Bảo vệ thú rừng: cuộc chiến luẩn quẩn
Bảo vệ thú rừng được coi là cuộc chiến không bao giờ kết thúc…
Một nồi cao voọc đang bốc khói, người nấu cao này là chủ một quán ăn ở Ba Tơ, Quảng Ngãi, đã mua ba con voọc chà vá chân đen với giá 5 triệu đồng – Ảnh: VIỄN SỰ
Ông Nguyễn Trọng Huynh – trạm trưởng Trạm kiểm lâm vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) – kể khi nhìn thấy bầy voọc chà vá chân đen bị hai thợ săn Đặng Minh Khắc và Nguyễn Phương Tuấn sát hại rồi rạch bụng, moi ruột (Tuổi Trẻ ngày 21-7), nếu không phải đang làm nhiệm vụ có lẽ mọi người đã cho cả hai no đòn bởi sự tàn nhẫn với bầy voọc.
Nhưng khi cả hai bị còng tay, lầm lũi bị áp giải gần nửa ngày để về tới trại tạm giam, ông Huynh nói cảm thấy rất mủi lòng. Không chỉ vì cái án tù mà Tuấn và Khắc sắp phải nhận, mà còn bởi gia cảnh họ quá nghèo. Khi khám hành trang đi săn, kiểm lâm chỉ thu được một bọc gạo, muối, ít cá khô và 60.000 đồng tiền lẻ. Số tiền ít ỏi đó, Tuấn và Khắc nói nếu săn trót lọt sẽ đủ để đổ xăng, chở voọc về tới quê nhà Ninh Hòa (Khánh Hòa), cách Núi Chúa 150km.
Người và thú đều khổ
Đáng tiếc và đáng trách Cách đây ba năm, khi con bò tót đầu đàn nặng gần 1 tấn về sống chung với bò nhà tại vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận), những người làm công tác bảo tồn thú quý hiếm đã coi đây là cơ hội vàng quý giá để nghiên cứu về loài vật có tên trong Sách đỏ VN. Thế nhưng, ông Nguyễn Công Vân – giám đốc vườn quốc gia Phước Bình – nói đã ba năm nay ông làm đề xuất, kiến nghị đến nhiều nơi xin kinh phí bảo vệ, bảo tồn con bò tót quý hiếm này nhưng chưa nơi nào trả lời. Kể cả đến nay khi bò tót giao phối với bò cái nhà, đẻ ra chín con bê lai bò tót (Tuổi Trẻ 12-5-2012) – một sự kiện sinh học hi hữu, nhưng cũng chưa có nơi nào cấp kinh phí để bảo tồn bầy bò lai này, trong khi thương lái rình rập, chèo kéo chủ bò suốt đêm ngày.
Tàn sát voọc để đổi lấy cuộc sống bớt bần hàn, Tuấn và Khắc tất nhiên không thể lấy điều đó để bào chữa cho hành vi dã man của mình, đồng thời đó cũng là điều vi phạm pháp luật. Nhưng câu chuyện đói nghèo, liều lĩnh săn bắn thú rừng trái phép của họ là một mẫu số chung mà trong hành trình qua các khu bảo tồn, vườn quốc gia chúng tôi đều thấy.
Câu chuyện nóng bỏng và đang rất thời sự đó chúng tôi đã ghi nhận tại Trà Bui (Bắc Trà My, Quảng Nam) từ rất nhiều năm trước cho đến tận hôm nay. Đó là gần 5.000 người dân khu tái định cư Trà Bui, sau khi nhường đất cho thủy điện Sông Tranh 2 vẫn phải sống “tầm gửi” vào những cánh rừng nguyên sinh của khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, khi họ không thể mưu sinh bằng những gì mà khu tái định cư cấp cho.
Và không chỉ mỗi Trà Bui, người dân cũng phải sống dựa vào rừng ở hai khu tái định cư Cutchrun và Alua-Kala sau khi nhường đất cho thủy điện Sông Tranh 2. Một vòng luẩn quẩn ở những nơi này: thủy điện làm người dân đói nghèo vì mất kế mưu sinh, và rồi họ gây áp lực với gỗ và thú rừng.
