ đạc. Thế mà lát sau cũng chính những "nhân viên tốt bụng" ấy đã giáng cho em cái tát nảy đom đóm mắt". Cậu sinh viên Đào Minh Hùng chỉ là số ít trong hàng trăm hành khách đang bị "trấn lột" trắng trợn tại cổng Bến xe Nước Ngầm.
Chiếc "xe dù" này đỗ 20 phút trước cổng bến xe mà không bị xử lý
Ngang nhiên... "hành" khách
Đáng nhẽ Hùng đã nhanh chóng về tới Thanh Hóa, nhưng cậu trốn chui trốn lủi đằng sau mấy chiếc xe giường nằm trong bãi đỗ của Bến xe Nước Ngầm. Bộ dạng bồn chồn, hớt hải, cậu sinh viên quê ở xóm 10, xã Lý Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An bảo: "Em mà thò mặt ra bây giờ, chắc chúng nện em chết mất. Thôi em cứ ngồi đây, khi nào chúng bỏ đi thì em vào phòng vé mua vé xịn đi cho chắc". Hùng sợ là phải, nhìn đám "cò xe" bặm trợn như lũ cô hồn thế kia, không ăn đòn mới lạ.
Hùng đang học ở Hà Nội, nhận tin mẹ ốm nên vội ra bắt xe về quê. Có mặt ở bến xe Nước ngầm từ 18h, thấy một chiếc xe giường nằm mang BKS: 30U-492x treo biển Hà Nội-Vinh-Hà Tĩnh đang nổ máy đỗ ngay cổng bến, nhân viên nhà xe tíu tít chào mời kèm theo lời nói chắc như đinh đóng cột: Xe chạy bây giờ đấy, thế là cậu lên ngay. Ai dè, 3 tiếng đồng hồ sau, chiếc xe này chỉ xuất bến được vài trăm mét về phía khu đô thị Pháp Vân rồi vòng lại... chỗ cũ. Quá sốt ruột, Hùng đòi xuống để đi xe khác thì ăn ngay một cái tát kèm theo ánh mắt sắc như lưỡi lê: "Mày lôi thôi, bố đập chết. Ngồi yên đấy". Bây giờ thì Hùng biết, mình bị dính phải "xe dù" của đám du côn rồi.
Với tần suất hơn 800 chuyến xe một ngày nên trừ những dịp lễ tết, Bến xe Nước ngầm không mấy khi quá tải. Ngày thường những chuyến xe tại đây đều trong tình trạng trống khoảng 1/3 số ghế khi xe xuất bến. Tuy nhiên, để đảm bảo thời gian những chuyến xe này vẫn xuất bến bình thường. Đó chính là lý do khiến "xe dù" sau một thời gian vắng bóng nay lại tiếp tục hoạt động với mức độ còn ngang nhiên hơn. So với xe "xịn", "xe dù" luôn đầy chật hành khách bởi đội ngũ "cò" ra sức chèo kéo, lừa phỉnh cộng với thời gian quay vòng hàng giờ đồng hồ với tốc độ... rùa bò.
Chiều 11-6, để tận mắt chứng kiến những chuyến xe "bão táp" này, chúng tôi có mặt tại cổng Bến xe Nước Ngầm và đập vào mắt là chiếc xe 30U-492x đang nằm chình ình giữa đường ngay trước ngã tư Giải Phóng - Pháp Vân thản nhiên bắt khách. Điều đáng ngạc nhiên là, dù giữa giờ cao điểm, và chiếm hoàn toàn vị trí của bến xe buýt, nhưng không hề có bóng dáng một lực lượng nào xử lý vi phạm của chiếc xe này. Sau khoảng 20 phút chiếm lòng đường và gây ùn tắc, chiếc xe này từ từ bò vào trong khu đô thị Pháp Vân rồi vòng lại... chỗ cũ. Điệp khúc này lặp đi lặp lại tới gần 22h thì chiếc xe mới biến mất về phía đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nhường vị trí cho xe 30Z-609x. Vẫn kịch bản cũ chiếc xe thứ 2 tiếp tục hành trình lượn vòng tròn Bến xe Nước Ngầm - Khu đô thị Pháp Vân cho tới 23h mới xuất bến. Trong suốt quãng thời gian ấy, người ta chứng kiến đủ lời ngọt nhạt mời chào lẫn đôi co, dọa dẫm của đội ngũ "cò xe" mỗi khi hành khách tỏ thái độ bức xúc.
Nhức nhối "cò" quay
Cuối năm 2011, phòng CSHS - Công an TP Hà Nội đã làm công văn, nêu đích danh những chiếc xe chuyên vòng vo, sử dụng "cò" mồi đón khách và đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có biện pháp xử lý, những tưởng tình trạng này đã chấm dứt. Tuy nhiên, việc xử lý của ngành giao thông chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Thậm chí hiện nay, tình trạng này còn ngang nhiên hơn. Không chỉ gây bức xúc cho hành khách, những chiếc xe này còn gây ùn tắc nghiêm trọng tại ngay vị trí nhạy cảm nhất của tuyến đường Giải Phóng - Pháp Vân đoạn trước cổng bến xe Nước Ngầm.
Trước sự ngang nhiên này, chúng tôi hỏi một bảo vệ của bến xe thì anh này cho biết: "Tất cả những chiếc xe dừng đỗ trước cổng bến đều là xe "dù" và không đăng ký hoạt động nên chúng tôi không có quyền nhắc nhở hay xử lý họ. Còn việc họ xuất bến từ đâu thì chẳng cần nói, mời nhà báo cứ vào khu đô thị Pháp Vân sẽ rõ". Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đảo một vòng vào khu đô thị, mới hay đây là nơi tập kết của đám xe "dù". Tại một tán cây vắng vẻ, có 4 chiếc xe giường nằm khác đang chờ xếp "nốt". Không rõ ai đứng đằng sau chỉ đạo hoạt động của những chiếc xe này, nhưng việc ra đường vòng vo bắt khách được tổ chức hết sức bài bản. Khi một chiếc xe đã bắt đủ khách và lên đường thì lập tức sẽ có điện thoại chỉ đạo chiếc thứ 2 ra thế chỗ.
