Bắt 5 người trong vụ phá rừng pơ mu ở Quảng Nam
Công bố kết quả điều tra ban đầu vụ phá rừng pơ mu tại Quảng Nam, Cơ quan chức năng cho biết đã khởi tố 9 người, bắt 5 người, 4 người tự ra đầu thú, 11 nghi can đang lẩn trốn.
Chiều ngày 25/8, Công an tỉnh Quảng Nam họp báo công bố kết quả điều tra ban đầu vụ phá rừng pơ mu được phát hiện đầu tháng 7, tại khu vực vành đai biên giới Nam Giang.
Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết đây là vụ án “vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng” xảy ra tại xã La Dêê ( huyện Nam Giang).
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, xác định có 60 cây gỗ pơ mu bị chặt hạ với khối lượng hơn 115 m3 gỗ nhóm 2A, trong đó có 41 gốc gỗ pơ mu bị chặt phá xảy ra tại tiểu khu 351, thuộc rừng phòng hộ với khối lượng xấp xỉ 75 m3.
Do tính chất đặc biệt nghiệm trọng, Thủ tướng đã chỉ đạo tỉnh Quảng Nam tập trung làm rõ vụ việc. Bộ Quốc phòng cũng giao cho cơ quan điều tra biên phòng vào cuộc.
Nhiều cây gỗ pư mu bị chặt hạ. Ảnh: Công Thành.
Theo đại tá Lợi, các trinh sát nhanh chóng thu thập thông tin về nhân thân, lai lịch quan hệ, hành vi vi phạm và củng cố hồ sơ, ra lệnh bắt khẩn cấp những người có liên quan. “Chúng tôi phải sang tận Lào hay vào TP HCM, ra Quảng Bình… để bắt các nghi phạm”, ông Lợi nói.
Ngày 26/7, công an bắt Nguyễn Văn Thắng (36 tuổi, trú huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), là nhóm trưởng chặt hạ gỗ. Hai ngày sau, Nguyễn Văn Sanh (34 tuổi, trú tại Bố Trạch, Quảng Bình) là nhóm trưởng vận chuyển gỗ cũng bị bắt giữ.
Ngày 2/8, công an bắt Lê Trọng Dương (46 tuổi, trú tại Tuyên Hóa, Quảng Bình), là nhóm phó chặt hạ gỗ. Liền sau đó, Nguyễn Văn Quang, người tổ chức thuê nhóm khai thác và vận chuyển gỗ, đã bị cơ quan điều tra bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Định Quán, Đồng Nai.
Gần đây nhất, ngày 19/8, công an bắt khẩn cấp Tiêu Hồng Tư (45 tuổi, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội), người cung cấp tiền để Nguyễn Văn Quang tổ chức khai thác, vận chuyển gỗ.
Ngoài ra, 4 người trong nhóm khai thác gỗ trái phép đã ra đầu thú, thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội và đang được công an cho tại ngoại. Như vậy đến nay, Cơ quan điều tra bắt được 5 người, 4 người tự ra đầu thú, và cả 9 người này đã bị khởi tố.
Video đang HOT
Đại tá Huỳnh Sông Thu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện còn 11 người tham gia vận chuyển gỗ pơ mu chạy trốn.
Đại tá Thu tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Đông.
Phó Giám đốc Công an Quảng Nam cho biết, cơ quan này đang phối hợp với công an tỉnh Sê Kông (Lào) đẩy đuổi những người tham gia phá rừng còn lẩn trốn ở khu vực giáp ranh hai nước.
Ngày 9/7, từ nguồn tin của người dân, cơ quan điều tra phát giác và thu giữ 297 phách gỗ pơ mu, với khối lượng hơn 31m3. Mở rộng phạm vi kiểm tra, công an huyện Nam Giang phát hiện, thu giữ tổng số 611 phách, 8 lóng gỗ tròn có khối lượng hơn 47m3. Sau đó, Công an Quảng Nam nhận định, vụ án xảy ra tại khu vực biên giới giữa Quảng Nam và Sê Kông, những người phạm tội có tổ chức chặt chẽ, có sự cấu kết, móc nối, liên quan đến nhiều người ở trong và ngoài tỉnh.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm vụ phá rừng pơ mu ở Quảng Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo pháp luật.