Ông Trần Văn Thu, nguyên giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, nói thủy điện Sông Tranh 2 và chi chít những thủy điện khác ở thượng nguồn Thu Bồn và Vu Gia đã dồn thú rừng vào những khu bảo tồn. Nhưng không tái định cư ổn định được cho người dân, thủy điện đã đẩy luôn người dân và thú rừng vào thế “đối đầu” trong cuộc chiến sinh tồn ngay tại các khu bảo tồn. Dĩ nhiên phần thắng luôn thuộc về con người. Và vòng luẩn quẩn ấy đã gây nên hệ quả mà ông Thu minh chứng bằng hàng trăm kilôgam bẫy dây, bẫy kẹp, lên tới cả ngàn chiếc từ nhà kho của khu bảo tồn.
“So le” chính sách
Con sơn dương ở rừng A Lưới được cứu sống dù mắc bẫy kẹp đứt gần lìa guốc chân trái trong phóng sự “Những bức ảnh nhói lòng từ rừng xanh” (Tuổi Trẻ 22-7) là một trong những con thú dính bẫy may mắn nhất ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Bởi không phải nơi nào cũng có đầy đủ nhân lực và phương tiện để giải cứu thú rừng như ở khu bảo tồn sao la A Lưới. Từ đầu năm 2011, khi vùng rừng 12.000ha có độ đa dạng sinh học cao nhất trong các khu bảo tồn dọc đường Hồ Chí Minh này đã được Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) hỗ trợ kinh phí thành lập khu bảo tồn sao la A Lưới thì việc săn bắt thú rừng giảm hẳn. Khu bảo tồn này hiện có bốn nhóm tuần tra với hơn 20 thành viên, thường xuyên tuần tra trong rừng sâu 22 ngày/tháng, với mức lương từ 7 triệu đồng/người/ tháng trở lên. Mỗi tháng các nhóm tuần tra ở A Lưới gỡ gần 1.500 chiếc bẫy thú và giải thoát nhiều thú rừng mắc bẫy. Nếu không, có lẽ sẽ có rất nhiều thú rừng bị đưa lên bàn nhậu.
Nhưng chỉ cách A Lưới hơn 70km, khu bảo tồn thiên nhiên Đắkrông (Quảng Trị) lại rơi vào tình cảnh trái ngược hoàn toàn. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc thịt rừng được bày bán ở nhiều nơi trên đường Hồ Chí Minh và đường 9, ông Hoàng Ngọc Tiến – giám đốc kiêm hạt trưởng Hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên Đắkrông – thừa nhận: “Chi chứ chuyện săn bắn với khai thác gỗ là chắc chắn phải có, anh em chỉ hạn chế chứ không mần răng xử lý triệt để được”. Ông Tiến đưa ra so sánh: diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên Đắkrông (trên 42.000ha) rộng hơn bốn lần A Lưới, cộng thêm vùng đệm sẽ hơn 50.000ha. Nhưng Đắkrông chỉ có ba trạm với 16 nhân viên, trong đó chỉ sáu người có biên chế, còn lại là hợp đồng (không có trang phục chuẩn và không được sử dụng công cụ hỗ trợ). “Chừng nớ người răng tuần tra cho xuể được” – ông Tiến bày tỏ khó khăn.
Tương tự, nghe chúng tôi kể về mức lương 7 triệu đồng/người/tháng của các nhân viên tuần tra ở khu bảo tồn sao la A Lưới, ông Nguyễn Trọng Huynh nói đó mãi là con số mơ ước của anh em kiểm lâm và cán bộ vườn quốc gia Núi Chúa. Ông Huynh cho biết ngoài lương tháng, một chuyến tuần tra (ít nhất 2-3 ngày) mỗi kiểm lâm chỉ được hỗ trợ 50.000 đồng. “Chừng đó chưa đủ cho anh em mua thêm gạo, mắm chứ nói gì đến việc bù đắp máu và mồ hôi của anh em chống chọi với thợ săn, lâm tặc” – ông Huynh bày tỏ.
Và có lẽ câu chuyện về sự “so le” trong chế độ, chính sách đãi ngộ với những cán bộ, kiểm lâm bảo vệ rừng ấy cũng đang tạo thêm sự phong phú cho cái vòng luẩn quẩn trong việc bảo vệ thú rừng.
