Bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học Vườn quốc gia Núi Chúa Ninh Thuận
Là nơi hội tụ của ba không gian rừng, biển và bán sa mạc, Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) đang là điểm thu hút khách du lịch.
Các nhà khoa học tới tham quan, nghiên cứu về những bí ẩn của hệ sinh thái khô hạn độc đáo nhất ở Việt Nam hiện nay.
Du khách khám phá hệ sinh thái rừng tại Vườn quốc gia Núi Chúa.
Giá trị về đa dạng sinh học
Với diện tích tự nhiên 29.856 ha, trong đó có 22.513 ha là đất liền, 7.352 ha là biển, Vườn quốc gia Núi Chúa có hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Theo khảo sát mới nhất của Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, tại Vườn hiện có 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN).
Hệ động vật cũng đa dạng với 765 loài được biết đến, trong đó có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Nhiều loài đang được ưu tiên bảo tồn như gấu ngựa, gấu chó, beo lửa, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, sơn dương, nai, gà tiền mặt đỏ, rùa núi vàng… Đặc biệt, Vườn quốc gia Núi Chúa có quần thể Voọc Chà Vá chân đen quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam đang được bảo tồn, phát triển.
Ngoài ra, vùng biển của Vườn quốc gia Núi Chúa còn có rạn san hô rất phong phú với 350 loài, trong đó có 307 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ, đặc biệt có 46 loài san hô mới được ghi nhận và phân loại tại Việt Nam. Đây còn là nơi có quần thể rùa biển đến sinh sản hàng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Có lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 700 – 800 mm, thời tiết quanh năm nắng nóng, Vườn quốc gia Núi Chúa được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam hiện nay. Điều kiện khí hậu khô nóng đã hình thành nên một hệ sinh thái đặc thù với diện tích khoảng 10.600 ha, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia Núi Chúa.
Video đang HOT
Điển hình của hệ sinh thái này là các loại thực vật có khả năng chịu hạn với các đặc điểm như rụng lá về mùa khô, cây thấp lùn; lá nhỏ và dày, có răng cưa, nhiều gai để giảm quá trình thoát hơi nước như xương rồng, trâm bầu, mùng quân ấn, lọ nồi ô rô, huyết giác, quyển bá xoắn… Với những đặc trưng rất riêng này, Vườn quốc gia Núi Chúa còn được xem là “Thảo nguyên cây gai” có một không hai ở Việt Nam.
Vườn cũng sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm; cảnh quan thiên nhiên đa dạng mang những nét đặc trưng riêng của vùng khí hậu khô hạn ven biển của Ninh Thuận và khu vực Nam Trung bộ. Vườn quốc gia Núi Chúa hiện đang khẩn trương phối hợp với các bên liên quan xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển của thế giới.
Bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học
San hô ở vùng biển Vườn quốc gia Núi Chúa.
Để bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn theo hướng bền vững, ông Trần Văn Tiếp – Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết: Đơn vị đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển; các loài động vật, thực vật bản địa quý hiếm gắn với các chương trình phát triển du lịch sinh thái và tạo sinh kế bền vững cho người dân sống xung quanh vùng đệm.
Hàng năm, Vườn phối hợp với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước triển khai các đề tài nghiên cứu, điều tra bổ sung danh lục các loài thực vật và động vật mới. Hiện nay, Vườn đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống vườn thực vật, vườn ươm, khu vực cứu hộ sinh vật biển để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng, phát triển diện tích rừng trồng tự nhiên.
Vườn cũng triển khai các chương trình giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng địa phương, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi cây trồng, phát triển tổ thủ công mỹ nghệ làm đồ trang sức từ hạt cây rừng, tổ múa Mã – la của đồng bào Raglai biểu diễn trong các chương trình du lịch của Vườn nhằm giúp người dân từng bước có thu nhập ổn định để giảm thiểu tác động đến tài nguyên rừng, biển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Núi Chúa đang gặp không ít khó khăn do sự gia tăng dân số, người dân sống vùng đệm mất việc làm vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, khô hạn kéo dài thiếu nước canh tác khiến tình trạng xâm phạm đến tài nguyên rừng có nguy cơ tăng dần. Bên cạnh đó, khô hạn cũng gây khó khăn đến công tác phòng cháy chữa cháy và phát triển một số diện tích rừng trồng hiện nay.
Ông Trần Văn Tiếp cho hay để nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học, năm 2020 Vườn quốc gia Núi Chúa tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng phát huy các giá trị sinh thái, nhân văn của Vườn thông qua các hoạt động du lịch để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu nội lực phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Hiện nay, Vườn đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái như: Du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng. Việc phát triển này tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của Núi Chúa. Song song với đó, Vườn chú trọng tuyên truyền, tập huấn về du lịch sinh thái cho nhân viên, khách du lịch, cộng đồng địa phương để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Vườn Quốc gia Núi Chúa đã và đang làm giảm những tác động, rủi ro của thiên tai và các hoạt động của con người tới tài nguyên đa dạng sinh học; góp phần tích cực thúc đẩy du lịch Ninh Thuận phát triển để xứng tầm với tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi.
