Bảo tồn loài tắc kè chỉ có ở Việt Nam
Tắc kè Cảnh là loài đặc hữu ở Việt Nam đứng trước nguy cơ biến mất do không được bảo tồn và thiếu các thông tin sinh học cơ bản về loài.
“Rình rập” suốt 3 tháng
Một trong những nguyên nhân mà 96% các loài bò sát trên thế giới không được bảo vệ bởi các biện pháp bảo tồn là do thiếu thông tin sinh học cơ bản về loài. Tắc kè Cảnh (Gekko canhi) chỉ được biết đến với duy nhất công bố mô tả về loài.
Được ghi nhận phân bố cùng sinh cảnh với loài cực kỳ nguy cấp thạch sùng mí Hữu Liên, tắc kè Cảnh được dựa đoán là cũng sẽ chịu tác động mạnh từ hoạt động của con người.
Nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu hệ Gen, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp với Vườn thú Cologne (Đức) đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá toàn diện về sinh thái, quần thể, nhân tố tác động đến loài, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn loài tắc kè Cảnh.
Tắc kè Cảnh được phát hiện và mô tả lần đầu tiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên (Lạng Sơn) và Sapa (Lào Cai), vào năm 2010 trên tạp chí Zootaxa. Loài được đặt theo tên của PGS.TS Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
Tuy nhiên, từ khi công bố tới thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận thêm bất kể nghiên cứu nào về loài. Sự lãng quên với những hiểu biết khoa học về loài là lý do khiến các nhà bảo tồn tại Việt Nam đặt ra câu hỏi rằng liệu tắc kè Cảnh có thực sự nguy cấp và cần được bảo vệ?
Loài tắc kè Gekko canhi có đặc điểm nhận dạng như: Kích cỡ trung bình (dài mút mõm hậu môn khoảng 85 – 99 mm), 12 – 14 vảy môi trên, 10 – 13 vảy môi dưới, 47 – 50 vảy gian ổ mắt, 10 – 13 hàng u nhỏ trên lưng, 164 – 170 hàng vảy quanh thân, 13 – 16 bản mỏng dưới ngón thứ nhất và 14 – 17 bản mỏng dưới ngón thứ tư của chi sau, phía trên ống chân có các u nhỏ, có 5 lỗ trước hậu môn, vảy dưới đuôi phình rộng.
Loài tắc kè này có đặc điểm hình thái khá giống với loài tắc kè Nhật Bản Gekko japonicus. Tuy nhiên nó khác ở chỗ kích cỡ lớn hơn, có nhiều hơn số vảy gian ổ mắt, số hàng vảy quanh thân, số vảy bụng, số bản mỏng dưới ngón I ở chi sau, nhưng lại có số lỗ trước hậu môn ít hơn so với loài tắc kè Nhật Bản.
Để có cơ sở khẳng định về những mối nguy rình rập loài tắc kè này, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát thực địa trong 3 tháng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên (Lạng Sơn). Nhóm đã ghi nhận 95 cá thể tắc kè Cảnh, trong đó tháng 10 ghi nhận nhiều nhất với 56 cá thể, tháng 5 ghi nhận với 31 cá thể và tháng 7 với chỉ 8 cá thể.
Video đang HOT
Mật độ quần thể được ước tính biến thiên giữa các tháng khảo sát. Trong đó, tháng 10 ghi nhận với mật độ quần thể cao nhất với trung bình 9,6 cá thể/km2/ngày và 6,1 cá thể/km2/ngày.
Nghiên cứu về cấu trúc quần thể, con đực trưởng thành ghi nhận nhiều nhất trong tháng 5 (48,4%), con non và con cái trưởng thành ghi nhận nhiều trong tháng 7 (37,5%) và con cái trưởng thành trong tháng 7 (55,4%).
Biện pháp bảo tồn
Loài được ghi nhận ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên trong dải độ cao từ 150 đến 342m so với mực nước biển. Nhiệt độ không khí ghi nhận tại các thời điểm hoạt động của loài trong đêm dao động từ 18,6 – 27,8 độ C. Nhiệt độ cơ thể của loài được đo đạc ngoài tự nhiên trong khoảng từ 18,9 – 28,8 độ C. Loài thường bám trên các vách đá và trên cách cành cây có độ cao trung bình so với mặt đất khoảng 1,21 m (0,2 – 3,0 m), với độ che phủ trung bình cao khoảng 76%.
