“Bảo vật” của thuyền trưởng trên biển Hoàng Sa
Trong những chuyến hải trình ngang dọc trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, vị thuyền trưởng trẻ không quên tìm kiếm, mang về những con ốc, những rạn đá san hô nhiều màu sắc. Anh cất giữ, nâng niu chúng như bảo vật của một đời theo nghiệp biển.
Những con ốc từ Hoàng Sa
Lý Sơn những ngày cuối tháng 7, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc (TQ) rút khỏi vùng biển Việt Nam, từng đoàn tàu cá của ngư dân nối tiếp nhau ra khơi. Trên âu thuyền, chúng tôi bắt gặp anh Bùi Văn Phải, thuyền trưởng tàu QNg – 96382, người đã quấn quanh mình lá cờ tổ quốc khi bị Trung Quốc bắn cháy tàu (ngày 20/3/2013 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam). Anh cùng các bạn thuyền đang tất bật chuẩn bị lương thực, ngư lưới cụ để khởi hành trong đêm.
Hai tuần trước, tàu của anh Phải cùng nhiều tàu cá khác của ngư dân Lý Sơn ra đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và tham gia đấu tranh buộc TQ phải rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam. Khi cơn bão Rammasun (Thần Sấm) tiến đến vùng biển Việt Nam, các tàu phải quay về Lý Sơn neo đậu.
Dẫn chúng tôi về căn nhà nhỏ nằm cạnh UBND xã An Vĩnh để lấy thêm ngư cụ, anh Phải nói: “Nghe tin TQ rút giàn khoan, ngư dân vui lắm. Thế là tàu bè lại yên tâm ra khơi đánh bắt trên vùng biển của quê hương mình”.
Trên bức tường bê tông chỉ mới quét tạm lớp vôi của đôi vợ chồng trẻ là những bức ảnh chụp anh Phải cùng lá cờ tổ quốc bị cháy hơn phân nửa. Giờ lá cờ đã được đưa vào viện bảo tàng, anh Phải chỉ còn giữa lại những tấm ảnh làm kỷ niệm.
Thuyền trưởng Bùi Văn Phải và con ốc u chống giặc của người dân Lý Sơn.
Theo cha ra biển từ năm 13 tuổi, chàng thanh niên trẻ mang trong mình hoài bão được chinh phục những con sóng khơi xa. Vuốt ve chiếc tủ kính chứa đủ các loại vỏ ốc, anh Phải cho biết, đây là những “bảo vật” mà anh bỏ công sưu tầm từ hồi mới mò mẫm đi biển đến nay. Hơn 12 năm rong ruổi trên các đảo nổi, đảo chìm, bãi cạn… ở Hoàng Sa, anh Phải đã tìm được hơn 60 loại ốc và san hô các loại. “Đây là loại ốc gai biển rất hiếm gặp. Hồi ấy, tàu của chúng tôi dạt vào bãi cạn ở đảo Xà Cừ (quần đảo Hoàng Sa) để tránh bão, khi trở ra thì gặp nó đang bám lại trên đá. Thấy đẹp nên đưa về làm kỷ niệm”, anh Phải giới thiệu về một loại ốc.
“Bảo vật” quý nhất trong bộ sưu tập là cây san hô đá do anh Phải mang về từ khu vực gần bãi Gò Nổi (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Cây san hô màu đen có sức sống mãnh liệt, chịu được mọi sóng gió để vươn lên. “Nó cũng giống như ngư dân Lý Sơn chúng tôi, luôn đương đầu với phong ba bão táp. Nhưng sóng càng dữ thì chúng tôi càng muốn chinh phục. Từ đời cha ông đã giong buồm ra Hoàng Sa đánh bắt, mưu sinh thì đến đời con cháu sau này cũng phải tiếp bước”, anh Phải khẳng khái nói.
Những “bảo vật” được lấy về từ Hoàng Sa.
Câu chuyện ốc u chống giặc
Cầm trên tay một con ốc lớn, có hình xoắn kéo dài ở phía sau đuôi, anh Phải giới thiệu: Đây là con ốc u, một biểu tượng chống giặc ngoại xâm (giặc Tàu Ô) của người dân Lý Sơn.
