Bảo vệ công cuộc đổi mới, chống ‘diễn biến hòa bình’
Sau khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động phá hoại, âm mưu xóa bỏ Đảng Cộng sản và CNXH ở Việt Nam. Đại hội lần thứ VII của Đảng năm 1991 xác định nhiệm vụ bảo đảm ổn định chính trị, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
Để đấu tranh chống “ diễn biến hòa bình”, ngày 29/6/1992, Hội nghị lần thứ ba, BCH Trung ương Đảng khóa VII ra Nghị quyết số 03-NQ/HNTW về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chống “diễn biến hòa bình”. Nghị quyết phân tích tình hình phức tạp trước âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của Mỹ và các thế lực thù địch, công tác đấu tranh phòng chống của ta. Trung ương Đảng chỉ rõ 5 tình huống có thể xảy ra, từ đó xác định nhiệm vụ chống “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và Nghị quyết 03, lực lượng CAND chủ động các phương án, kế hoạch công tác, nắm tình hình, âm mưu hoạt động của địch, bám sát các đối tượng, địa bàn trọng điểm, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động phá hoại của kẻ địch. Đến cuối năm 1992, khi số FULRO còn lại ở Tây Nguyên được đưa sang định cư tại Mỹ, tình hình an ninh ở địa bàn đã ổn định.
Đoàn đại biểu Bộ Nội vụ Việt Nam (nay là Bộ Công an) hội đàm với đoàn đại biểu Bộ Nội vụ Lào, tháng 5/1996.
Trong thời gian này, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước xảy ra nhiều vụ nhen nhóm thành lập tổ chức phản động do các đối tượng lưu vong câu kết số chống đối, bất mãn trong nước hòng tập hợp lực lượng, gây bạo loạn, lật đổ chính quyền nhân dân. Lực lượng CAND đã chủ động nắm tình hình, phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả, điển hình như triệt phá các tổ chức phản động do Lâm Văn Quang, Vũ Văn Mạnh, Hoàng Duy Hùng, Nguyễn Sĩ Bình, Nguyễn Phùng, Nguyễn Đình Huy, Trịnh Văn Thương… cầm đầu.
Tháng 1/1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ nhận định, cách mạng Việt Nam đang đứng trước 4 nguy cơ (nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ đi chệch hướng XHCN; tệ nạn tham nhũng, quan liêu và nguy cơ “diễn biến hòa bình”). Hội nghị đề ra nhiệm vụ chiến lược là phải tăng cường quốc phòng, an ninh, tiến hành cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài nhằm làm thất bại mọi âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của kẻ địch.
Video đang HOT
Ngày 4/2/1994, Mỹ tuyên bố bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Đến 12/7/1995, Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra những khả năng, điều kiện thuận lợi trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, song cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức nặng nề.
Trong bối cảnh đó, lực lượng CAND chủ động nắm tình hình từ xa, nắm bắt âm mưu, hoạt động của kẻ địch, bọn phản động lưu vong về nước móc nối đối tượng phản động trong nước, có phương án, kế hoạch đối phó hiệu quả. Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 50 (tháng 1/1995) xác định nhiệm vụ trọng tâm của CAND, trong đó có việc cải tiến công tác xây dựng lực lượng, mở rộng quan hệ đối ngoại.
Sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996 đã đánh giá: công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra cho 5 năm 1991-1996 đã hoàn thành về cơ bản. Đại hội khẳng định: “Ổn định chính trị, xã hội được giữ vững. Quốc phòng, an ninh được củng cố. Quan hệ đối ngoại phát triển mạnh mẽ, phá thế bao vây cô lập, mở rộng hợp tác và tham gia tích cực đời sống cộng đồng quốc tế”.
Theo Công An Nhân Dân
Kế hoạch CM 12 Tương kế tựu kế, lấy địch đánh địch
Ròng rã ba năm trời đấu trí, với lòng quả cảm và ý chí quyết thắng, các chiến sĩ phản gián trong lực lượng công an đã chặn đứng 17 chuyến thâm nhập nội địa của địch. Bắt và tiêu diệt hàng trăm tên gián điệp, biệt kích, thu hàng trăm tấn vũ khí, nhiều phương tiện chiến tranh. Phá tan hàng chục tổ chức phản động trong nước, làm phá sản toàn bộ hoạt động vũ trang và xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam hòng gây bạo loạn, lật đổ...
