Bão số 6 : Quảng Ngãi lên phương án di dời khẩn cấp trên 3.000 hộ dân
Chiều 8/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các cấp ngành của tỉnh, nhằm triển khai phương án phòng chống cơn bão số 6 mang tên Nakri. Quảng Ngãi là 1 trong những tỉnh được dự báo là khu vực trung tâm khi cơn bão này đổ bộ vào đất liền.
Tại cuộc họp, ông Nhâm Xuân Sỹ – Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trên cơ sở theo dõi và thông tin từ TƯ báo về, Quảng Ngãi được dự báo sẽ là một trong những địa phương nằm trong vùng tâm bão số 6, với lượng mưa ước lên đến 200mm và gió giật đến cấp 12. Tại vùng biển Lý Sơn và Đức Phổ, sóng sẽ có khả năng lên cao 3-5m”.
Những huyện có nguy cơ được xác định bị ảnh hưởng nặng nhất là 3 huyện ven biển Lý Sơn, Đức Phổ, Mộ Đức và 3 huyện phía trong gồm Ba Tơ, Nghĩa Hành, Minh Long. Vào ngày mai, sức gió tại Lý Sơn dự báo sẽ đạt cấp 6-8, sau tăng lên và giật đến cấp 12. Vùng tâm điểm của mưa lũ là 6 huyện, trong đó có 3 huyện ven biển nêu trên và các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Sơn Tịnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính (ảnh nhỏ) đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các cấp ngành của tỉnh, triển khai phương án phòng chống cơn bão số 6.
Để ứng phó, tỉnh Quảng Ngãi thành lập Tiểu ban tiền phương ứng phó tại huyện Đức Phổ, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính phụ trách, phối hợp cùng các Ban PCBL ở các huyện triển khai phòng chống, xử lý khi bão Nakri đổ bộ vào.
Tại cuộc họp cùng với chỉ đạo triển khai hàng loạt giải pháp phòng chống khác, các cấp ngành của tỉnh cũng đã lên phương án xác định sẽ sơ tán và di dời khoảng 3220 hộ/15.500 người ở 5 huyện, thành nằm các khu vực nguy hiểm, đến nơi ẩn trú an toàn.
Các huyện ven biển Lý Sơn và Đức Phổ được dự báo là bị ảnh hưởng nặng nhất, có sóng cao 3-5m (ảnh minh họa Internet).
Để hỗ trợ, giúp dân phòng chống bão lũ, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến huy động hàng chục ngàn cán bộ, chiến sỹ của lực lượng Quân sự, công an, Bộ đội biên phòng và Sư đoàn BB 307- Quân khu 5; cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào ngày 11/8 (thứ 2); cắt cử lực lượng túc trực cắm chốt ở những vị trí nước ngập sâu mà người dân hay qua lại để ngăn cấm; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, hoạt động trên sông khi mưa lũ đổ bộ vào bờ…
Cắt tỉa cành cây xanh ở TP.Quảng Ngãi để tránh gãy đổ, gây hại cho người và tài sản của dân.
Lực lượng bộ đội cõng dân vùng ngập trũng ở huyện Bình Sơn đi đến nơi trú ẩn an toàn (ảnh chụp năm 2017).
Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính yêu cầu các cấp ngành nghiêm túc và khẩn cấp triển khai các biện pháp đã để ra, tuyệt đối không chủ quan và lơ là để xảy ra những tình huống đáng tiếc, gây thiệt hại về người và tài sản. “Lãnh đạo địa phương nào không nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống bão, tỉnh sẽ thi hành kỷ luật mức nặng nhất”, ông Bính khẳng định.
Theo danviet.vn
Bão số 6 - Nakri giật cấp 14, bẻ hướng về phía đất liền
Bão số 6 (Nakri) di chuyển chậm giữa Biển Đông với sức gió tăng dần lên cấp 10-11, giật cấp 14. Cơn bão được dự báo ngày càng mạnh khi bẻ hướng về phía đất liền.
Dự báo ngày 7/11 về đường đi của bão số 6 - Nakri
Bão số 6 (Nakri) sẽ tăng tốc, di chuyển về phía đất liền với cường độ gió có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 14. Tâm bão nằm trên vùng biển Quảng Ngãi - Khánh Hòa ngày 10/11.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, chiều 7/11, bão số 6 (tên quốc tế là Nakri) còn cách đảo Song Tử Tây khoảng 390 km về phía đông bắc với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.
