Basel II: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…
Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng theo phân công của Chính phủ vừa được công khai lấy ý kiến, trong đó một vấn đề được đặt ra là 70% ngân hàng phải thực hiện đầy đủ chuẩn mực vốn Basel II vào năm 2020.
Ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (TCTD), Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sau những tồn tại, yếu kém, tổn thất phát sinh từ nguyên nhân quản trị, điều hành, các TCTD đã tập trung nâng cao năng lực quản trị, phát triển các hệ thống quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Đồng thời, rà soát hoàn thiện hệ thống các chính sách, quy trình, thủ tục về các lĩnh vực nghiệp vụ; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định, quản lý tín dụng. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng…
Cụ thể, ngày 17/3/2014, NHNN đã có công văn số 1601 gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc triển khai thực hiện quy định an toàn vốn theo Basel II theo lộ trình: đến cuối năm 2015, 10 ngân hàng thương mại trong nước được lựa chọn thực hiện phương pháp cơ bản của Basel II. Cuối năm 2018, 10 ngân hàng thương mại trong nước được lựa chọn thực hiện từ phương pháp tiêu chuẩn trở lên theo Basel II; các ngân hàng thương mại trong nước khác thực hiện từ phương pháp cơ bản trở lên theo Basel II…
Lãnh đạo NHNN lý giải, so với các chuẩn mực vốn Basel trước đó, chuẩn mực vốn Basel II đã có những thay đổi cơ bản về cách tiếp cận. Theo đó, Basel II không chỉ yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn một cách toàn diện và tiến bộ hơn (Trụ cột I) mà còn yêu cầu TCTD phải tự đánh giá mức độ đủ vốn, quản lý rủi ro và yêu cầu của cơ quan giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra, giám sát về vốn, quản lý rủi ro của TCTD (Trụ cột II); yêu cầu TCTD công khai thông tin theo kỷ luật thị trường (Trụ cột III).
Do đó, bên cạnh các giải pháp như sáp nhập, hợp nhất, xử lý các ngân hàng yếu kém… được nêu trong Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD thì giải pháp triển khai Basel II được coi là trọng tâm của NHNN. Vì đây là giải pháp thay đổi về chất và có tính chiến lược, tạo nền tảng phát triển bền vững cho hệ thống TCTD nói chung và từng TCTD nói riêng theo đúng chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện được chính người trong cuộc (các NHTM, lãnh đạo NHNN) thừa nhận là: “Chậm chạp, không được như mong muốn”. Thực tế, chỉ một số ít ngân hàng có động thái triển khai thực hiện.
Video đang HOT
VietinBank với sự tài trợ từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã triển khai một vài dự án nội bộ, như triển khai quy trình đánh giá an toàn vốn nội bộ (ICAAP). Tại Hội thảo do Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với IFC tổ chức trung tuần tháng 8 vừa qua, bà Lê Anh Hà, Phó Giám đốc khối Quản lý rủi ro VietinBank cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình hoàn thiện sự án ICAAP và thực hiện được trên 80% khối lượng công việc, tiến tới đáp ứng các mục tiêu sau: Đối với HĐQT, đáp ứng yêu cầu của Trụ cột II của Basel II; tăng cường sự tham gia và trách nhiệm của HĐQT trong công tác quản lý vốn tự có.
“Về kế hoạch vốn: xây dựng phương pháp lập kế hoạch vốn tự có nội bộ đảm bảo; Phân bổ vốn: xây dựng phương pháp phân bổ vốn tự có cho các đơn vị kinh doanh để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn tự có; xây dựng hệ thống báo cáo giám sát việc sử dụng vốn tự có; Định giá theo rủi ro; Phối hợp: chuẩn hóa quy trình phối hợp giữa bộ phận quản lý vốn, bộ phận lập kế hoạch kinh doanh, bộ phận quản lý rủi ro và các đơn vị kinh doanh…”, bà Hà cho biết.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng đang triển khai thực hiện Basel II như VIB; hay VPBank dù chưa có nhà đầu tư chiến lược nhưng cũng bắt đầu triển khai do nhu cầu nội tại.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết, việc triển khai Basel II hiện có các khó khăn, thách thức cần được xử lý, đó là: khuôn khổ pháp lý liên quan (kế toán, tài sản bảo đảm…) còn bất cập; các thị trường chính thức chưa phát triển đẩy đủ; nguồn nhân lực và năng lực tài chính của các TCTD còn hạn chế; bộ máy quản lý rủi ro hoạt động chưa thực sự hiệu quả; cơ sở dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được các yêu cầu quản lý rủi ro theo Basel II.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo của một ngân hàng có vốn nhà nước cho biết: “Sự phối hợp ngay chính giữa các phòng ban trong ngân hàng về việc triển khai Basel II cũng vô cùng hạn chế, khiến cho tiến trình trở nên chậm chạp. Bên cạnh đó, thông tin giữa các ngân hàng về việc thực hiện đến đâu, như thế nào cũng gần như không có chính xác”.
