Bão Nida vào Trung Quốc, gây mưa to cho Bắc Bộ
Sáng nay, bão Nida trên khu vực đông nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và theo hướng tây về biên giới Việt Nam, gây mưa cho nhiều khu vực ở Bắc Bộ với lượng mưa có thể lên đến 200 mm.
7h sáng 2/8, bão Nida ở phía đông nam tỉnh Quảng Đông, cách Hong Kong khoảng 30 km phía bắc đông bắc, sức gió mạnh nhất 100 km/h, tương đương cấp 10. Hôm nay bão theo hướng tây tây bắc đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo đường đi của bão lúc 7h sáng 2/8 của Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn trung ương. Ảnh: NCHMF.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, đến 3/8 áp thấp nhiệt đới trên đất liền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với cường độ mạnh nhất 60 km/h (cấp 7), rồi suy yếu thành vùng áp thấp.
Dự báo của đài Việt Nam tương đồng với các đài khí tượng Hong Kong, Hải quân Mỹ, tức bão không đi vào đất liền Việt Nam. “Tuy nhiên, sau khi đổ bộ vào phía nam Trung Quốc, bão hướng về biên giới Việt Nam, cùng lúc đó là đới gió đông nam sau bão di chuyển theo, gây mưa lớn ở Bắc Bộ”, chuyên gia khí tượng cảnh báo.
Từ đêm nay, mưa to bắt đầu ở khu vực đông bắc, sau đó lan ra toàn miền Bắc. Trọng tâm được dự báo là khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ với lượng mưa cả đợt 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.
Mưa lớn ở nam Trung Quốc cũng khiến nhiều chuyên gia lo lắng bởi đây là vùng tập trung chính của các lưu vực sông miền Bắc Việt Nam, nên khả năng cao sông suối sẽ xuất hiện lũ sau bão. “Đây là mối nguy hiểm lớn, bởi sau bão lũ thường rất lớn, nên cần đề cao việc chống lũ quét, sạt lở đất”, một chuyên gia nói.
Video đang HOT
Dự báo của đài khí tượng Hong Kong tương tự Việt Nam về đường đi của bão Nida. Ảnh: HKO.
Mưa kéo dài đến ngày 4/8, đẩy lùi nắng nóng ở Bắc và Trung Bộ hai ngày qua. Trước đó, hoàn lưu bão Nida với trường gió tây bắc phân kỳ thổi từ Trung Quốc xuống Bắc và Trung Bộ gây nắng nóng, mức nhiệt phổ biến 35-37 độ C, một số nơi trên 38 độ C như: Bắc Mê (Hà Giang); Chợ Rã (Bắc Cạn); Cao Bằng 39 độ.
Hình thái thời tiết này tiếp tục trong hôm nay, trong đó, Hà Nội cao nhất 38 độ C. Từ ngày 3/8, nắng nóng châm dưt ở Bắc Bộ và giảm dần ở các tỉnh Trung Bộ.
Nida là cơn bão thứ hai ở biển Đông. Trước đó tối 27/7 bão Mirinae đổ bộ vào các tỉnh Thái Bình – Ninh Bình, cường độ cấp 9, nhưng sức gió giật tới cấp 13. Trong khoảng 4 giờ quần thảo trên đất liền, bão đã làm 3 người chết, 4 người mất tích, 30 nhà đổ sập, 25.000 nhà khác tốc mái, quật đổ 17.000 cột điện. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình bị mất điện toàn bộ trong hơn một ngày.
Phạm Hương
Theo VNE
Công điện của Thủ tướng Chính phủ ứng phó với bão số 2
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 2 năm 2016.
Bão Nida đã vào biển Đông trở thành cơn bão số 2.
Nội dung công điện như sau:
Sáng nay (1.8), bão Nida đã vào biển Đông trở thành cơn bão số 2 năm 2016; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11, giật cấp 13 - 14. Do ảnh hưởng của bão, từ hôm nay khu vực phía bắc biển Đông sẽ có gió mạnh cấp 8 đến cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 13 - 14, giật cấp 16, cấp 17.
Theo dự báo hiện nay, bão di chuyển về hướng bờ biển của Hồng Kông nhưng phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng, hoàn lưu bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta. Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, tiếp tục mạnh thêm và diễn biến còn rất phức tạp, không loại trừ khả năng bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta.
Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão, trước hết là đối với phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, tránh tư tưởng chủ quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo, chỉ đạo ứng phó với bão để chính quyền các cấp ở địa phương và người dân lưu ý, theo dõi, cập nhật thường xuyên, tránh tư tưởng chủ quan.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành thủy sản phối hợp với lực lượng biên phòng tuyến biển, chính quyền các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ hoạt động ở khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, chủ động hướng dẫn tàu thuyền không đi vào và khẩn trương thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, những trường hợp không bảo đảm an toàn kiên quyết yêu cầu di chuyển về bờ tránh trú. Chủ động kiểm tra, chỉ đạo các địa phương rà soát phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phương án vận hành các hệ thống thủy lợi để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị quản lý hoạt động vận tải nắm chắc thông tin, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho các tàu vận tải trên biển.
5. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo chuẩn bị phương án bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai cứu hộ, cứu nạn, tổ chức sơ tán dân khi có yêu cầu.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
- Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo các cấp chính quyền ở địa phương và người dân triển khai các biện pháp chủ động phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.
- Sử dụng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chủ động hướng dẫn thoát ra và không đi vào vùng nguy hiểm.
- Phối hợp với lực lượng biên phòng tuyến biển, ngành thủy sản và các đơn vị có liên quan kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào nơi trú tránh, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, kể cả đối với tàu vận tải.
- Chủ động rà soát phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tiêu thoát nước chống ngập úng đối với sản xuất nông nghiệp và tại các đô thị, khu dân cư trên địa bàn; rà soát, chủ động di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm hoặc sẵn sàng thực hiện phương án sơ tán khi bão có nguy cơ ảnh hưởng.
- Chủ động có phương án ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực miền núi, trung du có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để đảm bảo an toàn.
7. Các Bộ ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão theo quy định.
8. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo PV (Chinhphu.vn)
Bão số 2 - bão Nida tiếp tục mạnh lên cấp 13-14 Cơn bão số 2 có tên quốc tế là Nida đang mạnh lên cấp 13-14, gió giật cấp 16-17. Vị trí và hướng đi của cơn bão Nida. Ảnh: TT Dự báo KTTVTƯ Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào hồi 4 giờ ngày 1/8, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc;...