Tác giả (hàng đầu, thứ tư từ trái sang) và một số cán bộ, chiến sĩ Ban chuyên án tại Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Bia Chiến công KH CM 12 tại Hòn Đá Bạc, Cà Mau. Ảnh tư liệu gia đình
Xin nói ngay, bí số KH CM 12 do Bộ trưởng Công an Phạm Hùng định danh, sau khi ông và các cộng sự nắm được âm mưu thâm độc của kẻ thù. Không cam chịu thất bại sau năm 1975, kẻ địch có hẳn một kế hoạch hậu chiến bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam trên trường quốc tế; kích động người Việt Nam di tản, tập hợp lực lượng chống phá lâu dài. Tuyển chọn huấn luyện gián điệp cài cắm vào nội bộ ta, chu cấp tiền bạc, chỉ đạo hậu thuẫn các thế lực thù địch trong nước tổ chức gây dựng, hình thành những lực lượng phản động mới. Tập hợp số tay sai cũ có nợ máu, tuyển mộ các đối tượng người Việt lưu vong để nuôi dưỡng, huấn luyện vũ trang xâm nhập đánh về Việt Nam, tìm cách móc nối với bọn phản động cũ không chịu cải tạo hoàn lương, hòng thực hiện kế sách "trong nổi dậy, ngoài đánh vào" để lật đổ chính quyền.
Chuẩn bị cho kế hoạch này, chúng đặt đại bản doanh ở một nước láng giềng, xây hai mật cứ mang tên Tự Thắng, Quyết Tiến khá quy mô, đủ sức huấn luyện thao diễn, thực tập và hành quân. Tại hai nơi này, chúng mở các khóa huấn luyện đào tạo, biên chế thành các tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn có trang bị vũ khí, điện đài, quân trang, quân dụng, tiền Việt Nam giả...
Sau khi Hoàng Cơ Minh, tên cầm đầu tổ chức phản động lưu vong cực kỳ hung hăng bị tiêu diệt, Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Túy trở thành thủ lĩnh điều hành mấy trung tâm huấn luyện đào tạo gián điệp, biệt kích được gọi là "Tâm địa đảo" của kế hoạch hậu chiến. Đây là hai sĩ quan không quân ngụy lưu vong ở Pháp. Tháng 3-1975, theo lệnh Trần Văn Hữu, cựu Thủ tướng thời Bảo Đại, trở về Sài Gòn vận động Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho tham gia lãnh đạo chế độ ngụy quyền Sài Gòn đang chờ ngày sụp đổ. Sự việc không thành bởi bão táp cách mạng diễn ra quá nhanh. Túy, Hạnh bị kẹt ở Sài Gòn... Miền nam giải phóng, Túy, Hạnh quay về Pháp lập "Mặt trận thống nhất các lực lượng giải phóng miền nam", sau đổi tên thành " Mặt trận thống nhất các lực lượng giải phóng Việt Nam". Tổ chức " kháng chiến" này đặt tại Thái-lan, được sử dụng một hải cảng, một hòn đảo làm nơi tập kết và xuất phát các chuyến xâm nhập bí mật về Việt Nam. Súng, đạn, bom mìn, vũ khí các loại, quân trang quân dụng, điện đài, lương thực thực phẩm, tiền giả, tất thảy đều do Mỹ và các thế lực thù địch cung cấp.
Cuối năm 1980, Túy, Hạnh tung toán gián điệp biệt kích đầu tiên gồm 23 tên xâm nhập Việt Nam bằng đường bộ qua biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia vào tỉnh An Giang, bị các chiến sĩ biên phòng và nhân dân biên giới bao vây truy bắt, tiêu diệt. Ngày 12-5-1981, Lê Quốc Túy tung toán gián điệp thứ hai với 10 tên xâm nhập bằng đường biển. Trong hai ngày đêm, các chiến sĩ biên phòng cùng những dân chài cả đời sống chết với biển, thuộc từng luồng lạch nông sâu, từng bãi đá nổi chìm, rừng cây, bụi rậm trên bờ bủa vây, truy đuổi. Sáu tên bị bắt. Ba tên cùng đường phải nộp mình. Tên toán trưởng chống đối quyết liệt bị bắn bỏ, ta thu được một điện đài, mật thư...Trò chơi bắt đầu, cam go và quyết liệt.
Anh Hai Tân, một chỉ huy an ninh ở phía nam, nổi tiếng là người tài thuyết phục mọi loại tội phạm. Những kẻ rắn mặt, lì lợm, ngoan cố thủ đoạn cỡ nào rồi thì cuối cùng cũng phải mở miệng. "Phi" ngay từ thành phố xuống nơi giam giữ bọn xâm nhập vừa sa lưới, giọng ông ồm ồm, ngang tàng đậm chất anh Hai Nam Bộ, giống như một cuộc trò chuyện trong bàn nhậu. "Qua biết tụi em là nạn nhân, vì hoàn cảnh đưa đẩy mà lỡ bước thôi. Đã da vàng, máu đỏ, là người Việt thì ở đâu cũng yêu Tổ quốc mình cả. Trừ những đứa mất nết, lòng dạ hùm beo hại dân hại nước thôi... Chớ đã lỗi lầm rồi thì khai báo thành thật mà sửa lỗi... Ông cha ta nói rồi, đánh kẻ chạy đi... mà".
