Báo Trung Quốc tiết lộ thị trường mua quan bán chức
Trong một bài báo với nội dung hiếm hoi được đăng lên rồi lại xóa đi, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc tiết lộ những cách mua quan bán chức ở nước này, và cho rằng nó không chỉ là việc của các cá nhân đơn lẻ.
Bài viết có tựa đề “Ai mua ai bán” gần đây trên Tân Hoa Xã , hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đã có lần tiết lộ hiếm hoi về cách thức và đối tượng mua bán quyền lực ở nước này, và gọi đó là thị trường hối lộ.
Theo bài báo được tờ SCMP thuật lại, người bán hàng chính là các cán bộ cao cấp, đặc biệt là các quan chức lãnh đạo tại một khu vực hoặc một đơn vị có quyền quyết định nhân sự. Vị này sẽ chỉ đạo người thứ hai, người thứ ba, hoặc thậm chí là người thứ tư nhận đút lót để giúp người kia thăng tiến.
Từ Tài Hậu, tướng Trung Quốc bị buộc tội nhận hối lộ hàng chục triệu nhân dân tệ để giúp những người khác thăng quan tiến chức. Ảnh: AFP
Kẻ mua chức xoay tiền bằng nhiều cách. Một số vay tiền ngân hàng, số khác lại tìm doanh nhân đỡ đầu – những người sẽ được lợi sau khi họ thăng chức. Một số khác lại sử dụng tiền thu được từ hối lộ hay tham nhũng khác. Người mua cũng có thể thanh toán từng phần, giống như người mua nhà trả tiền thế chấp.
Những phi vụ mua bán này thường rộ lên trước các cuộc bầu cử và cải tổ lớn của lãnh đạo đảng và nhà nước, có nghĩa là thường bùng nổ cứ năm năm một lần. Thời gian tốt nhất để hối lộ một quan chức cấp cao hơn là khi họ đang đi nghỉ mát, khi có người nhà bị ốm, con cái chuẩn bị đi du học, hoặc gia đình có sự kiện quan trọng như đám cưới, sinh nhật.
La Ấm Quốc, cựu bí thư thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, bị kết án tử hình năm ngoái do nhận hối lộ 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 17 triệu USD) từ 64 quan chức đang tìm cách thăng tiến, là một ví dụ điển hình trong việc mua bán quan chức.
Theo bài báo trên, La đặt ra mức giá cụ thể cho từng vị trí: 200.000 tệ cho một vị trí quản lý công nghệ; 2 triệu tệ cho vị trí lãnh đạo cấp vụ; 10 triệu tệ cho vị trí phó thị trưởng. Ông ta thậm chí còn ấn định giá cho ghế bí thư của mình là 100 triệu tệ.
Hai trường hợp khác là Từ Tài Hậu, 70 tuổi, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã nghỉ hưu năm ngoái và Cốc Tuấn Sơn, nguyên tổng cục phó tổng cục hậu cần quân đội Trung Quốc (PLA), bị buộc tội nhận hối lộ hàng chục triệu nhân dân tệ của hàng trăm sĩ quan.
Thị trường có quy luật rất đơn giản: đầu tư càng lớn, thu lợi càng cao. Điều này có thể lý giải tại sao ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc muốn trở thành công chức, 74% cử nhân đại học nước này coi đó là lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu. Trong khi đó, ở Singapore chỉ là 2%, Mỹ là 3% và Pháp là 5%.
Bài báo này có quan điểm khác biệt bởi nó cho rằng tham nhũng tại Trung Quốc là có hệ thống. Quan điểm này đối ngược với đường lối của đảng Cộng sản nước Trung Quốc, rằng hối lộ là vấn đề đạo đức cá nhân, SCMPcho biết. Bài viết của Tân Hoa Xã được hàng loạt phương tiện truyền thông và báo mạng Trung Quốc đưa lại, nhưng sau đó đã nhanh chóng bị khỏi gỡ khỏi trang web của hãng.
Hồng Hạnh
Theo VNE