Bắt 44 đối tượng dùng công nghệ cao lừa đảo dân Trung Quốc
Tối 4/11, đại tá Nguyễn Đức Cường, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự – PC45, Công an thành phố Hải Phòng, cho biết hồi 13 giờ 15 ngày 4/11, lực lượng chức năng đã đột nhập, kiểm tra 3 ngôi nhà có dấu hiệu hoạt động phạm tội và đã phá thành công chuyên án HĐL1, bắt giữ nhóm đối tượng mang quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc đang sống tại Hải Phòng có hành vi sử dụng công nghệ cao hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Trung Quốc.
Lực lượng Công an đã bắt giữ 44 đối tượng đang có hành vi gọi điện thoại quốc tế qua mạng Internet gồm 41 đối tượng người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan (trong đó có 14 nữ, 27 nam); 21 người mang quốc tịch Trung Quốc, 20 người mang quốc tịch Đài Loan; 3 đối tượng người Việt Nam, cùng nhiều tang vật là các máy vi tính, máy điện thoại bàn, sổ sách liên quan đến hoạt động phạm tội của nhóm đối tượng.
Lực lượng chức năng lấy lời khai của các đối tượng. (Ảnh: Lâm Khánh/Vietnam )
Theo Đại tá Nguyễn Đức Cường, trước đó, thông qua công tác nghiệp vụ trinh sát, Công an thành phố Hải Phòng thấy xuất hiện những nhóm người có quốc tịch nước ngoài thường đến địa bàn thành phố Hải Phòng thuê nhà ở dài hạn nhưng chỉ sống một thời gian ngắn sau đó bỏ đi đột ngột.
Đi sâu nắm tình hình phát hiện những nhóm người thường mang quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan nhập cảnh vào Việt Nam từ nhiều cửa khẩu khác nhau, sau đó di chuyển về cùng sống tại Hải Phòng. Nhóm người này thường có hơn 10 người (cả nam, nữ), thuê những ngôi nhà là khu biệt thự ở những nơi vắng người với hợp đồng khoảng một năm và thường xuyên ở trong nhà không giao tiếp với người xung quanh; mua nhiều đồ ăn sẵn, đóng gói và thuê người đến nấu ăn, giặt quần áo. Những người được thuê đến nấu ăn chỉ được sinh hoạt, đi lại, phục vụ ở tầng dưới cùng, không được lên tầng trên.
Nhóm đối tượng trên thường thuê các đường truyền Internet tốc độ cao và có đặc điểm thường chỉ ở một chỗ trong khoảng từ 1-3 tháng, sau đó bí mật chuyển chỗ ở (ở Hải Phòng, nhóm này đã thuê sáu địa điểm trong thời gian qua).
Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đến khoảng đầu tháng 10/2014, Công an thành phố Hải Phòng xác định nhóm đối tượng trên thuê một ngôi nhà tại Lô 34 khu biệt thự Anh Dũng, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng; đồng thời có thuê hai đường truyền Internet tốc độ cao. Trinh sát đã phát hiện các đối tượng thường thực hiện rất nhiều cuộc gọi (giao thức VOIP) gọi đến các số điện thoại cố định và di động ở Trung Quốc.
Video đang HOT
Kết hợp với Công an Trung Quốc xác minh các thông tin, Công an Hải Phòng có đủ tài liệu xác định nhóm đối tượng trên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Trung Quốc với phương thức giả danh dịch vụ chuyển phát nhanh thông báo cho người dân đang sống tại Trung Quốc nhận gói quà; sau đó tiếp tục giả danh Công an Trung Quốc gọi điện đến đe dọa người nhận điện thoại rằng, họ đang điều tra về nhóm đối tượng có hành vi rửa tiền với số lượng lớn…; tiếp đó thực hiện nhiều cuộc gọi trên mạng làm người bị hại tin, sợ và gửi tiền vào tài khoản do chúng yêu cầu để “Cơ quan Công an kiểm tra.”