Chẳng đao to búa lớn, không quát nạt nhục mạ, mà tụi bị bắt tuồn tuột khai hết. Hồi hộp lắm, mấy lần lên sóng vẫn chưa chập được liên lạc. Hỏi mới biết, bên kia còn cảnh giác, kiểm tra, chỉ đến khi thật sự nhận ra nhau qua mật mã, mật hiệu, và khớp đến tận phong cách gõ ma níp líu ríu giằng vào với nhau chả giống ai của điện báo viên này. Êm rồi! Cả một phiên lên sóng, người nghe, kẻ hỏi không chút nghi ngờ. Nụ cười nhè phào. Anh Hai Tân rút điếu Sa-lem cắm vào môi tên điện báo viên, tự tay quẹt lửa, mồi thuốc. Cái nút thắt khó khăn, dường như đã được gỡ bỏ. Cứ tới giờ hẹn, là biệt kích lên sóng, thản nhiên đánh về những gì người chỉ huy CM 12 chỉ đạo...
Lê Quốc Túy tin là toán biệt kích xâm nhập mở đường an toàn, các "nghĩa binh" của mình đã đặt được chân vào mật cứ nội địa. Chẳng bao lâu, một toán biệt kích lại về bằng đường biển, đông hơn trước. Súng, đạn, điện đài, lương ăn, áo quần ngụy, tăng võng, tờ rơi, cờ ba sọc, khẩu hiệu... chất đầy một con tàu. Đêm tối mịt mù, kẻ dưới nước, người trên bờ nhận nhau qua các tín hiệu quy ước. Thuyền này vừa rời tàu, thuyền khác đã cặp mạn nuốt hàng. Vùng biển mênh mông, xóm chài trải dài bờ cát và những ghe thuyền chụm đầu dập dềnh như mơ như ngủ. Không ai nghĩ ở nơi đây đang diễn ra cuộc đối đầu sinh tử. Cứ rời thuyền đặt chân lên bờ là có "nghĩa quân nội địa" khoác vai đưa đi. Cả một con tàu chở mấy chục tên biệt kích, vũ khí đạn dược, bị hốt êm như không. Tàu trả hàng xong quay mũi trở về mật cứ, còn nháy đèn tí tởn gửi lời chào các "nghĩa quân" về nước thắng lợi...
Rồi lại những chuyến xâm nhập mới. Lần một tàu, lần hai tàu. Mọi thứ vẫn êm ru. Chẳng nhớ đến chuyến xâm nhập thứ bao nhiêu, tôi được lãnh đạo Báo Nhân Dân phái vào công an phía nam theo lệnh của Bộ trưởng Phạm Hùng... Qua mấy vọng gác, tìm đến chỗ anh Hai Tân. Đúng bữa cơm muộn, mấy người đều áo quần dân thường, gương mặt quen: Tám Thi, Bảy Thất, Năm Huy, Ba Toàn... - những cán bộ dày dạn kinh nghiệm đánh án. Anh Hai Tân kêu thêm chén, dĩa, cười phớ lớ:" Nhà báo xài tạm! Cơm bếp tập thể thua cơm người nhái, biệt kích!". Cười đó mà nghe sao ngậm ngùi. Đất nước còn nghèo, chưa hết mùi thuốc súng, mà chiến sĩ công an nhường miếng ngon cho địch ăn để đánh địch. Mỗi người ngồi đây đều giữ trọng trách: Phân hóa địch, dẫn giải biệt kích, tiếp tế hậu cần, tổ chức chiến đấu, lo mật cứ, chiến khu cho bọn xâm nhập, xây dựng nhân mối cơ sở. Mấy anh đã từng cộng sự với Báo Nhân Dân trong các vụ án cộm cán trong nam ngoài bắc như: vụ Trần Tỷ, vụ vượt biên di tản, vụ Lý Nghiệp Phu nằm vùng kích động nạn kiều...
Không thể tưởng tượng nổi. Trên con lộ từ ngoại ô thành phố về biển Cà Mau, tạt vào bất cứ làng quê, xóm ngõ nào, anh cũng có người tiếp đón như ruột thịt. Có buồng chuối, cành chôm chôm, vài cái bắp luộc chủ nhà cũng đùm túm cho. Nhớ mãi má Sáu ở xóm Gò Nổi, Cà Mau. Chân không còn nhanh, nụ cười móm mém, nhưng đôi mắt vẫn tinh tường. Bảy Thất vừa ló mặt vào nhà, má nhận ra liền: "Trôi dạt nơi nào giờ mới qua thăm má? Tụi nhỏ nhắc hoài!". Lúc chào má ra đi, tôi thấy bả đưa khăn chấm mắt. Lên xe, Bảy Thất thì thào: "Má Sáu là đặc tình đó. Bao bọc, cưu mang hết lòng anh em đã đành. Chớ đêm hôm, biệt kích gõ cửa vào nhà, má pha mì cho ăn, om trà cho uống. Lấy quần áo chồng con đưa thay. Còn chỉ đường cho trốn nữa! Kỳ lắm! Mới chui ra khỏi ngõ thì công an ập tới bắt liền".
