Bắt 4 cán bộ liên quan Đường ‘Nhuệ’: Cần soi lại nhiều vụ, xử lý người liên quan
Từ vụ việc khởi tố 4 cán bộ Sở ở Thái Bình, luật sư cho rằng cần phải xem xét nhiều vụ liên quan Đường “Nhuệ” để làm rõ trách nhiệm của những người bao che.
Liên quan vụ án Đường “Nhuệ”, ngày 16/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
4 bị can này là cán bộ ở Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình và Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình.
Theo tìm hiểu, 4 cán bộ bị bắt do liên quan đến hoạt động đấu giá đất ở tỉnh Thái Bình. Cụ thể những người này đã tiếp tay giúp Đường “Nhuệ” trúng đấu giá trong một số dự án trên địa bàn.
Về việc khởi tố các bị can trên, trả lời PV VTC News, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho biết, Điều 356 Bộ luật Hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định phạt tù tối đa 15 năm đối với phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên; thấp nhất bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 năm tùy theo mức độ thiệt hại.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico.
Cũng từ việc khởi tố 4 cán bộ thuộc Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, rất nhiều vụ liên quan vợ chồng Đường “Nhuệ” phải được xem lại, chưa kể tới những vụ sau đó.
“Những vụ án liên quan tới Đường “Nhuệ” như đánh người tại trụ sở Công an phường Trần Lãm (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình); đập phá, cướp tài sản doanh nghiệp, đe dọa giết người; ăn chặn tiền hỏa táng,… từ nhiều năm trước được báo chí phản ánh nhưng đều chìm xuồng. Trong khi việc phản ánh trên báo chí là một nguồn tố giác tội phạm, phải xem xét khởi tố vụ án.
Hành động của vợ chồng Đường “Nhuệ” ngang nhiên, trắng trợn. Đó không phải câu chuyện của dân, của xã hội đen mà là câu chuyện của Công an Thái Bình, của chính quyền từ thành phố tới tỉnh Thái Bình”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Theo phân tích của luật sư Trương Thanh Đức, cơ quan chức năng không thể không biết những hành vi của Đường “Nhuệ”. Thậm chí, việc này còn khiến người dân rất bức xúc khi những kẻ đó “làm tiền” trên cả xác chết.
“Buộc phải xem xét trách nhiệm mà chắc chắn trách nhiệm rất nghiêm trọng của những người trực tiếp liên quan”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng Luật sư Intrela (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra để xem xét vụ việc.
Nếu còn nhiều người có hành vi giúp sức cho tội danh trên thì tiếp tục phải giải quyết, xem xét dưới góc độ đồng phạm hay vai trò chủ mưu.
Nếu có sự kết nối với Đường “Nhuệ”, trường hợp này lại phải xem xét tới hành vi của Đường ‘Nhuệ’ có phải khống chế hoạt động đấu giá nhằm chiếm đoạt hoặc nhằm trục lợi hay không.
Như báo chí phản ánh, từ năm 2015 cho đến thời điểm bị bắt, băng nhóm Đường “Nhuệ” trên danh nghĩa Công ty Bất động sản Đường Dương, do Nguyễn Thị Dương (vợ của Nguyễn Xuân Đường) làm giám đốc, đã tham gia và trúng đấu giá hàng loạt cuộc đấu giá đất có giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Tại một số huyện Đông Hưng, Kiến Xương…, nhiều lần vợ chồng Đường “Nhuệ” trúng hầu hết các lô đất được đưa ra đấu giá.
Trong mỗi cuộc đấu giá, vợ chồng Đường “Nhuệ” thường dẫn theo vài chục đàn em xăm trổ kín mình đến thị uy; thậm chí khống chế, đe dọa người mua hồ sơ đấu giá, ngồi cùng người đấu giá để ép họ bỏ giá, hoặc phải bỏ giá thấp…
Sau mỗi đợt đấu giá, cặp vợ chồng này thường đăng lên Facebook những hình ảnh hàng xấp giấy tờ, thủ tục, chứng nhận trúng đấu giá tại các vị trí đắc địa có giá trị từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng để chứng tỏ.
Liên quan đến vụ việc, Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình Trần Hữu Hiệp cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang về làm việc với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở về hoạt động đấu giá đất liên quan đến băng nhóm Đường “Nhuệ”.
Ngoài ra, Công an tỉnh cũng đang thu thập hồ sơ từ Trung tâm phát triển quỹ đất của các huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Tiền Hải, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, TP Thái Bình… để phục vụ công tác điều tra.
Video: Khởi tố 4 cán bộ ở Thái Bình ‘giúp sức’ cho vợ chồng Đường Dương
MINH KHANG – NGUYỄN HUỆ
Vụ Đường Nhuệ: Tiết lộ bất ngờ từ Giám đốc đấu giá trước lúc bị bắt
Trước khi bị bắt, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình đã có những chia sẻ với PV về áp lực của mình và gia đình trước Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ).
Liên quan đến vụ bắt giữ vợ chồng Đường Nhuệ, Nguyễn Thị Dương (vợ Đường, Giám đốc 1 công ty bất động sản ở Thái Bình), căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đồng thời, cơ quan này cũng khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, chỗ làm việc để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật hình sự đối với Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình cùng 3 người khác.