Qua trao đổi thông tin với Công an Trung Quốc, Công an thành phố Hải Phòng đã xác định có bị hại là chị Lao Gia Gia đang sống tại Quảng Tây – Trung Quốc đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 220.000 nhân dân tệ. Chị Lao Gia Gia đã làm đơn tố giác; đồng thời, Công an Trung Quốc đã gửi công hàm đề nghị Công an Việt Nam giúp bắt giữ các đối tượng và tang vật để Công an Trung Quốc xét xử.
Phòng Cảnh sát Hình sự – Công an thành phố Hải Phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, các phòng chức năng điều tra mở rộng án./.
Theo Vietnam
Nữ sinh bị nhóm tội phạm công nghệ cao 'điều' đi hàng trăm km lừa sạch tiền
Nữ sinh không ngờ tự biến mình thành "miếng mồi thơm" cho tội phạm sử dụng công nghệ cao về thông tin để lừa đảo, bởi sự nhẹ dạ cả tin.
Nữ sinh bị nhóm tội phạm công nghệ cao lừa sạch tiền (Ảnh minh họa)
Nhà nghèo nên Trần Thị Kim Oanh (20 tuổi, ngụ Tổ dân phố 5, phường Đồng Sơn, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, sinh viên năm 2 khoa sư phạm tiểu học, Trường Đại học Quảng Bình) phải hằng ngày đến trường bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Thiếu nữ không khỏi chạnh buồn, nhưng thương cha mẹ vất vả mưu sinh, Oanh không bao giờ đòi hỏi. Một ngày, Oanh lóa mắt thấy tên mình trên dòng thông báo trúng giải độc đắc là chiếc xe máy Leberty trị giá 68 triệu đồng cùng với 50 triệu đồng tiền mặt, sau khi cô nhấn enter tham gia mục "rút thăm trúng thưởng" trên mạng internet . Nữ sinh không ngờ tự biến mình thành "miếng mồi thơm" cho tội phạm sử dụng công nghệ cao về thông tin để lừa đảo, bởi sự nhẹ dạ cả tin.
Muốn nhận thưởng, phải mất 10% thuế?
Cô sinh viên trẻ trung có gương mặt dễ thương, tươi tắn. Nhưng khi kể lại câu chuyện, mặt Oanh rầu rĩ, mắt cứ nhìn xuống đất hoài để giấu nỗi xót xa. Oanh kể, tối 4/9/2014, trong khi lướt Web, cô dừng lại ở địa chỉ Zalo.com.vn để tìm hiểu các đồ chơi trẻ em mà Công ty cổ phần Zalo (Đà Nẵng) thông tin cho khách hàng thì bỗng thấy mục "Rút thăm trúng thưởng" ở địa chỉ trang Web trên. Có nhiều giải thưởng, riêng giải độc đắc là một xe máy Leberty trị giá 68 triệu đồng cùng 50 triệu tiền mặt. Oanh ấn phím enter đồng ý tham gia cuộc chơi, với ý nghĩ "có mất gì đâu, biết đâu vận may sẽ đến".
Sáng hôm sau, hồi hộp vào địa chỉ trang Web trên, Kim Oanh như hoa mắt khi đọc dòng chữ: "Bạn đã may mắn trúng giải độc đắc cuộc chơi "Rút thăm trúng thưởng" do Zalo tổ chức kết thúc vào tối 5/9. Xin bạn vui lòng cho biết những thông tin sau đây để Ban tổ chức cuộc chơi tiến hành các thủ tục trao giải: "Họ tên, năm sinh, giới tính, số điện thoại, nghề nghiệp, chỗ ở". Trống ngực đánh thình thình, Oanh sung sướng đến trào nước mắt vì nghĩ mình gặp vận may hiếm có. Cô điền đầy đủ những thông tin theo yêu cầu với niềm vui khấp khởi.