VIỄN SỰ – TẤN VŨ
Thề không ăn thịt thú rừng
Những chiếc bẫy dây được gỡ từ vùng rừng khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam) – Ảnh: VIỄN SỰ
Video đang HOT
Dù là ngày chủ nhật, nhưng cũng đã có gần 100 email phản hồi về trang phóng sự ảnh “Những bức ảnh nhói lòng từ rừng xanh” trên Tuổi Trẻ 22-7. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến…
* Xem những bức ảnh về việc thú rừng bị dính bẫy này mà tôi muốn chảy nước mắt. Trong thiên nhiên, mỗi loài vật đều có những mánh khóe, mưu mẹo riêng để sống, để tồn tại, để cạnh tranh… nhưng có lẽ so với con người thì chúng quá đỗi ngây thơ, khờ khạo, không thể lường hết được những cái bẫy của thợ săn giăng khắp nơi trong rừng già. Nguyên nhân chung quy đều do sở thích ăn thịt thú rừng, lòng tin về khả năng chữa bệnh của các sản phẩm từ thú rừng của một số người, chủ yếu là những người nhiều tiền.
Trần Việt Tiến
* Ai biết nói tàn nhẫn, ai cảm động trước những hình ảnh này thì đừng bao giờ ăn thịt thú rừng. Khi bạn muốn ăn thì hãy nhớ lại những cảnh này nhé.
Nguyễn Vĩnh Khang
* Không phủ nhận tôi cũng từng “xơi” một vài thứ thịt thú rừng trong những buổi nhậu nhẹt. Nhưng khi xem bài báo và xem những hình ảnh này, tôi thật sự bị sốc! Phải chứng kiến tận nơi, tận cảnh thế này mới hiểu được những tiếng kêu nhói lòng từ rừng xanh! Tôi thề không bao giờ ăn thịt thú rừng nữa. Mọi người hãy chia sẻ hình ảnh này cho nhau, đó là cách tốt nhất để không còn hoặc giảm bớt những tiếng kêu nhói lòng kia.
so_crazy_rock@…
* Không có cầu thì nguồn cung cấp tự biến mất. Bên cạnh phạt người đi săn, hãy phạt nặng những người, những nhà hàng tiêu thụ thịt thú rừng. Trong đó có nhiều đại gia, quan chức nhiều tiền lắm của…
Thanh Nguyễn
* Tôi cũng như mọi người khi xem xong trang báo thì cảm giác đầu tiên là giận dữ về hành vi man rợ của các thợ săn. Nhưng sau đó, khi bình tĩnh lại để suy xét mọi chuyện thì thấy vấn đề không đơn giản chỉ cần xử phạt thật nặng thợ săn là xong. Tôi tin rằng những người thợ săn ấy rất nghèo, ít học hành nên không am hiểu luật pháp. Nếu họ có công ăn việc làm đàng hoàng, có thu nhập ổn định, có trình độ học vấn… thì liệu có làm những hành vi man rợ đó không? Không hẳn đã hết, nhưng chắc chắn nạn giết thú rừng sẽ giảm rất nhiều. Và tôi cho rằng những người giàu có, những cán bộ được học hành đàng hoàng mà chiều chiều ngồi nhậu thịt thú rừng trong những nhà hàng máy lạnh mới đáng bị lên án, hơn là những thợ săn nghèo khổ.
truonghien1970@…
Theo Tuổi Trẻ
Đời bi thảm của thợ săn bị gấu móc mắt, lột da
Nó ngoạm vỡ cả mảng xương mặt, xương mũi, dùng móng vuốt kéo cả hai con mắt của ông ra ngoài, lột tanh bành từng mảng da đầu.
Trong những bài viết trước, độc giả đã được lạc vào "bảo tàng giết chóc thú rừng" ở Sơn La của một thợ săn, được đắm mình vào những câu chuyện diệt thú dữ và đau lòng trước một thực trạng tàn sát thú rừng...
Xưa kia, đồng bào miền rừng coi những thợ săn diệt thú dữ như hổ, sói, là những anh hùng. Nhưng giờ, hành động đó là phạm pháp, bởi những loài thú quý đang trên đà tuyệt chủng.
Các cụ thường nói "ăn của rừng rưng rưng nước mắt". Câu nói ấy chẳng sai tẹo nào. Chẳng phải thợ săn nào cũng may mắn như ông Điêu Chính H., đã sát hại vô số thú rừng, mà vẫn bình an vô sự. Không ít thợ săn đã phải bỏ mạng chốn rừng thiêng, hoặc sống cảnh đời tàn tật vì thú dữ tấn công. Đó cũng là cái giá phải trả cho những người tàn sát đại ngàn.
Toán thợ săn chuẩn bị vào rừng diệt gấu.
Trong bài viết này, tác giả đưa bạn đọc đến câu chuyện về những thợ săn, đã phải trả giá đại ngàn, một cái giá quá đắt, là bài học cho những ai còn có ý định "ăn của rừng".