Ngày 21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng về vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng xảy ra tại khu vực biên giới huyện Nam Giang (Quảng Nam).
"Trong mấy ngày qua báo chí liên tục đưa tin về vụ phá rừng tự nhiên pơ mu tại tiểu khu 351, thuộc khu vực Rừng phòng hộ Nam Sông Bung. Về việc này, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật", văn bản hỏa tốc nêu.
Ngày 20/7, đại tá Nguyễn Viết Lợi (phải), cũng đã vào hiện trường vụ phá rừng để nhận đình tình hình, chỉ đạo công tác điều tra. Ảnh: Tiến Hùng.
Cũng trong ngày hôm nay, Cục Kiểm lâm đã liên hệ với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam để xin phép vào khu vực rừng bị phá tìm hiểu vụ việc. Đoàn công tác có cả đại diện Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh...
Về những cá nhân liên quan, một nguồn tin từ công an cho hay, cơ quan điều tra đã khoanh vùng được một số nghi phạm liên quan. "Toàn bộ tên tuổi, quê quán chúng tôi đã nắm hết rồi, đang báo cáo lên Ban giám đốc Công an tỉnh chờ chỉ đạo", nguồn tin này nói.
Diễn biến vụ phá rừng pơ mu
Ngày 9/7, người dân xã La Dêê phát hiện 280 phách gỗ pơ mu (28 khối) bị cưa xẻ theo quy cách, tập kết tại một khe suối cách Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc (thuộc Đồn Biên phòng La Dêê) khoảng 500 m nên trình báo chính quyền. Do khu vực này thuộc biên phòng quản lý nên công an và kiểm lâm sau đó phải xin phép để được vào hiện trường điều tra vụ việc.
Tại hiện trường, cơ quan điều tra xác định có ít nhất 60 cây pơ mu hàng trăm tuổi bị chặt hạ, nhiều cây khác bị cưa dở đang chờ ngã. Ngoài ra, một số cây thuộc địa phận Lào cũng bị khai thác. Khu vực rừng bị phá thuộc vùng cấm, chỉ cách địa phận Lào khoảng 100 m và nằm sát đường tuần tra của biên phòng. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam nói rằng "cấp dưới không biết vụ phá rừng và các bãi tập kết gỗ".
Sau khi vào hiện trường làm việc với lãnh đạo các ngành liên quan, ông Lê Trí Thanh (trái) đánh giá vụ việc cực kỳ nghiêm trọng. Ảnh: Tiến Hùng.
Ngày 15/7, vụ án được kiểm lâm khởi tố, chuyển hồ sơ sang Công an huyện Nam Giang tiếp tục điều tra. Chiều tối cùng ngày, công an phát hiện hơn 40 phách gỗ pơ mu bị giấu trong một căn nhà hoang, cách trạm biên phòng khoảng 15 m. Lực lượng biên phòng cũng phủ nhận liên quan đến số gỗ này.
Trưa 16/7, công an phát hiện và thu giữ 115 phách gỗ bị giấu ngay trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang, phía sau dãy nhà làm việc. Ông Lê Trung Thịnh, Chi cục Trưởng Hải quan Cửa khẩu Nam Giang, cho rằng số gỗ này do anh em hải quan được người khác cho, không liên quan đến vụ phá rừng. "Một số do công an và Hải quan Lào thấy trụ sở mình tạm bợ, khổ nên mang qua cho để anh em đóng bàn ghế, phòng ốc. Số còn lại các doanh nghiệp xuất khẩu qua đây cho cán bộ hải quan để sửa sang nhà cửa hoặc gỗ bị sứt, mục nên họ vứt lại, anh em thu gom đưa vào cơ quan để", ông Thịnh nói. Vị này sau đó bị tạm đình chỉ công tác để phụ vụ điều tra.
Tối 16/7, Công an huyện Nam Giang tiếp tục thu giữ hàng chục phách gỗ pơ mu giấu tại hai nhà dân cũng gần khu vực cửa khẩu này.
Đến trưa 17/7, công an lại phát hiện hai bãi tập kết gồm 85 phách gỗ pơ mu bị giấu trong bụi rậm. Hai bãi tập kết này cách trụ sở hải quan khoảng 50 m và cách Trạm Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc khoảng 500 m.