Khoảng 10h sáng, điện thoại của Oanh réo vang, số máy người điện tới hiển thị là 096514356... Bấm nút, người ở đầu dây bên kia tự giới thiệu mình là Nguyễn Văn Thanh, trưởng ban tổ chức cuộc chơi "Rút thăm trúng thưởng" của Công ty Cổ phần Zalo Đà Nẵng. Sau những lời chúc mừng ngọt ngào, Thanh liền thông báo cho "người trúng thưởng độc đắc": "Phải nộp gấp 1,2 triệu đồng để làm thủ tục hồ sơ trúng thưởng. Phương thức nộp tiền là card điện thoại di động, gửi về theo số máy hiển thị của người gửi này". Kim Oanh phấn khởi làm theo không một chút đắn đo.
Thấy con mồi đã "cắn câu", khoảng 30 phút sau, "người đại diện Ban tổ chức cuộc chơi rút thăm trúng thưởng" lại thông báo tiếp cho Oanh: "Theo nguyên tắc tài chính, người trúng thưởng phải nộp 10% thuế cho Nhà nước là 6,8 triệu đồng để nhận xe máy. Vì vậy, trước 15h ngày 5/9 số tiền phải nộp đủ, nếu không thì Ban tổ chức sẽ chuyển cho người khác".
Nhà nghèo. Bấy lâu đi học không có xe máy. Mỗi ngày đạp xe từ nhà đến trường, từ trường về nhà hơn 8km, nắng thì đổ mồ hôi hột, mưa lại càng khổ hơn vì ướt nhẹp, nay "bỗng dưng" có xe máy loại xịn mà chỉ tốn khoản tiền nộp thuế thì còn gì bằng. "Em nói với mẹ. Mẹ mừng lắm nên đổ hết tiền lương tháng ba đưa cho mẹ dùng để chi tiêu cho cả nhà. Nhưng vẫn không đủ. Mẹ em phải tất tả sang mấy nhà hàng xóm vay mượn thêm để em gửi đi ngay, kẻo dịp may hiếm có mất đi", Kim Oanh buồn bã trần tình.
Gửi tiền bằng cách nào? Kim Oanh đang băn khoăn thì điện thoại có tin nhắn đến, cũng từ số máy thuê bao ấy, nội dung như sau: "Bạn chuyển tiền ngay vào tài khoản số 04003201188... của chủ tài khoản là Võ Đại..., Chi nhánh ngân hàng Sacombank Đà Nẵng". Theo địa chỉ đó, Oanh gửi tiền đi vào lúc 11h ngày 5/9 với hy vọng "lên đời".
Hồi hộp chờ đợi. Khoảng 9h hôm sau, tức ngày 6/9, Kim Oanh lại nhận được tin nhắn thông báo tiếp:"Thủ tục lấy xe để giao cho người trúng thưởng đã hoàn tất. Người nhận xe trong ngày mai có mặt tại 77 Võ Văn Tần, trụ sở của Công ty cổ Phần Zalo Đà Nẵng để nhận gấp. Nhưng, vì có khoản nhận thêm 50 triệu tiền mặt nữa nên người trúng giải phải chuyển gấp 5 triệu đồng theo tỉ lệ 10% để nộp thuế cho Nhà nước và 2,5 triệu tiền chiết khấu (chi phí cho những người trong Ban Tổ chức lo việc cho người trúng giải). Số tiền đó phải chuyển vào tài khoản gấp trong sáng nay để mọi việc thuận lợi, trôi chảy". Oanh trả lời: "Em sẽ nạp đủ 5 triệu, còn số tiền chiết khấu ấy khi đến nhận xe và tiền trúng thưởng em sẽ đưa luôn".
Ngã ngửa mắc lừa
Đâm lao thì phải theo lao. Lần này Kim Oanh đến lớp mượn tiền của bạn bè rồi đến ngân hàng Sacombank Đồng Hới gửi thêm 5 triệu và xin phép lớp nghỉ học 2 ngày. Sáng 7/9, Kim Oanh đón xe tốc hành vào Đà Nẵng. "Lúc đi, mẹ em còn dặn: "Nhận được xe, trở ra lại Quảng Bình, đi phải từ tốn, cẩn thận nghe con. Em "dạ" với mẹ mà lòng lâng lâng vui", thôn nữ nói trong ngấn lệ.