Thừa Thiên Huế : Thiếu nước và hạn hán khốc liệt ở huyện A Lưới
Nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân các tỉnh Bắc Trung bộ.
Nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân các tỉnh Bắc Trung bộ. Tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, những ngày qua có mưa dông nhưng tình hình khô hạn, thiếu nước tưới cho sản xuất vụ Hè-Thu vẫn chưa được cải thiện.
Bà con đồng bào A Lưới bát đầu gieo sạ vụ Hè-Thu.
Ông Hồ Văn Na, ở thôn A Ngo, xã A Ngo, huyện A Lưới cho biết: hạn hán kéo dài suốt thời gian qua làm nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn thiếu trầm trọng. Vụ Hè-Thu này, gia đình ông đã gieo sạ 4 sào lúa nước nhưng không hy vọng thu hoạch, vì đều trông nhờ vào nước trời.
Ông Na nói: "Bà con ở đây rất lo lắng, nhưng không làm cũng không được. Hơn nữa, bà con ở đây chỉ có làm ruộng thôi, dựa vào đồng ruộng là chính. Không làm lỡ có mưa là đói, cũng khó khăn cho nên phải cố gắng làm lúc có mưa là phải tranh thủ, thà là sau này hạn hán thì vứt thôi, bỏ thôi, chứ không biết làm sao nữa".
Mực nước ở hồ thủy lợi A Lá ở xã A Ngo xuống rất thấp.
Xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 100 ha lúa nước. Do nắng hạn kéo dài, các ao hồ, đập dâng, sông suối khô cạn, vụ Đông Xuân vừa qua, gần 10 ha lúa bị khô hạn và mất trắng. Ông Nguyễn Đức, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết, hiện xã đang huy động các nguồn lực đắp đập dã chiến, nạo vét các hệ thống kênh mương. Xã vận động người dân chuyển đổi gần 10 ha lúa nước bị hạn nặng sang trồng cây hoa màu khác như ngô, đậu.
Ông Đức nói: "Trước tình hình hạn hán kéo dài, xã đã tập trung vận động nhân dân là vụ Hè-Thu này chuyển diện tích đất hạn hán hiện nay sang một số cây trồng màu khác, đặc biệt là vận động nhân dân chuyến đổi sang trồng chuối hàng hóa theo đề án của huyện. Xã đã rà soát tất cả các diện tích đất thuộc diện vụ hè thu này không có khả năng đảm bảo nguồn nước để gieo cấy, trình UBND huyện xin chính sách hỗ trợ cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng".
Huyện miền núi A Lưới hiện có 86 công trình thuỷ lợi, phần lớn là tạm thời, bán kiên cố. Nhiều công trình đầu tư xây dựng đã khá lâu, nay đã xuống cấp, hư hỏng. Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, việc đầu tư hệ thống thuỷ lợi tại huyện A Lưới rất khó khăn khi diện tích trồng lúa nằm rải rác, không tập trung. Trước mắt, để tránh thiệt hại, vụ hè thu này, huyện sẽ kiên quyết vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Ông Ngưm cho biết: "Huyện chỉ đạo số diện tích không thể có nước tưới thì cho chuyển đổi sang cây trồng khác có thể phát triển qua cây ngô, cây họ đậu phù hợp với điều kiện thời tiết và phù hợp với thời vụ. Chủ trương của huyện một là thà bỏ hoang, hai là phải chuyển đổi vùng khô hạn nếu không thì vừa mất công mà không có thu hoạch vừa chi phí lớn".
Ngay từ đầu vụ Hè-Thu ở huyện A Lưới đã thiếu nước.
Trước tình hình nắng hạn gay gắt, tỉnh thừa Thiên Huế đang chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí để triển khai nạo vét các kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông suối vào hệ thống kênh mương nội đồng để chống hạn cho diện tích gieo trồng...
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế cho biết, đối với huyện A Lưới tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi gần 300 ha lúa nước sang các cây trồng chịu hạn khác, diện tích còn lại huy động lực lượng nạo vét hệ thống kênh, thủy lợi và tích trữ nước
"Việc đầu tiên là tính toán chuyển đổi các vùng không có nước, vùng mà không có thủy lợi và lên kế hoạch chi tiết cụ thể điều chỉnh mùa vụ, chuyển sang những cây trồng chịu hạn tốt. Sử dụng nước tiết kiệm. Ở kịch bản xa hơn thì tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi, kênh mương, các công trình đầu mối", ông Phương nói.
Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn Ngày 21/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên yêu cầu tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn. Theo Công điện, từ đầu năm 2020 đến nay, lượng mưa tại một số vùng thuộc Nam Trung bộ bị thiếu...