Bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam
Đa dạng sinh học có vai trò hết sức quan trọng với sự phát triển bền vững, nên việc bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là sự đa dạng thành phần loài là một trong những mục tiêu trọng tâm của Công ước đa dạng sinh học.
Hiện nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học, đa dạng hệ sinh thái, thành phần loài, gien đang bị suy thoái. Thống kê của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế cho thấy, trong 25 năm trở lại đây, tỉ lệ tuyệt chủng các loài lên tới 10%. Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, quần thể các loài thú, bò sát, lưỡng cư, chim và cá giảm 60% trong giai đoạn 1970-2014. Báo cáo của Diễn đàn chính sách-khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và hệ sinh thái chỉ ra, trong thế kỷ này, ít nhất 1 triệu loài trên trái đất sẽ biến mất nếu con người không khẩn trương có các hành động phù hợp.
Đây là con số báo động vì chiếm tỷ lệ 1/8 số loài đã biết trên trái đất. Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế cũng cho thấy tỉ lệ loài bị đe dọa trong các nhóm loài nằm trong khoảng từ 7-63%.
Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Voọc chà vá chân nâu hay còn gọi Voọc ngũ sắc hiện đang sinh sống trên khu vực Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) là loài động vật được Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế
Ở Việt Nam, những nỗ lực vẫn chưa đủ để đảo ngược xu thế suy giảm các loài. Theo thống kê số loài và số cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao. Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế cập nhật tháng 7/2019, số lượng loài từ mức sắp bị đe dọa trở lên phân bố ở Việt Nam là 700 loài. Công tác kiểm kê loài năm 2016 đề xuất đưa 1.211 loài vào Sách đỏ cập nhật, bao gồm 600 loài thực vật và nấm và 611 loài động vật, gia tăng nhiều so với lần đánh giá năm 2007.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến, cam kết quốc tế và khu vực như Mạng lưới thực thi pháp luật về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã Đông Nam Á; Tuyên bố London, Kasane về chống buôn bán các loài hoang dã; Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương về việc tăng cường các nỗ lực hợp tác chống nạn buôn bán trái phép và giảm nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã.
Video đang HOT
Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới như ký Biên bản ghi nhớ về ngăn chặn buôn bán sừng tê giác với Nam Phi; Tuyên bố chung Việt Nam-Mỹ, trong đó coi tội phạm về động vật hoang dã là một loại tội phạm nghiêm trọng; Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương gồm 12 quốc gia thành viên, trong đó, Chương Môi trường quy định, các nước cam kết thực thi đầy đủ Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và có các biện pháp phù hợp để chống buôn bán trái phép các loài hoang dã…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang triển khai dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” từ 2019-2022 nhờ việc giảm các mối đe dọa từ khai thác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp thông qua cơ chế hợp tác đa bên. Việc xây dựng và phát triển được diễn đàn quan hệ đối tác về bảo vệ động vật hoang dã là nền tảng và mạng lưới để kết nối những nỗ lực và thúc đẩy vai trò của các đối tác trong nước và quốc tế. Điểm nhấn của dự án là sự chung tay và hợp tác từ các cơ quan, các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân sự xã hội, khối tư nhân… trong các hoạt động can thiệp nhằm bảo vệ các loài nguy cấp của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Nỗ lực hoàn thiện và thực thi pháp luật
Bên cạnh đó, các nỗ lực cụ thể được ghi nhận như hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường chỉ đạo, điều hành quản lý, bảo tồn loài hoang dã, xây dựng năng lực về quản lý, bảo vệ loài hoang dã, thực thi pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã và truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài hoang dã…Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 đã sửa đổi các hành vi buôn bán, quảng cáo, tàng trữ động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã có thể bị xử phạt mức cao nhất lên tới 15 năm tù giam và 2 tỷ đồng.
Sừng tê giác bị hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện, thu giữ. Ảnh: TTXVN phát
Lo ngại mất đa dạng sinh học, trong đó nguyên nhân chính từ hoạt động bẫy bắt, săn bắn bất hợp pháp trong các khu rừng ở Việt Nam, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam đề xuất bổ sung một số quy định để bảo vệ động vật hoang dã. Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên đề nghị cần bổ sung các quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vào rừng và lập lán trại trái phép trong rừng đặc dụng; xử phạt tăng nặng với các hành vi mang và sử dụng bẫy, dụng cụ săn bắt, chó săn vào khu vực rừng cấm săn bắt với số lượng lớn, góp phần răn đe những người săn bắt chuyên nghiệp trong rừng cấm săn bắt. Bên cạnh đó, đối với các khu rừng đặc dụng, nên xây dựng phương án cho phép khai thác có kiểm soát một số sản phẩm lâm sản ngoài gỗ không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Việt Nam đã thể hiện quyết tâm răn đe tội phạm bằng những mức án nghiêm khắc. Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, giai đoạn 5 năm (1/2013 – 12/2017), Việt Nam có 1.504 vi phạm; 41.328 kg cá thể và sản phẩm, 1.461 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; 432 bị cáo bị xét xử trong các vi phạm hình sự về động vật hoang dã, 16 tỷ đồng tiền phạt đối với các vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Năm 2018, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đã tuyên phạt Hoàng Tuấn Hải (sinh năm 1972, trú tại phường Phước Long, thành phố Nha Trang) 4 năm 6 tháng tù giam về hành vi thu gom, chế tác và buôn bán trái phép hơn 10 tấn rùa biển. Vụ án được cho là có số lượng rùa biển bị thu giữ lớn nhất trên thế giới. Đây là mức phạt tù dài nhất liên quan đến các vi phạm về rùa biển ở Việt Nam, góp phần gia tăng niềm tin vào tính nghiêm minh của pháp luật.