Đến Đà Nẵng, tìm đến 77 Võ Văn Tần thì chẳng thấy nhà nào ở đây và chung quanh chẳng thấy treo biển "Công ty CP Zalo". Cảm giác bị mắc lừa ập đến. Hai tay cô thiếu nữ run run bấm máy gọi Nguyễn Văn Thanh và nói rõ mình đang đứng trước 77 Võ Văn Tần, cần gặp anh.
Từ trong máy, giọng gã thanh niên đểu giả vang lên: "Anh đang ở Hà Nội. Chúc em may mắn nhé".Và hắn tắt máy. Trời đất như đổ sụp. Đến giờ phút đó, Oanh mới tá hỏa là mình đã bị mắc lừa. Ê chề cô gái nhẹ dạ cả tin bưng mặt khóc nức nở.
Trong gia đình, Oanh là chị cả. Đứa em trai đang học THCS. Bố Oanh là công chức nhà nước, làm việc ở một vùng cảng ở Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình). Mẹ Oanh yếu sức khỏe, nhưng vẫn bươn chải hàng ngày ở chợ Cộn (Đồng Sơn, TP.Đồng Hới) để cùng chồng nuôi 2 con ăn học. Thường khi sáng sớm, người mẹ lam lũ đạp xe vượt quãng đường cả đi lẫn về chừng 20 cây số, mua cá ở các thuyền đánh cá đưa về bán lấy lãi. Hơn một năm nay bà bị mắc bệnh hiểm nghèo nên thôi chạy chợ. Mọi chi tiêu trong nhà hoàn toàn dựa vào lương tháng của bố Oanh. Người bố theo công việc nên mỗi tháng chỉ về thăm nhà được một vài buổi lại đi.
Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn ngặt nghèo như vậy nên Oanh vẫn chưa có xe máy, mặc dầu mỗi ngày 2, có khi 4 lượt đạp chiếc xe cọc cạch từ nhà đến trường học bất kể nắng mưa. Thương con, người cha hứa sẽ mua xe máy cho con nhưng cứ lần lữa mãi chưa thực hiện được. Đầu năm học 2014 - 2015, đã lo áo quần, sách vở cho hai chị em và chi phí của các khoản nộp đầu học kỳ đã khá nhiều, nay lại bị kẻ gian lừa mất số tiền lớn như vậy, không những kế hoạch mua xe máy cho Oanh bị "phá sản" mà gia đình còn rơi vào cảnh khốn khổ vì nợ nần. Hỏi tại sao không tham khảo ý kiến bố trước khi làm những điều trên, Kim Oanh thật thà: "Em muốn tạo niềm vui bất ngờ cho bố. Bây giờ bố em vẫn chưa biết con gái bị lừa mất nhiều tiền như thế. Nếu biết chắc bố em buồn và lo lắm", thiếu nữ khóc.
Vì sự nhẹ dạ cả tin mà bản thân Oanh nợ tiền bạn bè, mẹ nợ hàng xóm. Cô đã đến trình báo Công an Quảng Bình. Cảnh sát đang vào cuộc xác minh, điều tra để tìm ra thủ phạm. Có lẽ không chỉ mình cô gái này đã sập bẫy bọn lừa đảo. PV đã truy cập vào trang Zalo.com.vn như nạn nhân cung cấp, tuy nhiên website cô gái tố cáo hiện đã không tồn tại.
Câu chuyện buồn của Oanh cũng là bài học cảnh tỉnh để người khác tránh trở thành "con mồi" của bọn tội phạm công nghệ cao.
Nguồn Thanh Hậu (Xa lộ pháp luật) Minh Phương
Lên Facebook rao mua thẻ ATM để lừa đảo qua điện thoại Giang lập trang Facebook để đăng mua các tài khoản ATM rồi bán lại cho các băng nhóm nước ngoài do người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu, dùng công nghệ cao giả cảnh sát để gọi điện lừa đảo. Chiều 9/10, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), công an TP HCM phối...