Bão số 9 đổ bộ tàn phá các tỉnh miền trung
Trưa nay (28/10), sau khi càn quét đảo Lý Sơn, bão số 9 đi sâu vào đất liền tỉnh Quảng Ngãi với sức gió mạnh cấp 12, gây thiệt hại lớn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 12h trưa nay (28/10), bão số 9 đã đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, với sức gió mạnh nhất cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.
Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12, tại Hoài Hải (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, tại An Khê (Gia Lai) có gió cấp 8, giật cấp 10, tại Duy Hải (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9,…
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lớn và gió giật mạnh đã khiến 360 xã bị mất điện, tập trung ở khu vực bão trực tiếp đổ bộ. Số lượng này chiếm 10% phụ tải của miền Trung.
Thiệt hại về người do bão bước đầu ghi nhận 2 người bị thương ở Bình Định. Về nhà cửa, gió mạnh đã giật sập hoàn toàn 3 ngôi nhà và khiến 485 nhà, một trường học bị tốc mái.
Một đường dây trung thế và 1 cột điện trung thế ở Phú Yên cũng bị gió bão làm đứt, gãy.
Bão số 9 làm tốc mái nhiều ngôi nhà ở Quảng Ngãi. Ảnh: Duy Hiệu.
Lúc 12h30, tâm bão đổ bộ vào Quảng Ngãi, gió trong đất liền đã quật liên hồi, gió rít từng cơn, ngoài đường cây cối ngã đổ la liệt, từng cơn gió rít cuốn phăng theo tất cả những gì nó đi qua, mái tôn, mái ngói, kính vỡ bay xoay tít theo từng cơn gió rít. Ngoài trời lúc này, gió thét từng cơn, nhiều lúc nghe như bom nổ.
Tại xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi có một gia đình kêu cứu vì bão quá mạnh. Mặc dù đã nhiều lần vận động nhưng gia đình này hôm qua không chịu sơ tán. Bây giờ Chính quyền tỉnh và thành phố đã làm hết sức nhưng không thể để lực lượng cứu nạn ra đường lúc này. Mới đây, có 3 hộ gia đình ở thôn Nước Nia, huyện Sơn Hà chạy ra khu nhà trống đã di dời nhưng gió quá mạnh, số hộ này gọi điện cầu cứu lãnh đạo huyện. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà đã điều động phương tiện ra đưa 3 hộ với 20 nhân khẩu này đến nơi trú ấn.
Nhà sập, mái tôn bay ở Quảng Ngãi (Ảnh: Nguyễn Minh Hiền)
Tại Quảng Ngãi, từ 12h30, gió giảm cấp nhưng vẫn giật mạnh kèm mưa lớn. Khắp nơi đều có cảnh nhà bay mái ngói, mái tôn, cây gãy đổ la liệt. Điện mất diện rộng, sóng điện thoại bị tê liệt.
Video đang HOT
13h30 tại Quảng Ngãi trời đứng gió. Có thể tâm bão đã đi qua. Tuy nhiên hoàn lưu bão vẫn còn rất mạnh. Tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo người dân chưa được ra khỏi nhà lúc này. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công điện và yêu cầu người dân ở yên nơi sơ tán đến 16h mới được rời khỏi nơi sơ tán. Lúc này trên các nẻo đường cây cối ngổn ngang cũng chưa thể đi lại được. Sau khi bão đi qua, các lực lượng sẽ chung tay dọn dẹp bớt cây cối mới có thể lưu thông tạm.
14h chiều 28/10, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) gió vẫn rất mạnh. Sau trận mưa lớn kèm gió to buổi sáng, hàng trăm ngôi nhà, hàng quán bị tốc mái. Người dân tranh thủ leo lên mái nhà chặt hạ nhánh cây, tránh gãy đổ vào nhà.
Bão phá nát các cửa kính của một khách sạn ở Quảng Ngãi
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Phú Yên, nhiều nơi có mưa vừa, mưa to, gió giật mạnh, lượng mưa đo được từ 34,4 đến 132,8mm. Hàng chục nhà dân bị tốc mái, nhiều cây xanh bị ngã đổ, mất điện trên diện rộng.