Năm 2019, nhiều đối tượng đã bị xử lý hình sự liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái phép. Nổi bật như Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) tuyên phạt Hoàng Đình Quân (sinh năm 1990, trú tại xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) 10 năm tù giam vì buôn bán trái phép năm cá thể hổ đông lạnh, 4kg thịt hổ và các bộ phận hổ, 30kg vảy tê tê châu Phi cùng với nhiều động vật hoang dã khác. Tòa án nhân dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã tuyên phạt đối tượng Cao Xuân Nai 10 năm tù giam vì tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm 16 tháng tù, tăng 3 tháng tù so với bản án sơ thẩm đối với Nguyễn Mậu Chiến (sinh năm 1970, trú tại khu đô thị phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) – là đối tượng nghi cầm đầu đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm khác từ động vật hoang dã từ châu Phi về Việt Nam. Tòa án nhân dân thành phố Lào Cai đã tuyên phạt 3 đối tượng cùng trú tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là Dương Văn Thành 8 năm 6 tháng tù giam, Dương Văn Sang 8 năm 9 tháng tù giam và Dương Văn Chiêm 10 năm 6 tháng tù giam vì buôn lậu hơn 20 kg sừng tê giác…
Minh Nguyệt
Sự trở lại của sói xám bên bờ vực tuyệt chủng
Sói xám Mexico gần như tuyệt chủng khoảng 50 năm trước đã trở lại với tổng số 42 bầy ở Arizona và New Mexico, Mỹ.
Sau khi đạt đến điểm gần tuyệt chủng, quần thể sói xám Mexico ở Mỹ đã bắt đầu trở lại với số lượng tăng 24% vào năm 2019. Theo thông tin điều từ Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Mỹ, số lượng sói xám Mexico nước này đã tăng lên 163 vào năm 2019 từ mức 131 vào năm 2018.
Sự gia tăng này là kết quả của việc ra đời thành công 90 con trong năm. Trong đó, 52 con sống sót. Những con sói hiện bị giới hạn ở phía tây nam nước Mỹ. 87 con sống ở New Mexico và 76 con tại Arizona.
Ảnh: Albuquerque Journal.
"Kết quả cho thấy nhiều cặp sinh sản hơn và sói con được sinh ra trong tự nhiên nhiều hơn bao giờ hết. Đây là năm thứ 2 chúng tôi chứng kiến sự gia tăng đáng kể dân số sói hoang Mexico. Thành công này nhờ vào nỗ lực quản lý và cơ sở khoa học từ nhóm nghiên cứu liên ngành", Amy Lueders đến từ Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Mỹ cho biết.
42 bầy sói xám Mexico hiện sống ở nước này. Số lượng nhiều hơn 11 bầy so với năm trước. Trong đó, 10 con sói đơn độc dường như không thuộc bầy nào. "Sự gia tăng cho thấy việc cảnh giác và thông minh của sói để tránh con người. Đó là một phần quan trọng giúp chúng sống sót. Các quan chức liên bang cần có hành động mạnh mẽ hơn để thiết lập sự đa dạng di truyền lành mạnh", Michael Robinson thuộc Trung tâm Đa dạng Sinh học cho biết.
Ảnh: Chicago Zoological Society.
Cơ quan Cá và Động vật hoang dã đã nuôi những con sói và thả vào tự nhiên với hy vọng chúng sẽ được nhận vào bầy. Các nhà nghiên cứu hy vọng phương pháp này sẽ làm giảm cận huyết giữa số lượng nhỏ sói sống trong tự nhiên, tăng đa dạng di truyền loài và tạo cơ hội tốt để sống sót lâu dài. Họ đã theo đuổi chiến lược này từ năm 2016, thả 30 con sói vào môi trường hoang dã. Trong đó, 7 con được cho là sống sót.
Sói xám Mexico là phân loài hiếm nhất của sói xám Bắc Mỹ. Chúng được cho đã bị tiêu diệt hoàn toàn khỏi tự nhiên vào giữa những năm 1970. Năm 1973, sói xám được liệt kê vào loài có nguy cơ tuyệt chủng. Năm 1977, một nỗ lực chung với chính phủ Mexico để cứu loài này bắt đầu, tập trung nhân giống một vài con sói còn lại. Năm 1998, lần đầu tiên 11 con sói từ chương trình đó được đưa vào tự nhiên.
Đối với các nhà nghiên cứu, các con số là dấu hiệu cho thấy chương trình đã đạt được tiến độ chậm nhưng ổn định. Kết quả của cuộc điều tra rất quan trọng vì chúng phản ánh những tiến bộ đạt được trong quá trình phục hồi số lượng sói xám Mexico ở Mỹ.
Nghiên cứu di truyền cho thấy có 2 loài gấu trúc đỏ khác nhau Việc xếp tất cả gấu trúc đỏ vào một loài trước kia là do thiếu các nghiên cứu hoàn chỉnh về bộ gen của chúng. Các nghiên cứu di truyền mới nhất phân chia gấu trúc đỏ thành 2 loài khác nhau. Ảnh: PINTEREST Các nhà khoa học Trung Quốc đã chứng minh có hai loài gấu trúc đỏ khác nhau, được đặt...