Theo nhóm nghiên cứu, phân bố cùng sinh cảnh với loài cực kỳ nguy cấp Thạch sùng mí Hữu Liên, nên tắc kè Cảnh cũng được dự đoán là sẽ chịu tác động mạnh của hoạt động con người. Cụ thể, qua quan sát trực tiếp và phỏng vấn người dân địa phương, nhóm nghiên cứu ghi nhận một số hoạt động làm suy giảm chất lượng và phá hủy sinh cảnh sống của loài tắc kè Cảnh.
Trong đó có hoạt động xây dựng đường, đá lở, khai thác đá sản xuất xi măng, phá rừng trồng nương rẫy được ghi nhận tại sinh cảnh phân bố của loài. Loài tắc kè Cảnh cũng được dự báo là sẽ chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu trong tương lai do cùng môi trường sống với loài Thạch sùng mí Hữu Liên.
Nhóm nghiên cứu đề xuất cần cấp thiết thực hiện các biện pháp bảo tồn quần thể loài tắc kè Cảnh và sinh cảnh trước những tác động của hoạt động con người như: Phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ sinh cảnh núi đá vôi; kiểm tra và xử phạt với những trường hợp săn bắt động vật trái phép, chặt phá rừng trong khu vực cấm khai thác; tập huấn giám sát và tuần tra cho các cán bộ kiểm lâm; thực hiện các chương trình giáo dục cộng đồng trong địa phương nhằm nâng cao hiểu biết về giá trị của việc bảo vệ đa dạng sinh thái mang lại.
Một tin vui được nhóm nghiên cứu chia sẻ là Bộ TN&MT vừa có tờ trình báo cáo Thủ tướng về việc ban hành Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là ưu tiên bảo vệ).
Tờ trình nêu rõ, bảo tồn các loài động vật hoang dã ưu tiên bảo vệ là nhiệm vụ của toàn xã hội, bao gồm các cấp, ngành, tổ chức, cộng đồng và mọi người dân. Đảm bảo không có thêm loài ưu tiên bảo vệ bị tuyệt chủng.
100% các loài ưu tiên bảo vệ phải có phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Bộ TN&MT đề xuất điều tra, đánh giá hiện trạng quần thể, sinh cảnh sống của các loài ưu tiên bảo vệ trên toàn quốc; định kỳ cập nhật thông tin, dữ liệu và công bố Danh mục loài ưu tiên bảo vệ.
Hy vọng với quyết định này, nhóm các loài động vật hoang dã, quý hiếm sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt và bảo tồn bài bản.
Hàng trăm loài động thực vật mới phát hiện ở Tiểu vùng sông Mekong mở rộng
Nhóm các nhà khoa học và nghiên cứu quốc tế làm việc tại 5 quốc gia trong khu vực đa dạng sinh học rộng lớn vào khoảng thời gian hai năm từ năm 2021 đến năm 2022 mới đây đã phát hiện ra rất nhiều loài động thực vật mới sống ở Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Theo hãng CNN, báo cáo của Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) ngày 22/5 cho biết khoảng 400 loài động thực vật mới được phát hiện ở khu vực Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng có thể sớm tuyệt chủng do mất môi trường sống bởi hoạt động khai thác của con người.
Đây là một trong số 380 loài mới được liệt kê trong bản cập nhật mới nhất của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới. Nguồn: CNN
Nhóm các nhà khoa học và nghiên cứu quốc tế đã làm việc tại 5 quốc gia trong khu vực đa dạng sinh học rộng lớn vào khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022 mới đây đã phát hiện ra những loài động thực vật mới, trong đó có loài phong lan trông giống như một nhân vật trong "Múa rối".
""Những loài động thực vật này có thể là loài mới đối với khoa học nhưng chúng đã tồn tại và phát triển ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong hàng triệu năm qua. Chúng có thể đã ở đây rất lâu trước khi con người chuyển đến khu vực này. Con người phải có nghĩa vụ làm tất cả khả năng có thể để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động thực vật ở đây, bảo vệ môi trường sống cho chúng và giúp chúng phục hồi", ông K. Yoganand, trưởng nhóm động vật hoang dã ở Tiểu vùng sông Mekong mở rộng thuộc Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) cho biết.
