Bảo tồn kiến trúc truyền thống trên cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển du lịch
Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang nằm trải dài trên 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích tự nhiên trên 2.356,8km2 và nằm ở độ cao trung bình từ 1.100-1.600m so với mực nước biển.
Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO chính thức công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào ngày 3/10/2010.
Di tích Nhà Vương huyện Đồng Văn – điểm du lịch và là di tích lịch sử của Hà Giang được lợp bằng ngói âm dương truyền thống. Ảnh: Văn Phú
Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư trú của 17 dân tộc thiểu số, chủ yếu là các dân tộc: Mông, La Chí, Dao, Giấy, Lô Lô, Hoa, Sán Dìu… Mỗi dân tộc có một truyền thống và bản sắc văn hóa riêng biệt. Lối kiến trúc nhà ở đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá nơi đây là nhà trình tường bằng đất có mái lợp bằng ngói âm dương kết hợp với tường rào đá vững chắc bao quanh nhằm bảo vệ ngôi nhà và ngăn chặn thú dữ, nhất là vào ban đêm. Đây là lối kiến trúc có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn nhằm chống lại nhiệt độ lạnh giá của mùa đông và giữ cho không gian nhà ở được mát mẻ vào mùa hè. Nhưng lối kiến trúc truyền thống này hiện đang bị mai một dần do quá trình phát triển về kinh tế – xã hội, nhất là từ khi cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và do thay đổi trong quá trình mở rộng, phát triển du lịch.
Hiện nay, do thời gian, tiện lợi và nguồn đất làm tường khan hiếm (do đất chủ yếu là đá hoặc đất có lẫn đá) nên các ngôi nhà trình tường bằng đất truyền thống của đồng bào các dân tộc đã được ghép bằng các tấm gỗ sa mộc hoặc được xây bằng gạch được nghiền từ bột đá và xi măng; các mái ngói âm dương truyền thống được thay bằng các tấm lợp prô xi măng hoặc bằng mái tôn. Với lối kiến trúc mới này đem lại sự tiện lợi, nhanh và giá rẻ nhưng nó lại không có khả năng chống lại cái rét khắc nghiệt của mùa đông và không giữ được nhiệt độ mát mẻ vào mùa hè. Bên cạnh đó, với lối kiến trúc mới đang dần làm mất đi hình ảnh của những mái nhà truyền thống được làm bằng đất trình tường, lợp ngói âm dương và được bao quanh bằng những hàng rào đá được xếp vững chắc của đồng bào.
Video đang HOT
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó có phát triển du lịch du lịch vùng cao nguyên đá. Nhưng khi cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu thì những giá trị truyền thống của cao nguyên đá cần phải được giữ gìn và bảo tồn như bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, hiện trạng tự nhiên của các vỉa đá, các đồi núi đá, các mạch đá và lối kiến trúc truyền thống nhà ở của đồng bào các dân tộc nơi đây… Những vấn đề này đã được các chuyên gia đề xuất, khuyến nghị và đã được các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đề xuất biện pháp bảo tồn và phát triển.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai công tác bảo tồn các kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào tại 4 huyện cao nguyên đá, nhất là mái nhà được lợp bằng ngói âm dương tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, các xã và các thôn, bản tại 4 huyện cao nguyên đá. Điều đó đã giúp công tác bảo tồn lối kiến trúc truyền thống và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại các huyện cao nguyên đá. Công tác bảo tồn đã góp phần thu hút một lượng lớn khách du lịch khi tham quan, khám phá những giá trị văn hóa của lối kiến trúc xưa.
Một gia đình dân tộc Mông ở xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc còn giữ được kiến trúc truyền thống nhà ở có hàng rào đá kết hợp với mái lợp ngói âm dương nhưng tường nhà được ghép bằng tấm gỗ. Ảnh: Văn Phú
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng đã xúc tiến công tác bảo tồn các kiến trúc truyền thống của các di tích lịch sử trên cao nguyên đá Đồng Văn, như: Quần thể kiến trúc Nhà Vương, quần thể phố cổ huyện Đồng Văn… Những di tích này không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, mà còn mang đậm nét về văn hóa kiến trúc truyền thống qua hàng nghìn năm của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đó chính là ý nghĩa lịch sử quan trọng mang tính đặc thù chỉ có riêng ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn và là một trong những điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu và khám phá…
Tuy nhiên, để công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, các danh lam thắng cảnh cũng như lối kiến trúc truyền thống về nhà ở của đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn rất cần có một giải pháp tổng thể của các cấp, các địa phương và của các ngành chức năng để đưa ra một giải pháp mang tính khả thi. Bên cạnh đó, để bảo tồn lối kiến trúc truyền thống nhà ở của đồng bào các dân tộc tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn thì ngoài biện pháp tuyên truyền cũng rất cần một chính sách hỗ trợ phù hợp cho đồng bào khi triển khai xây dựng nhà ở theo lối kiến trúc truyền thống.
Bên cạnh đó, để công tác bảo tồn lối kiến trúc truyền thống về nhà ở được đông đảo đồng bào đón nhận thì cần nâng cao trình độ dân trí đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với đông đảo người dân. Đó chính là hướng đi để Hà Giang đẩy mạnh công tác bảo tồn lối kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
“Để bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống cũng như bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn, rất cần sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương tại 4 huyện cao nguyên đá. Từ đó, nhằm xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình sử dụng các vật liệu xây dựng truyền thống. Trước mắt, cần tập trung xây dựng lối kiến nhà ở truyền thống tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, các điểm du lịch tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn nhằm bảo tồn và tạo điểm nhấn về phát triển du lịch của địa phương” – ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn cho biết.
Yên Minh - "Nàng công chúa" giữa đại ngàn đá xám
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gồm có bốn huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.
