Bảo vệ nền tảng của sự sống
Nằm giữa những sa mạc khô cằn ở châu Phi, đồng bằng Okavango màu mỡ ở phía Bắc Botswana, một trong những vùng đồng bằng châu thổ nội địa lớn nhất của “Lục địa Đen”, là ngôi nhà chung của hơn 1.000 loài thực vật, hơn 480 loài chim, khoảng 130 loài động vật có vú, cùng nhiều loài bò sát và cá.
Đồng bằng Okavango ở phía Bắc Botswana. Ảnh: whc.unesco.org
Từ năm 2015, nhà thám hiểm của National Geographic, ông Steve Boyes, đã khởi động Dự án Okavango Hoang dã, nhằm khám phá và bảo vệ vùng đất nguyên sơ ít được biết đến tại cao nguyên Angola, nơi cung cấp hơn 95% lượng nước duy trì đồng bằng Okavango và sự đa dạng sinh học tại đây. Dự án đã và đang khảo sát, thu thập dữ liệu khoa học về các hệ thống sông và kênh có tổng chiều dài hơn 12.000 km, giúp đưa ra giải pháp cho các mối đe dọa đang nổi lên đối với đa dạng sinh học ở lưu vực sông Okavango. Dành trọn cuộc đời cho những nỗ lực bảo tồn ở Okavango, ông Boyes luôn kêu gọi nâng cao nhận thức về sự mất đa dạng sinh học toàn cầu, bởi theo ông, “không thể phục hồi hay tái tạo các vùng hoang dã. Nếu chúng bị phá hủy, chúng ta sẽ mất đi những dấu tích cuối cùng của một giai đoạn lịch sử.”
Thực tế, đa dạng sinh học rất quan trọng vì tất cả các sinh vật trong hệ sinh thái đều có mối liên hệ và kết nối với nhau. Tài nguyên đa dạng sinh học cũng chính là trụ cột để nhân loại xây dựng nền văn minh. Chẳng hạn, cá cung cấp 20% protein động vật cho khoảng 3 tỷ người; hơn 80% khẩu phần ăn của con người tới từ thực vật; khoảng 80% người dân sống ở khu vực nông thôn của các nước đang phát triển dựa vào các loại thảo dược truyền thống để chăm sóc sức khỏe cơ bản. Ngoài ra, đất và đại dương hấp thụ hơn một nửa tổng lượng khí thải carbon. Hơn 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu phụ thuộc vào thiên nhiên, với hơn 1 tỷ người dựa vào các khu rừng để sinh nhai.
Trong hàng nghìn năm qua, con người đã cùng tồn tại với các hệ sinh thái trên Trái Đất. Tuy nhiên, khi dân số ngày càng tăng, con người bắt đầu xâm lấn các hệ sinh thái. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hằng năm, các chính phủ và các công ty tư nhân chi tới 7.000 tỷ USD cho các hoạt động gây hại thiên nhiên, khiến đa dạng sinh học suy giảm nhanh chóng. Có tới 1 triệu trong 8 triệu loài động vật và thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng và tốc độ tuyệt chủng đang diễn ra gấp 100 lần tốc độ tự nhiên. Các hệ sinh thái không thể thay thế như rừng nhiệt đới Amazon đang chuyển trạng thái từ bể chứa carbon thành nguồn phát thải carbon do nạn phá rừng. 85% vùng đất ngập nước, như đầm lầy muối và đầm lầy ngập mặn hấp thụ lượng lớn carbon, đã biến mất.
Video đang HOT
Có thể thấy, đa dạng sinh học hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, từ mất môi trường sống, khai thác tài nguyên quá mức, ô nhiễm môi trường, các loài ngoại lai xâm lấn cho đến biến đổi khí hậu và sự thiếu nhận thức.
Như phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, “mạng lưới đa dạng sinh học phức tạp của thế giới duy trì mọi sự sống trên Trái Đất, nhưng sự đa dạng sinh học đang bị phân rã với tốc độ đáng báo động và nguyên nhân chính là do con người. Chúng ta đang làm ô nhiễm đất đai, đại dương, nước ngọt, tàn phá cảnh quan và hệ sinh thái, phá vỡ bầu khí quyển quý giá bằng phát thải nhà kính. Suy giảm đa dạng sinh học gây tổn hại đến sự phát triển bền vững hiện tại, đồng thời tạo ra một tương lai nguy hiểm và không chắc chắn.”
Để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, ngày 19/12/2022, Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước LHQ về đa dạng sinh học (COP15) ở thành phố Montreal, Canada, đã thông qua một thỏa thuận lịch sử, mang tên Khuôn khổ Đa dạng Sinh học Toàn cầu Côn Minh-Montreal, còn được gọi là Kế hoạch đa dạng sinh học, vạch ra 4 mục tiêu dài hạn đến năm 2050 và 23 mục tiêu cấp bách cần đạt được vào năm 2030. Văn kiện này là một kế hoạch đầy tham vọng thúc đẩy hành động trên diện rộng để mang lại sự chuyển đổi trong quan hệ của xã hội loài người với đa dạng sinh học vào năm 2030 và đảm bảo rằng đến năm 2050, tầm nhìn chung về cuộc sống hài hòa với thiên nhiên sẽ được thực hiện.