Theo những người già ở Lý Sơn, ngày xưa, trên vùng biển này thường xuất hiện nhiều nhóm hải tặc đến từ Trung Quốc gọi là giặc Tàu Ô (hay còn gọi là Ô Tàu hải phỉ) sang cướp bóc, giết hại ngư dân. Giặc Tàu Ô rất hung hãn, thường sử dụng những thuyền lớn áp sát để cướp của và bắt bớ phụ nữ làm nô lệ. Chính quyền phong kiến nhà Nguyễn từng cử quân ra dẹp nhưng chúng chỉ rút lui một thời gian rồi quay trở lại.
Cụ Dương Quỳnh (94 tuổi, ở Lý Sơn) cho biết: “Chỉ đến khi Pháp đưa quân đội viễn chinh vào nước ta thì mới đủ sức diệt tận gốc nạn giặc Tàu Ô. Chúng dần bị dồn xa về vùng biển Hải Nam (Trung Quốc). Chỉ có một số tàu nhỏ vẫn thường lẻn vào vùng này cướp bóc nhưng đều bị nhân dân cảnh giác, bắt giữ”.
Video đang HOT
Cận cảnh cây san hô đen – “bảo vật” của thuyền trưởng Bùi Văn Phải.
“Tôi được cha ông kể lại rằng, ngày đó, để chống giặc Tàu Ô, người dân Lý Sơn đã dùng ốc u để phát tín hiệu cảnh báo. Khi nghe tiếng ốc u nổi lên thì dân binh trong vùng chuẩn bị vũ khí, sẵn sàng chống trả giặc ngoại xâm”, anh Phải kể lại. Cũng từ đó, tiếng ốc u vẫn thường vang lên trong những lễ khao thề (tháng 3 âm lịch hàng năm).
“Ốc u đã thổi lên rồi/để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa”, đó là câu hát ru quen thuộc mà mỗi người dân Lý Sơn đều được nghe khi mới lọt lòng mẹ. “Âm thanh phát ra từ ốc u rất đặc biệt, nó không bị át bởi tiếng sóng biển như tiếng trống hay tù và. Ngược lại, tiếng ốc u trầm hùng, vượt lên cả tiếng sóng để truyền ra xa hàng cây số”, anh Phải nói thêm.
Ngày nay, ngư dân ra khơi đã có Icom, thiết bị liên lạc hiện đại để cảnh báo cho nhau những nguy hiểm rình rập trên biển. Nhưng với người dân Lý Sơn, ốc u vẫn là tín hiệu và biểu tượng của tinh thần cảnh giác, chống giặc ngoại xâm. “Mỗi lần ra khơi, tôi đều mang theo ốc u trên tàu. Dù không còn sử dụng nữa nhưng ốc u mang lại cho ngư dân nhiều niềm tin mãnh liệt”, anh Phải tâm sự.
Theo Khampha
Vợ ngư dân tử nạn ở Hoàng Sa chờ chết vì thiếu 20 triệu đồng hóa trị ung thư
Nhìn từng con thuyền cập bến, từng bước chân rắn rỏi của những dân bạn đi biển cùng chồng - anh Nguyễn Văn Quang - lòng chị Tiền quay quắt nhớ, quay quắt đau. "Sao người ta đi đông đi tây đều về cả. Còn anh đi đâu mà không cả từ biệt vợ con..."
Chiều đổ xuống hòn đảo bé nhỏ chơ vơ giữa biển - Lý Sơn. Bóng người phụ nữ thăm mộ chồng về đổ dài trên cát. Nước mắt hòa lẫn cát. 120 ngày qua, chiều nào người ta cũng thấy chị dắt xe ra mộ chồng. Chị chưa thể quen được nỗi đau mất anh, mất đi chỗ dựa vững chắc mà chị tin tưởng tựa hoàn toàn mười mấy năm qua.
Chiếc bóng đổ dài trong nỗi cô đơn và cơn đau của căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần cùng dày vò góa phụ 41 tuổi Trương Thị Tiền (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi).
Mẹ già 78 tuổi, mù cả 2 mắt, nay vẫn nhận làm hành tỏi để kiếm 20 ngàn đồng phụ con dâu nuôi mình, nuôi cháu.