Nếu coi Đồng Văn và Mèo Vạc là vùng lõi của Cao nguyên đá Đồng Văn với kiến tạo địa hình hùng vĩ, trùng điệp với những sa mạc đá, những bản làng xa xôi lưng trừng núi, những mái nhà rêu phong mái gói âm dương, tường trình đất. Thì khu vực Yên Minh lại là một vùng đất thật khác biệt.
Huyện Yên Minh nằm trên quốc lộ 4C, cách thành phố Hà Giang hơn 98km. phía bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía đông bắc giáp huyện Đồng Văn, phía đông giáp huyện Mèo Vạc, đông nam giáp huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), phía tây giáp huyện Quản Bạ và phía nam giáp huyện Bắc Mê. Tuy nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nhưng nơi đây được thiên nhiên ưu ái dành cho nhiều diện tích đồi núi đất màu mỡ. Nhiều du khách khi lên Cao nguyên đá Đồng Văn đã không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nên thơ, lãn mạn, đầy chữ tình của những đồi thông chạy xa tít tắp, nhiều người đã ví nơi đây là "Đà Lạt thứ hai".
Không chỉ có những đồi thông trải dài thơ mộng, mà Yên Minh còn là khu vực có diện tích ruộng bậc thang nhiều và đẹp không kém gì ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái), SaPa (Lào Cai) hay Hoàng Su Phì (phía Tây của tỉnh Hà Giang). Ruộng bậc thang nơi đây giống như những bức tranh phong cảnh khổng lồ với những đường nét uốn lượn mềm mại, vẻ đẹp tự nhiên rực rỡ khi mỗi mùa thu về và những cánh đồng mấp mô men theo sườn núi tạo nên bức tranh thiên nhiên sinh động giữa trời. Có lẽ cũng chính vì thế mà Yên Minh được nhiều du khách ví nơi đây với cái tên "Nàng công chúa" giữa Cao nguyên đá Đồng Văn.
Vào thời điểm cuối năm khi mùa đông tới, Yên Minh quyến rũ, lung linh trong vẻ đẹp của những đồi hoa sở nở trắng muốt. Có lẽ vì vậy, khi đi trên Quốc lộ 4C - Con đường Hạnh Phúc chạy qua địa phận Yên Minh, đã không ít du khách nhầm tưởng đây là nơi khởi nguồn cho nhạc phẩm nổi tiếng "Chiều biên giới" với những câu ca như được chắt lọc ở chính nơi này "Em ơi! Có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới khi màu đào đang nở, khi mùa sở ra cây, lúa từng bậc thang mây, tời tỏa ngát hương xay...".
Vượt qua rừng thông thuộc địa phận xã Lao Và Chải, tới trung tâm huyện Yên Minh, tới tỉnh lộ 182 và 176 hay còn được gọi với cái tên "Đường Quyết Thắng" nối Yên Minh với huyện Mèo Vạc, bạn sẽ nghe thấy tiếng nhạc róc rách của những con suối nhỏ len lỏi trong khe núi, chảy xuống thung sâu. Và chắc chắn, ai đã từng qua đây vào thời điểm tháng tư, không thể không ấn tượng với màu đỏ rực cả một vùng trời biên cương của những bông hoa gạo. Nếu bạn là người ưa khám phá mạo hiểm, thì Yên Minh cũng chính là nơi lý tưởng thỏa trí thử sức mình để trải nghiệm khám phá chuỗi sản phẩm hang động "nguyên thủy" Đường Thượng, với kết cấu 7 hang nằm liền kề nhau. Khu vực Đường Thượng mang trong mình nhiều giá trị di sản địa chất phong phú, nơi đây đã được Câu lạc bộ thám hiểm Hoàng Gia (nước Anh) biết tới trong quá trình khám phá, trải nghiệm hệ thống chuỗi hang động ở đây. Không những thế, Đường Thượng còn là mảnh đất nuôi dưỡng người con cách mạng Đặng Việt Hưng, là nơi khởi nguồn của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Trạch trụ huyết" của nhà văn Nguyễn Trần Bé. Bạn cũng có thể "phượt" bằng xe máy băng qua những cánh rừng già nguyên sinh, những thác nước Du Gìa, hẻm vực Nậm Lang và rừng đá vôi Du Tiến, suối nước trong xanh bản Án... Để cảm nhận được hết cảm giác như tan chảy vào thiên nhiên, để thấy lòng chợt thật yên bình sau bao bộn bề của cuộc sống.
Yên Minh, không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên nhiên, con người chan hòa mến khách. Mà Yên Minh, còn là mảnh đất mang nhiều dấu ấn của lịch sử cách mạng. Là điểm giữa nối hai đầu con đường huyền thoại mang tên "Hạnh Phúc", và đồng thời cũng là nơi yên nghỉ của 14 thanh niên xung phong - những anh hùng tham gia mở đường "Nghĩa trang Thanh niên sung phong mở đường Hạnh Phúc". Là quê hương của nhiều hoa thơm và trái ngọt trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Yên Minh, mùa đông không quá lạnh, mùa hè chẳng quá nóng, với sự kết hợp hài hòa giữa sông và nùi...chắc chắn nơi đây sẽ giúp bạn cân bằng trạng thái và có những trải nghiệm thú vị.
Hàng rào đá - một điểm nhấn ở cực Bắc Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) thực sự là vùng đất vô cùng khắc nghiệt. Song, vùng đất này cũng có không ít thứ đáng yêu, đáng nhớ. Với tôi, những hàng rào đá đơn sơ, tưởng chừng như vô hồn vô cảm, lại là một sự cuốn hút đến kỳ lạ.... Bản làng người Mông. Ở cực Bắc của Tổ quốc,...