Theo những "xe ôm" trước cổng bến, ở đây thường xuyên có một đội ngũ "cò xe" khoảng 10 đối tượng như: Cường cổ ngỗng, Thắng đen, Luân, Dũng Gia Lâm... Các đối tượng này có nhiệm vụ bắt khách cho các chuyến xe "dù" nói trên và ăn hoa hồng. Việc hành khách bức xúc vì ngồi trên xe cả tiếng đồng hồ dẫn tới đôi co và va chạm với đội "cò" này là chuyện cơm bữa, thậm chí có hành khách nữ đã bị đánh và bị "cò" xe xé tan quần áo ngay tại đây chỉ vì đã lên xe rồi lại... đòi xuống. Hàng ngày từ 7h sáng đến 23h hầu như lúc nào cũng có những chiếc xe khách giường nằm chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An - Hà Tĩnh vòng vo chiếm điểm đỗ dừng của xe buýt là chuyện... thường ngày ở bến.
Được biết trong tổng số hơn 10 chiếc xe dù mà chúng tôi thống kê trong 3 ngày từ 11 đến 13-6 thì có tới gần một nửa thường xuyên bán khách tại Thanh Hóa. Bằng chứng rõ nhất là chiếc xe 30U-492x chúng tôi quan sát xuất bến lúc 22h ngày 11-6 đi Nghệ An thì 7h sáng hôm sau (12-6) đã thấy nó nằm lù lù ở cổng bến xe tiếp tục lượn lờ. Theo các lái xe chuyên nghiệp, nếu thực sự chiếc xe này hoàn thành quãng đường dài như vậy thì nó chỉ có nước... bay.
Anh Nguyễn Tiến Dũng, một hành khách chúng tôi gặp ở nhà chờ của bến xe hiện trú tại thôn 1 xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An chia sẻ về kinh nghiệm "xương máu" trong một lần dính "xe dù": "Trung bình, hành trình của một chiếc xe đi tới Vinh là khoảng 6 giờ. Tuy nhiên nó sẽ bị kéo dài lên khoảng 9-10 giờ vì hành khách sẽ bị bán tại Thanh Hóa cho xe khác. Tôi đã từng bị đánh tím mặt vì tội đòi lại tiền khi bị bán giữa đường. Thế nên tốt nhất là vào tận bến mua vé. Trong trường hợp đã trót dính "xe dù" thì hành khách nên "chấp nhận thương đau" để khỏi bị đánh oan chứ đừng đôi co thắc mắc, bởi nhà xe lúc nào cũng cấu kết với "cò" xe du côn. Đội ngũ "cò" này luôn sẵn sàng ra tay "trấn áp phủ đầu" để tránh tình trạng hành khách của cả chuyến xe có bức xúc phản ứng dây chuyền".
Là tuyến giao thông trọng điểm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô cộng với mật độ phương tiện qua lại rất lớn, tuyến đường Giải Phóng - Pháp Vân có khá nhiều sự tham gia đảm bảo trật tự ATGT của các lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông, Công an quận Hoàng Mai... Thế nhưng, hoạt động xe vòng vo, "cò" mồi dẫn khách vẫn xảy ra. Điều đấy chứng tỏ sự liều lĩnh của các đối tượng và cả sự chưa cương quyết đấu tranh của người thi hành công vụ.
Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Hiện tượng giằng co, níu kéo, tranh giành khách đi các tuyến đường dài do một số đối tượng "cò mồi" gây ra tại một số bến tàu, nhà ga, bến xe vẫn diễn biến phức tạp. Phòng CSHS - CATP Hà Nội thường xuyên tổ chức các đợt quây quét "cò mồi" bến xe và xử lý rất nghiêm khắc các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, như một quy luật bất thành văn, cứ vào dịp này, người dân đi lại nhiều tại các bến xe để về quê, nghỉ mát hoặc với nhiều lý do khác, tình trạng "cò mồi" dẫn dắt, lôi kéo khách lại diễn ra.
Phòng CSHS đã tập trung lực lượng, thường xuyên bố trí trinh sát hóa trang mật phục tại các bến xe, bến tàu, nhà ga để phát hiện và xử lý các đối tượng "cò mồi" gây mất trật tự công cộng. Từ nay đến cuối năm, lực lượng CSHS tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt quây quét "cò mồi" để xử lý. Với những trường hợp phát hiện tái phạm nhiều lần, cơ quan công an sẽ lập hồ sơ đưa đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng để răn đe nghiêm khắc. Đối với các đối tượng "cò mồi" gây mất trật tự công cộng và có những hành vi cưỡng đoạt tài sản hoặc chống lại người thi hành công vụ, cơ quan điều tra có thể lập hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo ANTD
Huyện Tiền hải, tỉnh Thái Bình: "Ung thư" đe dọa, người dân bất an, chính quyền vẫn thờ ơ Bất chấp chỉ đạo của UBND xã Tây Tiến, công văn của UBND huyện Tiền Hải, và khí độc đe dọa tính mạng người dân, Cty TNHH Hưng Việt vẫn tiếp tục cho cơ sở sản xuất này hoạt động. Nhiều bạn đọc tại xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình gọi đến đường dây nóng 0915544455 báo PL&XH phản ánh:...