Mất chồng ngay chuyến đi biển đầu năm
"Những ngư dân Lý Sơn giương thuyền ra khơi không chỉ để mưu sinh mà còn là những cột mốc chủ quyền trên biển. Họ là những người đầu tiên báo tin khi phát hiện "tàu lạ", "tín hiệu lạ" ở Hoàng Sa, Trường Sa. Nơi nào có ngư dân, nơi đó có cờ Tổ quốc, có những hùng binh giữ biển. Những ngư dân dày dạn như anh Nguyễn Văn Quang đã cung cấp nhiều tư liệu quý về chủ quyền khi lặn sâu xuống đáy biển, phát hiện các dấu mốc mà cha ông ta từng để lại trên vùng biển chủ quyền của ta. Chuyến đi biển nào cũng có thể chứa đầy rủi ro, đầy giông bão. Nhưng chưa một ngư dân Lý Sơn nào nhụt chí. Vì thế khi rủi ro ập đến, rất mong đồng bào yêu thương, chia sẻ. Hãy giúp đỡ chị Tiền - vợ một ngư dân, một gia đình đã có 4 đời kiên trung bám biển, bám đảo".
Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, Lý Sơn
Chuyến đi biển đầu tiên của năm mới 2014. Anh hăm hở ra khơi, nhưng đi được một đoạn lại dợm bước quay lại. Nhìn vào mắt người vợ vừa hóa trị đợt thứ 2, tóc bắt đầu rụng dần, rụng dần... linh tính người chồng như muốn níu chân mình lại. Nhưng rồi nghĩ đến 3 đứa con 13, 10, 8 tuổi trông chờ tất cả vào những con cá con ốc cha đưa về, rồi người vợ mắc bệnh hiểm nghèo cần tiền chữa trị... Anh bước nhanh hơn.
Ngày đầu tiên ra khơi của chuyến đi biển dự báo một năm sóng gió, anh đã bỏ mạng giữa biển khơi: 18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ. Sinh nghề tử nghiệp - khắc nghiệt quá. Anh là một trong những thợ lặn cừ khôi nhất của đội đánh bắt cá ngoài Hoàng Sa của Lý Sơn. Đi biển từ năm 15 tuổi. Đến cú lặn cuối cùng, khi các ngư dân cùng thuyền cảm thấy có chuyện chẳng lành, lặn xuống tìm anh thì anh đã trút hơi thở cuối cùng. 46 tuổi đời, 21 năm bám biển!
Anh mất. Chị chết lặng. Những cơn đau của căn bệnh ung thư không xô đổ được chị. Nhưng nỗi đau mất đi người chồng thân yêu đốn chị ngã quỵ. Chị không thể gượng dậy được. Nước mắt cạn khô. Cơ thể chỉ còn da bọc xương. Những cọng tóc cuối cùng cũng rời bỏ chị. Chị như cái bóng không hồn, chỉ biết từ nhà ra mộ. Từ mộ về nhà. Lại khóc. Thắp nén nhang lên bàn thờ anh. Nhìn gương mặt chồng qua làn khói mỏng, chị muốn trách anh, trách anh sao nỡ bỏ chị, sao nỡ bỏ 3 con - Đậu, Phúc, Thành.
Suốt bao ngày chị không thể tin là mình đã mất anh. Vẫn sáng sáng chiều chiều chạy ra biển ngóng anh về. Nắng Lý Sơn gay gắt, gió Lý Sơn đẫm vị muối, mặn chát quất vào da thịt chị. Chị chạy dọc bờ biển. Chạy trong nỗi đau bất lực. Lý trí không còn, chỉ có đôi chân dắt chị đi. Hết ra biển lại ra mộ. Ngồi bên mộ chồng hằng giờ, chị chỉ biết khóc.
Bộ quần áo anh mới mặc 1 lần duy nhất, chị không nỡ chôn theo anh, mà treo ngay bàn thờ, để ngày ngày như được thấy anh.