Trước lúc bị bắt, bị can Phạm Văn Hiệp (SN 1984, trú tại Tổ 36, phường Trần Lãm, TP.Thái Bình, là Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình) đã từng có những chia sẻ về áp lực liên quan đến Đường Nhuệ.
Như lãnh đạo Sở Tư pháp đã thông tin với Dân Việt, tại cơ quan, Phạm Văn Hiệp là đấu giá viên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành về mọi hoạt động của trung tâm và thực hiện nhiệm vụ của đấu giá viên trong các cuộc đấu giá do Hiệp chủ trì.
Trước khi bị bắt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thừa nhận việc đã bị Đường Nhuệ o ép, gây áp lực trong thời gian vợ chồng nhà này tham gia các cuộc đấu giá đất.
Theo lời chia sẻ của bị can Hiệp trước khi bị bắt vì có liên quan đến Đường Nhuệ, Hiệp biết việc vợ chồng Đường Nhuệ tham gia vào nhiều cuộc đấu giá đất trên địa bàn Thái Bình.
Về việc vợ chồng Đường Nhuệ thường trúng nhiều lô đất tại các buổi đấu giá, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản này nói đó là chuyện bình thường. Theo ông này, việc trúng đấu giá của nhà Đường Nhuệ là do trả giá cao hơn.
Đáng chú ý, chính vị này cũng thừa nhận bản thân và gia đình đã từng bị Đường Nhuệ cùng đàn em đe doạ, tạo áp lực trong thời gian 2 vợ chồng Đường Nhuệ tham gia đấu thầu đất.
Việc này đã diễn ra trong một thời gian dài, bị can Hiệp trước đó cũng đã trình báo tới cơ quan công an.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, vợ chồng Đường, Dương là những cái tên không hề xa lạ ở những cuộc đấu giá đất trên khắp các địa bàn ở tỉnh Thái Bình.
Việc Dương trúng liền một mạch 20 lô đất với giá trúng đấu giá sát sạt với giá khởi điểm khiến dư luận vô cùng băn khoăn về buổi đấu giá này.
Thường là Nguyễn Thị Dương sẽ đứng tên và vào phòng đấu giá để thực hiện đấu giá đất, Đường Nhuệ và đàn em đi cùng, tuy nhiên chúng chỉ ở ngoài.
Có những buổi đấu giá, vợ chồng Đường Nhuệ trúng liền tù tì vài chục lô đất với giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất khá bất ngờ so với giá khởi điểm được thông báo.
Cụ thể, vào năm 2018, theo tìm hiểu của PV, trong cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Đông Phương (Đông Hưng, Thái Bình), Nguyễn Thị Dương đã trúng liền một mạch 20 lô đất.
Tuy nhiên, đó chưa phải là điều bất ngờ, bởi giá khởi điểm cả khu đất và giá trúng của vợ chồng Đường Nhuệ là điều làm nhiều người bàn cãi.
Đường Nhuệ cũng được xác định trực tiếp tham gia đấu giá đất ở nhiều địa điểm, có lần Đường trúng 20/24 lô đất đấu giá.
Giá khởi điểm của cả khu đất mà vợ chồng Đường Nhuệ tham gia đấu giá là 6.516.900.000, giá trúng mà vợ chồng Đường Nhuệ phải nộp là 6.526.800.000, chênh nhau đúng chưa đầy 10 triệu đồng.
Điều này khiến dư luận đặt ra vấn đề liệu có vấn đề nào đó xuất hiện ở cuộc đấu giá này hay không, khi việc Dương trúng đấu giá 20 lô đất có diện tích nhỏ nhất từ 212m2 đến 220m2 với giá sát sạt giá khởi điểm như vậy.
Hay như ở huyện Kiến Xương, vợ chồng Đường Nhuệ cũng từng gây rúng động khi Đường khoe lên mạng xã hội việc trúng hơn 30 lô đất trên tổng số 46 lô được đem ra đấu giá.
Vị Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trước lúc bị bắt cũng từng bác bỏ điều này, rằng đó là sai sự thật. Cùng ý kiến như ông Hiệp, Chủ tịch UBND xã Vũ Ninh (nơi có cuộc đấu giá 46 lô đất mà Đường Nhuệ khoe) cũng khẳng định thông tin đó hoàn toàn sai.
Nguyễn Xuân Đường là cái tên phủ khắp ở trong thông báo kết quả đấu giá tài sản này.
Người đấu giá hôm đó là vợ Đường, theo sổ sách thì Dương chỉ trúng có 5 lô đất trong ngày đấu giá ở huyện Kiến Xương hôm đó.
Ở xã Lô Giang (Đông Hưng), vào năm 2019, theo tài liệu mà PV có được, theo thông báo kết quả đấu giá tài sản của một doanh nghiệp đấu giá tư nhân tổ chức đấu giá quyền sử dụng 24 lô đất thuộc địa phận thôn An Bình, Đường Nhuệ đã trúng đấu giá liên tục tới 20 lô trên địa bàn này.
Phạm Hiệp
Vì sao khi có tân giám đốc công an, nhiều băng nhóm tội phạm mới bị triệt phá? Các chuyên gia lý giải việc chỉ khi có tân giám đốc công an thì hàng loạt băng nhóm tội phạm khét tiếng ở các tỉnh, thành mới bị triệt phá. Tháng 10/2019, Bộ Công an điều động, bổ nhiệm hàng loạt Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đồng...