Tại thị xã Sông Cầu, đến 10 giờ sáng 28/10, mưa to, kèm theo gió giật khiến 31 nhà dân bị tốc mái, thiệt hại nặng nhất tại xã Xuân Lộc 29 nhà, Xuân Cảnh 1 nhà, Xuân Hải 1 nhà.
Gió mạnh cũng khiến trụ sở xã đội của xã Xuân Bình bị tốc mái, 2 ghe công suất nhỏ của ngư dân bị sóng nhấn chìm; hàng chục dìa tôm, cá của người dân bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Trung Thịnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu cho biết, hiện trên địa bàn gió giật rất mạnh, toàn xã bị mất điện.
Mưa lớn cũng khiến tuyến đường Phú Yên-Gia Lai đoạn qua xã Phú Mỡ bị sạt lở, đất đá bồi lấp 2/3 mặt đường khiến giao thông qua lại khu vực gặp nhiều khó khăn. Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân đã cắt cử lực lượng ứng trực, ngăn không cho người dân qua lại khu vực sạt lở, nơi ngập úng.
Đến 10 giờ ngày 28/10, Phú Yên có 51 xã, phường, thị trấn bị mất điện, nhiều nhất tại thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và thành phố Tuy Hòa.
Tại thị xã Đông Hòa, nhiều trụ điện đã bị gió quật ngã, đổ. Điện lực Phú Yên đang tập trung khắc phục sự cố mất điện, đảm bảo an toàn, sớm cấp điện lại cho người dân.
Cập nhật mới nhất bão số 9: Phú Yên 38 xã mất điện, Quảng Ngãi 2 người thương vong
Do ảnh hưởng của bão số 9, đến 8 giờ sáng ngày 28/10 tại Phú Yên nhiều nơi mưa rất to, gió giật mạnh. Tại Quảng Ngãi đã có 2 người thương vong.
Một số cây xanh trên địa bàn thành phố Tuy Hòa, Phú Yên bị ngã đổ. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
*8h sáng tại Phú Yên
Do ảnh hưởng của bão số 9, đến 8 giờ sáng ngày 28/10 tại Phú Yên có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, gió giật mạnh.
Tại các tuyến phố chính của thành phố Tuy Hòa như Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Nguyễn Công Trứ, nhiều cây xanh đã bị bật gốc, một số mái tôn, biển hiệu quảng cáo, lều bạt của người dân bị gió thổi bay.
Tại các địa phương như huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An, do gió to một số cây xanh trồng dọc các tuyến đường liên xã bị ngã đỗ, chính quyền các địa phương đang huy động lực lượng phương tiện giải tỏa, khắc phục thông đường tạo thuận lợi cho người dân lưu thông.
Do ảnh hưởng của bão, tại Phú Yên có có gần 82.000 khách hàng bị mất điện. Ảnh: TTXVN
Do ảnh hưởng của bão, tại Phú Yên có có gần 82.000 khách hàng bị mất điện tại các huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa. Hiện điện lực Phú Yên đã khôi phục sự cố mất điện cho 23.773 khách hàng, hiện còn 40/100 xã, phường, thị trấn với 58.200 khách hàng đang mất điện.
Ông Thái Minh Châu, Giám đốc Điện lực Phú Yên cho biết, hiện chưa ước tính được thiệt hại do bão gây ra, đường dây 22kV qua các khu vực gặp sự cố tại vùng đồi núi, mưa to, gió mạnh, ngành điện chưa thể tiếp cận được hiện trường để kiểm tra, xử lý khắc phục.
Điện lực Phú Yên sẽ tiếp tục rà soát, khắc phục nhanh các sự cố, đảm bảo an toàn, sớm khôi phục lại điện cho người dân.
Cây to bật gốc ngã đổ, nhiều mái tôn tại nhà dân bị gió cuốn phăng. Ảnh: Lê Ngọc Phước - TTXVN
*Tại Quảng Ngãi
Do ảnh hưởng của bão số 9, đầu giờ sáng 28/10, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Khu vực Quảng Ngãi đã có mưa to với lượng mưa trong 6 giờ qua phổ biến 60 - 120 mm. Có nơi mưa rất to trên 200mm như: tại Trà Hiệp (Quảng Ngãi) lượng mưa đo được là 253mm, Trà Thanh (Quảng Ngãi) là 242mm.