Theo báo cáo của Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF), các nhà khoa học đã phát hiện ra tổng cộng 290 loài thực vật, 19 loài cá, 24 loài lưỡng cư, 46 loài bò sát và một loài động vật có vú, nâng tổng số loài thực vật có mạch, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú được tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng kể từ năm 1997 là gần 4000 loài. Những khám phá nhấn mạnh sự đa dạng sinh học phong phú của khu vực - nơi sinh sống của hơn hơn 300 triệu người ở các quốc gia Thái Lan, Myanmar, Lào, Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo mối đe dọa đang gia tăng đối với động vật hoang dã do con người gây ra trong cuộc sống hàng ngày.
Báo cáo của Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) nêu rõ sự đa dạng sinh học phong phú của khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng đang phải đối mặt với những áp lực to lớn từ phát triển kinh tế và gia tăng dân số, dẫn đến nạn phá rừng, ô nhiễm và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.
"Báo cáo mới không chỉ nhắc nhở chúng ta về sự đa dạng và sáng tạo phi thường của tự nhiên mà còn đóng vai trò như một lời nhắc nhở kịp thời về mối nguy hiểm nghiêm trọng mà rất nhiều loài động thực vật cũng như môi trường sống này đang phải đối mặt. Báo cáo cũng chỉ ra những thứ con người có nguy cơ mất đi nếu không hành động khẩn cấp cùng với những cam kết không được phép khai thác quá mức", ông Mark Wright, Giám đốc khoa học của WWF-UK nhấn mạnh.
Những phát hiện mới
Theo báo cáo của WWF, nhóm các nhà khoa học đã phát hiện loài động thực vật mới như tắc kè ngón cong Cyrtodactylus rukhadeva ở dãy núi Tenasserim của Thái Lan giáp với Myanmar. Là một loài sống trên cây - có nghĩa là phần lớn cuộc đời của chúng gắn liền với cây - tên của loại tắc kè này được lấy từ Rukha Deva, những nữ thần cây thần thoại bảo vệ khu rừng trong thần thoại Thái Lan. Hay phát hiện mới ra loài lan Dendrobium fuscifaucium cũng xảy ra tình cờ trong quá trình khám phá của các nhà khoa học. Cụ thể, một chủ vườn ươm đã mua giống lan này từ một người bán hàng địa phương trên những ngọn đồi đá vôi ở tỉnh Viêng Chăn, Lào. Khi lan ra hoa, người bán đã gửi ảnh cho chuyên gia hoa lan châu Á Pankaj Kumar - một học giả thỉnh giảng tại Đại học Công nghệ Texas. Cho rằng đây là một loài lan mới, ông Pankaj Kuma đã làm việc với một chuyên gia về hoa lan ở Lào để truy tìm nguồn gốc, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy loài hoa này nở hoa trong tự nhiên. Đây không phải là loài phong lan đầu tiên được phát hiện từ hoạt động mua bán ở Lào. Trên thực tế, một số loài động thực vật cũng đã được phát hiện thông qua hoạt động buôn bán ở nước này trong thập kỷ qua.
"Đây là một loài phong lan rất đẹp với những bông hoa lớn và có giá trị trang trí tiềm năng rất cao", ông Kumar nói.
Báo cáo của Quỹ động vật hoang dã thế giới cho rằng mặc dù gần như tất cả các loài lan mới phát hiện trong hoạt động buôn bán là giống nhân tạo. Tuy nhiên, quá trình buôn bán và thu hoạch quá mức từ tự nhiên của con người có thể là mối đe dọa đối với nhiều loài động thực vật.
Đặc biệt trong hành trình khám phá lần này, các nhà khoa học cũng cho biết một loài cóc nhỏ được tìm thấy trên bán đảo Thái Lan-Malaysia và biết đến với tên là Ansonia infernalis - cóc suối địa ngục - vì màu cam đỏ tươi ở các chi và hai bên sườn của loài động vật này, được xem giống như ngọn lửa địa ngục./.
Phát hiện nhiều động vật quý hiếm ở Vườn Quốc gia Vũ Quang Quá trình đặt bẫy ảnh phục vụ hoạt động giám sát đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Vũ Quang ghi nhận 58 loài động vật hoang dã, quý hiếm. Trong số này có 9 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn. Lãnh đạo Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị này vừa hoàn thành đặt và thu 85...