Ngoài những cây đã bị đốn hạ, nhiều cây khác bị cưa dở, đang chờ ngã. Ảnh: Tiến Hùng.
Trưa 19/7, công an lại phát hiện 66 phách gỗ pơ mu giấu dưới một con suối, sau lưng trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc. Công an nghi ngờ số gỗ này trước đó được giấu trong nhà kho của trạm biên phòng nhưng không đủ thẩm quyền để kiểm tra. "Ngày 15/7, chúng tôi đến thấy nhà kho biên phòng đóng cửa, nghi ngờ có gỗ bên trong nhưng công an không có thẩm quyền vào kiểm tra. Hôm đó, phía dưới con suối này chưa thấy gỗ nhưng hôm nay trở lại thì thấy ngổn ngang", một cán bộ công an tham gia thu giữ gỗ nói.
Chiều 19/7, theo thượng tá Nguyễn Trung, Phó phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Quảng Nam), cơ quan điều tra nhận được thông tin trinh sát báo về có một nhà kho thuộc vùng đệm cách trạm biên phòng không xa chứa khoảng 20 khối gỗ pơ mu. Các điều tra viên sau đó liên hệ với trạm biên phòng để được vào đây kiểm tra nhưng bị lực lượng này một mực từ chối vì cho rằng đây là vùng cấm.
Sau một đêm, sáng 20/7, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND Quảng Nam cùng nhiều lãnh đạo công an tỉnh, sở nông nghiệp, kiểm lâm, hải quan, bộ đội biên phòng... bất ngờ đến kiểm tra nhà kho này nhưng toàn bộ tang vật đã bị tẩu tán. "Trong nhà kho dấu vết xe vào vận chuyển rồi dấu gỗ tập kết vẫn còn rất mới in trên nền đất. Nếu biên phòng phối hợp nhịp nhàng, để chúng tôi vào đó thì gỗ đã được thu giữ", thượng tá Nguyễn Trung nói. Tìm kiếm xung quanh, các trinh sát chỉ phát hiện được 20 phách gỗ bị giấu gần nhà kho, ngay bên đường.
Trưa 20/7, ông Lê Trí Thanh cùng đoàn lãnh đạo băng rừng gần 2 tiếng để vào hiện trường cây pơ mu bị phá. "Quá khủng khiếp. Vụ việc cực kỳ nghiêm trọng", vị phó chủ tịch tỉnh thốt lên sau khi chứng kiến hoàng loạt cây pơ mu quý hiếm bị đốn hạ ngay tại vùng được xem là bất khả xâm phạm.
Chiều 20/7, một cuộc họp do ông Lê Trí Thanh chủ trì được tổ chức ngay tại Cửa khẩu Nam Giang. Tại đây, lãnh đạo nhiều ngành như kiểm lâm, công an và địa phương tỏ thái độ bức xúc với cách làm việc của biên phòng và đề nghị lực lượng này phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ việc.
Nhiều lãnh đạo các ngành, địa phương "tố" bộ đội biên phòng ngay tại cuộc họp sau khi ra khỏi hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: Tiến Hùng.
Ngày 21/7, theo thống kê của công an, 611 phách gỗ pơ mu (hơn 45 khối) đã bị lực lượng này thu giữ. Tuy nhiên, cơ quan điều tra nhận định còn rất nhiều gỗ đã bị tẩu tản. "Công an Lào cho hay, có một xưởng cưa gỗ cách biên giới khoảng 10 km chứa rất nhiều gỗ pơ mu. Số gỗ này đều từ Việt Nam tuồn qua", Phó phòng Cảnh sát kinh tế nói.
Tiến Hùng
Theo VNE
Đường dây phá rừng pơ mu ở Quảng Nam Nhóm lâm tặc được cho là có sự dung túng của lực lượng chức năng, tổ chức chặt chẽ từ khâu khai thác, vận chuyển, đến đưa qua Lào tập kết chờ hợp thức hóa thủ tục rồi tuồn trở lại Việt Nam tiêu thụ với giá cao. Nhà chức trách Quảng Nam đang khẩn trương điều tra, tìm những người liên quan...