Lý Sơn là địa phương đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 9. Đến thời điểm hiện nay, Lý Sơn đang có gió rất mạnh rít từng cơn kèm theo mưa lớn, sóng biển cao từ 4 - 6m. Mưa lớn và gió mạnh đã làm tốc một số mái nhà của người dân và trụ sở cơ quan như: Nhà thi đấu trung tâm Thể thao văn hóa thông tin và trụ sở cơ quan thi hành án của huyện. Hiện nay, toàn bộ huyện đảo đã bị mất điện.
Theo thông tin mới cập nhật, khoảng 3h30 sáng nay, mưa gió cũng đã làm chập điện và gây cháy một gian hàng ở chợ Nghĩa Phú - thành phố Quảng Ngãi. Tuy nhiên, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã có mặt kịp thời khống chế ngọn lửa và không để lây lan sang các gian hàng khác.
Theo báo cáo nhanh của Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đã có 1 người chết là anh Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1981, ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, bị ngã chết vào chiều ngày 27/10 khi chằng chống nhà ở). 01 người bị thương ở huyện Nghĩa Hành.
Hiện nay, dung tích các hồ đạt trung bình khoảng 61,5% dung tích thiết kế. Trong đó, hồ chứa nước có tràn xả lũ tự do: 67,6% dung tích thiết kế, hồ chứa nước có cửa van điều tiết: 60,3% dung tích thiết kế. Riêng hồ chứa nước Nước Trong đạt 63,6% dung tích thiết kế. Tại các hồ thủy điện: Dung tích trữ của các hồ chứa: Đakđrinh: 84,5%, Hà Nang: 54,1%, ĐăkRe: 86,8%.
*Tại Gia Lai
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, trong tối 27 và sáng 28/10 trên địa bàn tỉnh Gia Lai bắt đầu có mưa và gió tương đối mạnh. Các huyện, thị xã ở khu vực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai gồm Kbang, An Khê, Kông Chro, Đăk Pơ có mưa và gió to.
Hiện công tác triển khai ứng phó với bão số 9 đang được các huyện tích cực triển khai nhằm giảm thiểu các thiệt hại do bão gây ra.
Sáng 28/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai ban hành công văn số 2018/SGDĐT-VP về việc khẩn trương cho học sinh nghỉ học trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 9.
* Sau khi đổ bộ, bão số 9 có thể gây ảnh hưởng nặng trước khi suy yếu
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 28/10, do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Lý Sơn gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Ở các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm, tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt.
Từ ngày 28-31/10, khu vực Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 là cấp 4.
Hồi 4 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16. Bán kính khoảng 280 km tính từ tâm bão có gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên; bán kính khoảng 120 km tính từ tâm bão có gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông từ 4 giờ ngày 28/10 đến 4 giờ ngày 29/10 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) gồm: Từ vĩ tuyến 11,0-18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Từ 4 giờ ngày 28/10 đến 16 giờ ngày 28/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở trên khu vực Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Từ 16 giờ ngày 28/10 đến 4 giờ ngày 29/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Trong ngày 28/10, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 8-10 m; biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8 m.
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió Đông Bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m.
Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, phía Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, đến 10 giờ ngày 28/10, tâm bão số 9 nằm ngay trên đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định. Đáng lưu ý, sau khi đổ bộ, bão số 9 có thể đi sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng nặng trong ngày 28/10 rồi mới suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bão số 9: Bình Định họp khẩn, quyết liệt dời dân vùng nguy hiểm Ứng phó với bão số 9, tỉnh Bình Định đang kiểm tra, rà soát những hộ dân ở vùng ven biển, triều cường, vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở... để lên phương án di dời. Những trường hợp bắt buộc, nếu không chấp hành phải tiến hành cưỡng chế di dời, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chiều...