Tuy vậy, lãnh đạo một công ty tư vấn cho biết, thực tế hiện nay việc triển khai Basel tại các ngân hàng đang làm chậm, mà nguyên do chính là gần như NHNN không thúc giục.
“NHNN đang có quá nhiều việc ưu tiên hơn và thiếu người để quan tâm tới câu chuyện này. Đó là chưa kể việc để có người chuyên sâu, hiểu biết về Basel là cả vấn đề lớn, bởi việc ra chính sách phải nghiên cứu kỹ xem ảnh hưởng và tác động đến thị trường như thế nào?”, vị lãnh đạo trên nói.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nói: “Basel II không chỉ là các quy định với ngân hàng thương mại, mà còn có những quy định đối với cơ quan giám sát ngân hàng, ở đây là NHNN. Triển khai Basel xong từng công đoạn, “ai” sẽ xác nhận “đồ ăn nấu chín hay chưa vẫn chín” khi chính cơ quan quản lý cho đến thời điểm này chưa công bố được quy trình xác nhận”.
Theo thông tin PV nhận được, trong tuần qua, NHNN đã có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng với nội dung thúc đẩy thực hiện Basel II và phần lớn vẫn xoay quanh Công văn số 1601 trước đây. Dự kiến, trong tháng 9 tới, Thông tư tính vốn theo Basel II sẽ chính thức được ban hành.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Tài sản của các ngân hàng thương mại nhà nước tăng mạnh
Tổng tài sản và vốn tự có của toàn hệ thống vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong tháng 6, tuy nhiên vốn điều lệ của toàn hệ thống giảm nhẹ 161 tỷ đồng.
Tổng tài sản và vốn tự có của toàn hệ thống vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong tháng 6, tuy nhiên vốn điều lệ của toàn hệ thống giảm nhẹ 161 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)
Bất chấp những khăn của nền kinh tế và yêu cầu trích lập dự phòng, khối tài sản của các ngân hàng thương mại vẫn tăng mạnh trong hơn 6 tháng đầu năm. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, khối ngân hàng thương mại Nhà nước có tốc độ tăng cao nhất khi trong tháng 6 tổng tài sản của khối này đã tăng thêm 116.798 tỷ đồng lên mức 3.522.520 tỷ đồng.
Tiếp đó là khối ngân hàng thương mại cổ phần khi tổng tài sản của khối này cũng tăng 99.807 tỷ đồng lên mức 3.154.574 tỷ đồng.
Khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài đứng thứ ba với mức tăng 15.450 tỷ đồng lên mức 828.948 tỷ đồng.
Trong tháng 6, tổng tài sản của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tăng 4.182 tỷ đồng lên mức 154.368 tỷ đồng, trong khi Ngân hàng Hợp tác tăng 161 tỷ đồng lên mức 24.056 tỷ đồng...
Như vậy, tính đến ngày 30/6/2016 tổng tài sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt 7.868.261 tỷ đồng, tăng 237.003 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 5 và tăng 548.948 tỷ đồng (tương đương tăng 7,5%) so với cuối năm 2015.
Trong tháng, ngoại trừ vốn tự có của ngân hàng Hợp tác vẫn ổn định ở mức 3,6 nghìn tỷ đồng, vốn tự có của tất cả các khối đều tăng. Trong đó vốn tự có của khối NHTM Nhà nước tăng mạnh tới 5,6 nghìn tỷ đồng lên 212 nghìn tỷ đồng; khối NHTMCP tăng 4,4 nghìn tỷ đồng lên 244 nghìn tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài tăng 395 tỷ đồng lên 126 nghìn tỷ đồng...
Tuy nhiên vốn điều lệ của toàn hệ thống giảm nhẹ 161 tỷ đồng xuống còn 469,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 6. Mặc dù vậy so với cuối năm 2015, vốn điều lệ của toàn hệ thống vẫn tăng 9,4 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 2,05%.
Sở dĩ vốn điều lệ của toàn hệ thống giảm trong tháng 6 là do vốn điều lệ của khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài giảm 214 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn điều lệ của khối NHTM Nhà nước tăng 23 tỷ đồng; vốn điều lệ của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tăng 32 tỷ đồng.
Nếu xét về giá trị tuyệt đối, khối NHTMCP cũng đang dẫn đầu về vốn điều lệ với 196 nghìn tỷ đồng; kế đến là khối NHTM Nhà nước với 137 nghìn tỷ đồng; thứ ba là khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài với 100 nghìn tỷ đồng.
Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp
CEO VietBank: "Làm ngân hàng phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu hội nhập" Trò chuyện với ĐTCK dịp đầu năm, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) cho biết, cạnh tranh ở lĩnh vực ngân hàng sẽ gia tăng áp lực lên hoạt động năm 2016. Nguồn nhân lực là tài sản lớn của ngân hàng Kiểm soát rủi ro nợ xấu và đạo đức của cán bộ tín...