Cà Nàng ở cuối huyện Quỳnh Nhai. Cà Nàng là xã giáp ranh của 3 huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) và Than Uyên, Sìn Hồ (Lai Châu). Xã Cà Nàng nằm bên sông Đà, lọt thỏm trong đại ngàn nghiến triệu tuổi Huổi Luông.
Tôi phải cuốc bộ suốt một ngày trời từ bến Cà Nàng bên sông Đà mới đến được bản Phát trên lưng chừng ngọn núi mù sương. Đêm trăng vằng vặc, bên bếp lửa bập bùng, ông Lường Văn Khặm kể về quãng đời ngang dọc trong rừng hạ hổ, diệt sói.
Tác giả trên đường vào Cà Nàng.
Câu chuyện của ông nhuốm màu huyền thoại. Ông như anh hùng trong những câu chuyện cổ tích, như Võ Tòng của dân bản Phát mù sương.
Chuyện ấy đã mấy chục năm rồi, khi đàn voi rừng còn thung thăng gặm cỏ bên bờ suối, sói, hổ về bản bắt trâu bò. Chàng thanh niên tên Khặm vác súng vào rừng bắn chết vố số hổ, diệt cả đàn sói dữ. Bọn gấu, lợn rừng về phá nương rẫy cũng gục ngã trước nòng súng của Khặm.
Có không ít thợ săn không tìm được lối về. Khi Khặm vác súng vào rừng, chỉ còn thấy bộ xương khô bên bờ suối, với khẩu súng hoen rỉ bên cạnh. Chàng trai bản Phát chỉ nhận ra bạn săn qua tấm áo tả tơi.
Bến Cà Nàng bên sông Đà.
Ông bảo, cả thời thanh niên trai trẻ của ông, là những tháng ngày ngang dọc trong rừng, theo đuổi đam mê săn thú. Ông đi khắp đại ngàn Huổi Luông, xuyên sang Sìn Hồ, vòng đến tận Mường Nhé để săn thú. Chúa sơn lâm trót để lại dấu chân bên mép suối, thì tính mạng khó bảo toàn trước họng súng của ông.
Chỉ cần nghe nơi nào có gấu về bẻ ngô, là ông tìm đến. Đồng bào bị bọn gấu, lợn rừng, hổ, sói phá hoại hoa màu, cũng gọi ông.
Dù bắn hạ vô số thú rừng, nhưng ông vẫn nghèo kiết xác. Hành động vác súng vào rừng hạ thú là niềm đam mê, chứ không hẳn vì kiếm sống. Giờ đây, trong căn nhà sàn lạnh lẽo, ông Khặm bảo rằng, đôi mắt là cái giá ông phải trả cho đại ngàn. Ông khuyên con cháu không nên bắn thú rừng nữa. Ông dùng uy tín người già của mình khuyên con cháu nên nộp súng săn cho Nhà nước.
Gấu đã sắp tuyệt chủng ở tự nhiên, nhưng lại có rất nhiều trong các trang trại nuôi nhốt lấy mật.
Khuôn mặt thiếu đôi mắt của ông, câu chuyện gấu vật lại thợ săn Lường Văn Khặm là một câu chuyện kinh hoàng, còn nguyên tính thời sự cảnh báo cho những thợ săn có thú vui tận diệt rừng già.
Giờ đây, ngồi trước mặt tôi, trong ánh sáng nhờ nhờ hắt vào căn nhà sàn với những cột gỗ đen bóng, là ông già Lường Văn Khặm tật nguyền, với khuôn mặt rách nát, đôi mắt bị lớp sẹo phủ kín.
Từ hai hốc mắt đỏ lòm đó, từng giọt nước vàng cứ lớn dần, nhểu ra. Ông ngồi bất động trên chiếc phản kê ở góc nhà. Tuy vậy, cơ thể ông Khặm vẫn rất rắn rỏi với nước da màu đồng.
Cách đây 15 năm, tại cánh rừng Huổi Cúc, phía Bắc đại ngàn Huổi Luông xuất hiện một con gấu khổng lồ. Bà con bảo thỉnh thoảng nó về nương phá ngô. Chẳng ai đủ can đảm để diệt con gấu đó. Không ai dám lên nương, sợ mất mạng. Dân bản kéo đến đề nghị ông Khặm tiêu diệt nó, trả lại cuộc sống yên bình cho đồng bào.
Thợ săn Lường Văn Khặm và khuôn mặt tật nguyền vì bị gấu tấn công.