Trong 24 giờ tới, bão hầu như ít dịch chuyển, sau đó đổi hướng đi chậm về phía tây và tiếp tục mạnh lên. Chiều 8/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 270 km về phía đông bắc. Lúc này, bão mạnh thêm 1 cấp, đạt cấp 11-12, giật cấp 15.
Những giờ tiếp theo, bão sẽ giữ nguyên hướng di chuyển, tiếp tục tăng cường độ và tăng tốc lên 10-15 km/h. Ngày 9/11, tâm bão có thể cách đảo Song Tử Tây 200 km về phía tây bắc với cường độ không thay đổi so với 24 giờ trước đó.
Dự báo đường đi của bão số 6 trong các ngày 7-11/11. Đồ họa: Nhân Lê.
Bão có xu hướng di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc cũ, sức gió có thể suy yếu hơn khi ngày càng tiến gần về đất liền. Vị trí tâm bão cách đất liền Quảng Ngãi - Khánh Hòa 110 km về phía đông, sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 14 trong ngày 10/11.
Sau đó, bão giữ nguyên hướng đi và vận tốc, tiến sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Campuchia.
Cơ quan khí tượng cảnh báo do ảnh hưởng của bão, các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và phần phía đông của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum có mưa lớn tập trung trong các ngày 9-11/11.
Lượng mưa tại các khu vực có thể đạt trên mức 100 mm/ngày. Sau khoảng thời gian này, mưa vẫn duy trì ở Trung Bộ nhưng với cường độ giảm rõ rệt.
Ảnh vệ tinh lúc 16h30 ngày 7/11 cho thấy vùng mây bão rộng lớn của bão Nakri trên Biển Đông. Ảnh: NCHMF.
Trước đó, khu vực Nam Trung Bộ cũng vừa đón bão số 5 quét qua trong các ngày 30-31/10. Ảnh hưởng của bão gây mưa rất lớn cho các tỉnh miền Trung trong nhiều ngày.
Lo ngại các địa phương chưa kịp ổn định tình hình sau bão số 5 đã phải đón thêm cơn bão mới, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cử cán bộ xuống đánh giá tình hình khắc phục và nhu cầu hỗ trợ sau bão số 5 tại các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Nhà chức trách đã gửi công văn khẩn tới các địa phương yêu cầu triển khai các hoạt động di dời tàu thuyền đang hoạt động trên biển, theo dõi chặt chẽ các diễn biến của bão số 6 để có phương án ứng phó kịp thời.
Theo báo cáo nhanh của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến sáng 7/11, đơn vị đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 47.000 phương tiện, 100.000 lồng bè và người dân biết các diễn biến và hướng di chuyển của bão.
Hiện, khu vực phía tây Trường Sa vẫn còn 3 tàu cá, trên đó có 33 ngư dân chưa liên lạc được. Bộ tư lệnh đã phối hợp cùng gia đình các thuyền viên để liên lạc nhưng chưa có thêm thông tin.
Bộ Ngoại giao cũng đã có công hàm đề nghị Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền Việt Nam được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu.
Trước đó, ngày 6/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho hay địa phương đã gửi văn bản hỏa tốc kiến nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) có biện pháp hỗ trợ để các tàu của ngư dân địa phương vào Philippines tránh trú bão.
"Hiện 260 ngư dân cùng sáu tàu cá ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đang trong vùng ảnh hưởng bão số 6 xin vào đảo Luzon, Philippines trú tránh. Hiện Bộ Ngoại giao đã liên hệ với nước này tạo điều kiện cho ngư dân miền Trung vào tránh bão số 6", ông Bính nói.
Tỉnh Bình Định cũng gửi văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Ngoại giao liên hệ với phía Philippines cho phép 170 ngư dân cùng 31 tàu hoạt động trong vùng ảnh hưởng bão số 6 vào nước này trú tránh.
Theo Zing.vn
Vì sao bão số 6 liên tục mạnh lên, di chuyển khó lường? Chuyên gia khí tượng cho biết bão số 6 khó dự đoán vì chịu tương tác của 3 hình thái trên dải hội tụ nhiệt đới liên hành tinh. Hiện có nhiều kịch bản khác nhau cho cơn bão này. Sau hơn 2 ngày mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, bão số 6 (Nakri) được dự báo chuyển hướng,...