‘Bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái’
Sáng ngày 8/10 tại Lạng Sơn, Tổng cục Dân số-KHHGĐ phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ Mít tinh cổ động, diễu hành hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10/2019 với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.
Mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay ở một số quốc gia châu Á đang là một trong những thách thức to lớn của công tác dân số nên được các nhà quản lý, các nhà khoa học và cả thế giới quan tâm giải quyết.
Ở Việt Nam, từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái, 10 năm sau đến cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tỉ số này là 110,5 và tăng lên 113,8/100 năm 2013, cho đến nay tỉ số này vẫn dao động xung quanh ngưỡng 114,8/100. Mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng, cả nông thôn, thành thị và tại tất cả các vùng miền. Cả nước đã có 55/63 tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108/100. Riêng tại tỉnh Lạng Sơn, tỷ số giới tính khi sinh là 116,3 năm 2018, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ cho biết, giữa bất bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta có mối quan hệ quyết định đến nhau. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đó là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ
Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động. Các quan niệm xã hội và tín ngưỡng đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn. Theo phong tục ở nhiều địa phương chỉ có con trai được thừa kế tài sản của cha mẹ, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng, chính sách sinh ít con kéo dài… Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Văn hóa – xã hội phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều phong tục cũ không còn phù hợp với xã hội hiện đại, tư tưởng bất bình đẳng giới cần phải được xóa bỏ.
Các đại biểu tham dự tại lễ mít tinh cổ động, diễu hành hưởng ứng “ Ngày Quốc tế trẻ em gái”
“Vì thế một giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ chia sẻ.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng. Sẽ tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm; làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội, suy giảm sức khoẻ, sức khỏe sinh sản do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục ở nam giới…
Hiện nay, đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm chủ động kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định “giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tới” của công tác dân số; Pháp lệnh dân số, Luật Bình đẳng giới và các Nghị định của Chính phủ đã quy định “ Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức“.
Một số giải pháp và hoạt động can thiệp đã được triển khai tại cộng đồng, nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân vào việc giải quyết tình trạng MCBGTKS.
Ngày 23/3/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 nhằm can thiệp đồng bộ, toàn diện cả về lãnh đạo, chỉ đạo, truyền thông vận động chuyển đổi hành vi, thanh tra xử lý vi phạm và thực hiện các chính sách hỗ trợ triển khai tại các tỉnh, thành phố có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Hiện nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án của Chính phủ về kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025 của địa phương nhằm tích cực triển khai các hoạt động can thiệp để kiềm chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
An Khê
Theo phunuvietnam
Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, sở, ngành trong tỉnh, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả tích cực, góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập và phát triển toàn diện.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ sẽ tạo môi trường tốt để trẻ học tập, tu dưỡng, rèn luyện và trưởng thành.
Theo số liệu thống kê của Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) toàn tỉnh hiện có 890.976 trẻ em dưới 16 tuổi với trên 42.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) (chiếm 4,8%). Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích vẫn còn xảy ra, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, ảnh hưởng tiêu cực, gây hiệu ứng không tốt trong đời sống xã hội. Trước thực tế đó, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em đã được tăng cường và đẩy mạnh ở các cấp, các ngành, đặc biệt là ở cơ sở và được lồng ghép với nhiều nội dung phong phú liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong năm 2017 và 2018, Sở LĐTB&XH đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội nghị truyền thông trực tiếp cho hàng ngàn cán bộ địa phương, cha mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và hơn 3.000 trẻ em về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại tình dục... Các trường học trong tỉnh đang triển khai phong trào thi đua "Trường học an toàn" và "Cộng đồng an toàn", tăng cường quản lý, giám sát và theo dõi học sinh trong thời gian học ở trường; xây dựng mô hình "Cổng trường an toàn giao thông". Đáng chú ý là sau những đợt tuyên truyền, người dân đã hiểu hơn nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng của tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Một số nạn nhân và gia đình phản ánh kịp thời những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ đến các cơ quan chức năng, góp phần đưa nhiều vụ việc ra ánh sáng. Cùng với việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, bảo vệ con em của mỗi gia đình, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm ưu ái đặc biệt đối với trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em vùng khó khăn, trẻ em có HCĐB. Điều đó đã trực tiếp tác động đến việc thực hiện các mục tiêu chương trình hành động vì trẻ em Thanh Hóa nói chung, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện nói riêng cho mọi trẻ em.
Do thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, 89,1% trẻ em có HCĐB và có nguy cơ rơi vào HCĐB được trợ giúp, chăm sóc để có cơ hội phát triển công bằng, bình đẳng so với các nhóm trẻ em khác; 100% trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em lao động sớm, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, trong đó đã duy trì và xây dựng được 569 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, đạt 89,6% (tăng 6,5% so với năm 2017 và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2018 là 2,5%), quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em thực hiện đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ, ngày 5-10-2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 116 triển khai Quyết định 06 ngày 3-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu của kế hoạch là chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào HCĐB và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực, tạo cơ hội, để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội, phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ và nhân cách. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 95% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Từ năm 2020 trở đi, hằng năm có từ 95% đến 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Nội dung thực hiện tập trung vào truyền thông nâng cao nhận thức, cũng như nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; kiểm tra, giám sát công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là tình cảm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội. Để phong trào đạt hiệu quả, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành LĐTB&XH sẽ phối hợp với các ban, sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của các ngành, đoàn thể trên địa bàn về công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Trong đó, tạo điều kiện cho trẻ em được chăm sóc giáo dục và phát triển toàn diện về mọi mặt, phòng ngừa và giúp đỡ các đối tượng trẻ em có HCĐB và nguy cơ rơi vào HCĐB, giảm dần tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về Luật Trẻ em, công tác phòng chống xâm hại trẻ em bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Ngoài ra, các nhà trường, các đoàn thể và gia đình cũng cần tăng cường giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích, xâm hại... cho trẻ, nhất là tai nạn giao thông và đuối nước - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ em. Các cấp chính quyền quan tâm đầu tư sửa chữa, xây mới các điểm vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh cho trẻ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm dẫn đến mất an toàn, tai nạn đối với trẻ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ sẽ tạo môi trường tốt để trẻ học tập, tu dưỡng, rèn luyện và trưởng thành.
Bài Và Ảnh: Trần Hằng
Theo baothanhhoa
Lãnh đạo TP.HCM: Điều tra, xử lý những kẻ 'chăn dắt' ăn xin Ông Lê Thanh Liêm yêu cầu công an điều tra, xử lý những kẻ "chăn dắt" người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và những người yếu thế khác để tổ chức ăn xin. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND 24 quận, huyện giải quyết tình trạng một số...