Ông Khặm dẫn đầu nhóm thợ săn, cuốc bộ suốt 3 tiếng thì đến mảnh nương nơi con gấu đang phá phách suốt mấy ngày.
Ông Khặm phân chia mỗi nhóm một hướng truy lùng dấu tích con gấu. Một mình ông đi một hướng. Tay ông dắt con chó săn, vai khoác khẩu K44, loại súng mà ngày trước ông dùng để diệt phỉ và biệt kích.
Từ mảnh nương, ông Khặm tiến sâu vào rừng già. Chú chó săn bỗng lao vào bụi cây sủa ầm ĩ.
Ông Khặm lò dò lại gần dùng nòng súng vạch bụi cây. Một khối đen vọt ra. Con gấu đứng lên bằng hai chân. Túm lông trên đầu lòa xòa như cái bờm ngựa. Con gấu này phải nặng cỡ 2 tạ. Nó há miệng gầm gừ khoe những chiếc răng nhọn trắng ơn ởn. Nó bổ thẳng về phía ông Khặm
Giờ ông Khặm khuyên dân bản nộp súng cho Nhà nước.
Nhanh như chớp, ông lộn qua phải, tránh cái tát kinh hoàng, rồi giương súng bóp cò. Nhưng đen đủi thay, súng không nổ. Con gấu tát văng khẩu súng, rồi cứ nhè mặt ông mà ngoạm.
Nó ngoạm vỡ cả mảng xương mặt, xương mũi, dùng móng vuốt kéo cả hai con mắt của ông ra ngoài, lột tanh bành từng mảng da đầu.
Khi ông bất tỉnh, nó còn ngoạm thêm một miếng bung cơ đùi rồi mới hậm hực bỏ đi. Nó còn tát chết thẳng cẳng con chó săn dám lao vào cứu chủ.
Tưởng ông Khặm đã chết, con gấu lững thững bỏ đi. Khoảng một tiếng sau, ông Khặm tỉnh lại. Ông quơ xung quanh, tay phải chạm khẩu súng, tay trái vơ được miếng da mặt bầy nhầy.
Ông bình tĩnh lên đạn, kéo cò, súng nổ hai phát liền. Bắn xong, ông Khặm lại bất tỉnh. Ông sống thực vật suốt 3 tháng sau mới tỉnh lại làm người.
Tác giả trò chuyện với ông Khặm.
Nghe tiếng súng nổ, thợ săn Lò Văn Muội, cũng là trưởng bản Phát, đã lần đến và bàng hoàng khi thấy khuôn mặt đỏ lòm lộ xương của ông Khặm. Gần như toàn bộ da đầu của ông Khặm cũng bị gấu lột sạch. Đôi mắt như con ốc nhồi vương vãi bên cạnh. Hốc mũi chỉ còn hai cái lỗ, nhưng vẫn phập phồng thở.
Ông Muội cở áo buộc mặt ông Khặm lại, rồi kêu mọi người thay nhau khiêng ông Khặm bất kể ngày đêm ra sông Đà, rồi xuôi thuyền về huyện lỵ.
Huyện đội đã điều xe Com-măng-ca chở ông Khặm về Sơn La. Bệnh viện Sơn La đưa ông về Hà Nội để làm các thủ thuật vá xương, đắp da. Ông nằm viện gần một năm.
Ông Khặm kể, con gấu đứng bằng hai chân, nhìn ông với đôi mắt hằm hằm trước khi tấn công. Với cự ly gần như thế, nếu đạn nổ, chắc chắn con gấu đã bị hạ. Nhưng, có lẽ, rừng già đã đòi nợ máu của ông.
Giờ đây, cứ mỗi khi trái gió trở giời, ông Khặm lại quằn quại đau đớn. Đôi lúc đau quá ông quẫn trí rồi lên cơn điên điên, khùng khùng.
Một người con của ông cũng bị tâm thần. Hai cha con sống với nhau, một người mù, một người điên nên quanh năm thiếu đói.
Theo GDVN
Voọc Núi Chúa sau thảm sát Đúng một năm trước, ngày 19-7-2011, 21 con voọc chà vá chân đen đã bị thợ săn bắn hạ tại vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải, Ninh Thuận) - vùng rừng còn nhiều voọc chà vá chân đen nhất cả nước. Hai kẻ săn voọc và những con voọc bị rạch bụng ngay tại cánh rừng Núi Chúa - Ảnh: Trọng Huynh...