Năm nay, chủ đề của Ngày Quốc tế Đa dạng Sinh học (22/5) là “Hãy là một phần của Kế hoạch”. Đây là lời kêu gọi hành động nhằm khuyến khích các chính phủ, người dân bản địa và cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các nhà lập pháp, các doanh nghiệp và cá nhân nêu bật những cách thức mà họ đang hỗ trợ thực hiện Kế hoạch Đa dạng Sinh học. Nhân dịp này, Tổng Thư ký Guterres đã khẳng định rằng: “Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal đưa ra lộ trình nhằm đảo ngược tình trạng mất mát và khôi phục đa dạng sinh học, đồng thời tạo việc làm, xây dựng khả năng phục hồi và thúc đẩy phát triển bền vững. Để làm được điều này cần tới sự lãnh đạo của các chính phủ. Tuy nhiên, Ngày Quốc tế Đa dạng Sinh học năm nay cũng nhắc nhở chúng ta rằng, tất cả mọi người đều có một vai trò và có thể là một phần của kế hoạch. Người bản địa, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, chính quyền địa phương và khu vực, tổ chức xã hội, phụ nữ, thanh niên và giới học thuật phải cùng nhau hợp tác để trân trọng, bảo vệ và khôi phục đa dạng sinh học theo cách mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.”
Về phần mình, Giám đốc Điều hành UNEP, bà Inger Andersen, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác toàn cầu để tăng cường đa dạng sinh học. Theo bà, cần có sự tiếp cận của toàn thể các chính phủ, các xã hội để đưa Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal đến thành công. “Để cách tiếp cận đó trở thành hiện thực, mọi quốc gia phải được tiếp cận với khoa học, công nghệ và kỹ năng phù hợp, để tổng hợp dữ liệu và đánh giá tiến độ ở cấp độ toàn cầu.”
Bên cạnh đó, Ngày Quốc tế Đa dạng Sinh học năm nay được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho Hội nghị COP 16 được tổ chức tại thành phố Cali, Colombia, từ ngày 21/10 đến ngày 1/11 tới. Như lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ, “chúng ta hãy cam kết tham gia Kế hoạch Đa dạng Sinh học. Hãy hành động khẩn cấp để đưa đa dạng sinh học vào con đường phục hồi. Hãy xây dựng tham vọng hướng tới hội nghị COP16 để bảo vệ hành tinh và tạo ra một tương lai bền vững hơn cho tất cả chúng ta.”
Đa dạng sinh học là nền tảng của sự sống. Khi một loài bị xóa sổ do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, mất môi trường sống hoặc một số yếu tố tự nhiên hoặc nhân tạo khác, hiệu ứng domino có thể xảy ra và có tác động lớn đến toàn bộ hệ sinh thái. Mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức, hành động có trách nhiệm, chung sống hài hòa với các loài khác trong hệ sinh thái, góp phần bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh cho các thế hệ mai sau.
Liên hợp quốc bổ nhiệm Thư ký điều hành tiếp theo của Công ước đa dạng sinh học
Ngày 3/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bổ nhiệm bà Astrid Schomaker, người Đức, làm Thư ký điều hành tiếp theo của Công ước đa dạng sinh học (CBD).
Bà Astrid Schomaker. Ảnh: enb.iisd.org
Thông cáo báo chí của CBD nêu rõ với tư cách người lãnh đạo Ban thư ký thỏa thuận môi trường đa phương quan trọng nhất thế giới về đa dạng sinh học, bà Schomaker sẽ nỗ lực biến Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, được thông qua hồi tháng 12/2022, thành hành động ở tất cả các cấp. Thông cáo nhấn mạnh 4 mục tiêu của Kế hoạch đa dạng sinh học sẽ định hình các ưu tiên của bà Schomaker trong thời gian tới, gồm bảo vệ và phục hồi thiên nhiên; cùng phát triển thịnh vượng với thiên nhiên; chia sẻ lợi ích công bằng; đầu tư và hợp tác.
CBD cho biết Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP16) sẽ diễn ra từ ngày 21/10 đến 1/11/2024 tại Cali, Colombia.
Tại đây, các bên tham gia công ước dự kiến đệ trình các Kế hoạch hành động và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia (NBSAP) sửa đổi phù hợp với Kế hoạch đa dạng sinh học.
CBD lưu ý để chuẩn bị cho COP 16, các bên dự kiến sẽ tiến tới thu hẹp khoảng cách tài chính cho đa dạng sinh học với cột mốc đầu tiên là tăng tổng nguồn tài chính quốc tế dành cho vấn đề đa dạng sinh học từ các nước phát triển lên ít nhất 20 tỷ USD/năm vào năm 2025. Do các bên tham gia chỉ còn vài năm để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch Đa dạng sinh học (đến năm 2030), CBD nhấn mạnh cần có thêm nguồn tài chính ngoài những nguồn đã được huy động thông qua Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF).
Ngày 22/5/1992 các quốc gia trên thế giới đã thông qua Công ước toàn cầu về đa dạng sinh học (Công ước CBD) tại Nairobi. Công ước CBD có hiệu lực từ ngày 29/12/1993 và tính đến nay đã có 196 nước tham gia Công ước này.
Chữa lành 'mạch máu Trái Đất' Nhiều vùng đất ngập nước trên thế giới đang bị suy thoái nghiêm trọng và cần được "giải cứu". Đó là thực trạng đáng lo ngại của việc sử dụng những vùng đất đặc biệt này mà quên đi lợi ích lâu dài và xem nhẹ công tác bảo tồn vì phát triển bền vững. Vùng nước bị ô nhiễm trên sông Yamuna...