Nhưng rồi 3 đứa trẻ chỉ biết khóc theo mẹ mỗi khi mẹ khóc đã kéo chị dậy. Chúng đã không còn cha, giờ lại không có chị, làm sao chúng sống được. Thế là đành nhấc mình dậy đi làm. Rồi thì đến ngày hẹn hóa trị, chị không còn sức, không còn tâm trạng và cũng không còn tiền để đi. Nhưng rồi anh em nội ngoại và cả bà con chòm xóm hùn vào, vay mượn khắp nơi để chị được vào Sài Gòn.
Những đợt hóa trị vắt kiệt sức của chị ngay từ quãng đường bước lên thuyền nôn nao say sóng kinh khủng mới ra được trung tâm Quảng Ngãi, rồi từ đó bắt xe đò - hơn 900 cây số, 18 tiếng trên xe mới vào đến Sài Gòn. Lần đầu tiên đi xa mà không có anh. Bước chân vào bệnh viện, nơi hai lần trước được chồng đưa đi mổ và hóa trị, chị bật khóc thành tiếng. Vừa nhớ chồng, vừa tủi thân. Hình ảnh anh ngay sau chuyến biển ngày 16/6/2013 - nhìn mặt vợ thấy sắc mặt xuống nhanh quá, anh tức tốc đưa vợ vào Sài Gòn khám ngay, dù trước đó các bệnh viện ở Quảng Ngãi và Đà Nẵng không tìm ra bệnh - bám riết lấy chị.
Khi bác sĩ thông báo chị bị ung thư dạ dày, chị bấu vào anh, anh nương chị nhưng chân như muốn khuỵu xuống. Khi chị rời bàn mổ, ca mổ được đánh giá thành công, tạm cắt bỏ 1/2 dạ dày để tránh di căn, anh ngất xỉu luôn. Tỉnh dậy, vội lao đi tìm vợ. Có anh, chị vững tâm biết bao. Thế mà giờ đây, chị phải vừa chống chọi với cơn đau của khối ung thư vừa phải vượt qua nỗi đau mất anh, nỗi nhớ anh...
Lấy tiền chữa bệnh là đóng nắp nồi cơm của mẹ chồng mù lòa và 3 con
Chị Huỳnh Thị Tuyết Nga - PCT Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi: "Mỗi lần đến nhà chị Tiền, nhìn bộ quần áo của anh Quang là không thể cầm được nước mắt. Đau lòng quá". Chị Nga, cùng với chị Phi - PCT Hội Phụ nữ huyện Lý Sơn, đi vận động khắp nơi để mẹ con chị Tiền được giúp phần nào nhưng vẫn chưa được.
Chiều muộn tháng 6, chị về thấy nhà đông khách, mắt đỏ hoe, ai cũng biết chị vừa từ mộ anh về. Chị lúng túng đứng lên, ngồi xuống, nửa định bỏ chiếc khăn trùm đầu ra, nửa không muốn người khác nhìn thấy cái đầu không một sợi tóc của mình.
Suốt buổi, chị ngồi lặng im, nhìn ảnh chồng, nhìn bộ quần áo mới tinh của anh treo trên tường cạnh bàn thờ mà không kịp chận lại dòng nước mắt. "Bộ quần áo đó may cho ảnh hôm Tết, mới mặc được đúng 1 lần. Đón tết xong là gấp lại, để dành. Ai dè chuyến đi biển đầu tiên của năm, ảnh lại nỡ bỏ 4 mẹ con đi luôn". Ba đứa con nghe mẹ khóc, líu ríu ngồi dịch lại, giật giật tay áo mẹ, mếu máo. Mẹ chồng, mẹ đẻ chị ngồi bên cũng đưa tay quệt nước mắt: "Thương quá con ơi..."
Những con ốc biển - gia tài lớn nhất anh Quang để lại. Phải là thợ lặn cừ lắm, mới bắt được những chú ốc khổng lồ này. Đi xuyên từ nhà xuống bếp, trống trơn, chỉ có những con ốc anh bắt từ Hoàng Sa về được chị cất giữ trong chiếc tủ gỗ duy nhất của nhà là thấy có giá trị.
