Bão số 2 gây gió giật cấp 9 trên đảo Bạch Long Vĩ, Hòn Ngư
Do ảnh hưởng của bão số 2 ( bão Koguma), tối 12-6, huyện đảo Bạch Long Vĩ ( TP Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, ở Hòn Ngư ( Nghệ An) có gió giật cấp 9, trên đất liền ven biển Thái Bình, Nam Định có gió giật cấp 6-7.
Vị trí và hướng di chuyển bão số 2 – Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, lúc 22h tối 12-6, vị trí tâm bão ở cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 110km về phía Tây Nam, cách đất liền khu vực từ Hải Phòng đến Nghệ An khoảng 130km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 – 75km/h), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão số 2, ở huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, ở Hòn Ngư (Nghệ An) có gió giật cấp 9, trên đất liền ven biển Thái Bình, Nam Định có gió giật cấp 6-7.
Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 7h – 22h ngày 12-6 phổ biến 80 – 180mm.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20km, trong đêm nay ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh/thành phố khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 21h tối 12-6, ông Trần Quang Năng, trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết bão số 2 đang trên vịnh Bắc Bộ, cường độ bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 và duy trì cường độ này trong đêm nay và sáng mai.
Video đang HOT
“Ngay từ bây giờ, toàn bộ vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Từ nửa đêm đến sáng sớm, bắt đầu gây gió mạnh ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa, có nơi sẽ có gió cấp 7-8, giật cấp 9.
Từ chiều nay mưa lớn đã xuất hiện và kéo dài cho tới sáng mai ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, sau đó mưa sẽ giảm dần. Từ chiều tối mai đến ngày 14-6, mưa lớn sẽ tập trung ở Tây Bắc Bộ như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Trong đêm nay trên vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-4 mét, biển động mạnh.
Khi bão vào gần bờ có thể suy yếu dần, nên vùng đất liền ven biển sẽ có gió cấp 6-7, giật cấp 9, tuy nhiên sẽ có những vùng ven biển Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa có gió giật trên cấp 9 gây nguy hiểm cho các hoạt động của người dân ở địa phương” – ông Năng nhận định.
Ông Năng cho hay, mưa cao điểm của cơn bão này sẽ tập trung trong đêm nay và sáng 13-6, mưa có thể 100 – 200mm trong vòng 12 giờ, đây là cường độ mưa rất lớn, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng. Sau đó, mưa sẽ mở rộng các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Phú Thọ, Lai Châu…
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đơn vị đã thông báo, hướng dẫn, kiểm đếm tổng số 54.673 phương tiện/235.111 người, trong đó hoạt động trên biển 2.082 phương tiện/11.855 người, neo đậu tại các bến và khu vực khác 52.591 phương tiện/222.896 người. Đến 18h ngày 12-6, còn 267 tàu hoạt động ở vịnh Bắc Bộ (thuộc khu vực nguy hiểm) và đang di chuyển vào bờ.
Các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã cấm biển và sơ tán dân trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh được 7.407 người.
Hà Tĩnh mưa lớn do bão số 2, tuyến đầu chống dịch đội mưa trực chốt
Do ảnh hưởng của bão số 2 trên địa bàn Hà Tĩnh, gió to, mưa lớn khiến công việc phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn. Lán trại của lực lượng chức năng bị dột, nước thấm ướt chăn màn.
Lực lượng phòng chống dịch ăn vội cơm tối dưới mưa lớn để kịp làm nhiệm vụ - Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Tính đến tối 12-6, Hà Tĩnh ghi nhận 29 ca nhiễm COVID-19, lực lượng chức năng vẫn đang tích cực truy vết các trường hợp tiếp xúc, tiến hành lấy mẫu những khu vực có ca nhiễm.
Hà Tĩnh vẫn đang giãn cách toàn thành phố, phong tỏa nhiều xã, thôn nơi có ca nhiễm sinh sống. Trong ngày hôm nay, do ảnh hưởng của bão số 2, Hà Tĩnh có nơi mưa to đến rất to, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại nhiều lán trại của lực lượng chốt chặn bị dột, nước thấm ướt chăn màn. Nhiều lán trại bị gió thổi làm đổ, nhiều lán trại dã chiến ngập nước khiến lực lượng chức năng không thể trú.
Mưa gió cũng khiến cho việc trực chốt kiểm soát tại các điểm phong tỏa, cách ly thêm phần khó khăn khi tầm nhìn bị hạn chế, nhất là vào buổi đêm. Những lúc này, các thành viên trong ca thay phiên nhau túc trực 24/24h, ngăn chặn người ra vào khu phong tỏa.
Các thành viên chống dịch tại các chốt đội mưa làm nhiệm vụ - Ảnh: NGỌC THẮNG
Để ứng phó với tình hình mưa to, gió lớn, lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt phong tỏa, kiểm soát dịch COVID-19 ở TP Hà Tĩnh cố gắng giằng néo lán trại cho chắc chắn hơn.
"Chúng tôi làm chốt từ 18h đến 2h sáng, trời lại mưa nên cần kiểm soát chặt hơn người ra vào thành phố. Mưa làm công tác phòng chống dịch của anh em thêm khó khăn nhưng các lực lượng khác, nhất là các nhân viên y tế còn vất vả hơn nhiều.
Những lúc này, anh em cố gắng động viên nhau, mong sao Hà Tĩnh sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh" - trung úy Nguyễn Văn Hoan, cán bộ Đội CSGT thành phố Hà Tĩnh, chia sẻ.
Hà Tĩnh đã cấm tất cả tàu thuyền ra khơi từ 15h chiều. Tổ chức kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến vừa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, vừa đảm bảo phòng chống dịch tốt nhất.
Trong ngày 12-6 Hà Tĩnh mưa lớn do ảnh hưởng bão số 2, lực lượng phòng chống dịch căng mình làm nhiệm vụ - Ảnh: NGỌC THẮNG
Có thời điểm gió lớn làm ngã trại lán của lực lượng chức năng - Ảnh: NGỌC THẮNG
Tại các cửa ngõ ra vào thành phố, CSGT đội mưa hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định phòng dịch - Ảnh: NGỌC THẮNG
Mưa xối xả khiến công tác phòng dịch thêm phần khó khăn nhưng tất cả đều nghiêm túc thực hiện công việc của mình - Ảnh: NGỌC THẮNG
Thái Bình xuất hiện 'vòi rồng đen' cực mạnh, thổi bay hàng loạt công trình Chiều 12/6, một "vòi rồng đen" với sức gió cực mạnh quét qua trụ sở UBND xã, trường học và khu dân cư ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) khiến nhiều công trình bị hư hại. Chiều 12/6, thông tin với PV VTC News, ông Phạm Văn Khánh - Chủ tịch UBND xã An Vũ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, địa phương vừa...