Bão “nuốt” tàu hàng: Bao nhiêu lít dầu đang nằm dưới biển Quy Nhơn?
Nhiều chủ tàu vẫn loay hoay tiến hành các thủ tục để thực hiện việc trục vớt tàu lên bờ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đơn vị trục vớt, nguồn kinh phí… đang khiến họ gặp rất nhiều khó khăn.
Có tránh được thảm họa môi trường?
Ngày 10.11, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định về kế hoạch thực hiện trục vớt và ứng phó sự cố dầu tràn đối với 9 xác tàu bị chìm, mắc cạn do bão số 12 gây ra tại vùng biển Quy Nhơn. Thời gian để các chủ tàu trình phương án trục vớt, cứu hộ chậm nhất đến ngày 8.12.
“Quá thời gian quy định như trên mà các chủ tàu chưa trình phương án trục vớt với tài sản chìm đắm thì UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành trục vớt và các chủ tàu sẽ chịu mọi chi phí cũng như trách nhiệm theo quy định của pháp luật”, ông Trần Châu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – yêu cầu.
Nhiều tàu gặp nạn trên biển Quy Nhơn đang tìm ẩn nguy cơ tràn dầu. Ảnh: D.T
Theo UBND tỉnh Bình Định, trong quá trình thực hiện, các chủ tàu phải nhanh chóng hợp đồng với đơn vị trục vớt, cứu hộ xây dựng phương án trục vớt và tổ chức thực hiện. Chủ tàu phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc trục vớt, ứng phó sự cố tràn dầu bảo vệ môi trường. Yêu cầu chủ tàu ký kết với các công ty có chức năng hoặc Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung để triển khai việc ứng phó với sự cố tràn dầu.
Tỉnh Bình Định yêu cầu Sở TN&MT cùng với Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn phải phê duyệt phương án trục vớt các tàu. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung để theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu trong suốt quá trình trục vớt.
Video đang HOT
Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn có trách nhiệm điều động lực lượng của Công ty Môi trường đô thị chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết sẵn sàng ứng phó nếu sự cố tràn dầu xảy ra. Sở NN&PTNT Bình Định phải bố trí 1 tàu kiểm ngư tham gia cùng với Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu Miền Trung triển khai phao vây dầu để kịp thời xử lý…
Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến – Phó Cục trưởng Cục cứu hộ – cứu nạn Bộ Tổng tham mưu, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn – cho biết: “Việc trục vớt các tàu hàng bị chìm lên bờ sẽ được làm rất cẩn thận, tuyệt đối không để sự cố tràn dầu xảy ra. Vấn đề này do chính tỉnh Bình Định chủ trì, chúng tôi đã điều các chuyên gia và đặc biệt Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực II vào đây rồi. Thực hiện trục vớt song song với giải quyết ứng phó với sự cố tràn dầu. Muốn trục vớt thì phải có thợ lặn thăm dò trước, rồi tiến hành lấy hàng ra, hút hết dầu trong tàu để tránh sự cố”.
Chủ tàu “chạy” không kịp yêu cầu của tỉnh
UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện vùng biển Quy Nhơn có 9 xác tàu bị chìm, mắc cạn. Số lượng dầu trên các tàu chìm, mắc cạn ước tính khoảng 211.686 lít dầu DO và 8.000 lít dầu FO.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều chủ tàu vẫn loay hoay tiến hành các thủ tục để thực hiện việc trục vớt tàu lên bờ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đơn vị trục vớt, nguồn kinh phí… đang khiến họ gặp rất nhiều khó khăn.
Việc trục vớt tàu phải đảm bảo nguyên tắc, không để xảy ra sự cố tràn dầu. Ảnh: D.T
Ông Nguyễn Công Khoa (46 tuổi, quê Thái Bình, chủ tàu Nam Khánh 26) cho biết, vấn đề thực hiện các thủ tục để trục vớt đang gặp rắc rối vì chủ tàu muốn tìm kiếm đơn vị trục vớt đảm bảo tiến hành khẩn trương, có năng lực và giá cả phải chăng.
“Điều này rất khó, trong khi đó chủ tàu lại đang gặp áp lực thời gian do phía tỉnh Bình Định đưa ra. Thú thật, nếu đơn vị trục vớt lấy giá cao thì chắc chắn chúng tôi không đủ khả năng thanh toán. Vì tính cả hàng hóa, tổng thiệt hại của chúng tôi đã lên đến 20 tỷ đồng. Tại hiện trường, con tàu bị bão đánh vỡ, trục vớt lên chỉ để bán sắt vụn chứ không thể tái sử dụng được”, ông Khoa thông tin.