Theo anh vào lãnh địa nơi gián điệp biệt kích đứng chân còn lạ hơn. Cái gọi là mật cứ sâu trong đất liền mà vẫn có dân sống, gà cục ta cục tác, chó chạy rông, trâu bò ngơ ngác gặm cỏ... lấp ló cờ vàng, bốt gác, chòi canh... thằng biệt kích tới sau đụng mặt biệt kích tới trước. Ma ma thuật thuật, trò ú tim ta giăng ra chẳng biết thật giả thế nào... Thán phục hơn là nhiều khi xắn quần bì bõm lội quanh quanh trong khu rừng đước rậm rì sú vẹt, đường đi như ma trận để tới cái lều dành cho thượng cấp Túy, Hạnh mỗi khi về nước. Nơi này xa dân, hiểm trở, nhưng lại cận biển dễ đường rút. Lê Quốc Túy đã đến đây sau khi có một chiến binh quê quán vùng này tự nguyện tiên phong làm vật thử nghiệm lát đường đi trước kiểm tra một lần nữa cho chuyến trở về. Anh ta đã đến đây, đã ngủ qua đêm trên chiếc lều này và rút lui vô sự. Quay về con mương theo bản đồ do chính tay mình vẽ, địa thế đường vào, đường rút để tấu với thủ lĩnh của mình với biết bao lời ca ngợi các nghĩa sĩ trong nước đã tìm ra được một địa thế hết sức lợi hại. Làm sao mà không tin? Con cáo già đã ngồi nhậu với tên nghĩa binh "can trường, tận tụy" với "thượng cấp" ngay tại cái lều đó. Nhưng hắn đâu có biết, đó là một sĩ quan công an ở ngay tại mảnh đất tận cùng của Tổ quốc hóa thân thành một tên nội gián có hạng... Các chiến sĩ phản gián bày trận khéo đến nỗi, cuộc đấu sắp hạ màn mà Mai Văn Hạnh vẫn mơ tưởng được đặt chân lên đất liền, được tới cái lều lán trong mật cứ để uống rượu đế với hột vịt lộn nổi tiếng Cà Mau cùng các "nghĩa binh", được tận mắt đánh giá tình hình nổi dậy ở nơi mà chúng đã bỏ bao công sức, tiền bạc, vũ khí đổ vào.
Và Mai Văn Hạnh về thật, toại nguyện giấc mơ nhắm rượu cùng hột vịt lộn, rau răm, gừng thái chỉ! Thỏa mãn ao ước được gặp người tình cũ đang bán quán trên Sài Gòn... Yên tĩnh quá! Tin quá! Thành công quá! Chẳng một chút ngại ngùng, khoác lên người bộ cánh bà ba, quàng chiếc khăn rằn lên cổ, Mai Văn Hạnh rời lán, đi dạo ngoài phố với mấy "nghĩa binh" là công an đóng thế.
Một cái vỗ nhẹ trên vai: "Mai Văn Hạnh, ông đã bị bắt!", đúng lúc trận đánh cuối cùng ở ngoài cửa biển Hòn Đá Bạc im tiếng súng cảnh cáo mấy tên gián điệp biệt kích cứng đầu phản kháng khi biết mình sập bẫy...
Khỏi nói gì thêm. Chuyện thì còn dài khó một lúc nói hết chiến công của KH CM 12 xứng đáng là dấu son chói lọi, ghi thêm một trang vàng trong lịch sử đấu tranh của Công an nhân dân Việt Nam. Tổ quốc, nhân dân mãi mãi không quên những người anh hùng có tên và còn mai danh ẩn tích vì nhiệm vụ, trong trận chiến đấu đầy mưu lược, dũng cảm mà hết sức thầm lặng, lâu dài, vì sự tồn vong của đất nước, chế độ, vì bình yên cuộc sống nhân dân.
Theo Nhân Dân
Phá kế hoạch của phản động lưu vong Mùa xuân năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng thì một bộ phận ngụy quân, ngụy quyền chạy ra nước ngoài và được các tổ chức đặc biệt của nước ngoài hậu thuẫn, giúp đỡ hình thành các cứ điểm người Việt lưu vong chống phá cách mạng Việt Nam. Các chiến sĩ an ninh trên Hòn Đá Bạc sẵn sàng...