Bảo vệ dân phố ở TP.HCM mất vì dịch Covid-19: Lúc đi xa vẫn chiếc áo ấy
Dịch Covid-19 ập đến, bác Hải bảo vệ dân phố ở TP.HCM đầu tắt mặt tối ở chốt kiểm soát, hỗ trợ bà con trong khu phong tỏa…
Khi nhập viện vì là F0 trở nặng, ông vẫn mặc chiếc áo bảo vệ dân phố, rồi đi mãi.
Thủ tướng Chính phủ đã truy tặng bằng khen cho bác vì có nhiều đóng góp trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tấm ảnh hiếm hoi gia đình gặp trên mạng xã hội chụp ông Hải nên lưu lại. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Con đường vào nhà ông Nguyễn Minh Hải (64 tuổi, bảo vệ dân phố) ở P.18, Q.4, TP.HCM. Cả nhà ông Hải 2 tháng trước cũng trong tình cảnh tương tự, 4 người cùng mắc Covid-19, nhưng ông không qua khỏi.
Hôm phóng viên tìm đến, hẻm nhỏ dẫn vào nhà bác bảo vệ dân phố mất khi phòng chống dịch Covid-19 đã có tấm bảng báo là vùng xanh. Trên bàn thờ ông, ngọn đèn dầu leo lét cháy, cả gia đình 8 người, giờ còn 7, không khí trong nhà trùng xuống.
Đi suốt không nghỉ
Anh Nguyễn Minh Tiền (38 tuổi, con trai thứ tư của ông Hải) cho biết 10 năm trước, cha anh bắt đầu làm bảo vệ dân phố. Cả 4 đợt dịch Covid-19, ông đều tham gia vào các công tác tại địa phương.
Riêng đợt thứ tư, tình hình diễn biến phức tạp, các chốt kiểm soát, khu phong tỏa dày đặc, ông Hải đầu tắt mặt tối ở chốt. Lúc khác lại ngược xuôi hỗ trợ bà con trong khu phong tỏa giao nhận hàng hóa, hỗ trợ đưa F0 đến bệnh viện,…
Anh Tiền hỏi thăm khắp nơi mới in được tấm ảnh thờ cho ba. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Khi số ca nhiễm bùng lên, cả nhà khuyên ông Hải nên nghỉ ngơi vì có nhiều bệnh nền, nhưng ông một mực không chịu. “Thấy ba nhiệt tình, đi suốt không nghỉ, khi nào bệnh nặng phải đi khám thì mới chịu nghỉ một hôm. Ba tôi yêu nghề lắm, lúc nào cũng mặc chiếc áo xám xám đó chạy tới chạy lui. Lúc vào bệnh viện điều trị vì là F0 cũng mặc y chiếc áo bảo vệ dân phố”, anh Tiền nhớ lại. Và đó cũng là lần cuối cùng anh được gặp ba.
Theo lời anh Tiền, ngày 30.6, ông Hải khó chịu trong người nên lên phường xin giấy chở tới Bệnh viện Nhân dân 115. Kết quả xét nghiệm, ông Hải dương tính, có nhiều bệnh nền nên được chuyển sang Bệnh viện Trưng Vương.
TP.HCM: Tổng cộng 288.718 ca Covid-19 cộng đồng, 206.980 bệnh nhân hồi phục
Nguyện vọng cuối dang dở…
Ông Hải không dùng điện thoại, gia đình chỉ có thể liên lạc hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông qua các cuộc gọi thông thường. Anh Tiền đau xót nhất là lần nhận điện thoại nghe ba nói: “Mấy đứa bây kêu mọi người đưa ba về để gặp mặt vợ con, chứ ba mệt quá”. Sau cuộc gọi đó, mấy ngày sau anh Tiền không thể gọi được cho ba mình.
Đây cũng là tấm ảnh duy nhất ngoài ảnh thờ của ông Hải mà gia đình lưu lại được. Nhìn ảnh ba, anh Tiền nghẹn giọng: “Nằm nghỉ mệt thấy thương ghê”. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Anh nhớ lại: “Đợt đó tôi điện 4 ngày liên tục không được, có linh cảm chẳng lành mà chuông điện thoại vẫn đổ. Gọi qua tổng đài của bệnh viện, hỏi tên ba thì bác sĩ cho biết ba được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực – chống độc, trong đó không dùng điện thoại được. Tới tối 31.7 thì bệnh viện gọi báo ba tôi đã mất lúc 8 giờ 30 phút sáng. Nghe tin mà rụng rời, tôi vừa báo vừa trấn an mẹ, mẹ cũng đứng thất thần không nói được lời nào”.
Con trai bác bảo vệ dân phố cũng cho hay lương bảo vệ dân phố chưa đầy 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng vì mê nghề, mê việc nên ông Hải cứ bị cuốn liên tục vào các sự vụ. Nhiều hôm vừa cầm chén cơm trên tay, có điện thoại ông lại bỏ đó chạy ra hỗ trợ, người nhà khuyên thế nào ông cũng nhất quyết không nghỉ.
“Buồn là lúc mất ba không được gặp gia đình, mất tại bệnh viện nữa. Covid thật đáng sợ. Xót nhất là khi ba nhận biết được tình hình sức khỏe, chuyển biến trong cơ thể nên xin về nhà, nhưng dịch như vậy thì nguyện vọng cuối cùng này không thể thực hiện được”, anh nói.
Gia đình anh Tiền nằm trong diện cận nghèo của địa phương . Ảnh VŨ PHƯỢNG
Lục tìm khắp nơi, cả nhà mới tìm được một tấm ảnh ba anh lưu lại để làm hồ sơ, giấy tờ để làm ảnh thờ. Nhưng tìm nơi rửa ảnh trong những ngày giãn cách xã hội cũng là cả vấn đề, sau khi hỏi một vòng, anh được một đồng nghiệp hỗ trợ.
Ngoài tấm ảnh thờ, cả nhà cũng chỉ lưu lại được duy nhất tấm ảnh lúc ông Hải trực chốt chợp mắt ngay trên ghế được ai đó chụp lại đăng Facebook. Mở điện thoại, anh cố phóng gần lại khuôn mặt của ba mình trong bộ đồ bảo vệ dân phố, mắt đỏ hoe: “Nằm nghỉ mệt thấy thương ghê”.
Cũng vì dịch Covid-19, cả gia đình thất nghiệp, mọi chi tiêu trong nhà phải gói ghém, xoay xở bằng những đồng tiền tiết kiệm. Sau khi ông Hải mất, phường và những người thân quen đã chia sẻ, hỗ trợ, động viên gia đình. Cũng nhờ vậy, cả nhà có chi phí gửi tro cốt ông Hải vào chùa nhờ lo nhang khói, cúng cơm.
Không ngại nguy hiểm
Mới đây, ông Nguyễn Minh Hải được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng khen vì có nhiều thành tích và đóng góp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM. Nhận tin, cả gia đình ông đều xúc động, hãnh diện vì sự cống hiến của người thân và xem đây là sự động viên tinh thần, chia sẻ với gia đình.
Gia đình anh Tiền cũng như các hộ xung quanh thường được địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm . Ảnh VŨ PHƯỢNG
Trao đổi với Thanh Niên , ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND P.18, Q.4, TP.HCM, cho biết vì diễn biến dịch còn phức tạp nên trước mắt, phường báo tin cho gia đình ông Nguyễn Minh Hải qua điện thoại. Khi tình hình ổn định, địa phương sẽ đến nhà trao tặng.
Theo nhận xét của ông Bình, bác bảo vệ dân phố Nguyễn Minh Hải là người không quản ngại nguy hiểm, hết mình trong công tác phòng chống dịch. Thời điểm nửa cuối tháng 6, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại P.18, ông Hải tích cực hỗ trợ truy vết F0, F1, thường xuyên trực ở khu phong tỏa hỗ trợ bà con giao nhận nhu yếu phẩm, đưa F0 ra khỏi khu phong tỏa.
“Gia đình chú Hải thuộc diện cận nghèo nên khi chú mất, Ủy ban MTTQ VN quận đã hỗ trợ ngay 10 triệu đồng để gia đình lo hậu sự. Sau đó, các ban ngành đoàn thể ở phường vận động thêm, công an, quân sự, các chi bộ, khu phố đều chung tay vì ai cũng quen thân với chú”, ông Bình chia sẻ.
Nới lỏng giãn cách: Nhất định làm lại tóc mới dám ra đường
Hơn 5 tháng "nhịn" làm tóc, nhịn chăm da.. nhiều chị em cho biết mình "không dám ra đường" vì tóc xơ xù, da nổi mụn...
Nay nghe thông tin 1.10 nới lỏng giãn cách, các tiệm tóc sẽ mở lại, ai nấy đều mừng húm.
Một tiệm tóc trên đường Cách Mạng Tháng 8 khử khuẩn để chuẩn bị mở cửa trở lại. Ảnh NGUYỄN TÙNG
"Ơn trời sắp tự tin soi gương lại được rồi"
Nguyễn Thị Liên (32 tuổi), ngụ tại Chung cư Dream Home, đường 57, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết khi nghe tin từ 1.10 thành phố nới lỏng giãn cách và cho phép các tiệm tóc được hoạt động trở lại, Loan lập tức liên hệ với chủ tiệm tóc gần nhà để đặt lịch.
"Mình ưu tiền làm tóc đầu tiên vì suốt 5 tháng ở nhà vì dịch Covid-19, tóc mọc dài và xù lên. Cách đây một tuần mình thấy khó chịu quá nên tự lấy kéo cắt ở nhà, ai dè làm hư luôn mái tóc. Phần đuôi thì bắt đầu xơ vì không được chăm sóc thường xuyên. Bởi vậy mình đếm từng ngày để được đi chỉnh chang lại mái tóc. May quá, mình canh hẹn lịch sớm nên ngay trong ngày đầu tiên đã có thể tới tiệm để làm", chị Liên chia sẻ.
Chị em sẽ tự tin hơn nếu có mái tóc vừa ý sau 5 tháng giãn cách. Ảnh T.T
Không chỉ Liên mà rất nhiều bạn gái khác đều mong đợi đến ngày tiệm tóc mở để được chăm chút lại cái "góc con người" này. Ngô Thanh Xuân (28 tuổi), ngụ tại 53 Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú, TP.HCM cảm thấy vô cùng mất tự tin với mái tóc bông xù của mình sau nhiều tháng không duỗi. Xuân kể: "Chất tóc của em là tóc bông xoăn, phần chân tóc của em xù lên do mọc dài ra, trong khi phía đuôi tóc lại thẳng, nhìn rất kỳ tục. Chưa kể bây giờ "đầu 2 thứ tóc" nửa vàng nửa đen. Mỗi lần soi gương là em lại thấy nản, không dám soi lâu vì nhìn ghê quá. Nếu chưa làm lại được tóc là em không dám lên cơ quan hay hẹn hò ai".
Không chỉ có nhu cầu làm tóc, mà chị em còn nóng lòng đợi các phòng điều trị, chăm sóc da mở cửa để được chăm sóc da mặt, hay đi làm móng, nối mi... "Hiện tại tóc mình xơ xác, da nổi mụn, mi thì rụng. Bản thân nhìn còn thấy ghê, làm sao dám tự tin đi ra ngoài. Đọc thông tin 1.10 nới lỏng giãn cách mà mình vẫn còn hồi hộp, vì chỉ sợ phút cuối lại có thay đổi bất ngờ. Mình đã đặt lịch làm tóc và chữa mụn ở một phòng khám da liễu. Ơn trời sắp tự tin soi gương lại được rồi", Lê Phương Hà, ngụ tại Chung cư Khang Phú, đường Huỳnh Thiện Lộc, Q.Tân Phú, TP.HCM, hài hước nói.
Chỉ nhận khách đã tiêm vắc xin
Lương Văn Trung, chủ salon tóc tại đường số 8, Q.Gò Vấp, TP.HCM, chia sẻ: "Quả thật, cái răng cái tóc là góc con người, nhất là với chị em. Trong thời gian qua, ngay khi đang giãn cách đã có nhiều chị em nhắn tin hỏi tôi là có làm tóc không, làm "lén" cũng được vì không thể chịu được mái tóc rối bù của mình. Điều đó cho thấy các bạn gái đặt vẻ đẹp mái tóc lên hàng đầu. Nếu tóc xấu là mất tự tin ngay. Dù nhiều người muốn đến làm nhưng mình đều nói khách cố gắng đợi, đến khi dịch được kiểm soát tiệm mới mở lại để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Hơn nữa, mình an ủi thời gian giãn cách không đi đâu, không gặp gỡ ai nên tóc có "xấu" một chút cũng không sao".
Theo Trung, đến thời điểm này khách quen đã đặt kín lịch trong tuần đầu tiên. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, Trung chỉ nhận khách nào đã chích vắc xin ít nhất 1 mũi. Đồng thời, tiệm chỉ nhận mỗi lượt là 5-7 khách để đảm bảo giãn cách.
Các tiệm tóc sau giãn cách sẽ chỉ nhận rất ít khách để phòng dịch. Ảnh N.K
Võ Khanh, chủ tiệm tóc mang tên mình ở trên đường Trần Văn Đang, Q.3, TP.HCM cũng cho biết thời gian qua, rất nhiều khách quen nôn nóng gọi điện, nhắn tin hỏi khi nào tiệm mở cửa chính thức. "Chất tóc của đa số người Việt mình là phần chân mọc ra bị xoăn, gợn hoặc xù nên nếu không xử lý nhìn sẽ không được đẹp. Chưa kể nắng nóng là phần đuôi tóc dễ bị xơ và chẻ ngọn. Phụ nữ sau một thời gian dài không chăm sóc tóc là sẽ mất tự tin. Nên chắc chắn những ngày sắp tới các tiệm tóc sẽ tiếp nhận rất nhiều lịch hẹn của chị em tới làm đẹp", Khanh nhìn nhận.
Khanh cho biết khi mở lại tiệm, Khanh cũng chỉ nhận khách từng chích ít nhất 1 mũi vắc xin và mỗi lượt chỉ làm cho tối đa 5 khách.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Duy Hải, chủ một phòng khám da liễu ở khu chung cư Hà Đô, Q.10, TP.HCM hiện cũng đã nhận được nhiều lịch hẹn đến khám và chữa trị da của khách ngay khi có tin nới lỏng giãn cách. Bác sĩ Hải cho biết: "Chị em vẫn than với mình là mấy tháng nay da không được chăm sóc nên nổi mụn không dám soi gương. Nhiều bạn đang điều trị da dang dở cần tái khám đành phải chấp nhận tình trạng da chưa được đẹp suốt thời gian dài. Hiện có nhiều khách ở tỉnh đã được chích đủ 2 mũi vắc xin nhưng không biết khi nào mới được lên để chữa trị tiếp. Để đảm bảo an toàn và dịch không bùng phát trở lại, chị em đành phải chịu "xấu" một chút và đợi thêm vậy".
Hơn 1.500 trẻ mồ côi vì dịch COVID-19 ở TP.HCM là vấn đề 'y tế khẩn cấp' Theo thống kê trong vài tháng trở lại đây tại TP.HCM, dịch COVID-19 đã khiến hơn 1.500 trẻ rơi vào cảnh mồ côi. Làm sao để giúp trẻ vượt qua cú sốc tâm lý, tránh tổn thương tinh thần cho trẻ? Anh Thạch Ủ (quận Tân Phú, TP.HCM), làm thợ hồ bị mất việc từ nhiều tháng qua, cùng các con đi nhận...