Từ ngày anh Quang mất, mẹ anh - 78 tuổi, qua ở cùng con dâu và các cháu. "Ở cho chúng thấy có hơi người thôi, chứ tui không còn dựa được. 8 năm mất đôi mắt, tui chỉ lọ mọ lần đường thôi, không giúp gì được các con nữa. Bà già này chỉ muốn được "đi" thay chúng, thế mà ông trời không chịu".
Cuộc đời bà cũng chồng chất đau đớn. Sinh 6, mất 3. Trước anh Quang, 2 con gái của bà cũng bỏ bà mà đi. Nay đã gần 80, những đứa con còn lại giành nuôi bà, nhưng bà thương chị Tiền, thương anh Quang, thương 3 đứa cháu thơ dại nên qua ở cùng. Ở tuổi 78, đôi mắt không còn thấy đường, bà vẫn nhận cắt hành tỏi cho người ta. Mỗi ngày được 20 ngàn đồng tiền công, bà phụ vào nuôi mình, nuôi các cháu.
Thương 3 đứa trẻ và 2 người lớn bệnh tật hiểm nghèo, anh em nội ngoại xúm vào làm phụ 3 công hành tỏi trên phần đất của anh chị. Tổng thu mỗi năm 9-10 triệu, trừ tiền giống và phân bón, còn lại 6 triệu. Gộp với tiền trợ cấp hộ nghèo, 5 miệng ăn nhà chị bớt đi cái đói.
Ở đảo, tất cả mọi nhu yếu phẩm đều đắt đỏ, vì phải đưa từ đất liền vào. May thay phần thức ăn mặn - là những con cá mà bạn đi biển của anh dành lại, 5 mẹ con bà cháu có sức sống qua ngày.
Khó khăn là thế, nhưng suốt cả buổi, chị không một lời than khó. Chị chỉ kể về chồng, chắt từng từ, rồi nén khóc. Chị nói chỉ mong khỏe để tự đi làm, tự nuôi con, nuôi mẹ già, chứ không muốn để mọi người vì mình mà vất vả quá nhiều. "Nếu trời cho khỏe là đi làm ngay. Làm bất cứ thứ gì, gian khổ vất vả không nề hà, chỉ cần nuôi được mẹ già, được 3 con ăn học nên người, rồi ra đi lúc nào cũng mãn nguyện".
Nhưng sức khỏe chị lại đang yếu dần đi. Còn 1 lần hóa trị nữa để xem khả năng sống của chị đến đâu nhưng đã qua hạn rồi mà vẫn chưa đi được. Mỗi lần vô thuốc hết tận 20 triệu, chưa kể tiền tàu xe ăn ở. Trong nhà giờ vẫn còn 20 triệu, nhưng không dám đi, chị muốn để dành cho 3 con và mẹ già khi mưa nắng, khi chị chết đi.
Dù được mọi người khuyên cứ dồn tiền điều trị nốt đợt này, nếu may mà khỏi thì còn sống mà nuôi con, nuôi mẹ già mù lòa. Phân tích là thế nhưng chị không dám "đầu tư" vào rủi ro này. "Nhỡ em đi đợt này về, bệnh không hết, em nằm xuống thì mẹ và các con em biết tựa vào đâu. 20 triệu để bà cháu mua gạo, mua rau..."
Trước hoàn cảnh đáng thương của chị Trương Thị Tiền, Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn đã quyết định trích nóng 20 triệu đồng từ Quỹ "Tiếp sức ngư dân bám biển" để hỗ trợ chị Tiền có kinh phí điều trị bệnh tật đồng thời giúp gia đình chị vượt qua những khó khăn trước mắt.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 1453: Chị Trương Thị Tiền, Đội 12, thôn Đông, khu 3, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. ĐT: 0168.380.5536 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội. * Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359 Tại Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002 Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
Hồng Tâm
Theo dantri
Trung Quốc muốn tặng tàu chiến cho Philippines? Như một dấu hiệu thể hiện tình hữu nghị và thiện chí của Philippines, Trung Quốc cũng muốn theo bước chân của Hàn Quốc tặng tàu chiến cho Manila, tờ China Chinhua News đưa tin cho biết. Trung Quốc muốn tặng tàu chiến hộ tống, tàu vận tải quân sự đã qua sử dụng giống như Hàn Quốc đã công bố tặng Philippines...