Theo ông Nguyễn Điền – chủ tàu Biển Bắc 16, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu trình phương án trục vớt chậm nhất vào ngày 9.11 nhưng đến chiều 10.11 phía chủ tàu vẫn chưa hoàn thành.
“Phía cảng vụ ban đầu họ ép chúng tôi dữ lắm nhưng thực sự là chạy không kịp, liên lạc nhiều công ty trục vớt nhưng chưa tìm được đơn vị đáp ứng yêu cầu. Dự tính trong ngày mai, chúng tôi mới chốt được phương án. Cái này rất quan trọng, nếu đơn vị trục vớt không đủ kinh nghiệm thì sẽ rất nguy hiểm”, ông Điền lo lắng.
Chia sẻ với mất mát của chủ tàuTrong chuyến làm việc tại Bình Định gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chia sẻ với mất mát của các chủ tàu trong vụ hàng loạt tàu hàng bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn. Đồng thời, ông Hà yêu cầu nhanh chóng trục vớt, không để xảy ra sự cố tràn dầu và đề nghị tỉnh Bình Định làm việc với doanh nghiệp bảo hiểm liên quan, tác động để các đơn vị hợp đồng trục vớt xem xét “chia sẻ chi phí cần thiết” với chủ tàu. Với trách nhiệm pháp lý từng bên, điểm nào còn “mập mờ” phải được làm sáng tỏ.
Theo Danviet
Số người chết do bão số 12 vẫn không ngừng tăng
Bão số 12 đã khiến 106 người chết và 25 người mất tích; hàng ngàn ngôi nhà; hoa màu... bị ngập, hư hỏng...
Bão số 12 đã gây ra hậu quả hết sức nặng nề cho các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ảnh Báo giao thông.
Theo số liệu của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), tính đến sáng 9/11, cơn bão số 12 làm chết 106 người (tăng 24 người so với báo cáo ngày 8/11).
Cụ thể,tỉnh Khánh Hòa: 39 người, Bình Định: 17 người, Quảng Ngãi: 8 người, Quảng Nam: 24 người, Thừa Thiên-Huế: 10 người, Lâm Đồng: 3 người, Phú Yên: 1 người, Kon Tum: 1 người, Đắk Lắk: 1 người, Quảng Trị: 1 người, Đà Nẵng: 1 người.
Ngoài ra, vẫn còn 25 người mất tích (Quảng Nam: 11 người, Bình Định: 8 người, Khánh Hòa: 5 người, Phú Yên: 1 người).
Bão số 12 cũng làm hơn 120.000 ngôi nhà sập đổ, tốc mái, hư hỏng; gần 10.000ha lúa ngập còn có 15.203ha rau màu thiệt hại, 25.957 lồng bè nuôi trồng thủy sản mất trắng. Có ít nhất 1.294 tàu thuyền của ngư dân bị chìm, hư hỏng.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, ngày 9/11, không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống nước ta, nhiễu động gió Đông vẫn còn hoạt động mạnh. Trong ngày và đêm 9/11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng sẽ lên.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh trên, đặc biệt ở các huyện: Hướng Hóa, Đắkrông (Quảng Trị); Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên-Huế); Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Quế Sơn (Quảng Nam).
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt cục bộ tại các tỉnh trên, đặc biệt tại một số huyện: Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, Thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế), Núi Thành, Thành Phố Tam Kỳ (Quảng Nam).
Do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, nhiều hồ chứa đã đầy nước, lưu lượng về các hồ chứa vẫn tiếp tục được bổ sung, nguy cơ cao gây mất an toàn cho các hồ chứa xung yếu trên địa bàn tại các tỉnh trên.
Theo Danviet
Bão nuốt 8 tàu hàng: Cận cảnh thợ lặn đặc công tìm kiếm nạn nhân Mặc dù đã lặn xuống khu vực tàu chìm (tại Bình Định) để tìm kiếm nhưng thợ lặn đặc công gặp rất nhiều khó khăn vì thời tiết quá xấu. Chiều nay (9.11), Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến - Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - cứu nạn Bộ Tổng tham mưu, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu...